Friday, December 31, 2010

Thử Tìm Đoàn Kết Với Cách Viết Tiếng Việt

http://datnuoctoi.net/index.php?option=com_content&view=article&id=391:vhtv13tiengviet&catid=63:tiengvietc&Itemid=59


Hiện nay có khoảng trên 3 triệu người Việt Hải Ngoại, sống rải rác trên toàn Thế Giới. Khó mà biết được con số chính xác. Có điều chắc chắn là số người Việt Hải Ngoại không ngừng gia tăng. Trước ngày 30/04/1975, chắc là con số người Việt trên toàn thế giới không quá 200 ngàn người (với tuyệt đại đa số số sống ở Pháp).


Thử tưởng tượng, một đứa trẻ Na Uy gốc Việt gặp cousin (anh chị em họ) người Đức gốc Việt. Làm sao chúng trò chuyện với nhau dễ dàng nếu chúng không biết tiếng Việt ? Thử tưởng tượng Ông Bà sống tại VN qua thăm cháu sinh trưởng tại Hoa Kỳ. Làm sao trò chuyện nếu cháu không hiểu và nói được tiếng Việt, dù chỉ bập bẹ ?


Có thể nói, tiếng Việt là Mẫu Số Chung quan trọng và hữu ích nhứt của tất cả người Việt trên Thế Giới. Người Việt chúng ta có bổn phận bảo tồn và phát huy gia tài vô cùng quý báu nầy.


Tiếng Việt ngày nay, sau hơn 35 năm từ ngày Quốc Hận 30/04/1975, đã có nhiều thay đổi, nhưng than ôi, trong chiều hướng xấu.

* * * * *

Cách phát âm tiếng Việt có khác nhau, tuỳ vùng, tuỳ địa phương. Người trong Nam thường không hiểu được trọn vẹn những gì người Bắc hoặc người Quảng Ngãi phát biểu và ngược lại. Và không như người Bắc, người Nam khó mà phát âm được đúng « dấu ngã » hoặc những chữ  có đuôi « g hoặc h» hay không « g hoặc h » (« quan trọng » vs (versus : đối với) « quang minh » ; « chín mùi » vs « chính trực »), có đuôi c hoặc t (« mức độ » vs « kẹo mứt »). Ngược lại người Bắc hay đọc và viết sai những chữ « ch » với « tr », chữ « s » với « x » ... Những khác biệt vừa kể trên đây có tính cách địa phương.

Còn cách viết bỏ dấu (Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng) thì sao ?

Với tư cách webmaster (sinh trưởng Sài Gòn và Đà Lạt, do đó chắc chắn có lỗi dấu « Hỏi Ngã » trong bài nầy) hàng ngày chọn lọc tin tức trên diễn đàn cũng như trên sách báo, tôi nhận thấy cách bỏ dấu có vẻ tuỳ hứng, vì có khi trong 1 bài, tác giả bỏ dấu khác nhau.

Ví dụ 2 chữ « hoàn toàn », nơi nầy viết « hòan toàn », nơi khác viết « hoàn tòan ». Như « quả lựu đạn » có người viết « qủa lựu đạn ». Như chữ « người » có khi thấy viết « ngừơi », thậm chí còn có khi tôi nhìn thấy dấu huyền nằm trên chữ « i » (ngươì). Hoặc những chữ như « bước ngọăc lịch sử », « suy thóai » ...

Không lẽ muốn bỏ dấu trên nguyên âm nào cũng được ? Ở tuổi già, phần lớn ta hay quên nhiều thứ. Nhưng ngược lại có nhiều chi tiết mà ta vẫn nhớ rõ như mới xảy ra. Ngày còn học Trung Học Yersin Đà Lạt, tôi có 1 ông thầy người Pháp tên Lévy dạy tiếng Việt. Ông ta nhắc đi nhắc lại là 
- câu văn phải có chấm phết đàng hoàng,
- tránh dùng nhiều lần 1 chữ trong 1 câu văn 
- và nhứt là những dấu thông thường phải được đặt đúng chỗ, trên nguyên âm chính của chữ. Ví dụ chữ «hoà bình». Rõ ràng là nguyên âm «a » quan trọng hơn nguyên âm «o ». Cũng như chữ « hoàn toàn ». Cả 2 đều cùng âm điệu « oa » với dấu « huyền » ... Vậy dấu «huyền» phải được đặt trên chữ «a » của cả 2 chữ «hoà bình» và «hoàn toàn».

