Thursday, January 13, 2011

Cụ Rùa ẩn mình dưới bùn trốn rét


13/01/2011 14:17:29

- Tất cả động vật trên thế giới khi thời tiết thay đổi, ít nhiều đều bị tác động. Có điều, Cụ Rùa Hồ Gươm có thể nằm sâu trong bùn để tránh rét - Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam nói.

Cụ Rùa vẫn khỏe

Nhiều người đang lo ngại, thời tiết lạnh trong những ngày này có thể ảnh hưởng đến Cụ Rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, với thời tiết này, sức khỏe Cụ không bị ảnh hưởng.
 

Cụ Rùa sưởi nắng gần Tháp Rùa. Ảnh tư liệu
Cụ Rùa sưởi nắng gần Tháp Rùa. Ảnh tư liệu


Theo Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, tất cả động vật trên thế giới khi thời tiết thay đổi, ít nhiều đều bị tác động. Có điều, Cụ Rùa Hồ Gươm có thể nằm sâu trong bùn để tránh rét.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Văn Hà, Chương trình rùa Châu Á, cho biết, loài bò sát nói chung và loài rùa nói riêng có phản ứng rất nhạy cảm đối với sự thay đổi của thời tiết, do chúng là sinh vật biến nhiệt. Nhưng do nhiệt độ dưới nước ổn định hơn, do đó Cụ Rùa không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết.

"Năm nay chưa lạnh như năm 2008. Còn nhớ, năm đó, sức khỏe của cụ Rùa vẫn ổn định" - Ông Hà nói thêm.

Nên thử nghiệm công nghệ thật kỹ

Liên quan đến tiến độ tiến hành diệt rùa tai đỏ để cứu cụ Rùa, đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho hay, hai phương pháp đề xuất trước đây là dùng lưới và lồng sẽ được các cơ quan tiến hành thử nghiệm ở một hồ trong khu vực Văn Miếu Quốc Tử giám. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm sẽ tiến hành sau Tết Nguyên đán.

PGS.TS Hà  Đình Đức cho rằng các biện pháp diệt rùa tai đỏ vừa được các ban ngành đề xuất không diệt được hết rùa tai đỏ vì muốn diệt rùa tai đỏ chỉ còn cách tát cạn hồ, vét bùn, phơi khô.  Nhưng  chắc chắn các biện pháp này sẽ giúp giảm số lượng của chúng ở Hồ Gươm.
 

Rùa tai đỏ cưỡi Cụ Rùa Hồ Gươm tháng 12/2010. Ảnh VNE
Rùa tai đỏ cưỡi Cụ Rùa Hồ Gươm tháng 12/2010. Ảnh VNE


Ông cũng cho rằng, nên thử nghiệm thật kĩ lưỡng để vừa diệt được rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, đồng thời không ảnh hưởng tới hoạt động văn hóa ở khu vực này. 

Trước đó, các phương pháp đưa ra đều được cho là an toàn, bảo đảm hệ sinh thái trong hồ. Hai phương pháp là: bắt bằng lồng đặt chìm dưới nước, thức ăn dùng để "nhử" rùa tai đỏ sẽ được nghiên cứu để không gây ô nhiễm cho hồ. Thứ 2 là dùng bè nổi để rùa tai đỏ bò lên, phía dưới có sẵn lưới. Sau khi rùa bò lên trên phơi nắng, sẽ rung giật cho rùa rơi xuống rồi kéo lưới lên thu gom.

TS Pháp



No comments:

Post a Comment