Tuesday, January 11, 2011

Cần coi báo chí là hoạt động công vụ

Thứ Tư, 12/01/2011, 06:23 (GMT+7)


TT - Cản trở nhà báo tác nghiệp chưa đến mức xử lý hình sự bị xử phạt tối đa đến 30 triệu đồng, không cung cấp thông tin cho báo chí bị phạt 3 triệu đồng...

>> Phạt 20-30 triệu đồng nếu đe dọa, uy hiếp nhà báo

Bảo vệ dùng vũ lực kéo phóng viên, che ống kính khi PV tác nghiệp trong vụ một công trình xây dựng làm sập nhà dân ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ông Ngô Huy Toàn - Ảnh: M.Q.

Ông Ngô Huy Toàn, trưởng phòng thanh tra báo chí xuất bản Thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông, khẳng định đó là những quy định đáng chú ý tại nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Toàn cũng nêu quan điểm cần thiết phải coi hoạt động báo chí là hoạt động công vụ để tăng cường tính bảo vệ hoạt động hợp pháp, hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo. Ông Toàn cho biết:

- Trong nghị định có một điều khoản về hoạt động cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm cản trở rất rộng nên trong khuôn khổ nghị định này không liệt kê hết được các hành vi.

 Do đó, thanh tra bộ sẽ xem xét đề nghị bộ ban hành một thông tư hướng dẫn quy định cụ thể hơn. Nhưng rõ ràng nhất là hành vi không cho nhà báo tác nghiệp như không cho tiếp xúc thông tin, không cho sử dụng phương tiện tác nghiệp, đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo... đã được quy định cụ thể trong nghị định.

* Việc vi phạm các hành vi cản trở bị xử lý thế nào?

- Bảo vệ nhà báo có nhiều cấp độ, nếu bị hành hung, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Bên cạnh chế tài mạnh về hình sự còn có chế tài hành chính, ví dụ phóng viên bị cản trở ở mức thông thường thì cơ quan báo chí cần thông báo đến cơ quan chức năng như sở thông tin - truyền thông địa phương đó hoặc chuyển thông tin về thanh tra bộ xem xét xử lý. Khi đó, cơ quan thanh tra sẽ xem xét hoặc phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ.

Từ trước tới nay các cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về vấn đề này, chưa hiểu rõ quy định về một kênh thông tin bảo vệ mình, không biết có con đường hành chính chuyên ngành mà chỉ nghĩ các sự việc cản trở sẽ do cơ quan công an xử lý.

* Thực tế nhà báo cũng là người thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, Nhà nước nhưng chưa được coi là người thi hành công vụ. điều này khiến cơ quan bảo vệ pháp luật lúng túng khi xử lý các vụ việc hình sự?

- Đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây khi tình hình cản trở, hành hung nhà báo xảy ra liên tục. Tuy nhiên, nghị định 02 không nêu vấn đề này vì nó độc lập với quy định về hình sự. Chỉ khi nào có yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật về hình sự thì Bộ Thông tin - truyền thông và các cơ quan khác mới có cơ hội kiến nghị sửa đổi điều luật đó.

* Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, cần thiết coi hoạt động báo chí là hoạt động công vụ để tăng cường tính bảo vệ hoạt động hợp pháp, hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo. Chúng ta phải bổ sung được hoạt động của nhà báo vào điều khoản hoạt động công vụ thì khi đó mọi việc sẽ được giải quyết triệt để.

* Hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị cố tình không cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí dù liên lạc trực tiếp hay bằng công văn và đều không bị xử lý. Nghị định có đảm bảo răn đe được các đối tượng này?

- Chắc chắn các cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt nếu vi phạm với mức tối đa 3 triệu đồng. Bên cạnh việc bị xử lý hành chính, các cá nhân vi phạm sẽ còn bị xem xét những hình thức xử lý khác, ví dụ như với công việc thì họ đã không hoàn thành chức trách nhiệm vụ và vi phạm các quy định về kỷ luật công vụ.

Hành vi cản trở cung cấp thông tin có nhiều, ví dụ như thu giữ phương tiện, cản trở nhà báo vào khu vực hợp pháp để tác nghiệp hoặc khi có vấn đề bức xúc, xã hội đang quan tâm, cơ quan báo chí đề nghị cơ quan có trách nhiệm trả lời nhưng họ kiếm cớ trì hoãn việc thông tin thì theo tôi, đó cũng là một dạng cản trở.

* Nghị định 02 có nêu rõ báo chí phải dẫn nguồn tin khi đăng phát trên báo chí. Quy định này có trái với luật khi nhà báo có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của mình?

- Chế tài trong nghị định 02 hoàn toàn phù hợp quy định trong Luật báo chí. Quy định này chỉ yêu cầu báo chí dẫn nguồn khi đăng, phát tin mà thôi. Nguồn tin có những nguồn công khai và nguồn tin riêng, cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin đó mà không ai được phép tra vấn.

 Việc bảo vệ nguồn tin được quy định cụ thể trong Luật báo chí, không một cơ quan hay cá nhân nào được yêu cầu trừ trường hợp viện trưởng viện KSND cấp tỉnh hoặc chánh án TAND cấp tỉnh trở lên yêu cầu công khai nguồn tin khi cần thiết để giải quyết các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp.

 Luật báo chí đã quy định khi đăng, phát tin phải dẫn nguồn nhưng cũng nói có thể đưa theo nguồn tin riêng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng, phát.

* Với các quy định về đăng tải hình ảnh hay đời tư của người khác, báo chí cần chấp hành thế nào?

- Việc sử dụng hình ảnh minh họa trong hoạt động báo chí rất phổ biến và cần thiết. Ở đây hình ảnh của một người trong ảnh minh họa được chụp trực diện, thể hiện người ta là bố cục chính, nội dung tin bài đó có liên quan, có ảnh hưởng trực tiếp đến người được sử dụng trong hình ảnh minh họa thì phải xin phép. Còn hình ảnh thông thường của hoạt động mang tính xã hội, tập thể thì luật pháp cho phép sử dụng bình thường.

Đối với câu chuyện đời tư, từ trước đến nay báo chí hơi lạm dụng nên nếu không được người bị nêu đồng ý cũng sẽ bị xử phạt.

* Trong các hình thức xử lý bổ sung có việc thu hồi thẻ nhà báo, vậy sau bao lâu các nhà báo được cấp lại thẻ?

- Nghị định này chỉ quy định hình thức xử lý (tước quyền sử dụng thẻ), còn việc cấp lại thẻ bộ đã có quy định riêng và thực hiện theo quy định này. Chúng ta cứ chiếu theo quy định mà làm, đến khi đủ điều kiện được cấp thẻ thì sẽ cấp lại, mọi cá nhân, cơ quan tổ chức đều phải chấp hành quy định của pháp luật.

MINH QUANG thực hiện


No comments:

Post a Comment