Wednesday, January 5, 2011

Buôn lậu mùa giáp tết: Lợn tốt “bay” qua, gà thải “bay” về!

  
 
05/01/2011 22:43 
Những chiếc xe tải chở gần trăm con lợn đi gần ngàn km để xuất qua Trung Quốc - ảnh: K.T.L 

Tại Móng Cái (Quảng Ninh), lúc cao điểm có hàng ngàn con lợn được xuất qua đường biên mỗi ngày. Ở chiều ngược lại, hàng vạn con gà thải loại  "bay" qua biên giới, "chạy" sâu vào nội địa.

Đêm xuống, trời vùng Đông Bắc lạnh giá, tiếng gió thổi ù ù trên con đường đưa chúng tôi vào Lục Chắn. Con đường gần 40 km từ QL 18, đầu TP Móng Cái dẫn vào địa danh này ngoằn ngoèo, hun hút, um tùm cây cối như một con rắn vắt vẻo trên đường biên.

Cách con đường biên giới chừng vài chục bước chân là con sông Ka Long, con sông phân định biên giới, bên này bờ là Việt Nam, bên kia là Trung Quốc.

Sau nhiều ngày ra vào trên con đường bộ nơi tận cùng Tổ quốc chạy dọc sông Ka Long, điều bất ngờ với chúng tôi là không cần vào đến Lục Chắn mới có lối mở xuất hàng, ngay từ đầu đường QL 18 đã có một con ngõ nhỏ dẫn xuống sông. Càng vào sâu, số lối mở càng nhiều. Có những lối mở nằm lọt thỏm giữa rừng keo, có lối lại được chắn bằng tường bao, cổng sắt như đường vào một trang trại, nhưng thực chất đó chỉ là cách ngụy trang cho con đường xuất, nhập hàng lậu.

Lợn Việt Nam được chuộng

Tại Lục Chắn có hẳn một bến gọi là bến Lợn, bởi dân xuất lợn thường đưa hàng qua đây. Những chiếc xe tải biển số từ đủ mọi vùng, cả miền Trung, miền Nam, thùng xe được lát gỗ ngăn 2-3 tầng để mỗi tầng khoảng hai chục con lợn nằm trên đó. Khi đến lối mở xuất hàng, chúng sẽ được bắc cầu cho xuống đò, hoặc một số khác thì trói chân, hai người một khiêng xuống. Mỗi xe có thể chở tới 50-70 con, mỗi con 60 - 80 kg.

N.M, một tay lái lợn vùng biên có 2 năm trong nghề cho biết: "Từ hồi Trung Quốc tổ chức Olimpic Bắc Kinh 2008, đặc biệt là từ Asiad Quảng Châu 2010 vừa rồi, lượng lợn sống xuất qua Móng Cái lên cực nhiều, có ngày hàng trăm xe. Theo cánh lái buôn người Trung Quốc, bên đó thiếu lợn, nếu có cũng đa phần là lợn nuôi siêu tốc, nhiều thuốc tăng trọng nên không đủ tiêu chuẩn phục vụ các sự kiện lớn, vì thế nên lợn Việt Nam mới hút hàng".

Theo quy định hiện hành, xuất lợn không phải nộp thuế, tại sao họ không xuất lợn qua đường cửa khẩu chính ngạch, mà lại phải đi lối mòn qua sông thế này cho khổ? Tôi thắc mắc. Chỉ vào đàn lợn căng tròn, M. cười lớn: "Đúng là lợn không phải chịu thuế xuất khẩu, nhưng phía Trung Quốc sẽ phải kiểm tra phòng dịch khi nhập động vật. Các chủ đầu nậu Trung Quốc không muốn mất thời gian kiểm tra nên họ thường yêu cầu đối tác phía Việt Nam cho xuất hàng tại lối mở để đỡ phải chờ đợi. Hơn nữa, nếu xuất ở bến chính chỗ sông Ka Long, tàu thuyền rất đông, hay ách tắc, lợn vừa đi đường xa, có con cho ăn no nên nếu xuất hàng không nhanh chóng, lợn chết thì có mà cụt vốn".

Gần tết, lượng lợn xuất khẩu đã giảm nhưng mỗi ngày vẫn có 20-30 xe với vài trăm con lợn xuất qua bên kia biên giới. Trong khi đó, thị trường thịt lợn tại nội địa do nhu cầu cao nên giá lợn trên phản thịt cũng đang tăng lên từng ngày.

Siêu lợi nhuận từ… gà thải loại

Bán đồ ngon, nhập của ôi thiu 

Ông Hoàng Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, đang có hiện tượng thương nhân xuất khẩu lợn và các sản phẩm từ lợn sang Trung Quốc nhưng thịt lợn, phủ tạng lợn và chân gà cũng "chảy" ngược sang nước ta bằng các con đường khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta xuất thịt tươi ngon nhưng phần lớn các lô hàng thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc về bị lực lượng chức năng chặn bắt đều đã bốc mùi hôi thối khó chịu.

Q.Duẩn

Trong khi lợn "chất lượng cao" của Việt Nam xuất qua biên giới thì từ bờ bên kia của sông Ka Long, hàng vạn con gà "thải loại" lại được nhập về "chạy" sâu vào nội địa. Nhiều cửa hàng bán gà làm sẵn cũng nhập gà từ nguồn cửa khẩu, bán giá 80.000 - 90.000 đ/kg.

Tại sao lại gọi những con gà còn sống là gà thải loại? Anh Lý Trần Tuấn, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết: "Tại Trung Quốc, họ nuôi rất nhiều gà siêu trứng, sau khi gà hết khả năng đẻ trứng, các chủ trại bán đi nên mới gọi là gà thải loại. Họ bán với giá khoảng 10.000 đ/con, cả phí vận chuyển vào khoảng 15.000 đ/con trọng lượng trên dưới 1 kg. Trong khi gà làm sẵn trong mình bán 80.000 - 90.000 đ/con, thế nên nhiều lái buôn gà mới kiếm siêu lợi nhuận".

Theo giới buôn hàng vùng biên, những con gà siêu trứng của Trung Quốc được cho ăn các loại chất kích thích đặc biệt để một ngày có thể đẻ ít nhất 1 quả trứng, có con đẻ tới 2 quả/ngày. Sau khoảng 3-4 tháng, hết khả năng sinh sản chúng sẽ bị loại, lượng gà này vào Việt Nam thường được ưa chuộng vì là gà "già", ăn khá chắc thịt so với gà thịt nuôi công nghiệp tại Việt Nam, trong khi giá lại rẻ, giá mua buôn chỉ từ 50.000 - 60.000 đ/kg.

Trong những ngày lang thang trên đất Móng Cái, chúng tôi thấy nhiều xe tải loại 1,25 tấn chở gà chạy khá nhiều trên đường với tốc độ rất cao. Điều lạ là các xe này thường không chạy quãng đường dài mà chỉ chạy các cự ly chừng 5-7 km, thoắt ẩn, thoắt hiện, thỉnh thoảng lại tấp vào các ngõ nhỏ bên đường, khi lại rẽ vào cổng một khu vườn rộng đề biển: trang trại gia cầm…

Giở sổ thống kê nghiệp vụ, anh Lý Trần Tuấn cho biết, vừa mới đây, ngày 30.12.2010, đơn vị anh đã bắt một vụ 4 tấn gà nhập lậu khi những cửu vạn đang chở xe máy tập kết hàng lên xe tải ở khu vực cây số 4, QL 18. "Một xe máy thường chở 6 lồng gà, mỗi lồng chừng chục kg, sau đó gà từ xe máy gom lên xe tải nhỏ hoặc nếu thuận tiện sẽ được đầu nậu gom lên xe tải lớn để chở vào nội địa tiêu thụ", anh Tuấn nói. Vụ 4 tấn gà vừa qua đã nâng tổng lượng gà đội anh thu giữ lên tới 15,8 tấn trong năm 2010.

Thấy tôi ngạc nhiên vì tại sao vùng biên giới đồi núi này lại có nhiều trang trại đến thế, Trần Văn Nam, một thổ địa vùng biên chở chúng tôi vòng quanh một số trại gà, tiết lộ: "Gần đây, nhiều đầu nậu buôn gà còn lập ra các trang trại ở gần biên giới để "rửa" nguồn gốc gà nhập lậu. Họ thường thu gom vài chục, và trăm con một, lợi dụng đêm tối đưa gà vào trang trại, nuôi chừng 15, 20 ngày và điềm nhiên bắt gà mang vào nội địa tiêu thụ như gà nuôi trong nước. Cơ quan chức năng cũng gần như bó tay vì nuôi gà không cần đăng ký, nếu họ mang được vào trang trại trót lọt thì cũng khó lòng bắt giữ khi chủ trại mang gà đi tiêu thụ".

Mất an toàn thực phẩm, nguy cơ lây lan dịch bệnh 

"Gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vào nước ta không được kiểm dịch và cách ly theo dõi nên đang trở thành nguy cơ làm lây lan dịch cúm gia cầm cũng như các loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Nếu gà nhập lậu mắc dịch bệnh, hoạt động vận chuyển và buôn bán trái phép sẽ làm mầm dịch phát tán khắp nơi, "châm ngòi" cho các ổ dịch trên đàn gia cầm nội địa bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến người chăn nuôi và đe dọa sức khỏe của người dân.

Sử dụng gà nhập lậu cũng không an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm. Tôi cho rằng, các cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp chống buôn bán, vận chuyển gà lậu vào nội địa và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tịch thu tang vật, tổ chức nuôi cách ly, tiến hành tiêu hủy đối với những lô gà nhập lậu mang mầm bệnh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".

Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN và PTNT)

Káp Thành Long - Minh Tường


No comments:

Post a Comment