Thursday, January 6, 2011

Xây cao ốc 48 tầng trước chợ Bình Tây

TT - Theo chấp thuận của UBND TP.HCM, trước mặt chợ Bình Tây có ba cụm cao ốc là trung tâm thương mại - dịch vụ - căn hộ cao cấp, quy mô 48 tầng. Nhiều bạn đọc lo lắng cho cảnh quan của khu bảo tồn chợ Bình Tây khi khu tứ giác xây dựng cao ốc cách chợ Bình Tây chỉ một con đường rộng 20m, kể cả vỉa hè.

Bà Nghiêm Kiêm Hải (ở đường Lê Quang Sung, P.2, Q.6) cho biết UBND Q.6 đang lấy ý kiến người dân về việc xây dựng cao ốc 48 tầng tại dãy phố giới hạn bởi các trục đường Tháp Mười - Ngô Nhân Tịnh - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ.

Cao ốc lấn khu bảo tồn

Bà Hải cho biết bà rất tiếc vì đây là khu phố nằm đối diện với mặt trước của chợ Bình Tây và cách chợ không xa. Nếu xây dựng cao ốc 48 tầng ở đây sẽ biến không gian chợ Bình Tây thành thung lũng, cảnh quan của Chợ Lớn nơi đây không còn nữa và sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch.

Theo bà Hải, dãy phố trước chợ Bình Tây chỉ nên xây cao năm tầng như các dãy phố ở đường Trần Bình và Lê Tấn Kế là vừa đẹp. Nhà nước nên đưa ra thiết kế chuẩn để người dân theo đó xây dựng cho đồng bộ.

Một người dân trên đường Tháp Mười lo chợ Bình Tây sẽ bị thu nhỏ như chiếc xe buýt khi đứng cạnh cao ốc 48 tầng. Chưa kể cao ốc này sẽ làm tăng dân số, tăng mật độ lưu thông trong khu vực, tạo sức ép lên hạ tầng nơi đây vốn đã quá tải...

Theo chỉ tiêu của Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, sau khi trừ lộ giới các đường bao xung quanh, khu tứ giác này xây cao ốc còn hơn 25.000m2. Mật độ xây dựng của khối đế cao ốc tối đa 50%, khối tháp tối đa 40%, hệ số sử dụng đất là 15, dân số dự kiến 6.300 người. Công trình phải có khoảng lùi tối thiểu 10m so với ranh lộ giới các đường xung quanh. Theo đề xuất của chủ đầu tư, cụm cao ốc này có hơn 2.000 căn hộ.

Công trình mới phải hài hòa với không gian chợ

Ông Nguyễn Thế Mỹ, trưởng Phòng quản lý đô thị Q.6, cho biết quy mô, tầng cao... của dự án này đã được Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP thông qua. Trong đó, hội đồng có lưu ý tất cả đặc điểm về quy hoạch, kiến trúc để công trình mới có sự hài hòa với không gian của chợ Bình Tây. UBND Q.6 cũng lưu ý chủ đầu tư phải bố trí bãi đậu xe đảm bảo theo quy chuẩn, bố trí giao thông hợp lý...

Chủ đầu tư cũng đã có phương án tạo khoảng không gian trống, vạt góc ở giao lộ... để tạo tầm nhìn thoáng đãng từ mọi góc đến chợ Bình Tây. Cạnh đường Tháp Mười và Lê Quang Sung sẽ mở thêm tuyến đường 4m, đường Phạm Đình Hổ và Ngô Nhân Tịnh mở rộng thêm hai làn xe để giảm áp lực của mạng lưới giao thông chung...

Ông Mỹ giải thích: "Ý kiến của người dân trong khu vực về quy hoạch chỉ có giá trị tham khảo, chứ không là yếu tố quyết định để Nhà nước cho thực hiện dự án hay không. Nếu đa số người dân không đồng ý thì Q.6 sẽ lưu ý chủ đầu tư khi thiết kế dự án, chứ không vì thế mà ngừng thực hiện dự án. Chợ Bình Tây là công trình kiến trúc bảo tồn nhưng không phải là kiến trúc mang tính biểu tượng tiêu biểu của TP nên không thể vì bảo tồn không gian quanh chợ mà không được xây nhà cao tầng ở những khu vực xung quanh".

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Phải nghiên cứu tổng thể trong bán kính 250m

Theo quan điểm bảo tồn, khi chợ Bình Tây được xây dựng, nó bao gồm ngôi chợ và các dãy phố lầu bao quanh (xem sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển). Cơ cấu chợ và nhà phố này mang tính chất đặc trưng quy hoạch kiến trúc thương mại Việt Nam.

Do vậy để bảo tồn tốt khu vực này, phải giữ chợ và toàn bộ các dãy phố (không xây cao thêm nữa). Nếu xây các công trình cao tầng mới thì phải thụt vào để có sự chuyển tiếp không gian. Các công trình cao 10 tầng thì phải cách xa chợ ít nhất 30-50m, công trình cao 50 tầng phải cách xa hơn nữa.

Như vậy để phát triển và bảo tồn khu vực chợ Bình Tây, nhà thiết kế cụm công trình mới phải giải trình được bố cục phù hợp trong mối liên kết không gian với chợ Bình Tây trong bán kính 250m, tính từ chợ.

KHÁNH YÊN


No comments:

Post a Comment