Saturday, December 4, 2010

Đồng tiền của VN ‘đang có vấn đề’


Đồng tiền của Việt Nam đang gặp vấn đề, do bị trượt giá

Đồng tiền của Việt Nam đang gặp vấn đề, do bị trượt giá.

BBC - Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng đồng tiền của Việt Nam đang gặp vấn đề, do bị trượt giá. Trong khi chỉ số lạm phát ở mức cao.

Trao đổi với BBC Việt Ngữ về chủ đề doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm nhân Diễn đàn Doanh nghiệp họp tại Hà Nội hôm 2/12, Adam Sitkoff, Giám đốc phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam muốn chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn.

Ông Sitkoff cũng nói đến nghị định kiểm soát giá của chính phủ và nguyên tắc thương mại bình đẳng, nhà nước không can thiệp của WTO. Sau đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn.

Adam Sitkoff: Có hai chủ đề chúng tôi nêu ra trong cuộc họp diễn đàn doanh nghiệp ngày 2/12 tại Hà Nội. Đó là chính phủ cần để ý duy trì ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn. Đề ra chính sách hữu hiệu để kiềm chế tỷ lệ lạm phát – vốn đang khá cao. Hiện lạm phát đang ảnh hưởng đến đời sống và sức mua của người dân. Thứ hai là chúng tôi muốn thấy chính phủ nghiêm túc thúc đẩy cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Sau vụ khủng hoảng tại Vinashin, chúng tôi quan sát thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước khác phải nhận bớt nợ và bị gán tài sản của Vinashin. Cách giải quyết các khoản nợ của Vinashin vẫn còn chưa minh bạch.

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tin rằng chính phủ nên giảm bớt can thiệp vào quá trình làm ăn và kinh doanh của doanh nghiệp. Cạnh đó trong lúc tỷ lệ tư hữa hóa được đẩy mạnh, doanh nghiệp nhà nước vẫn kiểm soát hầu hết các loại hình kinh doanh quan trọng ở Việt Nam. Chúng tôi muốn thấy điều này thay đổi. Chính phủ nên tập trung vào các tiêu chuẩn kế toán, hạch toán được quốc tế công nhận liên quan đến cách tính thuế và thu thuế, để góp phần loại trừ tham nhũng. Hành động thường xuyên bơm thêm vốn cho doanh nghiệp quốc doanh đang ngập trong nợ nần không phải là cách dùng tiền thuế của dân tốt nhất.

BBC: Ông chủ tịch phòng Thương mại của quý ngài hôm qua có nói rằng Việt Nam có thể đang vi phạm luật WTO khi ra nghị định kiểm soát giá, chủ yếu liên quan tới các mặt hàng nhập cảng mà công ty Mỹ đang kinh doanh. Ông có chia sẻ cái nhìn như vậy hay không?

Adam Sitkoff: Tôi đồng ý với quan điểm như vậy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng công ty Mỹ không vui lắm trước quyết định kiểm soát giá của chính phủ. Chúng ảnh hưởng tới một số lĩnh vực kinh doanh. Điều xảy ra trong lúc này lại là, nghị định về giá của chính phủ hình như chỉ nhắm đến công ty nước ngoài nhập hàng về bán, chứ không nhắm đến công ty trong nước. Đó là lý do tại sau chúng tôi nói rằng rất có thể Việt Nam đang vi phạm lời văn và tinh thần của cam kết gia nhập WTO ba năm trước đây. Việt Nam đang gặp vấn đề về lạm phát. Và họ đang tìm cách kiểm soát. Tuy nhiên quy định về kiểm soát giá không phải là cách ổn định tình hình kinh tế vĩ mô hay nhất. VN cần có chính sách tiền tệ rõ ràng, minh bạch và ổn định. Việt Nam cần có biện pháp giảm bớt thâm thủng ngân sách. VN cần duy trì và khuyến khích sự cạnh tranh để giúp cho khu vực xuất khẩu. Việc để cho tiền Đồng đang mất giá, hoặc dựng lên các rào cản nhân tạo đối với hàng hóa nhập khẩu, những cách này không bao giờ giúp điều chỉnh được mất cân đối lớn về mặt cơ cấu.

BBC: Tại Đông Nam Á, đồng tiền của một số nước lên giá so với đôla Mỹ, vốn nước ngoài tìm dòng chảy vào thị trường chứng khoán, ở Việt Nam điều như vậy không xảy ra. Ông có thể giải thích tại sao?

Adam Sitkoff: Không một chút nghi ngờ, bức tranh kinh tế vĩ mô đang có đám mây đen ở cuối chân trời. Đồng tiền của VN hiện đang gặp vấn đề. Đối với doanh nhân nước ngoài. Đối với người trong nước. Rất ít người tin vào đồng bạc Việt Nam. Tiền đồng đang trong chu kỳ giảm giá. Đây là điều chính phủ cần giải quyết sớm. Tiền đồng mất giá làm cho chỉ số lạm phát tồi tệ hơn. Và làm nguội thị trường chứng khoán. Không có nhiều nước muốn ở trong hoàn cảnh như vậy. Một số người lập luận rằng giảm giá tiền đồng để giúp tăng cạnh tranh trong xuất khẩu. Tuy nhiên chính sách tài khóa đã không giúp gì chuyện này. Tôi hy vọng sau khi VN tổ chức xong đại hội đảng, bầu ra ban lãnh đạo mới, một trong những lĩnh vực họ cần để ý làm trước là ổn định kinh tế vĩ mô. Tại diễn đàn kinh doanh hôm qua (2/12) chúng tôi muốn điều này xảy ra sớm.

No comments:

Post a Comment