Thứ Bảy, 4.12.2010 | 08:37 (GMT + 7)
(LĐ) - Trang web của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) hôm qua vừa đăng tải thông tin về Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa sản phẩm cá tra vào danh sách đỏ (những loại thuỷ sản không được tiêu dùng) thuộc Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thuỷ sản.
Thông tin này đã thực sự gây sốc với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Chưa có bằng chứng cụ thể về việc các tra gây ảnh hưởng đến môi trường sống. |
"Tẩy chay" cá tra?
Theo thông tin của VASEP, cá tra đã được đưa vào danh sách đỏ vừa cập nhật do WWF công bố trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc WWF khuyên người tiêu dùng toàn cầu nên lựa chọn thủy sản khác, thay thế sản phẩm cá tra bởi loài cá này thuộc danh sách đỏ – những loại thủy sản không được tiêu dùng. Thông tin này không chỉ gây sốc đối với nông dân theo nghề nuôi cá tra ở Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Trước đó, Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của WWF tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch, cá tra đã được đưa vào danh sách đỏ với hầu hết lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề".
Ông Mark Powell - đại diện lãnh đạo Tổ chức thủy sản toàn cầu thuộc WWF - lý giải: "Nguyên nhân chính vẫn là do các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên với mức độ lo ngại ngày càng lớn. Thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải trực tiếp ra sông và hồ khiến nguy cơ lây bệnh của cá tra sang các loài cá tự nhiên rất cao". Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), liên tục thời gian gần đây, cá tra VN gần như bị "tẩy chay" tại thị trường Châu Âu. Mới đây, sản phẩm cá tra nước ta còn bị EU đưa vào mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.
Việc WWF liệt cá tra vào danh sách đỏ gây bất ngờ và bức xúc cho nhiều người nuôi cá Việt Nam. Ảnh: Vasep |
Phản đối
Trước các thông tin trên, VASEP đã chính thức lên tiếng phản đối quyết định của WWF. Theo đó, VASEP cho rằng chưa có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cụ thể về việc cá tra gây ảnh hưởng đến môi trường sống và các loại cá tự nhiên khác bởi nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản hay hóa chất sử dụng trong chăn nuôi... Cơ quan này nhấn mạnh, hiện hầu hết doanh nghiệp chế biến và XK cá tra VN đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm XK nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm "từ trang trại đến bàn ăn". Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra VN đã được cấp chứng nhận Gobal GAP. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh thị trường của 120 quốc gia trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản...
Trao đổi với báo chí chiều 2.12, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: "WWF là tổ chức bảo vệ động vật hoang dã rất có uy tín, tuy nhiên việc đưa ra quyết định trên là rất thiếu cơ sở. Tôi cho rằng thông tin này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bà con nông dân và vấn đề XK cá tra VN. Bộ NNPTNT sẽ kiểm tra lại thông tin từ WWF và sẽ có phương án phản hồi xác đáng".
Ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hoà - cũng tỏ ra bất ngờ và bức xúc trước thông tin trên: "Cá tra bị liệt vào danh sách đỏ, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị mất một trong ba mảng XK chủ lực của ngành thuỷ sản. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất cá tra ĐBSCL". Được biết, mỗi năm kim ngạch XK từ cá tra đạt trung bình trên 1 tỉ USD, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực ĐBSCL.
D.Hà
No comments:
Post a Comment