Monday, January 17, 2011

"Mời" thầy giảng bài lúc nửa đêm


17/01/2011 16:51:10

- "Nhờ việc học… ít chép này, em có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc thực hành. Thậm chí, nửa đêm em cũng có thể 'mời' thầy giảng bài mà không có lấy một tiếng phàn nàn" - Nguyễn Thành Luân của Đại học Thái Nguyên nói.

Tua lời thầy, "mời" thầy dạy lúc nửa đêm


Đã từ lâu, việc học trực tuyến trên môi trường internet đã trở thành một thói quen không thể thiếu của Trần Thị Thu Hương, cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Chỉ cần truy cập địa chỉ http://elearning.ftu.edu.vn, Hương đã dễ dàng tìm thấy những kiến thức cho các môn học của mình.

Hương kể, học kiểu… điện tử này không khiến cô phải ghi chép nhiều nhưng vẫn có đầy đủ những kiến thức cần thiết của môn học. Nhiều giáo trình bây giờ không dừng lại ở dạng trình chiếu, mà được thể hiện rất sống động bằng hình ảnh, âm thanh và thậm chí như những đoạn băng video quay cảnh giảng viên đang thuyết trình. Với cách học này, Hương có thể "tua đi, tua lại" đoạn bài giảng của giảng viên để nghe, xem hoặc đọc lại nhiều lần.
 

a
 


"Từ khi được học elearning, em và các bạn ngày nào cũng truy cập địa chỉ website của trường. Ở trường, sóng wifi hầu như phủ kín, trong khi các bạn sinh viên đều có laptop, D-com 3G, ở nhà thì lắp mạng ADSL nên rất thuận lợi", Hương tâm sự.

Giống với Hương, sinh viên Nguyễn Thành Luân của Đại học Thái Nguyên cũng tỏ ra rất "ưng" với kiểu học mới mẻ này. Ở Đại học Thái Nguyên, Elearning mới được triển khai từ năm 2008. Luân bảo, ngoài việc giảm "đọc-chép" ra, thì cậu cũng hoàn toàn có thể tiếp thu kiến thức của các giảng viên qua các bài giảng điện tử mà không nhất thiết phải đến trường. 

"Nhờ việc học… ít chép này, em có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc thực hành. Thậm chí, nửa đêm em cũng có thể 'mời' thầy giảng bài mà không có lấy một tiếng phàn nàn", Luân tếu táo.

Dạo qua một vòng google, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều trường đại học tại Việt Nam đang áp dụng Elearning một cách có hiệu quả. Nhiều trường đã xây dựng được những trung tâm học liệu quy mô, có khối lượng kiến thức bài giảng được số hóa đồ sộ. Bên cạnh đó, các trường còn triển khai cập nhật những thông tin như lịch học, lịch ôn tập, tra cứu điểm thi… giúp học viên dễ dàng tiếp cận ngay tại nhà, mà không cần phải đến trường để tra cứu trên bảng như trước.

Thế giới phẳng của sự học


Trên thực tế, việc học Elearning đã không còn mới mẻ ở các nước trên thế giới. Song ở Việt Nam, nó mới chỉ bắt đầu phát triển một số năm gần đây, đồng thời với việc kết nối internet băng thông rộng được triển khai mạnh mẽ tới tất cả các trường học.

Chỉ trong vòng hơn 2 năm, Viettel đã kết nối internet tới gần 30 nghìn trong tổng số hơn 45 nghìn đơn vị giáo dục trên toàn quốc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Trưởng ban Công nghệ thông tin, trường Đại học Thái Nguyên cho biết, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên số hóa giáo trình. Mỗi giáo trình được số hóa, giáo viên sẽ nhận được trợ cấp là 5 triệu đồng. 

Sau khi được số hóa, các giáo trình này sẽ được đăng tải trên các website, từ đó các giáo viên khác sẽ chỉnh sửa, góp phần làm hoàn thiện bài giảng để có thể truyền tải tới sinh viên một cách gần gũi nhất.

Ngôi trường vùng trung du miền núi phía Bắc này cũng đã xây dựng được một Trung tâm học liệu với cơ sở vật chất hiện đại, gồm 400 máy tính kết nối internet tốc độ cao, wifi phủ khắp để phục vụ công tác đào tạo, quản lý về công nghệ thông tin của trường…

TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ý nghĩa lớn nhất khi các doanh nghiệp như Viettel đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đã tạo ra môi trường giáo dục online. Sinh viên có thể thu thập thêm kiến thức từ các trường đại học online trong nước và trên thế giới. Các bài giảng có âm thanh hình ảnh sinh động, các hình thức trao đổi bàn luận… Nhờ đó, sẽ xoá bỏ mọi cách biệt (cách biệt về học lực, cách biệt về kinh tế, cách biệt về địa lý, cách biệt về thể chất ...), tất cả mọi người đều được thụ hưởng cơ hội giáo dục bình đẳng.  

Một viễn cảnh không xa khi bạn có thể ở Việt Nam nhưng là sinh viên của một trường đại học trên thế giới, cơ hội giáo dục sẽ chia đều cho tất cả mọi người, chỉ cần bạn có công cụ kết nối với internet và kinh phí để trả cho những hoạt động thu nhận thông tin từ nó. 

Thế giới phẳng là đó, và là tương lai của nền giáo dục nước nhà.  Ông cũng phấn khởi: "Với Việt Nam, việc ứng dụng CNTT hướng tới một nền giáo dục điện tử đang trong tầm tay từ hạ tầng cơ sở viễn thông đến công nghệ đều đang rất thuận lợi". 

PV


No comments:

Post a Comment