8 Công Nhân Việt: Từ Nạn Nhân Thành Chứng Nhân
Malaysia Truy Tố Một Công Ty Về Tội Bóc Lột Công Nhân Việt
Cảnh sát Malaysia vừa xúc tiến việc truy tố một công ty chế biến các mặt hàng nhôm về tội buôn người. Trên ba chục công nhân Việt đã bị công ty này quịt lương và bỏ đói trong thời gian dài.
Sau nhiều lần được nhắc nhở và đốc thúc bởi Liên Minh CAMSA, ngày Thứ Sáu 10 tháng 12 vừa qua cảnh sát Malaysia nộp đơn vào toà án để truy tố hãng Spektra Alucast. Ngày hôm nay, 13 tháng 12, toà án đã lấy cung của 2 trong số 8 nạn nhân. Số còn lại sẽ lần lượt ra toà làm chứng trong những ngày tới đây.
"Chúng tôi hoan hỉ đón nhận tin này vì ý nghĩa tạo tiền lệ của nó", Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA, bầy tỏ.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Malaysia truy tố một công ty về tội buôn lao động.
Các nạn nhân của Spektra Alucast bị đối xử như tù nhân (ảnh CAMSA)
Theo Ts. Thắng, trước đến giờ chính phủ Malaysia chỉ thực hiện đạo luật chống buôn người một cách rất hời hợt; phần lớn họ tập trung vào các vụ buôn tình dục và lờ đi tình trạng buôn lao động rất trầm trọng.
Luật chống buôn người này được ban hành cuối năm 2007, sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Malaysia vào Hạng 3, nghĩa là hạng chót, về buôn người. Theo luật Hoa Kỳ, nếu không thay đổi, Malaysia có thể sẽ bị chế tài.
"Trong 3 năm qua, Malaysia có truy tố một số ít thủ phạm buôn lao động nhưng toàn là hồ sơ cá nhan trong những vụ cò con," Ts. Thắng giải thích. "Biết vậy nên các công ty và tổ chức buôn lao động không hề e ngại và tiếp tục hoành hành."
Văn phòng của Liên Minh CAMSA ở Malaysia nhận được lời cầu cứu của nhóm công nhân Spektra Alucast đầu năm 2009.
Cuối tháng 6 cùng năm, Ts. Thắng tiếp xúc với số công nhân này tại nơi cư ngụ của họ nhằm chuẩn bị kiện dân sự và vận động chính phủ Malaysia truy tố hình sự. Cùng có mặt tại buổi họp là cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Cao Cấp Về Các Dự Án Quốc Tế của BPSOS, và Luật Sư Daniel Lo, do Liên Minh CAMSA mướn để đại diện cho các nạn nhân.
"Sau đó chúng tôi đã họp với ban quản trị của công ty Spektra Alucast. Họ hứa hợp tác và trả đầy đủ tiền lương bị thiếu cũng như sẽ gia hạn chiếu khán lao động cho công nhân," Ts. Thắng nói.
Theo Ông, công ty Spektra Alucast có bồi hoàn lương cho một số công nhân và do đó Liên Minh CAMSA đã đình chỉ dự tính kiện và truy tố.
Tuy nhiên chỉ ít lâu sau thì đâu lại vào đó. Không những quịt lương của công nhân, công ty Spektra Alucast cũng không gia hạn chiếu khán lao động cho họ.
Đầu năm 2010, khi Liên Minh CAMSA đang chuẩn bị đơn kiện dân sự và đưa lập hồ sơ để yêu cầu cơ quan cảnh sát quốc gia truy tố hình sự công ty Spektra Alucast thì cảnh sát địa phương bắt giam 8 trong số công nhân này vì không có giấy tờ hợp lệ. Các công nhân này cho rằng công ty Spektra Alucast đã báo cho cảnh sát đến bắt nhằm trục xuất nạn nhân để phi tang.
Nhân viên Phòng Quản Lý Lao Động của toà đại sứ Việt Nam đã cùng với luật sư của Spektra Alucast cố gắng thuyết phục các nạn nhân nhận tội để sớm hồi hương.
Ls. Daniel Lo, nay là Quản Trị Toàn Quốc của Liên Minh CAMSA ở Malaysia, cố gắng thuyết phục toà án rằng đây là trường hợp buôn người và các nạn nhân cần được bảo vệ thay vì bị trừng trị.
Trong phiên xử ngày 18 tháng 6, toà án Malaysia phủ nhận tính đại diện cho nạn nhân của luật sư do Spektra Alucast mướn và không cho phép nhân viên của toà đại sứ Việt Nam can dự vào phiên toà xử. Quan toà sau đó bãi nại và trả tự do cho 8 công nhân này. Họ được đưa về một trung tâm bảo vệ nhân chứng.
Công ty Spektra Alucast đồng ý trả tiền lương cho 8 nạn nhân l à 22.000 Ringgits (tương đương 7.000 Mỹ kim).
Trong nhiều tháng nhân viên cảnh sát hữu trách đã không thực hiện điều tra mặc dù có sự hối thúc của toà án. Một mặt Ls. Daniel Lo hối thúc một số giới chức cảnh sát quốc gia, một mặt Ông nêu tình trạng này với phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi Đại Sứ Luis Cdebaca, Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người, trong chuyến viếng thăm Malaysia vào cuối tháng 11 vừa qua.
"Tôi hy vọng là sau khi ra toà làm chứng thì các nạn nhân sẽ sớm được chính phủ Malaysia gi ải quyết để hồi hương," Ts. Thắng giải thích.
Cách đây vài hôm, một trong 8 công nhân này đã toan tính tự sát. Trước đây anh ta đã nhiều lần bày tỏ sự trầm cảm và mong muốn được hồi hương. Được cấp cứu, anh ta hiện nằm điều trị ở bệnh viện. Luật Malaysia truy tố hành vi tự sát. Hiện nay luật sư của CAMSA đang làm việc với cảnh sát Malaysia để nạn nhân này không bị truy tố vì sự tuyệt vọng của anh phần lớn do cách làm việc chậm trễ của chính cảnh sát gây nên.
Đây là trường hợp tại tiền lệ về chấp pháp luật chống buôn người của Malaysia", Ts. Thắng nhấn mạnh.
Vụ truy tố này, theo Ông, cũng đặt vấn đề với chính quyền Việt Nam về vai trò và trách nhiệm của toà đại sứ của họ trong việc bảo vệ nạn nhân và về trách nhiệm điều tra và truy tố các tổ chức xuất khẩu lao động: Công Ty Hợp Tác QuốcTế (COCECOC) ở Nghệ An, Trung Tâm Tư Vấn Công Nghệ đào Tạo và Xuất Nhập Khâu (Hantech) ở Hà Nội, và Công Ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Sơn La (SOLGIMEX JSC).
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia), hiện đang hoạt động thường trực ở Mã Lai và Đài Loan.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA
No comments:
Post a Comment