Bạn thử dịch câu dưới đây sang tiếng Việt giùm tôi nhé. He goes to Saigon. Cái câu có cấu trúc đơn giản và gồm những chữ hầu như người mới học tiếng Anh nào cũng đều biết, riêng tôi, thú thực, tôi không biết dịch sao cả. Có hai chỗ tôi không dịch được. Thứ nhất, chữ "he", đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ ba số ít. Trong tiếng Việt, trên nguyên tắc, nếu chúng ta không biết chữ "he" ấy ám chỉ người nào và người ấy có quan hệ gì với người kể chuyện, chúng ta không thể dịch chính xác được. "Ông ấy" hay "anh ấy" ư? Nhưng nếu người kể chuyện đang nói về một em bé thì sao? Thì phải dịch là "em ấy", dĩ nhiên. Còn nếu em bé ấy là con trai của người phát ngôn thì phải dịch là "con tôi"; nếu đứng ở vai em và nếu cần lịch sự, thì dịch là "cậu ấy" hay "chú ấy". Nếu câu văn ấy xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết thì tùy theo tính cách của nhân vật, có thể dịch là "chàng" hay "gã" hay "hắn" hay "lão" hay "nó" hay "y", hay, xưa hơn một chút, "va", và xưa hơn nữa, "nghỉ' (như trong câu Kiều: "Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung"), v.v… Nhưng cứ tạm cho "he" là "ông ấy" thì chúng ta lại đối diện với vấn đề thứ hai này nữa: Động từ "to go". "Đi" chăng? Ừ, thì cũng được. Nhưng nếu ông ấy đang ở Hà Nội thì thường người ta không nói "đi Sài Gòn". Mà là "vào Sài Gòn". Và nếu người ấy đang ở Cần Thơ hay Đà Lạt, chẳng hạn, người ta sẽ nói: "Ông ấy lên Sài Gòn" hay "Ông ấy xuống Sài Gòn". Nếu địa danh ấy ở miền Trung hay miền Bắc, ví dụ Huế hay Hà Nội, thì người ta có thể nói: "Ông ấy ra Huế / Hà Nội", v.v… Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta thấy rõ là các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt không phải chỉ liên hệ đến vai trò trong hành ngôn (người nói – ngôi thứ nhất; người nghe – ngôi thứ hai; hay người được đề cập – ngôi thứ ba) như trong các ngôn ngữ Tây phương mà còn gắn liền với (a) tuổi tác, (b) địa vị xã hội, (c) tính cách; (d) quan hệ với người phát ngôn, và (đ) tình cảm hay thái độ của người phát ngôn, v.v… Tất cả các yếu tố này thường xuyên thay đổi, do đó, cách xưng hô cũng biến hóa theo. Trong trường hợp thứ hai, động từ chỉ việc di chuyển gắn liền chặt chẽ với yếu tố địa lý (lên/xuống), và riêng trường hợp của vào/ra, còn gắn liền với yếu tố lịch sử. Ai cũng biết, "vào" là động từ chỉ sự di chuyển từ một không gian rộng đến một không gian hẹp; "ra", ngược lại, từ một không gian hẹp đến một không gian khác rộng hơn. Nhưng tại sao đang ở miền Nam, người ta lại "ra" miền Trung trong khi miền Trung rõ ràng là hẹp hơn miền Nam hẳn? Để trả lời câu hỏi ấy, người ta phải quay ngược lịch sử về tận thời Lý và đầu nhà Trần, lúc biên giới phía nam của Việt Nam chỉ dừng lại ở đèo Ngang: lúc ấy, trên bản đồ Việt Nam, phía Bắc đồng nghĩa với rộng và phía nam đồng nghĩa với hẹp. Chính trong bối cảnh ấy, hai chữ "vào" (nhập) và "ra" (xuất) được ra đời. Mà không phải chỉ có các động từ lên/xuống/vào/ra, ngay cả các danh từ chỉ vị trí như trong hay ngoài, trên hay dưới cũng đều như thế. Ở các ngôn ngữ khác, ít nhất là các ngôn ngữ tôi biết, trong là trong, ngoài là ngoài, cũng như trên khác hẳn với dưới. Nhưng trong tiếng Việt thì khác. Trong hai câu "Ông ấy đứng trong vườn nhìn ra ngoài đường" và "Ông ấy đứng ngoài vườn nhìn vào trong nhà" thì vị trí của người được gọi là "ông ấy" không có gì thay đổi cả. Vẫn đâu đó trong không gian của một khu vườn thôi. Vậy mà lúc thì "trong vườn", lúc thì "ngoài vườn". Cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể nói về ai đó là ông hay bà ấy ngồi trên nền nhà hay ngồi dưới nền nhà. Ý nghĩa giống hệt nhau. Cả hai trường hợp vừa kể, đại từ nhân xưng và động từ chỉ phương hướng (và cùng với chúng, danh từ chỉ vị trí), cho thấy một đặc điểm nổi bật của tiếng Việt: tính tình thái (situational), trong đó, nổi bật nhất là tính liên hệ (relational). Mỗi cách nói năng hay viết lách đều gắn liền với một hoàn cảnh nhất định và với những mối quan hệ nhất định. Trong các ngôn ngữ khác, kẻ phát ngôn, bất kể tuổi tác, địa vị, tư cách, tâm trạng và bất kể đang nói chuyện với ai, đều là "I" (tiếng Anh) hay "Je" (tiếng Pháp) cả. Và người nghe, cũng vậy, lúc nào cũng là "you" hay "tu/vous". Lúc nào cũng vậy. Trong tiếng Việt thì cách xưng hô của cái người phát ngôn ấy cứ thay đổi xoành xoạch tùy theo các quan hệ và cũng tùy cả tình cảm của người phát ngôn nữa. Trong các ngôn ngữ khác, trong bao giờ cũng là trong và ngoài bao giờ cũng là ngoài, nhưng trong tiếng Việt, với người ở trong nhà thì cái kẻ đang đứng "trong" vườn lại trở thành "ngoài" vườn; ngược lại, với kẻ đang đứng ngoài đường thì cái người đứng "ngoài" vườn ấy lại biến thành người "trong" vườn, v.v… Theo tôi, chính tính tình thái ấy là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu vắng thói quen tư duy trừu tượng cũng như truyền thống triết học của Việt Nam. Lâu nay, nhiều học giả, từ Phạm Quỳnh đến Võ Phiến, đều giải thích sự thiếu vắng ấy xuất phát từ yếu tố từ vựng: tiếng Việt thiếu hẳn các từ trừu tượng hay nói theo chữ của Phạm Quỳnh, phần "hình nhi thượng".(1) Nhưng thiếu thì mượn. Và người Việt cũng đã vay mượn rất nhiều từ trừu tượng từ chữ Hán. Nhưng mượn rồi thì sao? Khả năng tư duy trừu tượng vẫn èo uột và một nền triết học đặc sản của Việt Nam vẫn cứ là một mơ ước xa vời của hết thế hệ này đến thế hệ khác. Tại sao? Theo tôi, nó nằm ở tính tình thái của tiếng Việt. Xin nhấn mạnh: của tiếng Việt chứ không phải của phần từ vựng trong tiếng Việt. Chính thói quen bao giờ cũng nhìn sự vật và sự việc từ một góc nhìn cụ thể, trong những quan hệ cụ thể đã ngăn cản khả năng trừu tượng hóa của người Việt. Khi năng lực trừu tượng hóa còn yếu, triết học vẫn còn là một giấc mơ xa xăm. Chú thích: (1). Xem bài "Đố kỵ cái trừu tượng" của Võ Phiến trên Tiền Vệ:http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=505 |
Monday, January 24, 2011
Một đặc điểm của tiếng Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment