Sunday, December 5, 2010

Hết đất ở, dân kéo nhau ra... nghĩa địa


03/12/2010 15:23:19

 - Hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc các thôn Hải Thành, Hải Tiến, An Hải, Hải Bình và Minh Hải của thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang phải sống chen chúc, thắc thỏm cùng với người chết trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn…

Mộ lấn nhà, nhà đè lên mộ

Đi dọc theo trục đường 49B, đoạn chạy qua thị trấn Thuận An, hình ảnh đập vào mắt du khách và người đi đường là cảnh những ngôi nhà mọc xen kẽ, được bao bọc giữa một "rừng" mồ mả.

d
Nhà chen chúc giữa rừng mồ mả. Ảnh: Vũ Cường

Khu nghĩa địa Hải Thành (thuộc thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An) rộng gần 7ha, trong 10 năm trở lại đây xuất hiện tình trạng một số hộ dân lên lấn chiếm các phần đất trống, đất mới dời mả để làm nhà ở. Theo quan sát của chúng tôi, trên khu nghĩa địa Hải Thành đang có hơn 40 ngôi nhà, cao tầng cũng có, lụp xụp cũng có đang chen chúc nhau cùng với những ngôi mộ.

Anh Nguyễn Văn Nên, một hộ dân sống trên khu nghĩa địa Hải Thành cho biết: "Tui lên đây đã hơn 10 năm rồi. Sau khi cưới vợ, vì nhà nghèo không có tiền mua đất làm nhà, thấy khu nghĩa địa còn có bãi đất trống nên lên đây dựng cái nhà ni để sinh sống. Lúc mới lên đây tui cũng thấy rờn rợn vì xung quanh toàn là mồ mả nhưng sống lâu giờ cũng thấy quen rồi".

Ngôi nhà chưa đầy 15m2 của anh Nguyễn Văn Nên nằm ẩn mình trong một "rừng" mồ. Anh Nên cho biết thêm, có ngôi mộ nào vừa được di dời là người dân lên giành nhau để làm nhà ở ngay.

Vợ chồng anh Trần Ngọc Quốc và chị Nguyễn Thị Mơ cũng là một trong những gia đình chuyển lên khu nghĩa địa đầu tiên. Chị Mơ chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi sống ở Cửa Lỗ nhưng vào năm 2000 bị Nhà nước thu hồi đất không biết phải đi đâu nữa nên hai vợ chồng kéo nhau lên đây dựng tạm căn nhà này để sống cho qua ngày. Tội nhất là bọn trẻ, lúc mới lên sống ở đây chúng sợ lắm, đi tiểu cũng phải mẹ đưa đi, không dám ra ngoài một mình".

Những đứa con chị Mơ cứ quấn lấy mẹ không dám ra khỏi nhà. Ảnh: Vũ Cường
Những đứa con chị Mơ cứ quấn lấy mẹ không dám ra khỏi nhà. Ảnh: Vũ Cường

Căn nhà nhỏ của chị Mơ bị kẹp giữa hai ngôi mộ lớn, trong đó một ngôi nằm ngay bên cạnh giếng nước. Theo lời chị Mơ, không chỉ có lũ trẻ sợ mà ngay cả chị mỗi khi ra giếng tắm vào buổi đêm cũng thấy rờn rợn.

Ông Đào Lục, Trưởng thôn Hải Thành cho biết: "Hiện toàn thôn Hải Thành có 41 hộ dân đang phải sống trên mồ mả. Họ đều là những cặp vợ chồng trẻ, vì không có tiền mua nhà nên phải lên khu nghĩa địa làm nhà sinh sống. Chúng tôi đã nhiều lần tới nhắc nhở, cảnh cáo nhưng không hiệu quả. Cuối cùng chúng tôi buộc các hộ gia đình trên phải lập bản cam kết".

Ông Đào Lục cũng cho biết không chỉ có thôn Hải Thành, ở thị trấn Thuận An còn có 4 thôn: Hải Tiến, Hải Bình, Minh Hải, An Hải cũng đang có tình trạng người dân đang phải sống chen chúc hết sức khổ sở bên những nấm mồ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (21 tuổi, ở thôn An Hải) cho biết: "Khu đất này là nơi chôn cất tổ tiên mình. Nhà mình đông con lại ít đất nên dòng họ cho mình mảnh đất này để làm nhà, vừa để có nơi nương thân vừa để trông coi mồ mả cho dòng họ. Sau này cưới vợ mình sẽ lên đây ở, không ở đây thì biết ở đâu".

 

songbenmo1.jpg
Nhiều ngôi nhà diện tích chưa bằng diện tích một ngôi mộ. Ảnh: Vũ Cường

"Số hộ dân sống trên các khu nghĩa địa ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Năm 2009 trên khu nghĩa địa An Hải (thôn An Hải, thị trấn Thuận An) mới chỉ có gần 20 hộ nhưng tới đầu năm 2010 đã tăng lên con số 30", ông Hà Thanh Diệu, Trưởng thôn An Hải, cho biết.

Một điều đáng buồn là diện tích của những ngôi mộ ngày càng nhỏ lại và những ngôi nhà thì mỗi ngày một phình to. Trong vài năm tới, những khu nghĩa địa này có còn là chỗ dành cho những người chết nữa hay không, hay sẽ trở thành khu định cư mới của người sống?

Khó khăn chồng chất khó khăn…

Là hộ gia đình chuyển lên khu nghĩa địa đầu tiên nhưng ngoài diện tích đủ để dựng một căn nhà nhỏ thì gia đình anh Nguyễn Văn Nên không còn một chút đất trống nào để sản xuất.

Anh Nên chia sẻ: "Trước đây mảnh đất ni còn rộng lắm, nhà tui còn có thể trồng rau nhưng giờ các chú xem đấy, mộ lấn nhà, nhà đè lên mộ, tứ phía đều là mồ mả. Nhà tui có 2 đứa con đang độ đến trường nhưng suốt ngày tui bắt các cháu phải ở trong nhà không dám cho ra chơi vì sợ giẫm đạp lên mộ, ảnh hưởng tới tâm lý của các cháu sau này".

Trong những hoàn cảnh chúng tôi chứng kiến, có lẽ cảm động nhất là gia cảnh của 2 vợ chồng anh Lê Thanh Hạ (45 tuổi) và chị Nguyễn Thị Khanh (41 tuổi). Bốn con người đang phải sống dưới túp lều tạm bợ có diện tích chưa bằng diện tích một ngôi mộ. Anh Hạ suốt ngày ốm đau không thể lao động, cuộc sống của gia đình trông chờ vào việc đi lượm nhôm nhựa của chị Khanh và hai đứa con nhỏ.

Anh Hạ bên túp lều của mình. Ảnh: Xuân Sinh
Anh Hạ bên "ngôi nhà" của mình. Ảnh: Xuân Sinh

Tưởng chừng "cuộc sống mới" sau khi đã có "chỗ ở" sẽ ổn định, yên bình, nhưng hàng trăm hộ dân sống trên mồ mả ở thị trấn Thuận An đang phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt và nguy cơ dịch bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hộ gia đình đều phải đi lấy nước từ vùng khác về để dùng bởi vì nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước thường có mùi hôi tanh, để lâu sẽ thấy xuất hiện váng màu vàng nhạt. Các gia đình khá giả hơn thì khoan giếng sâu 30-40m nhưng nước này cũng chỉ dùng cho việc tắm giặt còn nước dùng để nấu ăn, uống thì phải đi lấy từ nơi khác hoặc mua của những hộ dân bên kia đường.

Anh Nguyễn Văn Hời ở thôn Hải Thành tâm sự: "Nhà tui phải mua nước dùng thường xuyên với giá 1.500đ/lít, chứ nước ở đây không dùng được. Nhà tui phải dùng tằn tiệm lắm chứ tiền đâu mà mua mãi. Đặc biệt là vào những tháng mùa hè, các vùng đều bị hạn, họ không bán nước nữa nên đôi lúc nhà tui phải dùng nước ni để nấu ăn. Khổ lăm các chú à".

Các hộ dân khu nghĩa địa này cũng cho biết khi dùng nước giếng tắm cho bọn trẻ thì xuất hiện các vệt đỏ trên da và rất ngứa nhưng sau một thời gian quen rồi thì thấy không sao nữa nên họ tiếp tục dùng. Tuy nhiên nếu cứ sử dụng nguồn nước này thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn, đặc biệt là những bệnh về da, đường ruột…

songbenmo2.jpg
Hàng ngày, gia đình chị Mơ vẫn phải dùng nước bị ô nhiễm. Ảnh Vũ Cường

Mặc dù thị trấn Thuận An đã xây dựng hệ thống nước máy nhưng do hoàn cảnh các hộ gia đình đều thuộc diện rất khó khăn nên không có tiền để nối nguồn nước máy về nhà.

Ông Đào Lục, Trưởng thôn Hải Thành cho biết: "Hiện những hộ dân này đều nằm trong diện bị quy hoạch. Chúng tôi đang chuẩn bị chuyển tất cả những hộ dân đang sống trên nghĩa địa về khu tái định cư Bàu Sen. Nhưng hiện tại, việc tiến hành dự án khu tái định cư Bàu Sen đang gặp trục trặc về vấn đề tài chính nên vẫn chưa triển khai được".

Không biết du khách và những người đi qua thị trấn Thuận An sẽ nghĩ gì khi nhìn vào hình ảnh những ngôi nhà đang chen chúc xen kẽ bên những nấm mồ với những con người lam lũ đang vật lộn với cuộc sống giữa một thị trấn văn minh, một trọng điểm du lịch?

Vũ Cường - Xuân Sinh


No comments:

Post a Comment