Có lẽ vì ông thầy dạy Việt Văn là người Pháp, thuộc Do Thái Giáo (là điều rất hiếm thấy ở Việt Nam vào cuối thập niên 1950), nên tôi vẫn nhớ mãi những chi tiết trên đây. Và tôi nhận thấy những lời nhắc nhở đó rất thuần lý.

Có 1 thời gian ngắn, computer của tôi gặp trục trặc không giải thích được. Tự nhiên chương trình (program, logiciel) VPSkeys43 (lấy miễn phí từ www.vps.org) không dùng được. Dù đã làm đủ mọi cách, như tháo bỏ VPSkeys43 rồi gắn lại nhiều lần, hoặc làm System Recovery với nhiều thời điểm khác nhau. Đành gắn chương trình Unikey (cũng miễn phí và rất thịnh hành ở Việt Nam, trong khi người Việt Hải Ngoại thường dùng VPSkeys43). Do đó tôi mới thấy Unikey tự động bỏ dấu huyền trên nguyên âm « o » của chữ « hoà » (Unikey viết « hòa »), và đồng thời bỏ dấu huyền trên nguyên âm « a » của chữ « hoàn toàn ». Tại sao, với 2 chữ cùng 1 âm điệu , lại bỏ dấu trên 2 nguyên âm khác nhau ?

Có một người bạn hoàn toàn đồng ý với tôi về nguyên tắc phải « bỏ dấu » trên « nguyên âm chính » của chữ, nhưng lại giải thích : với chữ « hòa » nguyên âm chính là « o » nhưng khi thêm « n » nguyên âm chính trở thành « a ». Theo anh ta, do đó phải viết « hòa bình » và « hoàn toàn ». Tôi vẫn không hiểu tại sao, thêm phụ âm « n » nguyên âm chính lại thay đổi.

Một ngạc nhiên thich thú mà tôi đã vô tình băt gặp khi đọc tiểu thuyết « Thời Của Thánh Thần » của Nhà Văn Hoàng Minh Tường (vào Google gõ tên sách là có để đọc). Sách vừa được phát hành tháng 08/2008 đã bị thu hồi ngay. Tất cả những dấu thông thường đều được đặt đúng chỗ.

Tôi có lên lưới 1 bài của người bạn tên Thu Thuỷ. Bà ta gọi điện thoại nhắc là tên với « dấu hỏi » trên « u ». Trả lời câu hỏi « tại sao » thì bà ta giải thích là để dấu hỏi trên « u » của chữ « Thủy » cho cân xứng, thẩm mỹ, và từ xưa đến nay bà ta vẫn quen viết như vậy. Tôi nói « tuỳ bạn, nếu muốn, tôi sẽ sửa ngay sau khi bạn xem 2 hình dưới đây ».

DictVietFunCom

(Cái WS nầy http://dict.vietfun.com hình như đang thay đổi hình dáng, không còn tìm được trang nầy nữa).

Trong chương trình « OpenOffice.org3 », 1 chương trình miễn phí tương đương với Microsoft Office (phải mua với giá đắt), có 1 số thí dụ liên quan đến những chữ thường viết sai và được tự động điều chỉnh (vào Outils chọn Options / Auto Correction, chọn Tiếng Việt). Hầu hết những dấu đều được đặt đúng « nguyên âm chính » của chữ. Tôi chỉ nhìn thấy vài « chữ » mà tôi cho là « dấu không được đặt đúng chỗ » như « giàn hoả tiển » (thấy viết « giàn hỏa tiển ») và « thuỷ triều » (thấy viết « thủy triều ») : nhưng chữ cùng âm của chữ « thuỷ triều » là chữ « thiêu huỷ » lại được viết đúng (xem hình dưới đây).

Auto Correction Open Source

Xin xem thêm trang Bảng Tra Dấu Hỏi Ngã
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=38792&mpage=1

Tôi xin trich đoạn Th như sau :

Thuở -- lúc ấy thuở ấy, thuở nào, thuở nay, thuở trước, thuở xưa, đời thuở nào, từ thuở, ăn theo thuở ở theo thời, ngàn năm một thuở. 

