TT - Mùa tết này, rượu cùng những mặt hàng có số lượng sử dụng cao như thịt cá, hạt có dầu, bánh kẹo, nước giải khát... là những mặt hàng tiêu dùng "nóng" nhất. Trong khi đó, năm 2010 có 14 người chết do uống rượu có hàm lượng methanol cao (gấp 100-400 lần tiêu chuẩn cho phép).
Nguy cơ từ rượu và thực phẩm màu sắc sặc sỡ Ông Lâm Quốc Hùng (phòng quản lý ngộ độc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế) cho hay kết quả hậu kiểm chất lượng rượu năm 2010 và báo cáo từ các địa phương vừa tổng hợp cho hay trong số 466 mẫu rượu lấy từ 18 địa phương được kiểm tra, có 22-24% (tùy loại rượu trắng, màu hay rượu vang) có hàm lượng furfurol và aldehyd (hai tạp chất cần hạn chế trong rượu). Tuy 100% số mẫu rượu được kiểm tra không phát hiện hàm lượng methanol cao quá mức cho phép, nhưng ở bốn địa phương, đặc biệt là tại Gia Lai, có 14 người tử vong do uống phải rượu cồn được chế biến bằng cách pha cồn công nghiệp làm tăng độ nặng của rượu, với hàm lượng methanol cao gấp... 100-400 lần tiêu chuẩn cho phép.
Ông Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cũng cảnh báo thời điểm tết ở miền Bắc thường lạnh, có khi có mưa nhỏ, cần đề phòng hạt có dầu bị ẩm mốc, sinh ra độc tố aflattoxin có khả năng gây ung thư cho người sử dụng. Hiện nay, dạo phố bánh kẹo Hàng Buồm và nhiều quầy mứt, bánh ở Hà Nội, thật bắt mắt với đủ loại mứt dừa, bí, mứt quả các loại bày trần trong rổ nhựa. Bà Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, cho hay nên tránh xa những loại mứt màu sắc lòe loẹt, không tự nhiên, vì có thể sản phẩm dùng phẩm màu công nghiệp để chế biến. Bà Hảo cũng cho biết các đoàn kiểm tra từ Hà Nội, TP.HCM, Lạng Sơn đã gửi về viện các mẫu hạt dưa, bánh kẹo, mứt để kiểm nghiệm các chỉ tiêu phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản, kết quả kiểm nghiệm sẽ có vào đầu tuần tới.
Sản phẩm không an toàn vẫn đem đi bán Tại TP.HCM, trong đợt thanh tra vào tuần qua, đoàn thanh tra Sở Y tế TP đã phát hiện một số cơ sở sản xuất mứt và thực phẩm mất vệ sinh, gây nguy hiểm cho người dùng. Tại cơ sở sản xuất mứt bí TT ở đường Trương Phước Phan, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, vài thùng ngâm bí bên trong để làm mứt đã có những vùng bị mốc đen. Đoàn thanh tra phát hiện hai thùng ngâm bí làm mứt (khoảng 250kg) có mùi thối, bí đã ngả sang màu vàng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã yêu cầu cơ sở tiêu hủy ngay tại chỗ. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng phát hiện cơ sở sử dụng một loại bột trắng không nhãn mác dùng để tẩy trắng mứt. Ở cơ sở sản xuất chả lụa chay PL (ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), kết quả xét nghiệm chất lượng sản phẩm do cơ sở tự đem đi kiểm nghiệm từ tháng 10-2010 cho thấy chả lụa của cơ sở bị nhiễm vi sinh nhưng nơi đây vẫn tiếp tục chế biến và tung ra thị trường mỗi ngày trên 100kg chả lụa. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thanh tra Sở Y tế đã đề nghị cơ sở này tạm ngưng hoạt động trao đổi, mua bán thực phẩm cho đến khi có kết quả xét nghiệm từ thanh tra sở. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP, cho biết trong số 23 mẫu hạt dưa, tương ớt, gia vị... được mua ở các siêu thị, chợ trong TP từ ngày 20-12-2010 đến ngày 6-1-2011 đưa đi xét nghiệm tìm chất chứa phẩm màu Rhodamine B, có ba mẫu chứa Rhodamine B (phẩm màu công nghiệp gây ung thư). Do vậy, bà Mai khuyến cáo người tiêu dùng nên mua những sản phẩm có thương hiệu uy tín. Trên sản phẩm có ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng sản phẩm. Khi mua sản phẩm nên nhìn xem bao bì có bị móp, rách, đồng thời phải cảm quan được sản phẩm bên trong có được tươi nguyên hay không. LAN ANH - THÙY DƯƠNG
|
Wednesday, January 19, 2011
Nỗi lo ăn tết
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment