Friday, January 14, 2011

Chỉ số tự do kinh tế của các quốc gia


2011-01-14

Hàng năm, Sáng hội Heritage, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Hoa kỳ, đều công bố một bản phúc trình thống kê chỉ số tự do kinh tế và xếp loại các quốc gia trên thế giới.

AFP photo

Thượng viện Mỹ Mitch McConnell thuyết trình trong một sự kiện của Sáng hội Heritage ở Washington, DC, vào ngày 04 Tháng 11 Năm 2010.

Việc này nhằm khuyến khích mở rộng tự do kinh tế ở các nước để thúc đẩy sự phồn vinh trên toàn thế giới. Bản phúc trình các thống kê tình hình tự do kinh tế các nước trên toàn cầu trong năm 2010 vừa được công bố hôm 12 tháng Giêng năm 2011.     

Quỳnh Như phỏng vấn ông Anthony Kim, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Sáng Hội Heritage về bản phúc trình này.

Nội dung phúc trình

Quỳnh Như: Thưa ông Anthony Kim, chúng tôi được biết Sáng hội Heritage, Hoa kỳ vừa công bố bản phúc trình thường niên thống kê chỉ số tự do kinh tế và xếp hạng các quốc gia trong lĩnh vực này, xin ông cho biết qua về nội dung của bản phúc trình.

Anthony Kim: Bản phúc trình này là một thống kê phân tích các chỉ số kinh tế dựa vào các nguồn thông tin đáng tin cậy của các tổ chức kinh tế và định chế tài chính thế giới. Đây là năm thứ 17 chúng tôi đưa ra những số liệu thống kê về tình hình tự do kinh tế ở các nước.

Bản tổng kết thống kê năm nay cho thấy, nhìn chung các nước trên toàn cầu đều đạt tiến bộ hơn trong lĩnh vực tự do kinh tế so với năm trước. Cụ thể Hong Kong đứng đầu bảng xếp loại chỉ số tự do kinh tế, kế đến là Singapore,rồi đến Australia và New Zealand xếp hạng 3, hạng 4.

Bản tổng kết thống kê năm nay cho thấy, nhìn chung các nước trên toàn cầu đều đạt tiến bộ hơn trong lĩnh vực tự do kinh tế so với năm trước. 

Anthony Kim

Riêng tại Châu Á và khu vực Thái bình Dương, tình hình chung chỉ số này cũng tăng đáng kể, với Đặc khu kinh tế Macau, Nhật bản, và Đài Loan ở vị trí chỉ sau New Zealand ở khu vực này. Tuy nhiên 6 quốc gia thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có chỉ số tự do kinh tế thấp, và bị xếp vào loại có nền kinh tế bị "kềm chế". Đó là : Miến Điện, Timor-Leste, Turkmenistan, Kiribati, Uzbekistan, quần đảo Solomon và Maldives. 

Bắc Hàn được xếp cuối bảng với thứ hạng 179. Tuy Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có nền kinh tế lớn ở khu vực nhưng điểm số tự do kinh tế cũng không cao so với các nước nhỏ hơn. 

Quỳnh Như: Xin ông cho biết Sáng hội Heritage dựa vào các tiêu chí nào để đánh giá và phân loại mức độ tự do kinh tế ở các nước.  

Anthony Kim: Có 10 tiêu chí được đặt ra để cho điểm về vấn đề tự do kinh tế ở các nước. Đó là: vấn đề tự do mậu dịch, tự do tài khoá, tự do đầu tư chính phủ, tự do tiền tệ, tự do đầu tư, tự do doanh nghiệp, tự do tài chính, quyền sở hữu trí tuệ, tự do lao động và, không có vấn đề tham nhũng.

Chúng tôi nhận thấy gần phân nửa trong tổng số 41 quốc gia ở khu vực này nhận điểm số dưới 30, và chỉ có 8 nước được đánh giá trên 50 điểm trong việc chống tham nhũng. Vấn đề tham nhũng là lực cản lớn nhất đối với các thành tựu phát triển. Cộng với, những bê bối trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, và những hạn chế trong lĩnh vực đầu tư cũng như tự do tài chính vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển kinh tế của khu vực. 