Thuỷ
 -- nước thuỷ binh, thuỷ cầm, thuỷ chiến, thuỷ đạo, thuỷ điện thuỷ đĩnh, thuỷ hoả, thuỷ lôi, thuỷ lợi, thuỷ lưu, thuỷ mạc, thuỷ nạn, thuỷ nông, thuỷ ngân, thuỷ quân, thuỷ sản, thuỷ tạ, thuỷ tai, thuỷ thổ, thuỷ thủ, thuỷ thũng, thuỷ tiên, thuỷ tinh, thuỷ tộc, thuỷ triều, thuỷ vận, dẫn thuỷ, đường thuỷ, hồng thuỷ, phong thuỷ, sơn thuỷ, kiếng tráng thuỷ, ống thuỷ lấy thuỷ bịnh nhân ; -- đầu tiên khởi thuỷ, thuỷ tổ, thoạt kỳ thuỷ, thuỷ chung ; Tần Thuỷ Hoàng.

* * * * *

Bàn về cách bỏ những dấu kép [dấu hỏi (?), chấm phết (;), hai chấm (:), chấm thang (!), ngoặc kép (« »), vân vân (...), dấu « chấm hết » (./.).

Trước tiên, tôi xin bàn về dấu hiệu « ... ». BaChấm (...) tượng trưng cho của « vân vân = etc = so on ». Ví dụ ta viết « trong vườn có 5 cây cam, 8 cây bưởi vân vân », không có lý do nào khi thay thế  cụm từ « vân vân » bằng dấu hiệu « ... » ta lại viết dính liền nhau. Như vậy dấu hiệu BaChấm phải có khoảng cách (space) trước và sau, trừ trường hợp nằm trong 2 ngoặc đơn ().

Ngoài ra, có nhiều người viết « ,v.v... hoặc v.v...v.v hoặc nhiều hình thức khác ». Lỉnh kỉnh làm gì vô ích, dấu BaChấm đã quá đầy đủ ý nghĩa rồi.

Xin bàn tiếp về những dấu kép khác.

Như « dấu hỏi » (?) để dễ hiểu. Cũng trên báo chí hoặc diễn đàn, phần lớn tôi thấy có để khoảng trống trước những dấu kép. Nhưng cũng có không ít người viết dấu hỏi dính liền, không có khoảng trống. Ví dụ 1 câu trên đây : « Không lẽ muốn bỏ dấu trên chữ nào cũng được ? ». Theo tôi, viết với khoảng trống trước dấu kép trông sáng sủa hơn là viết « Không lẽ muốn bỏ dấu trên chữ nào cũng được? ». Dấu (?) được đặt cho nguyên câu, chứ không riêng cho chữ cuối cùng. Trái với 2 dấu (,) và (.), tới chữ nầy ta thêm ý khác hoặc chấm dứt câu.

Dấu « chấm thang » (!) cũng là trường hợp tương tự.

Như 2 đoạn văn sau đây, trích từ bài Phép Nói & Viết Hỏi Ngã của Hồ Tường, mới được đưa lên Diễn Đàn đầu tháng 2010/02 :

Như ba thanh ngang, sắc, hỏi biến chuyển qua lại với nhau. Ví dụ: chưa...chửa; miếng...miểng; cảnh...kiếng; chẳng...chăng; thể...thế

Còn ba thanh huyền, nặng, ngã, biến chuyển qua lại với nhau. Ví dụ: rồi...rỗi, chậm...chẫm; cữu...cậu; lỡ...lợ; cũng....cùng.

Trong tinh thần xây dựng, tôi xin phép thay đổi cách trình bày như sau (dù không hiểu công dụng của dấu BaChấm trong những câu trên) :

Như 3 thanh ngang, sắc, hỏi biến chuyển qua lại với nhau. Ví dụ : chưa ... chửa ; miếng ... miểng ; cảnh ... kiếng ; chẳng ... chăng ; thể ... thế

Còn 3 thanh huyền, nặng, ngã, biến chuyển qua lại với nhau. Ví dụ : rồi ... rỗi, chậm ... chẫm ; cữu ... cậu ; lỡ ... lợ ; cũng ... cùng.

Rõ ràng là, nếu ta để 1 khoảng trống (espace, space) trước và sau những dấu kép, câu văn có vẻ thoáng hơn.

Tóm lại, tôi xin đề nghị « quy luật » : trước những dấu « chấm, phết » không có khoảng trống (space) và trước những dấu kép, có khoảng trống.

Dấu « mở ngoặc » là 1 ngoại lệ (không có space sau dấu « ngoặc mở » và không có space trước dấu « ngoặc đóng »).

Một tin mừng bất ngờ : Tôi vừa gắn MS Word 2003 (loại « gin ») và nhận thấy chương trình tự động để « space » khi gõ những dấu kép, như hình dưới đây.

Punctuation & Word 2003

TB : Tôi đã thử đi thử lại 3 lần. Office Word có điểm lạ : với bài nầy, điều ghi trên là đúng. Có thể lúc khác, lại không đúng. Cũng như với « ngoặc kép », khi thế nầy, lúc khác lại không như vậy.

 

Những lối đánh dấu sai thường thấy.

1 - Cũng như dấu % hoặc đơn vị km hoặc $ ... Khi ta nói « 15 phần trăm », hoặc « 15 cây số », rõ ràng « phần trăm » và « cây số » hoặc đơn vị « EUR, USD, AUD ... »,  không thể dính liền với con số 15. Không lý nào, khi viết tắt, ta lại viết dính liền nhau.

2 - Với lỗi lầm thứ nhì (chắc chắn đây là 1 lỗi lầm, cũng rất thường thấy trên sách báo Âu Mỹ) tôi xin trích dẫn nguyên văn 3 câu văn đã được đọc trong bài « Ngừng Hợp Đồng Vì Bài Bức Tường Bá Linh » của BBC ngày 27/08/2009 :

Ông Trần Công Khanh từ SGTT nói thêm: "Cơ quan báo chí ở Việt Nam là công cụ, vậy thì làm sao người lao động lại có quan điểm khác với chủ lao động?"

"Blog là quyền tự do, chúng tôi không can thiệp. Những bài anh viết trước đây, bên này không quan tâm."

Ta thấy gì :

- Sau câu đầu, không có « chấm » để kết thúc câu viết  hay sao ? Theo tôi phải có dấu chấm (.) hoặc dấu « chấm phết » (;) sau dấu « ngoặc kép đóng » ; nghĩa là phải viết « ... với chủ lao động ? ». Có dấu chấm cuối câu.

- Cuối câu thứ 2, dấu chấm lại nằm phía trước dấu « ngoặc kép đóng ». Theo tôi dấu chấm phải nằm phía sau để chấm dứt câu viết. Cũng như dấu « phết » (,) phải nằm phía ngoài dấu « ngoặc kép đóng » để phân chia những thành phần của câu văn, như thí dụ sau đây trích từ 1 bài của BBChttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090829_viet_fishermen_held.shtml "Không phải lúc nào quan chức nghề cá, và an ninh biển vùng Tambelan cũng đi tuần và đuổi bắt tàu nước ngoài được vì khoảng cách quá xa, sóng lớn, trong khi tàu đánh bắt trộm thay đổi vị trí liên tục," viên chức người Indonesia nói.

3 - Ta thấy gì trong câu dưới đây , trích ở bài http://www.congdongnguoiviet.fr/DienDan/1002DaiNaTHh.htm (alinéa thứ 6 của phần 1)

Tối hậu thư thứ hai, Pháp cho biết nếu Việt Minh không duy trì được an ninh ở Hà Nội, thì Pháp sẽ phụ trách an ninh kể từ 20/12/1946.[3]

Dấu « chấm » dĩ nhiên phải nằm sau ghi chú số 3 và ghi chú đó liên quan đến toàn câu vừa được viết.

4 - Dấu BaChấm được tượng trưng với « ... » có nghĩa là « vân vân », nhưng có nhiều người vẫn ghi thêm những dấu linh tinh khác như « v.v.. » hoặc « ,v.v.. » ...

... & ... (hàng nầy tương đương với vân vân và vân vân)

* * * * *

Cách viết « Ngày Tháng Năm »

Trên Internet, và trong sách báo, ta thấy có nhiều lối viết khác nhau. Đại đa số viết dài dòng như « ngày 19 tháng 1 năm 1974 », có người thêm dấu phết giữa ngày tháng và năm, có người viết tháng 01 ... Một số lớn viết tắt, nhưng cách viết tắt cũng rất nhiều khác biệt. Ta có thể nhìn thấy ngày « 19-1-1979 » hoặc « 19-01-1979 » hoặc « 19 - 1 - 1979 » hoặc « 19 - 1, 1979 » hoặc « 19.1.1979 » hoặc « 19.01.1979 » hoặc « 01.19, 1979 » hoặc « 19/1/1979 » hoặc « 19/01/1979 » ... Đặc biệt người Việt bên Mỹ có cách viết riêng biệt như ngày « 01/19, 1979 ». Với ngày nấy ta còn hiểu được nhưng nếu gặp những ngày như « 01/03, 1979 » hoặc « 01.03, 1979 » thì chỉ còn nước đoán theo nội dung bài hoặc theo gốc gác người viết. Nghĩa là để viết về ngày, ta thấy có rất nhiều hình thức.

Theo tôi, ngoài lý do « câu » cho được nhiều chữ, cho bài dài ra, nên viết tắt, ngắn gọn và rõ ràng, chứ không lý do gì viết dài giòng.

Viết tắt với dấu « chấm » có bất lợi là nhiều dấu « chấm » trong 1 câu. Ngoài ra khi viết câu « ngày 19.1.2009, người Việt Hải Ngoại khắp Thế Giới ... », dấu chấm nằm trước dấu phết. Trông không đẹp, không thuần lý ... Nếu tránh được, tại sao không viết cách khác ?

Theo tôi, viết « 19-1-1979 » hoặc « 19-01-1979 » hay hơn là viết với dấu chấm. Nhưng cách viết « ngày » nầy có một nhược điểm là cụm số « 19-1-1979 » hoặc « 19-01-1979 » không là 1 thực thể đơn thuần (entité) như là viết với gạch chéo « 19/1/1979 » hoặc « 19/01/1979 ». Với gạch « ngang nhỏ » cụm số có thể nhảy hàng, trái với lối viết với gạch chéo.

Giữa « 19/1/1979 » và « 19/01/1979 » ta nên chọn « 19/01/1979 ». Như vậy ngày được xác định với 1 thực thể 8 số, tháng được xác định với 1 thực thể 6 số và năm, với 1 thực thể 4 số. Ngày và tháng được xác định với 2 số một cách thuần nhứt. Những giấy tờ hành chánh thường theo khuôn khổ nầy JJ/MM/AAAA (DD/MM/YYYY) hoặc AAAA/MM/JJ (YYYY/MM/DD).

Theo tôi, trong tương lai, cách viết « ngày tháng năm » sẽ là 2009/01/19. Cái lợi của cách viết nầy là ta có thể sắp xếp thứ tự (trier, sort) dễ dàng. Nhìn link trên đây

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090829_viet_fishermen_held.shtml

ta thấy cách sắp xếp ngày 2009/09/09 lúc 0829 (giờ).

Cách ghi giờ

Nhân dịp cái link nầy, ta thử bàn về cách ghi giờ. Chẳng hạn, ta chỉ cần ghi « lúc 0829 » là quá rõ ràng. Cần gì phải ghi « AM » hoặc « sáng ». Nếu muốn rõ ràng hơn thì ghi thêm chữ « giờ ». Cũng như « lúc 1259 », cần gì phải ghi « 1259 AM » hoặc « 1259 sáng » (1 phút sau lại phải ghi « 1 PM »). Nếu là « lúc 1300 » thì ghi « lúc 1 giờ trưa » hay « lúc 1 giờ chiều » ? Ranh giới giữa « trưa » và « chiều » là lúc nào ? Thú thật, đến giờ nầy, tôi cũng không chắc chắn là ta phải viết 1259 AM hay 0059 PM.

Tóm lại, ghi giờ như trong ngành Hàng Không, Hàng Hải, với thực thể « 4 số » là chính xác và ngắn gọn nhứt.

Về cách ghi « ngày, giờ », xin xem cách ghi tự động của FREE (là 1 server bên Pháp)

Ghi Ngày Giờ Tự Động của FREE

Ta thấy gì :
- Cụm 8 số ghi năm (4 số), tháng (2 số) và ngày (2 số)
- Cụm 6 số ghi giờ, phút và giây (từng cặp 2 số).

Vài đề nghị

Nên viết hướng Bắc, hướng Nam … thay vì hướng bắc, hướng nam …
Nên bỏ dấu chấm với những chữ viết tắt, như Wash DC, HO, JF Kennedy … vì hoàn toàn không cần thiết và có hậu quả là đặt nhiều dấu chấm trong 1 câu hoặc dấu chấm trước dấu phết.
Nhiều lúc nên viết số thay vì viết chữ dài dòng vô ích …
… & …

Lối viết chữ Hoa (lettre capitale, block letter)

Tôi nhận thấy có một thiểu số ngưòi lạm dụng « chữ hoa ». Nhứt là khi đề tựa. Với mục đích là nhấn mạnh tầm quan trọng của tựa đề hoặc đoạn văn. Xin đơn cử thí dụ sau đây :

Qua TV, Nicolas Sarkozy
ĐỐI THOẠI VỚI DÂN

Ta thấy tựa có 2 phần, viết với dạng chữ Verdana 12 px. Thông thường, phần trên phải quan trọng hơn phần dưới. Phần dưới lại được viết bằng Block Letters, trông đồ sộ hơn phần trên. Tại sao không viết chữ thường ? Như dưới đây :

Qua TV, Nicolas Sarkozy
Đối Thoại Với Dân

Trông cân xứng hơn. Ta chỉ so sánh được những gì cùng thể loại mà thôi.

Tin Học có dùng thủ thuật « capitalize » để viết những « titles, titres » với chữ đầu viết Hoa (Đối Thoại Với Dân) để nhấn mạnh đó là 1 thực thể (mời xem « Bên Đời Hiu Quạnh », Tuỳ Bút của Khánh Ly) và thủ thuật « uppercase » với tất cả chữ đều được viết Hoa (ĐỐI THOẠI VỚI DÂN), cũng cùng mục đích như trên.

Bàn về những Chữ Ghép

Người Việt hay dùng những chữ ghép 2, ghép 3. Tên hoặc họ cũng thường là tên đôi, tên ghép.

Những nhóm chữ như

- Trần Văn Xoài, Nguyễn Văn Ổi, Đặng Vũ Mít, Tôn Thất Tình ... & ...
- Tổng Thống, Bác Sĩ, Giáo Sư, Linh Mục, Thượng Toạ, Tổng Giám Đốc, Tổng Thư Ký, Thiếu Tướng, Trung Sĩ, Binh Nhì ... & ...
- Việt NamLiên Hiệp Quốc, Ba Lan, Quốc Hội ... & ...
- ... & ...

Là những thực thể, phải được viết hoa đồng đều. Không nên viết Việt namTrần văn Xoài ... Tổng thống ... Liên hiệp quốc ... & ...

Nên tránh dùng từ ngữ VC

Dân Việt trong nước càng ngày càng dùng danh từ VC. Đó là điều khó tránh được. Nhưng ta là người Việt Hải Ngoại, hoàn toàn tự do. Ngoài ra, nếu chung là những người có ý chí tranh đấu chống chế độ ngu dân của VC, không lý do gì chúng ta dễ dãi chấp nhận những từ ngữ chói tai, dị hợm. Xin đọc bài Có Nên Dùng Ngôn Ngữ Của VC ?

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến 1 khía cạnh khác của vấn đề.

Khi ta chấp nhận 1 danh xưng là ta đẵ đồng ý.

Có những từ ngữ mà Người Việt Hải Ngoại Không Nên Dùng. Xin nêu vài chữ

- Chính Quyền khi đề cập đến lũ VGCS. Ngày xưa, và ngày nay cũng vậy, chúng gọi ta là Nguỵ. Xin đề nghị dùng chữ «nhà cầm quyền» hoặc «nhà nước»;
- TP HCM. Nên giữ nguyên tên Sài Gòn, hoặc khi cần gọi là «thành Hồ» để tỏ sự khinh bỉ. Như St Petersbourg, thế nào Sài Gòn cũng sẽ hồi sinh.
- Trung Quốc. Bọn CS bán nước chấp nhận vai trò chư hầu, mặc kệ chúng. Ta nên gọi là TC hoặc China.

... & ...

Kết Luận

Nhiều người hô hào Người Việt Hải Ngoại nên đoàn kết để góp phần giải thể chế độ độc-tài-bán-nước hiện đang khống trị đồng bào ta. Ai cũng mong đoàn kết được để gây sức mạnh.

Nhưng theo tôi, khó khăn quá, quá khó khăn.

Tôi chỉ mong Người Việt Hải Ngoại đoàn kết được trong lối dùng tiếng Việt.

Những bài về Tiếng Việt

01 - Cái Chết Của 1 Ngôn Ngữ
02 - Nỗi Buồn Tiếng Việt
03 - Tiếng Việt Hôm Nay
04 - Tiếng Việt & Tiếng Vẹm
05 - Tiếng Việt Và Chữ Vẹm
06 - Đừng Gọi Nước Tàu Là Trung Quốc
07 - Xin Đừng « Điện » Cho Tôi Nhé !
08 - Thời Đại « Đồ Đểu »
09 - Dấu « Hỏi Ngã », « Từ Kép » & « Từ Ghép »
10 - Dấu « Hỏi Ngã » Trong Văn Chương Việt Nam
11 - Có Nên Dùng Ngôn Ngữ Của VC ?
12 - Bảng Đối Chiếu Từ Ngữ
13 - Bảng Tra Dấu Hỏi Ngã

No comments:

Post a Comment