Friday, July 8, 2011

Mỹ điều tàu ngầm để thị uy

Tàu ngầm của Hoa Kỳ

Hiện diện chưa từng chứng kiến của loạt tàu ngầm Mỹ

Tin cho hay, trong một diễn biến ít ai biết tới, ngay trước khi Trung Quốc loan báo tập trận tại Đông Hải (30/06-05/07), Mỹ đã điều ba tàu ngầm tới các cảng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) xuất bản tại Hong Kong nói hôm thứ Hai 28/06, ba tàu ngầm thuộc loại lớn nhất trong Hạm đội 7 của Mỹ được điều động trong màn thị uy "chưa từng thấy kể từ cuối Chiến tranh lạnh".

Đó là các tàu USS Michigan, được điều tới Pusan, Hàn Quốc; tàu USS Ohio tới Vịnh Subic của Philippines; và tàu USS Florida tới Diego Garcia trong Ấn Độ Dương.

Việc điều động này được nhận xét là chỉ dấu cho thấy sự leo thang trong hoạt động dưới đáy biển ở Đông Á.

Báo Hong Kong cho hay ba tàu ngầm hạng Ohio này vừa được nâng cấp từ sử dụng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân chuyển sang dùng các vũ khí tối tân hơn như thiết bị do thám hiện đại và số lượng lớn tên lửa Tomahawk chuyên tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Tổng số tên lửa mà ba tàu này mang trên mình lên tới 462 chiếc Tomahawk.

Một quan chức quốc phòng hoạt động lâu năm ở Á châu được trích lời nói đây là lượng hỏa lực vô cùng lớn.

Quan chức giấu tên này nói: "Đây là dấu hiệu nữa cho thấy Hoa Kỳ đang kiên quyết duy trì vị thế thống lĩnh về quân sự ở châu Á. Làm động tác này lộ liễu như vậy, Mỹ muốn chuyển thông điệp cho Bắc Kinh và các nước khác, kể cả đồng minh lẫn không đồng minh."

Bắn đạn thật

Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực Đông Hải trong sáu ngày, bắt đầu từ thứ Tư 30/6.

Có đồn đoán nước này đem vào thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến tối tân nhất mà chưa quốc gia nào sử dụng.

Báo Bưu điện Hoa Nam nhận định rằng quyết định của Mỹ, đưa ra chỉ trước đó hai ngày, có thể là phản ứng của Washington trước quan ngại của các nước láng giềng trong khu vực, vốn đã "kín đáo yêu cầu Mỹ có hành động trước thái độ ngày càng mạnh bạo của hải quân Trung Quốc tại Đông Á".

Một quan chức ngoại giao được dẫn lời nói: "Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Australia - tất cả các nước này đều đã nhiều lần phản ánh quan ngại của mình đằng sau hậu trường."

"Không có chủ đề nào "nóng" hơn câu chuyện về tham vọng hải quân của Trung Quốc."

Tại Washington thì đang xuất hiện quan ngại về lượng hỏa tiễn ngày càng lớn ở Đông Á.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính rằng Trung Quốc đã tăng con số tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình chuẩn xác.

Báo cáo mới nhất của bộ này về quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cho hay con số tên lửa tầm ngắn ghi được vào cuối tháng 9/2008 là từ 1.050 tới 1.150, nay tăng 100 chiếc/năm, tập trung vào Đài Loan.

Trong cuộc tập trận mới kết thúc, giới quan sát nói có thể Bắc Kinh mang ra thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo có tên gọi là "sát thủ của hàng không mẫu hạm" (aircraft carrier killer).

Được bắn đi từ bệ phóng lưu động, loại hỏa tiễn này có sức công phá rất lớn và sẽ khiến Hoa Kỳ phải cân nhắc lại hoạt động của các hàng không mẫu hạm, nhất là số tàu mà nước này duy trì ở Hạm đội 7 tại Nhật Bản.