Nhận định chung trong 10 tiêu chí Sáng hội Heritage đưa ra để đánh giá vấn đề tự do kinh tế, các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hầu như đạt chỉ số cao trong lĩnh vực tự do tài khoá, tự do lao động, và đầu tư của chính phủ. Ngoài ra, các nước Á châu có thể sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực tự do kinh tế nếu như họ củng cố các định chế ngân hàng và đầu tư, và tăng cường sự minh bạch và quản trị doanh nghiệp.

Nhưng nhìn chung tình hình phát triển kinh tế của cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng gần 8% so với báo cáo của năm trước.   

Quỳnh Như: Thế còn cuộc sống của người dân có được tính đến trong việc xếp hạng này hay không, thưa ông? 

Anthony Kim: Vấn đề chúng tôi xem xét ở từng nước là chính sách kinh tế hiện đang được áp dụng, và tuỳ thuộc vào các chính sách đó mà người ta sẽ hình dung được cuộc sống của người dân ở đó sẽ ra sao. Điều mà chúng tôi tập trung chú ý không phải là điều kiện sống của người dân mà là các chính sách được chính phủ ở các nước áp dụng. 

Nhìn chung trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương tình hình tại các nước đều có sự chênh lệch trong thu nhập của người dân. Nhưng sự khác biệt về chất lượng cuộc sống giữa các nước có liên quan đến vấn đề tự do kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội tính theo bình quân đầu người của năm nước có thứ hạng cao về chỉ số tự do kinh tế cao xấp xỉ 5 lần so với năm quốc gia bị đánh giá thấp ở chỉ số này, với thu nhập trung bình của mỗi người dân chỉ vào khoảng 3.042 đôla một năm."    

Tiêu chí đánh giá VN 

Quỳnh Như: Việt Nam cũng có tên trong danh sách các nước được xếp hạng trong bảng thống kê về chỉ số tự do kinh tế, xin ông cho thính giả của Đài Á Châu Tự do được biết về thứ hạng của Việt Nam trong bảng phân loại này. 

heritage.org-305.jpg
Bản phúc trình thống kê chỉ số tự do kinh tế VN. Hình chụp từ trang heritage.org
Anthony Kim:
 Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiến bộ hơn trước. Nếu chúng ta theo dõi thống kê chỉ số tự do kinh tế được thực hiện trong vòng 17 năm qua, sẽ thấy điểm số của Việt Nam được cải thiện rất nhiều  và đang trên đà tiến triển khả quan. Cụ thể thống kê năm nay cho thấy mức độ tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực tự do kinh tế tăng 1,8 điểm so với năm trước.

Một trong những tiêu chí mà Việt Nam đạt số điểm thấp nhất hiện nay là vấn đề tham nhũng. Nhưng tự do mậu dịch là một trong các mặt tích cực; Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy chính sách tự do mậu dịch, đồng thời cải tiến các quy định, cải tiến tự do doanh nghiệp. Tuy nhiên sự yếu kém trong vấn đề tham nhũng, quyền sở hữu trí tuệ, và tự do đầu tư vẫn còn thể hiện rất rõ. Nhìn chung trong năm 2010, Việt Nam đạt được tiến bộ về chỉ số tự do kinh tế, đứng hạng thứ 139. Nếu nhìn lại thống kê hồi năm ngoái thì Việt Nam được xếp ở thứ 144.

Một trong những tiêu chí mà Việt Nam đạt số điểm thấp nhất hiện nay là vấn đề tham nhũng, nhưng tự do mậu dịch là một trong các mặt tích cực.

Anthony Kim

Quỳnh Như: Là một chuyên gia về phân tích chính sách, ông có ý kiến gì về chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam?   

Anthony Kim: Tôi nhận thấy trong trường hợp của Việt Nam, nhiều chính sách tích cực đã được thực hiện, ví dụ như trong lĩnh vực khuyến khích tự do hóa mậu dịch. Việc Việt Nam tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của qúôc gia này phát triển nhanh chóng hơn một số nước khác trong khu vực. Tuy nhiên bây giờ cũng là lúc Việt Nam cần thực hiện nhiều cải cách hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích môi trường đầu tư, và mở rộng thị trường tài chính. Mặc dù Việt Nam đang có nhiều tiến bộ nhưng người ta đang trông đợi quốc gia này phải đạt được nhiều tiến bộ một cách nhanh chóng hơn nữa.   

Quỳnh Như: Xin cảm ơn ông Anthony Kim đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment