Thanh Trúc, phóng viên RFA2011-01-17Ủy Ban Người Việt Nam Ở Nước Ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo về một buổi họp mặt thân mật để đón mừng người Việt ở nước ngoài về ăn Tết Tân Mão. Việc tổ chức buổi họp tất niên để mời Việt kiều, còn gọi là kiều bào, đã trở thành thông lệ ở Việt Nam nhiều năm trở lại đây. Để tìm hiểu có điều gì mới, năm nay Thanh Trúc hỏi chuyện các Việt kiều và những người trong nước thuộc các tổ chức có liên quan đến lãnh vực người Việt hải ngoại , mời quí vị theo dõi: Thông lệ hàng nămỦy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Năm loan báo sẽ tổ chức buổi họp mặt thân mật ngày 25 tới đây, tức ngày 12 tháng Mười Hai âm lịch, gọi là để đón mừng các kiều bào về ăn Tết Tân Mão 2011 ở quê nhà.Buổi họp mặt sẽ diễn ra tại Hội Trường Thành Phố trên đường Bà Huyện Thanh Quan quận 8. Ủy Ban Người Việt Nam Ở Nước Ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh, một cơ quan chính phủ, thông báo Việt kiều nào muốn tham dự buổi họp mặt thì mang hộ chiếu đến văn phòng của ủy ban để nhận thư mời. Những buổi họp mặt như vậy tạo Việt kiều cơ hộp họp mặt với nhau để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình làm ăn tại Việt Nam. Việc tổ chức buổi họp mặt, nhằm gặp gỡ tiếp xúc với người Việt từ các nước về quê ăn Tết, đã trở thành thông lệ mỗi năm ở Việt Nam. Giới chức chính phủ cho rằng cuộc họp mặt ngày 25 tháng Giêng này là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư nguyện vọng của kiều bào, tuyên dương những Việt kiều có công đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Ngoài ra, Việt kiều đến dự buổi họp mặt còn được nghe về những thành tựu của thành phố trong năm đã qua, bên cạnh kết quả của đại hội đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX cũng như kết quả đại hội đảng lần thứ XI. Ông Lê Hưng Quốc, nguyên phó giám đốc Sở Ngoại Vụ thành phố Hồ Chí Minh, hiện là chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Hữu Nghị, một tổ chức xã hội hoạt động trong lãnh vực ngoại giao nhân dân, nhận định: "Trong buổi gặp đó thì bà con Việt kiều có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào, bởi vì không chỉ có nhân dân thành phố mà có cả lãnh đạo thanh phố rồi lãnh đạo các sở ban ngành, sẵn sàng để chia sẻ với bà con." Những thắc mắc lâu nay của kiều bào, ông Lê Hưng Quốc nói tiếp, thí dụ về quốc tịch, nhà cửa, visa vân vân…, thường vẫn được nêu lên cùng với những trở ngại của vấn đề, thì thành phố mà cụ thể là Ủy Ban Người Việt Nam Ở Nước Ngoài đã lắng nghe, ghi nhận và phản ảnh: "Và thành phố cũng đã cố gắng rất nhiều trong vấn đề làm sao đáp ứng được nguyện vọng của bà con." Ông Quách Hưng Tòng, trưởng ban Chi Hội Người Hoa thuộc Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Kiều thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sẽ tham dự buổi họp mặt Xuân Tân Mão dành cho Việt kiều: "Nói chung những buổi họp mặt như vậy tạo Việt kiều cơ hộp họp mặt với nhau để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình làm ăn tại Việt Nam, những gì làm được những gì chưa làm được, sao cho công của mình nó thuận lợi hơn. Và những cái chưa được thì tiếp tục kiến nghị cho Việt kiều khi về đầu tư cũng như về thăm nhà." Trong tư cách chi hội trưởng Chi Hội Người Hoa trong Hiệp Hội Doanh nghiệp Việt Kiều thanh phố Hồ Chí Minh, ông Quách Hưng Tòng Nhấn mạnh về ưu thế của người Việt gốc Hoa trên thương trường bên ngoài: "Cộng đồng người Hoa có thế mạnh và phát huy trong vấn đề kinh doanh, có sư kết nối trong vai trò xúc tiến thương mại. Hiện nay ở nước ngoài khoảng tám chín chục phần trăm siêu thị toàn do người Việt gốc Hoa làm chủ, đồng thời những nhà phân phối lẻ phân phối sỉ cũng đa số chiếm tám chín chục phần trăm người Hoa làm chủ. Như vậy khi hệ thống hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thì người Việt gốc Hoa giữ cán cân phân phối rất mạnh. Đó là cái lợi thế rất lớn." Cần tiến bộ hơnTrong khi đó thì ông Phan Thành, Việt kiều Canada, về nước kinh doanh mười mấy năm nay, cho biết Tết nào ông cũng đi dự ngày họp mặt của kiều bào: "Tôi cũng có nói với báo chí và đài phát thanh rằng nhà nước Việt Nam rất là quan tâm đến kiều bào nhưng mà luật pháp thay đổi liên tục, hành chánh làm chậm quá, nhiều khi luật