Tan tác đoàn tàu câu mực Hoàng Sa

SGTT.VN - Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin – một trong những đầu lĩnh của đoàn câu mực Hoàng Sa ở Đà Nẵng, người chỉ huy cứu nạn trong bão Chanchu năm 2006, nhân vật "Người đương thời" của Truyền hình Việt Nam – cách đây hai năm đã phải bán tàu, giải nghệ. Đoàn câu mực Hoàng Sa – Đà Nẵng hơn 120 chiếc tàu đã tan tác…

Trùm câu mực giải nghệ

Tại ngôi miếu có hình chiếc tàu mũi hướng ra biển thờ các hương linh bỏ mình trên biển cả, chiều nào thuyền trưởng Xin cũng ngồi thẫn thờ... Ảnh: Huỳnh Anh

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin, biệt hiệu Xin "nhà quê", gốc ngư dân Hội An, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 12 tuổi anh được bà ngoại đưa ra Đà Nẵng theo ngư dân làng chài Thanh An – Thanh Thuỷ phụ việc trên tàu. Năm nay 50 tuổi, tính ra tuổi nghề của Đỗ Văn Xin gần 40 năm, trong đó, thời gian chinh chiến ở Hoàng Sa lên tới trên 20 năm, chủ yếu là nghề câu mực.

Được tín nhiệm giao chỉ huy một tổ đánh bắt gồm bốn tàu câu mực Hoàng Sa, năm 2006, đoàn tàu câu mực 29 chiếc này của Đà Nẵng gặp nạn trong bão Chanchu. Con tàu ĐNa 90152 của thuyền trưởng Đỗ Văn Xin may mắn không bị chìm. Bão vừa ngớt, Đỗ Văn Xin ngay lập tức chỉ huy các tàu còn lại tìm kiếm những người sống sót và thi thể bạn nghề. Khi những nỗ lực cuối cùng đã tắt, các thúng câu mực trên tàu của anh đầy... xác người ướp bằng những hạt muối cuối cùng, anh cho tàu hướng mũi vào bờ để tàu cứu nạn SAR 412 ra đón.

Buổi trưa ngày 23.5.2006, ngày tàu SAR 412 vào tới đất liền, cũng chính là buổi trưa tang tóc nhất của đoàn câu mực Hoàng Sa – Đà Nẵng. Hàng ngàn thân nhân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế… đội nắng khóc than trên đường Bạch Đằng cạnh cảng. Đoàn câu mực Hoàng Sa đi 29 chiếc về 11 chiếc, 33 người sống sót và 15 thi thể may mắn trở về đất liền. Hơn 250 người khác nằm lại ở Hoàng Sa! Anh Xin nói: "Trận Chanchu cũng kinh nhưng quen rồi, chỉ hơn tháng sau là anh em tụi tui đi biển lại. Tui nói thiệt, đi ngang qua Cát Vàng lính Trung Quốc bắn chéo chéo cũng không sợ, gặp bão cũng lờn… Anh thử tưởng tượng đoàn câu mực của mình ra Biển Đông thì các tàu Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines… trong khu vực đó cũng phải nể. Họ toàn tàu hiện đại, mình chỉ có cái thúng chai bập bềnh mà cũng không thua…" Nói tới đó, thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm biển khơi bỗng lặng thinh.

Hoàng Sa từ Đà Nẵng, theo kinh nghiệm của anh Xin, đi hai ngày hai đêm thì tới. Đi từ Lý Sơn ra càng gần hơn. Hoàng Sa có nhiều cá, mực, là chỗ thân thuộc bao đời này của ngư dân Đà Nẵng và Lý Sơn. Dân Đà Nẵng chuyên nghề câu mực, dân Lý Sơn chuyên lặn vú nàng từ lâu đã thành làng nghề. Lúc cao điểm nhất, đoàn câu mực Đà Nẵng ở Hoàng Sa có trên 120 chiếc tàu. Hàng năm, mùng 10 tháng giêng, bạn nghề từ Quảng Nam, Quảng Ngãi… hàng ngàn người tập trung về bến, chỗ đường ven biển Nguyễn Tất Thành bây giờ, chuẩn bị chuyến ra khơi đầu năm vui như hội. Vậy mà bây giờ, cả đoàn chỉ còn lại sáu chiếc tàu nhỏ. Thuyền trưởng lừng danh Đỗ Văn Xin, ngư dân câu mực Hoàng Sa dày dạn kinh nghiệm, cũng đã phải bán tàu giải nghệ.

Chết vì thương lái Trung Quốc

Giống như nhiều ngư dân khác trong đoàn câu mực Hoàng Sa, thuyền trưởng Đỗ Văn Xin phải bán tàu, thất nghiệp ở nhà nuôi gà và buôn bán phụ vợ. Ảnh: Huỳnh Anh

Năm 2009, anh Đỗ Văn Xin, một trong những ngư dân cuối cùng còn cầm cự của đoàn câu mực Hoàng Sa, đành phải nuốt nước mắt bán đi chiếc ĐNa 90152 từng nuôi sống gia đình anh và nhiều gia đình bạn nghề khác ở Quảng Nam.

Thời hoàng kim của nghề câu mực xà (trước bão Chanchu), nhiều gia đình ngư dân ở Thanh Khê đua nhau vay mượn tiền đóng tàu. Tàu đóng mới, đi chừng sáu chuyến biển đã lấy lại vốn, bạn câu mỗi chuyến đi cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Đó là thời điểm thương lái Trung Quốc đột ngột đẩy giá mực xà lên cao chất ngất. Thương lái trong nước mua sáu, thương lái Trung Quốc mua lại mười. Chỉ một mùa mực, toàn bộ các đầu nậu đều trở thành "con chạy" cho thương nhân Trung Quốc. Mỗi lần đoàn câu mực Hoàng Sa về, hàng trăm tấn mực xà ùn ùn đổ qua cửa khẩu Tân Thanh, xe tải chở mực nối đuôi hàng đàn trên quốc lộ. Thấy gia đình này trúng mực, gia đình kia cũng dốc sức đóng tàu, bao nhiêu tiềm lực của ngư dân Thanh Khê đổ hết vào đoàn tàu câu mực Hoàng Sa. Anh Xin kể: "Họ giỏi thiệt, cũng con mực xà của mình, họ thuê bãi tập kết ở cửa khẩu Tân Thanh, sau khi đem qua biên giới và đưa trở lại Việt Nam con mực trắng tinh, thơm phức, to hẳn ra với giá bán cao gấp nhiều lần giá mua mực thô của Việt Nam".

Mực xà Hoàng Sa có đặc điểm phơi khô lên có màu hơi đen, vị hơi nhẫn, thị trường trong nước không chuộng vì chế biến không tốt. Ngư dân câu mực cũng hiếm khi ăn mực xà tươi tại tàu vì đặc điểm đó nhưng giai đoạn hoàng kim, nó từng là sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Đùng một cái, năm 2007, thương nhân Trung Quốc không chịu "ăn hàng" nữa. Mực xà rớt giá từ 100.000 đồng/kg xuống còn 18.000 đồng/kg. Dân câu mực ngã ngửa. Mực đánh về không đủ tiền dầu, tiền lương thực, nước đá. Năn nỉ ỉ ôi thương nhân Trung Quốc cũng không chịu mua. Đoàn câu mực Hoàng Sa nổi tiếng của ngư dân Đà Nẵng bắt đầu tan tác. Các chủ tàu bán đổ bán tháo trả nợ ngân hàng. Những người bạn nghề táo tác trở về quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… kiếm sống bằng nghề lưới ven bờ hoặc làm nghề khác.

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin nói, làm nghề quen rồi, không đi nhớ biển lắm nhưng giờ nếu bảo vay ngân hàng để đi thì thà giải nghệ còn hơn. Biết là biển của mình nhưng đành phải bỏ trống cho người khác khai thác. Bây giờ, chiều chiều trên con đường tuyệt đẹp Nguyễn Tất Thành, đi ngang qua ngôi miếu thờ các hương linh bỏ mình trên biển cả có hình chiếc tàu mũi hướng ra biển, nếu nhìn thấy vài ba người đàn ông ngồi chơi ở đấy thì chắc chắn đó là những ngư dân trong đoàn câu mực Hoàng Sa đã bỏ nghề trở thành thất nghiệp...

