Monday, December 13, 2010

Hiện trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội


2010-12-13

Kỳ họp HĐND TP Hà Nội đang diễn ra với câu hỏi về quy hoạch kiến trúc cũng như việc xử lý những căn nhà "siêu mỏng", "siêu méo" hay các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng.

AFP photo

Một căn nhà mới xây trong khu phố cổ Hà Nội tháng 2/2010

 

Những vấn đề người dân Thủ đô quan tâm hiện nay không chỉ là chuyện giải phóng mặt bằng, mở rộng đô thị để mang lại vẻ mỹ quan và giảm tình trạng giao thông cho Hà Nội, mà chính là hậu quả của những công trình xây dựng kia để lại. Tưởng chừng, Hà Nội sẽ có một không gian kiến trúc mới nhưng bộ mặt cho đô thị sau khi mở rộng đường xá lại là nhiều kiến trúc nhà cửa kỳ quái phát sinh từ những mẩu đất thừa thãi do quy hoạch để lại, và những khu nhà này được gắn với cái tên khá tượng hình nhà "siêu mỏng," "siêu méo."

Phát triển không đồng bộ

Tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo này, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, T.S Phạm Sỹ Liêm giải thích là do quy hoạch đô thị không đúng, những người làm quy hoạch chỉ tập trung vào con đường chính mà không quan tâm đến những vùng đất xung quanh, ông Liêm cho biết: 

"Cách phát triển đô thị không đúng, nếu mà đúng đắn thì khi phát triển một con đường phải sắp xếp lại các khoanh đất ở 2 bên đường, bởi vì các thửa đất ở 2 bên đường trước tiên nó có một thứ trật tự riêng của nó. Nhưng khi làm đường, thì các miếng đất kia không nhất thiết vuông góc với đường, cho nên khi phát triển một con đường, phải kèm với việc sắp xếp lại các khu đất 2 bên đường, trở nên vuông góc với đường. Đằng này chỉ lo con đường thôi mà không lo đến việc sắp các khoảnh đất 2 bên đường cho nên những khoảnh đất đó méo, cho nên người ta làm nhà lên, cái miếng đất vuông góc đằng sau nó chéo thì đằng trước trở thành miếng vừa méo vừa hẹp nữa." 

Và TS Liêm cũng giải thích rằng, chuyện nhà méo, nhà mỏng này không chỉ diễn ra ở những con đường mới mở mà còn cả ở những con đường ngày xưa, nếu nhìn ở ngoài vào cứ tưởng nhà vuông góc với đường, nhưng kỳ thực thì những ngôi nhà này vẫn méo vì mặt tiền nó như vậy và ngôi nhà cũng dầy cho nên không thấy rõ lắm.

Cách phát triển đô thị không đúng, nếu mà đúng đắn thì khi phát triển một con đường phải sắp xếp lại các khoanh đất ở 2 bên đường.

T.S Phạm Sỹ Liêm

Nguồn gốc những ngôi nhà mỏng, nhà méo là như vậy, nhưng để hiện trạng này vẫn cứ tái diễn phần nào cũng bắt nguồn từ chính những người dân sinh sống tại vùng đất này. Tất nhiên, những diện tích đất sau khi thu hồi đương nhiên là người dân được phép sử dụng, không thể cấm được vì "tấc đất tấc vàng." Luật pháp Việt Nam hiện hành quy định, những thửa đất có diện tích dưới 15 m2, hoặc chiều dài các cạnh dưới 3 mét thì không được phép xây dựng, thế nhưng:

"Miếng đất còn một mẩu rất nhỏ, không đủ làm cái nhà, thì người đằng sau muốn nhô lên đằng trước, để làm cái nhà vươn ra mặt tiền, nhưng người đằng trước thì bực mình vì mình mất đất, được đền bù rồi nhưng phải đi, còn lại một mẩu con con chẳng làm được việc gì, nếu mà nhường cho anh sau thì anh sau được hưởng lợi ghê gớm. Do đó người đằng sau trả cao tiền, họ cũng không nhượng lại và họ xây một cái nhà con con, bán được thì bán, không thì chặn anh đằng sau, có thể nói là cho bõ ghét, bõ tức."

Quỹ đất dự trữ

Cũng cần nhắc lại rằng, câu chuyện nhà mỏng, nhà méo không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà trước kia cũng đã từng xảy ra ở Đà Nẵng thế nhưng Đà Nẵng đã giải quyết triệt để được vấn đề này. 

sgtt.vn-250.jpg
Một dãy nhà siêu mỏng ở Cần Thơ. Photo courtesy of sgtt.vn
Sở dĩ Đà Nẵng làm được việc này vì bắt đầu ngay từ khâu quy hoạch, thành phố đã giải toả thêm 60-90 mét hai bên đường để xây dựng lại theo quy hoạch và bán đấu giá cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu cũng như bố trí làm nhà tái định cư. Điều này cũng được ông Liêm đồng quan điểm: 

"Tôi đã từng phát biểu làm con đường thì phải phát triển cả 2 bên đường, sắp xếp đất đai 2 bên đường, không thể để như thế được. Thế nhưng người ta nói không đủ tiền, đền bù đã đắt lắm rồi, lại còn trả 2 bên, làm như thế thì sẽ rất chậm, nhưng thực ra, dù như vậy thì tiến độ vẫn chậm. Rồi sau đó sinh ra mâu thuẫn nội bộ của những người có đất ở đó, người đằng trước, người đằng sau, tạo ra kiến trúc kỳ quái mà HĐND chất vấn."

Nhớ lại mấy năm trước, sau khi hoàn thành con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, được mệnh danh "con đường đắt đỏ nhất hành tinh", nhà nước đã phải bỏ ra tới 1,1 tỷ đồng cho mỗi mét vuông, nhưng sau khi hoàn thành thì Nhà nước hoàn toàn không được hưởng lợi mà chính những người 2 bên hưởng lợi vì giá đất tăng lên. Vì thế, theo TS Liêm, "khi làm một con đường mới trong đô thị thì phải phát triển cả khu vực hai bên đường, đây được xem là nguyên tắc để phát triển đô thị."

Có khả năng, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ bị xoá bỏ và Nhà nước sẽ lại tốn kém rất nhiều cho chi phí đền bù này vì khi đó giá cả đền bù cho những căn nhà mặt đường này đã được áp một mức mới cao hơn gấp nhiều lần so với khi chưa có đường mới chạy qua. Vì thế, theo ông Liêm, trong tương lai, Nhà nước có thể tạo ra một quỹ đất dự trữ trước khi có những qui hoạch về đất đai vì lúc này chưa có một sự phân cấp khác nhau về các loại đất: 

"Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất với Hà Nội nên thực hiện chế độ dự trữ đất, Nhà nước phải đứng ra làm toàn bộ khu vực định phát triển đó. Chính quyền đứng ra đền bù khi chưa có dự án để lấy một quỹ đất gọi là quỹ đất dự trữ để phát triển. Nếu chưa có dự án, thì sự đền bù đã được tính toán là anh nào ở mặt tiền, mặt hậu gì đâu, cho nên chỉ đền bù bằng một giá bình quân nào đó thôi."

Chính quyền đứng ra đền bù khi chưa có dự án để lấy một quỹ đất gọi là quỹ đất dự trữ để phát triển.

T.S Phạm Sỹ Liêm

Ngoài ra với quỹ đất, Hà Nội cũng có thể kiềm chế được giá đất của các khu đô thị vì ông cho rằng sau khi có quỹ nhà đất, Nhà nước có thể nhượng lại cho dự án với mức giá thấp, rồi có những điều khoản cấm việc mua đi bán lại, chính việc này có thể làm hạ nhiệt thị trường đất đai của khu đô thị xuống.

Và cuối cùng TS Liêm cho biết kinh nghiệm quỹ đất dự trữ đã được các nước khác áp dụng và mang lại hiệu quả cao như thế nào:

"Các nước trên thế giới kể cả Hàn Quốc làm rất tốt, họ đô thị hoá rất nhanh mà lại hiệu quả. Ở VN giá đất như thế, nhưng đâu đền bù được nhanh đâu và do đó các dự án đều bị chậm." 

Với ý tưởng tạo dựng một quỹ đất dự trữ đi đôi với một quy hoạch tổng thể hai bên đường đi, các con đường mới sẽ góp phần tạo cho Hà Nội một gương mặt mới và những căn nhà kiểu siêu mỏng, siêu méo sẽ không còn lý do để tồn tại trong không gian quy hoạch của thành phố.

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment