Saturday, December 18, 2010

Đối diện “Họa tham nhũng” - Kỳ cuối: Không ai chống tham nhũng trong một đêm

Thứ Sáu, 17/12/2010, 04:14 (GMT+7)


TT - Vị cựu thẩm phán già Barry O'Keefe là người không thể không nhắc tới mỗi khi Hội nghị chống tham nhũng quốc tế tụ họp hai năm một lần. Ông hào hứng dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn về câu chuyện chống tham nhũng bằng những trải nghiệm của mình.

Ông Barry O'Keefe, chủ tịch hội đồng Hội nghị chống tham nhũng quốc tế - Ảnh: H.Giang

Câu chuyện niềm tin

"Trước hết phải có lòng tin - ông bắt đầu như vậy - Người ta lo lắng niềm tin của mọi người từ các châu lục khác nhau đang bị xói mòn bởi những người đứng đầu đất nước nói một đằng làm một nẻo. Họ cứ nói nhưng không làm việc cần làm. Ban đầu việc này khiến người dân bắt đầu nghi ngờ và mất lòng tin ở chính phủ và các thể chế công khác như hải quan, ngân hàng dự trữ... Rồi điều đó dẫn tới sự thờ ơ của mọi người. Họ nói: "Chuyện quái gì đang diễn ra thế này? Chúng ta bất lực rồi, phải chấp nhận thôi". Vì thế chúng ta phải khôi phục lòng tin thì mới chống tham nhũng được".

* Vậy công cuộc chống tham nhũng đang đi về hướng nào, thưa ông?

- Chúng ta phải nhìn vào các chiến lược cụ thể và đề xuất các kế hoạch hành động. Làm sao để thúc giục các thể chế thông qua kế hoạch hành động và thực hiện trong thời gian dài. Tất nhiên việc xác định hiệu quả thật sự của kế hoạch hành động cần có thời gian, vì tham nhũng không xảy ra trong một đêm và việc giảm hay loại bỏ nó cũng là vấn đề thời gian.

* Làm thế nào để khôi phục lòng tin vào cuộc chiến lâu dài đó?

- Tham nhũng là chuyện bí mật. Chẳng ai đưa việc mình tham nhũng lên trang nhất tờ báo mà sẽ cửa đóng then cài để làm việc đó. Nếu một vụ tham nhũng được phanh phui, những dữ kiện của vụ việc đó sẽ trở nên công khai, người có tội có thể bị xét xử. Suy cho cùng, không ai trong số chúng ta muốn bị gắn mác tham nhũng. Hầu hết chúng ta đều mong sao có thể nói rằng mình tự hào về công việc. Đó là điều ta không thể nói được nếu làm việc cho một cơ quan tham nhũng.

Vì vậy, minh bạch là việc đưa các hành động ra ánh sáng khiến mọi người biết việc gì đang diễn ra. Đây là một công việc chủ yếu của quá trình khôi phục lòng tin. Khi bạn biết dữ kiện thực tế, bạn có thể tự xây dựng ý kiến của mình mà không rơi vào tình trạng mơ hồ. Trong phần lớn trường hợp, sự không tin tưởng lẫn nhau là sản phẩm của tội phạm hoặc của việc thiếu thông tin về những gì đang diễn ra. Một loại tội ác như tham nhũng, nếu đưa nó ra công luận sẽ góp phần giảm và tiến tới loại trừ nó.

* Có ý kiến cho rằng minh bạch không phải là trở ngại cho quá trình chống tham nhũng nữa mà là trách nhiệm giải trình. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Trách nhiệm giải trình là đưa những người làm việc phi pháp, tham nhũng ra công lý. Tôi cho rằng khi có minh bạch sẽ dẫn tới có trách nhiệm giải trình. Điều đó không phải lúc nào cũng diễn ra và sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng chắc chắn trách nhiệm giải trình sẽ đến sau khi có minh bạch.

Dạy giới trẻ bộ giá trị chống tham nhũng

* Ở Thái Lan, một cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người được hỏi chấp nhận tình trạng tham nhũng của quan chức, miễn là người ấy đem lại sự thịnh vượng về kinh tế cho đất nước. Với một xã hội mà người dân thờ ơ với tham nhũng và không xấu hổ khi dính líu vào tham nhũng thì phải làm thế nào?

- Nói như thế cũng có khác gì nói rằng bạn được ăn cắp miễn là đừng ăn cắp nhiều. Sự minh bạch sẽ được rộng lớn hơn nếu số người im lặng với tham nhũng không còn im lặng nữa. Hãy lấy số liệu của Thái Lan: 100 triệu baht bị thất thoát khỏi ngân sách nhà nước trong quá trình đấu thầu công. Đó là khoản tiền rất lớn, sẽ làm được nhiều điều cho những người dân cần giúp đỡ.

Có một nghiên cứu được thực hiện tại một nước châu Phi mà tôi sẽ không nói tên. Câu hỏi là: Thu nhập của gia đình bạn trong một năm bình quân bao nhiêu? Trả lời: 500 USD. Câu hỏi tiếp là: Bạn dành bao nhiêu trong số đó để hối lộ? Trả lời: 40%. 500 USD/năm đã là một khoản tiền quá ít ỏi cho một gia đình mà lại còn phải dành phần lớn trong số đó cho hối lộ.

Tôi tin với các chương trình mang tính thuyết phục cao, người dân sẽ nói rằng họ muốn không phải trả tiền hối lộ. Ngoài ra, tham nhũng cũng có khía cạnh đạo đức. Đó là cách một cá nhân phản ứng trong một hoàn cảnh nhất định. Vì thế giáo dục là biện pháp quan trọng. Chúng ta dạy học sinh về cái giá của tham nhũng trong suốt quãng thời gian đi học, khi vào đời họ sẽ có một bộ giá trị riêng của mình mà không thờ ơ và không đi ngược lại sự liêm chính.

* Điều khác biệt nào trong chống tham những giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thưa ông?

- Nguyên tắc thì giống nhau, cách áp dụng có thể khác nhau. Ví dụ các nước giàu tài nguyên có thể có nguyên tắc giống nhau. Nhưng cần nhớ một vụ tham nhũng có hai phía: bên đưa và bên nhận. Sẽ là sai lầm khi chúng ta chỉ tập trung vào bên nhận. Ở các nước phát triển hơn, việc áp dụng các nguyên tắc có thể dễ dàng hơn vì họ đã có các thể chế cần thiết.

* Để một quốc gia phòng chống tham nhũng hiệu quả, ông nghĩ cần phải có những yếu tố gì?

- Bạn sẽ cần một loạt những điều sau: một hệ thống tư pháp không tham nhũng, tự do báo chí, sự ủng hộ của người dân, một hệ thống chính trị mà tại đó người ta có thể đặt câu hỏi chất vấn việc chính phủ làm ...

HƯƠNG GIANG thực hiện


No comments:

Post a Comment