Nguyễn Minh Sơn

Tàu vận tải Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Lý Sơn

SGTT.VN - Sáng nay 8.7, tin từ UBND huyện Lý Sơn cho hay, một tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn đang hành nghề trên biển thì bị một tàu vận tải của Trung Quốc tông chìm. Vụ việc xảy ra vào chiều hôm qua 7.7, tại tọa độ 15,13 độ vĩ Bắc, 109,15 độ kinh Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 4 hải lý về phía đông bắc. Khi tàu cá QNg 6025 TS của thuyền trưởng Trần Văn Có ở thôn Đông, xã An Vĩnh đang đánh bắt hải sản trên biển thì tàu chở hàng Hoa Lư (Trung Quốc) trên hành trình từ Trung Quốc đến cảng Thái Lan chạy ngang qua địa điểm nói trên đâm vào.
Hậu quả là, tàu QNg 6025 TS bị chìm, và hai lao động rơi xuống biển. Sau đó, hai ngư dân này được tàu vận tải Trung Quốc vớt và chở về cảng Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Lý Sơn, đến sáng nay 8.7, hai ngư dân này sức khỏe đã ổn định. Các ngành chức năng đang điều tra để làm rõ thêm vụ việc.
Phạm Anh

CHIỀU NAY, AN NINH ĐÃ LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI ĐỌC TUYÊN CÁO Ở NHÀ HÁT LỚN

 
Tôi - Nguyễn Xuân Diện, vừa gọi điện cho Em Phương - người thanh niên đọc TUYÊN CÁO TẠI NHÀ HÁT LỚN sáng 3.7.2011 vừa qua thì được biết em đang phải làm việc với công an quận Hà Đông. Đến 16h15 em Phương đã ra khỏi trụ sở công an. Phía công an yêu cầu em Phương, đúng 07h30 sáng Chủ nhật (ngày 10 tháng 07 năm 2011) có mặt tại Công an quận Hà Đông.
_________________________________________________


Thưa anh Ba và các bạn,

Có một sinh viên thương mại vừa ra trường, mới đi làm, rất đẹp trai và khôi ngô – người đi biểu tình 3 lần, bạn này hay cầm cái lá cờ có đầu lâu xương chéo đi đầu hàng. Hôm lần 4 thì bạn bị mấy anh ém áo thường phục xông vào giựt biểu ngữ và định bắt ở chỗ gần quán ca fe Cột Cờ. Mọi người xúm lại truy vấn, hỏi mấy anh kia là ai thì mới khỏi bị bắt.

Tuy nhiên, hôm 1.7 vừa rồi, các công an phường Điện biên đã yêu cầu bạn này ra phường và hỏi han xem có theo tổ chức nào hay không (họ làm việc nghiệp vụ kém quá), bắt viết cam kết là không đi biểu tình nữa !!!

Bạn này tên là Cường. điện thoại 0982XXXXXX.

Việc này cần được các cán bộ phường Điện biên trả lời công luận: Họ làm việc đó đúng hay sai, ai cho phép họ cấm trí thức đi biểu tình? ai chỉ đạo họ?

Trân trọng đề nghị các bạn và các đồng chí an ninh tham khảo CẨM NANG BIỂU TÌNH (phần bổ sung):

V. VỀ PHẦN NGƯỜI THAM GIA BIỂU TÌNH BỊ BẮT GIỮ

A. Những điều nên làm

1. Khi tham gia BT nên luôn luôn đi sát một hay một vài người đã quen hay mới quen nhưng đáng tin để, nếu ta hay người đó bị bắt thì mọi người sẽ được thông báo ngay lập tức mà có đối sách thích hợp.

2. Khi bị bắt, nên kịp thời thông báo bằng mọi cách: la to, vẫy tay, ra hiệu và phản ứng hợp lý, để cho mọi người trong đoàn BT chú ý và biết có sự cố xảy ra.

3. Khi bị giữ lại nơi trụ sở, xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân (nếu có mang theo), khai chính xác về nhân thân, địa chỉ cư trú.

4. Đề nghị người được phân công làm việc với mình cho biết lý do bắt giữ.

5. Khi được hỏi lý do, động cơ BT thì trả lời: lòng yêu nước và căm thù ngoại xâm. Về cơ sở pháp lý thì dẫn điều 69 của hiến pháp.

6. Khi được hỏi về thông tin BT thì trả lời: từ mạng internet hoặc từ các tụ điểm đông người...

7. Khi được hỏi về số lần tham gia thì trả lời đúng như sự thật.

8. Trong khi chờ đợi sự ứng cứu của đoàn BT, hãy giữ bình tình, tự tin về hành vi chính đáng của mình. Thiệt vàng không sợ chi lửa.

9. Đề nghị được liên lạc với gia đình, người thân hay bạn bè đang tham gia BT và thông báo cho họ tình cảnh của bạn.

10. Dùng lời lẽ ôn hòa, có thái độ lịch sự với người làm việc với mình bởi lẽ khác với những người cấp dưới, đa số những người được cử ra làm việc đều là người có học thức nhất định, có nghiệp vụ tốt và có tư cách tốt. Luôn lưu ý rằng họ đang làm phận sự của một công bộc. Họ phải làm theo chức năng nhiệm vụ được giao và rất nhiều khi trái với ý chí của họ.

B. Những điều không nên làm

1. Không nên phản ứng thái quá khi bị bắt bắt như cắn, đánh trả quyết liệt, gây thương tích, vì làm như thế bạn rất dễ bị kết tội chống người thi hành công vụ.

2. Không man khai về nhân thân, địa chỉ nhưng cũng không cần khai quá nhiều chi tiết có thể gây bất lợi cho bạn như tên trường học, cơ quan làm việc…

3. Không đập phá làm hỏng hay quẳng đi những vật dụng ở nơi tạm giữ, đặc biệt là lúc chỉ có một mình.

4. Không nghe theo lời đề nghị được tha sớm hay đe dọa vô căn cứ mà khai những thông tin không đúng sự thật được mớm hay tự bịa ra, ví dụ như: đi BT theo lời xúi giục của ai, nhận tiền từ ai để đi BT. Những thông tin bịa đặt này sau đó có thể được sử dụng để chống lại bạn với những tội danh khó chối cãi.

5. Không ký tên nhận tội, vì BT là quyền hợp pháp và hợp hiến. Không ký tên vào những giấy tờ như: cam đoan không tiếp tục BT, vì những văn bản kiểu này cũng không hợp pháp và không có tính ràng buộc pháp lý.

6. Không khóc lóc, năn nỉ, xin xỏ để được thả ra sớm. Không được nhận rằng hành vi BT của mình là có tội đối với đất nước.

7. Không tìm cách đào thoát như trèo qua cửa sổ… vì làm như vậy, vừa nguy hiểm lại vừa phạm pháp.

8. Không ngắt lời người làm việc với mình. Không nói quá to, chủi thề, văng tục… Chờ cho họ nói xong mới từ tốn trả lời từng điểm một. Không nhìn đi nơi khác khi trả lời. Nên nhìn thẳng vào mặt họ. Nó chứng tỏ bạn là người trung thực.

9. Những gì được hỏi mà bạn không rõ, không biết, thì trả lời không biết. Chớ suy diễn hay bịa thông tin để trả lời vì nó có thể gây hại cho bạn sau này.

10. Không cung cấp những thông tin mà có thể gây bất lợi cho người khác đặc biệt những người cùng tham gia BT với bạn.

Source:  http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/thong-tin-ve-nhung-thanh-nien-uoc-cong.html

Thêm chi tiết về tập luyện hải quân Việt -Mỹ 15-21/7/2011

Tàu hải quân Mỹ

BBC -  Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa cung cấp thêm thông tin về hoạt động chung giữa hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ kéo dài một tuần trong tháng Bảy.