ra rồi mà nghị định thông tư chưa ra kịp để bà con phải chờ. Bây giờ có luật mới là mình được quyền trở lại quốc tịch Việt Nam, nhưng thật ra các bộ làm việc chưa tốt để bà con dễ dàng lấy lại quốc tịch Việt Nam. Thành ra vẫn còn trở ngại . Nhà đất thì khi mà mua nhà mua cửa mà có quốc tịch Việt Nam thì không còn phiền hà gì nữa. Cái ý là như vầy: có cái chậm trễ trong đó, hành chánh thì còn luộm thuộm làm bà con Việt kiều không hiểu rõ." Trong lúc thành phố có Ủy Ban Người Việt Nam Ở Nước Ngoài, một cơ quan chính phủ, thì Hội Liên Lạc Với Người Việt Nam Ở Nước Ngoài là tổ chức của những người tự nguyện. Cũng trong ngày thứ Năm, Hội Liên lạc Với Người Việt Nam Ở Nước Ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh thông báo năm nay hội cũng có chương trình đón tiếp kiều bào về mừng Xuân Tân Mão vào ngày 22 với chủ đề Kiều Bào Và Hội Nhập: Tiến sĩ Lương Bạch Vân, chủ tịch Hội Liên Lạc Với Người Việt Nam Ở Nước Ngoài, giải thích: Việt Nam vẫn chưa có chính sách cụ thể để kêu gọi đông đảo chất xám Việt kiều về đóng góp. Cái yêu cầu lớn lắm mà nếu không có chính sách cụ thể. "Chủ đề Kiều Bào Và Hội Nhập là chúng tôi mong muốn kiều bào tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, làm sao phát huy được tiềm lực của các anh chị ở nước ngoài, làm cầu nối để đưa hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời về nước chuyển giao công nghệ , hướng dẫn kỹ thuật. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến những em gọi người Mỹ gốc Việt người Pháp gốc Việt vân vân… Tức là những em sanh trưởng ở nước ngoài nhưng mà gốc Việt. Mấy em về Việt Nam muốn tìm cơ hội làm việc - vì Việt Nam đang phát triển và rất cần nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn năng lực có trình độ - thì chúng tôi tổ chức những hoạt động vừa giới thiệu văn hóa Việt Nam vừa giới thiệu kinh nghiệm của những anh chị em đi trước." Trả lời câu hỏi là lớp trẻ người Việt hải ngoại, thế hệ thứ hai, những tiềm năng và kiến thức về khoa học kỹ thuật mà Việt Nam đang cần, sẽ được đãi ngộ như thế nào cho xứng đáng với nhân cách, công lao học tập nghiên cứu của họ ở những quốc gia tân tiến, xứng đáng với ý muốn làm việc và đóng góp vào sự phát triển của đất nước, tiến sĩ Lương Bạch Vân nói: "Rõ ràng nhà nước Việt Nam quan tâm đến thế hệ thứ hai thứ ba vì những người ra nước ngoài thì con em nếu mong muốn vẫn có thể vào quốc tịch Việt Nam, vẫn coi người Việt nước ngoài là bộ phận của dân tộc. Đương nhiên một người sinh trưởng và sinh sống ở nước ngoài khi về nước thì thế nào cũng có những cái lạ lẫm. Thế thì bây giờ những em ở Mỹ về Việt Nam cũng phải có một thời gian thích nghi. Chúng tôi ở Hội Liên Lạc Với Người Việt Nam Ở Nước Ngoài cũng mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ cho các em, để khi trở về thì các em thấy người Việt Nam trong nước vẫn đón chào các em. Đương nhiên là một cái hội thì phương tiện của mình vẫn còn hạn chế, mong muốn thì rất nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu." Khác với tiến sĩ Lương Bạch Vân, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ về Việt Nam mấy năm nay cho chương trình huấn luyện tiến sĩ và phó tiến sĩ, góp ý: "Tôi nghĩ Việt Nam vẫn chưa có chính sách cụ thể để kêu gọi đông đảo chất xám Việt kiều về đóng góp. Cái yêu cầu lớn lắm mà nếu không có chính sách cụ thể thì gọi là sự lãng phí chất xám của dân tộc Việt Nam. Muốn đông đảo Việt kiều về đóng góp cho đất nước tôi nghĩ cái quan trọng là phải có môi trường thoáng, tự do, tôn trọng tri thức. Một môi trường trong đó các Việt kiều thành danh ở các nước tiên tiến có thể tìm về có thể khởi sắc được. Vấn đề không phải đơn thuần là tài chánh, đây là vấn đề hoàn thiện cơ chế, tạo không khí tôn trọng khoa học trong một bối cảnh tự do, bối cảnh dân chủ, một bối cảnh trong đó người làm khoa học có thể nẩy nở được." Người Việt ở các quốc gia trên thế giới không chỉ đi về thăm quê hay ở lại làm việc, họ còn là nguồn lực ngoại hối hàng năm của Việt Nam. Báo chí trong nước đưa tin năm 2010 lượng kiều hối người Việt bên ngoài chuyển về nhà là tám tỷ đô la, tăng 25% so với năm 2009. Theo dòng thời sự:
|
Monday, January 17, 2011
Họp mặt Việt Kiều mừng Tết Tân Mão
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment