- Mỗi sinh viên đi bán máu sẽ được trả 500 nghìn đồng, trong khi tiền "cò" thu của gia đình mua máu là 1 triệu đồng. Như vậy, mỗi vụ "làm ăn", "cò" nghiễm nhiên lãi đến nửa triệu đồng mà chẳng phải xuất đầu lộ diện. Câu chuyện này vẫn diễn ra hàng ngày ngay trước mắt các cán bộ y tế tại bệnh viện.
Kỳ trước: "Chợ" bán máu trước cổng bệnh viện
Nhiệm vụ chính: Luôn ghi tờ tên bệnh nhân cần máu
Chúng tôi có cơ hội tận mắt chứng kiến cảnh mua bán máu diễn ra ngay trước mặt các cán bộ y tế mà họ không hề hay biết bởi những người bán máu đều được che chắn rất kỹ bằng cái mác "người nhà đi cho máu".
Tôi vào vai một sinh viên vì thiếu tiền học phí nên phải cầu cứu đến sách lược cuối cùng là bán máu. Lang thang vài vòng xung quanh cổng Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, cánh xe ôm chen ngang những lời mời "xe hả em, đi đâu chú chở cho?...", tôi đặt vấn đề muốn bán máu vì cần tiền gấp.
Một chú nghe nói vậy ra hiệu nói nhỏ và kéo tay tôi ra chỗ khác, khẳng định "tìm đúng chỗ rồi". Như hiệu mật, chú xe ôm chừng 50 tuổi, tên là Th. đưa tôi ra một chỗ gần ngã tư Tràng Thi, Triệu Quốc Đạt và gọi một người đàn ông ngoài 30 tuổi tên T đến "tiếp đón" tôi.
|
Tôi được đưa tờ đơn thuốc của bệnh nhân để "luôn luôn ghi nhớ tên bệnh nhân trong đầu" |
Những câu hỏi quen thuộc "đang học trường gì? quê ở đâu? Đã hiến máu bao giờ chưa?" được anh T hỏi dồn dập và khá kĩ lưỡng. Sau khi nghe tôi trình bày đang là sinh viên năm thứ 3, hạn nộp học phí đã đến nhưng trót tiêu tiền từ trước nên giờ phải đến đây cầu cứu, anh trấn an: "Đến đây toàn là sinh viên chứ làm gì có ai đi làm mà còn đi bán máu".
Do hôm nay chưa có khách mua máu cần nên anh T. hẹn hôm khác và trao đổi qua với chúng tôi về những điều cần phải làm khi đến đây bán máu. Cuộc mua bán sẽ theo hành trình khép kín như sau: nếu người mua có nhu cầu thì anh sẽ "alo" cho chúng tôi đến bệnh viện trước ngày mổ của bệnh nhân và tiến hành các xét nghiệm. Tiền xét nghiệm sẽ do bên B (bên mua máu) chi trả, chúng tôi chỉ việc đến đó và ... "luôn luôn ghi nhớ tên bệnh nhân trong đầu".
Ngoài ra, trong việc mua bán này, người trực tiếp bán máu sẽ không được nhận của bên B một khoản tiền nào kể cả tiền cho. Mọi mối tiền đều thu về một phía do phía người mua máu đưa trực tiếp cho các "cò" và chúng tôi sẽ được nhận một khoản nhất định nào đó. Thông thường là từ 500 nghìn đồng.
Chúng tôi ra về với lời hẹn từ an T. là có khách sẽ gọi ngay.
"Cò" không lộ diện mà điều hành từ xa bằng điện thoại
Đúng hẹn, chúng tôi được "thỉnh" đến bệnh viện vào một ngày đầu tuần có ca mổ cho một bệnh nhân gãy xương đùi, nhóm máu B, vì trong bệnh viện không còn máu nên người nhà bệnh nhân này sau khi đắn đo đã phải tìm đến sự trợ giúp của những người môi giới. Và họ là người ở giữa, gọi chúng tôi đến để bán máu.
|
PV viết giấy đăng ký hiến máu |
Vừa tới cổng bệnh viện tại 14 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội, người đàn ông tên T. đã đưa cho chúng tôi đơn thuốc, đồng thời dặn đi dặn lại nhớ tên bệnh nhân và phải nhận là chị gái của bệnh nhân xin thử máu để cho máu. Đơn thuốc của một bệnh nhân 20 tuổi, ngày mổ 24/11/2010, cần dự trù 2 đơn vị máu (tương đương với 500 ml) và cần hai người cho.
Chính vì vậy mà "cò" cố nhờ tôi thuyết phục thêm người nữa đến bán và hứa hẹn tôi sẽ nhận thêm được 100 nghìn đồng ngoài tiền bán máu đã có. Thấy có hai người, các "cò" ra đón và mừng rỡ hẳn. Cầm đơn thuốc trên tay, hai "cò" dẫn chúng tôi vào nơi dành cho người nhà bệnh nhân lấy máu. Vốn là "người quen" nên những người này không lân la lại gần khu vực hiến máu mà đứng ngoài hành lang khu khám bệnh và hướng dẫn cho chúng tôi các thủ tục qua điện thoại.
Cầm tờ đơn xin hiến máu (có nhận tiền bồi dưỡng), chúng tôi bắt đầu điền vào mẫu đăng ký với đủ các thông tin. Tôi cầm tờ đơn đăng ký đã được đánh dấu đầy đủ những thông tin cần thiết để bị loại khỏi vòng xét nghiệm. Như dự định, vị bác sĩ đã từ chối lấy máu của chúng tôi với lý do không đủ cân nặng và một số bệnh lý khác.
|
T. chăm chú nhìn tờ đơn không đủ tiêu chuẩn |
Cầm tờ phiếu ghi không đủ tiêu chuẩn của chúng tôi, người đàn ông tên H. (một trong hai cò) tỏ ra tức giận vì sắp mất một khách sộp, còn anh T. luôn miệng động viên chúng tôi: "lần đầu nên gặp nhiều bỡ ngỡ, lần này không được thì còn lần sau". Trong khi đang chờ một khách sộp mới đến, T. "tâm sự", anh làm nghề này được hai năm, hành nghề chủ yếu ở Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức. Mỗi ngày chạy được hai "ca" là mệt nhoài.
Với số tiền của 1 đơn vị máu, người mua phải đưa cho cò 1 triệu + 60 nghìn đồng tiền xét nghiệm và "cò" sẽ đưa lại cho người bán máu trực tiếp là 500 - 600 nghìn, như vậy, mỗi "cò" vẫn kiếm được 400 - 500 nghìn đồng.
Tường Vân – Lưu Ly
Theo bạn, vì sao sinh viên không trực tiếp đến bệnh viện hiến máu mà lại tham gia vào "chợ đen"? Và lãnh đạo bệnh viện có biết chuyện này hay không?
Còn tiếp: Bệnh viện nói gì về "chợ" mua bán máu?
No comments:
Post a Comment