Tuesday, December 7, 2010

Đại biểu HĐND Hà Nội muốn có quyết toán đại lễ 1000 năm


Thứ ba, 7/12/2010, 22:19 GMT+7


"Thành phố chưa có báo cáo quyết toán tài chính chi tiêu cho đại lễ - điều mà Quốc hội vừa qua đã chất vấn. Cái đó chúng ta phải minh bạch, đừng để có mảng tối khiến dư luận nghi ngờ tiền chi không đúng mục đích", đại biểu Nguyễn Việt Hưng phát biểu chiều 7/12.
'Tránh tư tưởng thỏa mãn, nghỉ ngơi sau đại lễ' / 'Hà Nội cần công khai chi phí đại lễ trước HĐND'

Chiều 7/12, HĐND Hà Nội họp phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là công tác "hậu đại lễ", đặc biệt là việc minh bạch chi tiêu cho các hoạt động kỷ niệm, chào mừng dịp đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội vừa qua.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hưng, đại lễ nghìn năm là hoạt động lớn nhất năm 2010 của thành phố, nhiều thành tích được ghi nhận trong dịp này. Song, nhiều vấn đề liên quan cần được xem xét.

"Qua những công trình mới làm thể hiện bệnh "nước tới chân mới nhảy", thậm chí có đại biểu nói "nước đến cổ mới nhảy". Sát đại lễ, suốt ngày lãnh đạo thành phố chạy show cắt băng khánh thành. Điều hành không kế hoạch khiến mọi việc dồn dập, tạo căng thẳng không đáng có", đại biểu Hưng nói.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng các công trình nghìn năm bộc lộ rõ căn bệnh thành tích của Hà Nội. Ông và nhiều đại biểu yêu cầu cần sớm công bố chi tiêu cho đại lễ. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Cũng theo ông, các công trình nghìn năm đã bộc lộ rõ căn bệnh thành tích của Hà Nội. Ví dụ điển hình là đại lộ Thăng Long và công viên Hòa Bình. Trong khi đại lộ dài nhất cả nước cắt băng khánh thành xong một tuần vẫn chưa có biển báo chỉ dẫn, công trình phụ trợ chưa xong... thì công viên Hòa Bình sau khánh thành cũng ngổn ngang, nhiều hạng mục lớn chưa làm.

Nhắc đến công tác hậu đại lễ, vị đại biểu này cho rằng, những việc còn lại "còn nhiều lắm". Với việc Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra đại lộ Thăng Long, ông Hưng đặt nghi vấn liệu còn bao nhiêu công trình nghìn năm nữa cần phải kiểm tra. Riêng với chi tiêu cho đại lễ, ông tỏ ý bức xúc khi tại kỳ họp HĐND lần này thành phố vẫn chưa có báo cáo quyết toán tài chính.

"Quốc hội đã chất vấn và thành phố đã hứa là kỳ họp HĐND này phải có báo cáo đó. Cái đó chúng ta phải minh bạch, đừng để trong cái mảng sáng của kinh tế xã hội thủ đô có mảng tối để dư luận nghi ngờ tiền chi không đúng mục đích", ông Hưng thẳn thắn.

Đại biểu này còn yêu cầu thành phố cần sớm có báo cáo, càng sớm càng tốt vì "nếu không có vấn đề gì về chi tiêu dịp đại lễ thì quả thực là đẹp, thủ đô đúng là sáng rực rỡ chứ không phải sáng mờ mờ".

Cùng chung quan điểm với ông Hưng, đại biểu Bùi Thị An và Vũ Đức Tân cũng cho rằng cần sớm có sự minh bạch. Theo bà An, các công trình cho đại lễ cần công bố rõ cái nào hiệu quả, cái nào không để tạo sự tin tưởng cho cử tri. Bà kiến nghị cần có đánh giá, kiểm tra cũng như giám sát hậu các công trình đại lễ. Trong khi đó, ông Vũ Đức Tân cho rằng, tổng chi cho hoạt động kỷ niệm này là hoàn toàn có thể tính toán được.

"Thành phố cần báo cáo trong tổng chi tiêu cho đại lễ có bao nhiêu tiền từ ngân sách nhà nước, bao nhiêu từ xã hội hóa, bao nhiêu tiền chi cho các sự kiện văn hóa.... Đây là điều cử tri rất thắc mắc và cần được làm rõ", ông Tân phát biểu.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Trong khi đó, đại biểu Triệu Đình Phúc hoài nghi về chỉ tiêu tăng trưởng 12% thành phố trong năm tới. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Liên quan tới các chỉ tiêu kinh tế xã hội, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, mức tăng trưởng 11% của 2010 tuy cao nhưng chưa bền vững. Báo cáo của thành phố chỉ dành một dòng về lĩnh vực khoa học công nghệ khiến nữ đại biểu (là chuyên gia trong lĩnh vực này) cảm thấy "tủi thân".

"Muốn tăng trưởng bền vững thì hai yếu tố cơ bản là chất lượng nguồn lực và khoa học công nghệ. Ví dụ trong một tỷ đô xuất khẩu của Hà Nội có bao nhiêu phần trăm là chất xám, hay chủ yếu là các sản phẩm thô?", bà đặt câu hỏi.

Trong khi đó, với con số mục tiêu GDP 12% hoặc cao hơn trong năm 2011, một số đại biểu cũng tỏ ý hoài nghi về tính khả thi. Theo ông Triệu Đình Phúc, thành phố cần cân nhắc về con số này vì với chỉ tiêu cao, trong tình hình kinh tế thế giới đang phục hồi chậm như hiện nay tiềm ẩn nhiều phức tạp. Ngoài ra, trong báo cáo kinh tế xã hội lại chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 14% (thấp hơn so với mức tăng 20% của 2010) nên khó đảm bảo mức tăng GDP của 2011.

Nguyễn Hưn
g


No comments:

Post a Comment