Monday, December 6, 2010

Ung thư gia tăng (Kỳ 1): Bệnh viện quá tải, bệnh nhân vật vạ

Thứ Ba, 07/12/2010, 04:26 (GMT+7)


TT - 11g trưa, cả hai phòng khám, xét nghiệm phát hiện sớm ung thư ở Bệnh viện K chật ních người. Trời Hà Nội đầu đông, chúng tôi phải mặc áo len nhưng trong phòng khám vẫn bật quạt vì không khí ngột ngạt, oi bức.

Chen chúc chờ đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sáng 24-11 - Ảnh: Thanh Đạm

Tình hình cũng tương tự ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

3 người/giường

Anh Nguyễn Văn S., 48 tuổi được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa ra Bệnh viện K Hà Nội điều trị u vòm họng. Bệnh nhân mới ra Hà Nội một ngày nhưng họ hàng, người thân đã sốt ruột vì bệnh viện chật quá, ba bệnh nhân/giường. Mệt, ốm, anh S. trằn trọc suốt đêm không ngủ được vì chật và... hôi. Cậy cục mãi anh mới nhờ được chuyển sang phòng bệnh dịch vụ.

1 tỉ USD/năm chảy ra nước ngoài chữa ung thư

Theo ước tính của một chuyên gia điều trị ung thư, riêng chi phí điều trị ung thư của bệnh nhân VN ở nước ngoài đã lên tới 1 tỉ USD/năm, mặc dù bác sĩ VN chuyên môn không kém cạnh so với các nước trong khu vực.

Ở phòng xét nghiệm tế bào Bệnh viện K, 16g bệnh nhân vẫn ngồi đợi chật hai dãy ghế. TS Lê Quang Hải, trưởng phòng, mặt lấm tấm mồ hôi, kể mỗi ngày phòng này làm xét nghiệm cho 300 bệnh nhân, cả phòng căng hết sức làm mới hết, bởi thông thường mỗi phòng xét nghiệm chỉ nên làm xét nghiệm cho 200 bệnh nhân/ngày.

Theo ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, năm năm trước mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K tiếp nhận 600-700 bệnh nhân, nhưng gần đây con số này tăng vọt lên 1.000 bệnh nhân/ngày. Chưa kể hai cơ sở điều trị của bệnh viện luôn có chừng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Với cơ sở vật chất hiện có, Bệnh viện K là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất nước, có lúc chịu đựng tới 285% so với năng lực.

Bệnh nhân ung thư là nhóm bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, mệt mỏi, mất sức, nhất là giai đoạn điều trị hóa trị, xạ trị, nhưng hầu hết phải nằm ghép đôi, ghép ba, thậm chí tại Trung tâm xạ trị và điều trị ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, từng phải ghép tám bệnh nhân/giường bệnh!

Bệnh nhân chờ khám bệnh tràn ra lối đi và vỉa hè của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Nằm ở hành lang, gầm giường

Một giờ khuya, chị P.T.Q., 25 tuổi, ở Châu Thành, Trà Vinh, đón xe từ nhà đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để tái khám bệnh bướu sợi tuyến vú. 5g cùng ngày, chị có mặt tại Bệnh viện Ung bướu, 6g đã bắt số nhưng gần 10g vẫn chưa được gọi vào phòng khám.

Đến bệnh viện từ lúc 7g nhưng số thứ tự của bà D.T.D., 54 tuổi, ngụ Bình Định, nhận được là 863. Bị bệnh bướu cổ hơn một năm nay, bà đang điều trị bằng cách uống thuốc. Lần nào tái khám, bà D. cũng lặn lội từ Bình Định đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Dù biết mỗi lần đi khám là một hành trình chờ đợi kéo dài nhưng hai mẹ con đã an ủi với nhau dẫu sao đây cũng là bệnh viện lớn điều trị ung bướu nên ráng chịu cực, chứ ở tỉnh đâu có bệnh viện nào bằng!

Sáng 19-11, gần khu khám bệnh đầu, cổ của bệnh viện, một số bệnh nhân trải chiếu nằm ngay hành lang dành cho người đi lại. Một phụ nữ lớn tuổi, tóc bị rụng hết, nằm với dáng vẻ mệt mỏi. Ngồi cạnh là người chồng, ông N.N.K., 57 tuổi, ngụ ở Thoại Sơn, An Giang, ở đây chăm sóc vợ. Ông K. kể vợ ông mắc bệnh ung thư vú, điều trị tại khoa nội 4 của bệnh viện này suốt tám tháng nay. Từ khi nhập viện đến nay vợ ông đều phải nằm ở hành lang. Lý do là trên khoa quá tải, không còn chỗ. Bệnh viện cứ ghép 3-4 người một giường. Vì vậy, người nào đến sau phải tự giác mua chiếu nằm hành lang.

Một cặp vợ chồng khác nằm bên cạnh cho biết: bình thường không sao chứ khi có cơn mưa lớn là nước lênh láng hành lang. Khi đó những người bệnh nằm ở hành lang lại ôm chiếu lên cầu thang đứng, đợi nước rút.

Ông N.N.P., 57 tuổi, ở TP.HCM, mắc bệnh ung thư hậu môn gần hai năm nay, kể ông phải nằm dưới gầm giường bệnh viện từ rất lâu. Ông bảo bệnh viện quá tải nên phải chịu vậy. Không biết đến bao giờ bệnh nhân vào viện được nằm một mình một giường.

Ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, cho hay năm năm trở lại đây, mỗi năm bệnh nhân ung thư vào viện tăng 10-20%. Tại hội thảo quốc gia mới tổ chức tháng 10-2010 về ung thư, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phải thừa nhận với khoảng 150.000 bệnh nhân mắc ung thư mới/năm, ngành y tế chỉ đáp ứng 25% nhu cầu điều trị thực tế.

Còn theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM năm sau luôn tăng hơn năm trước. Năm 2009, ở thời điểm này số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú được bệnh viện quản lý là 7.000 bệnh nhân thì năm nay con số này đã lên 9.800 bệnh nhân.

Mỗi ngày có 9 phụ nữ VN chết vì ung thư cổ tử cung

Trên thế giới mỗi ngày có 750 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Còn tại Việt Nam ước tính mỗi ngày có 17 phụ nữ có chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung mới và chín phụ nữ chết vì căn bệnh này. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Văcxin ngừa HPV tiên phong tạo nên sự khác biệt giúp bảo vệ cuộc sống người phụ nữ" được tổ chức tại TP.HCM ngày 5-12.

TS.BS Cao Hữu Nghĩa - trưởng khoa phòng khám Viện Pasteur TP.HCM - cho biết mỗi năm trên thế giới có 470.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới với 230.000 ca tử vong vì bệnh này. 80% số ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.

L.TH.H.

Tỉ lệ bệnh nhân ung thư tăng nhanh

Tỉ lệ mới mắc chung của ung thư ở nam giới VN ước tính năm 2010 là 181,3/100.000, cao hơn nhiều so với năm 2000 là 146,6/100.000.

Ở nữ giới, tỉ lệ này gia tăng nhanh không kém khi ước tính năm 2010 là 134,9/100.000, trong khi năm 2000 là 101,6/100.000.

Lý giải nguyên nhân số lượng bệnh nhân ung thư tăng cao, ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, cho rằng chương trình quốc gia phòng chống ung thư với nhiều dự án tuyên truyền, người dân có ý thức đi khám, phát hiện bệnh sớm; tuổi thọ trung bình tăng (năm 2010 ở mức 73 tuổi, tăng 2 tuổi so với năm 2005), trong khi ung thư xuất hiện nhiều ở nhóm người già. Bên cạnh đó là yếu tố lối sống và môi trường.

LAN ANH - THÙY DƯƠNG


No comments:

Post a Comment