Ngày 07/07, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên NHK về tình hình an ninh và an toàn Biển Đông, trong đó có đề cập tới sự kiện các tàu chiến Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng ngày 15/07 sắp tới.
Bà Nga cho hay ba tàu hải quân Hoa Kỳ gồm có tàu USS Preble, tàu USS Chung-Hoon và USNS Safeguard "sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong khoảng thời gian chính thức từ ngày 15-21/07".
Bà Nga nói tại cuộc họp báo: "Đây là hoạt động giao lưu định kỳ hằng năm và đã được hai bên thỏa thuận từ trước nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước, thực hiện các hoạt động nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chuyên môn của hải quân và tìm kiếm cứu nạn."
Người phát ngôn Việt Nam cũng nhấn mạnh "đây không phải là cuộc tập trận hải quân như một số báo chí đưa tin".
Trước đó theo cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, khi ở Việt Nam các thủy thủ Mỹ sẽ tham gia hoạt động cộng đồng, các buổi huấn luyện về tìm kiếm và cứu nạn, kiểm soát thiệt hại, lặn và cứu hộ với hải quân Việt Nam.

'Tăng cường quan hệ'

Tháng 08/2010, tàu hải quân Hoa Kỳ USS John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước.
Nhân dịp này, hải quân Mỹ-Việt đã có cuộc diễn tập cứu hộ chung cùng với sự chỉ đạo cuả chỉ huy tàu USS John S. McCain, ông Jeffrey J. Kim bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Tàu USS Chung-Hoon vừa tham gia cuộc tập trận chung "Hợp tác Sẵn sàng Chiến đấu và Huấn luyện Trên biển"-CARAT với hải quân Philippines hồi tháng Sáu. Tàu này được coi là một trong các khu trục hạm tối tân nhất của Hạm đội 7.
Trước đó tàu chiến của Mỹ đã có nhiều chuyến thăm đến Việt Nam, trong đó hai chuyến vào năm 2008, hai chuyến năm 2009.
Những sự kiện 'diễn tập' như thế này thu hút rẩt nhiều sự chú ý từ phía Trung Quốc, đặc biệt kèm theo các căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trước diễn biến tình hình mới này giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực.

Nguyễn Phương Nga - 'Biểu tình là phản ứng của người dân' !

Trường Sa

Trả lời báo nước ngoài hôm thứ Năm 07/07, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói việc biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông".

Bà Nguyễn Phương Nga đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ với các phóng viên trong và ngoài nước, trong đó bà trả lời một số câu hỏi được các phóng viên gửi tới từ trước.
Báo mạng Giáo dục Việt Nam tường thuật rằng phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại đây đã hỏi bà Phương Nga: "Liệu trong bao lâu nữa Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép người dân tiến hành biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc sau một loạt các sự kiện người dân Việt Nam tiến hành tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự kiện thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã tới thăm Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua?"

Bà Nga không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói: "Trong cuộc họp báo hôm trước tôi cũng đã từng nói, đây là phản ứng của người dân Việt Nam trước những sự kiện gần đây diễn ra trên Biển Đông". Câu trả lời của người phát ngôn dường như biểu lộ hàm ý không hẳn tán đồng nhưng cũng không chỉ trích điều mà chính phủ Việt Nam sau sự kiện biểu tình hôm 05/06 nói là "một số người đã tự phát tụ tập... để thể hiện tinh thần yêu nước".
Bản tin của Giáo dục Việt Nam nay đã bị gỡ xuống nhưng vẫn còn lưu lại trên một số trang mạng.
Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải "định hướng dư luận" sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trả lời một câu hỏi khác, bà Nga nói Bộ Ngoại giao Việt Nam "không có thông tin về việc" được nói là tàu Trung Quốc định cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hôm 30/06.

'Nhận thức chung'

Bà Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng giải thích về 'nhận thức chung' giữa lãnh đạo VN và TQ về Biển Đông nhưng không nhắc tới cụm từ 'đồng thuận'.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về 'nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông', bà Nga nói "nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc", gần đây nhất là trong "thông tin báo chí chung về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc" hôm 25/06.
Bà Nguyễn Phương Nga

Bà Nguyễn Phương Nga là người phát ngôn Bộ Ngoại giao

Người phát ngôn Việt Nam nhắc lại những chi tiết chính của nhận thức chung này, như quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông; duy trì cơ chế đàm phán trên biển; căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được ...
Bà Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, nhận thức chung đi kèm nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau trong đàm phán về các vấn đề trên biển, và "hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp".
Các điểm mà người phát ngôn Việt Nam đưa ra không có gì mới và trên thực tế đã nhắc lại nhiều lần.
Bà Nga không đề cập tới phạm trù "đồng thuận chung" mà truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là Tân Hoa Xã, đã đưa ra khi tường thuật cuộc gặp giữa ông Hồ Xuân Sơn và lãnh đạo Trung Quốc hôm 25/06.

Yêu cầu giải thích

Bản tin của Tân Hoa Xã phát đi hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn.
Ông Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện đồng thuận chung và nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Nam Hải (Biển Đông)".
Cụm từ "đồng thuận chung" hiếm gặp đã khiến không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.
Hôm 02/07, một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ Ngoại giao yêu cầu giải thích về những điều Tân Hoa Xã đưa tin.
18 trí thức ký tên yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.
Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.
Phát biểu của Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga không đề cập tới các yêu cầu nói trên.

Xuất hiện phi cơ chiến đấu gần quần đảo Trường Sa


Tin AP ngày 4/7 trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho hay một phi cơ chiến đấu chưa xác định được lai lịch bay lượn trong khu vực hoạt động của nhiều tàu đánh cá Philippines trên lãnh hải Philippines gần quần đảo tranh chấp Trường Sa, khiến các ngư phủ hoảng sợ bỏ chạy khỏi khu vực đánh cá. Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin của Philippines cho biết vụ việc xảy ra ngày 4/6 ngoài khơi tỉnh Palawan là hành động xảy ra gần đây nhất xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines, nơi chính phủ Manila trước đó đã tố cáo các tàu quân sự và dân sự của Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp. Các ngư phủ hoảng sợ nhưng không bị hề hấn gì đã rời khỏi khu vực đánh bắt mà họ gọi là Dalagang Bukid Shoal, cách đảo Balabac của tỉnh Palawan chừng 210 cây số. Ngư dân Philippines không xác định được lai lịch chiếc phi cơ bay lượn cách cột ăng-ten trên tàu của họ chừng 6 mét.Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không suy đoán lai lịch của chiếc phi cơ, nhưng nhấn mạnh đa số các vụ xâm nhập hải phận Philippines gần quần đảo Trường Sa đều do các tàu Trung Quốc thực hiện.Manila trong những tháng gần đây cáo buộc Bắc Kinh đã xâm phạm lãnh hải của họ ít nhất 9 lần. Cùng ngày 4/7, chính phủ Philippines loan báo sẽ tìm mua thiết bị quân sự hiện đại của Hoa Kỳ để giúp bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Manila tại Biển Đông. Bộ Quốc phòng nước này cho biết Manila kỳ vọng sẽ nhận được các quân cụ đầu tiên trong vòng 1 năm. Cũng liên quân tới tình hình Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật, Takeaki Matsumoto, vừa lên tiếng bày tỏ các mối quan ngại của Tokyo về căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông. Ông Matsumoto nói Nhật hy vọng các bên liên quan trong vụ tranh chấp có thể hợp tác với nhau. Lời phát biểu này được đưa ra khi Ngoại trưởng Nhật Bản hội kiến giới lãnh đạo Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh trong tuần này.
Nguồn: AP, AFP, Asia Times, Bloomberg News, from voanews/vietnamese