Monday, January 10, 2011

Thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Cần tương xứng với chất lượng đường


 
10/01/2011 23:55 
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị lún và ổ gà, không đảm bảo cho xe chạy nhanh - Ảnh: P.T 

Trong khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang xuống cấp, không đảm bảo cho xe chạy nhanh thì đề án thu phí mà Công ty CP phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) vừa đề xuất Bộ Tài chính lại đưa mức phí quá đắt.

Tối đa 4.000 đồng/km

Cụ thể, mức phí cao nhất theo đề xuất là 4.000 đồng/km cho xe tải nặng và container, thấp nhất 1.000 đồng/km cho ô tô dưới 12 chỗ. Trả lời Thanh Niên, ông Phan Hồng Quang - Tổng giám đốc BEDC - cho biết, đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương sẽ được áp dụng hình thức thu phí kín.

Theo đó, khi vào đường cao tốc, tài xế nhận một thẻ ghi nhận thông tin tại mỗi cửa vào, khi xe ra khỏi đường cao tốc, thẻ sẽ được quét qua máy để tính tiền phí theo số km thực tế đã chạy. Chẳng hạn, nếu xe vào ở nút giao Chợ Đệm (TP.HCM), ra khỏi đường cao tốc ở nút giao Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) phải trả phí 40.000 - 160.000 đồng, ra ở cửa Bến Lức (Long An) phải trả 18.000 - 72.000 đồng, ra ở cửa Tân An (Long An) trả phí 25.000 - 100.000 đồng. Mức thu khác nhau tùy theo từng loại xe.

Cân nhắc lộ trình thu phí 

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu, nên đưa ra mức phí thấp để khuyến khích người dân lưu thông. Về lâu dài, khi đã hoàn thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ tạo thành tuyến thông suốt từ TP.HCM - Cần Thơ, có thể xem xét cho DN bù thu bằng cách quảng cáo hai bên đường, kinh doanh các trạm dịch vụ dọc tuyến. Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, khi xây đường cao tốc qua các vùng kinh tế khó khăn, bao giờ nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí hoặc cho DN khai thác dịch vụ để tăng thu và giữ giá vé ở mức thấp.

Theo ông Quang, thu phí theo số km lưu thông là hình thức phổ biến tại nhiều đường cao tốc trên thế giới. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo nên tại VN vẫn chưa thể áp dụng thu phí tự động. Trước đó, Thủ tướng đã chấp thuận cho BQL dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư đường cao tốc) chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc cho BEDC với giá trị khoảng 10.000 tỉ đồng, tương đương tổng vốn đầu tư dự án.

Việc thu phí dự kiến kéo dài 25 năm. Dự kiến các đường cao tốc trong tương lai như Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Long Thành - Dầu Giây… cũng sẽ áp dụng mức thu này. Theo ông Quang, hệ thống trạm thu phí đang được xây dựng để có thể tiến hành thu phí ngay sau khi đề án được phê duyệt, theo đề xuất của BEDC là từ 30.4.2011.

Đường xấu, phí cao

Ông Lương Hoàng Trung -Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng, việc doanh nghiệp đầu tư công trình rồi thu phí để hoàn vốn là bình thường, song phải cân nhắc mức phí hợp lý và tương xứng với chất lượng sản phẩm. Theo ông Trung, hiện nay, từ TP.HCM đi Tiền Giang sử dụng QL 1A mất khoảng 2 tiếng, nhưng không phải đóng phí. Trong khi đó, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương rút ngắn khoảng một nửa thời gian, song nếu phải gánh thêm một khoản phí đến 160.000 đồng/lượt thì rõ ràng không hấp dẫn tài xế.

Như vậy, khả năng tài xế bỏ đường cao tốc để quay lại QL 1A là rất lớn. Quan trọng hơn, mức phí cao sẽ gây tác dụng ngược vì đánh mất mục tiêu chính của hệ thống đường cao tốc là tăng tốc độ xe và rút ngắn thời gian, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Một bất hợp lý khác, theo ông Đặng Đức Tiệp - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Đặng Tiến, đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương vốn thiết kế với tốc độ 120 km/giờ, song thực tế mặt đường hiện đã không còn đảm bảo cho xe chạy nhanh, nhiều đoạn chỉ có thể chạy khoảng 80 km/giờ do tình trạng lún và ổ gà… "Sản phẩm không hoàn thiện mà lại thu phí trên trời là không công bằng. Hơn nữa, mức phí cao cuối cùng cũng được doanh nghiệp vận tải đưa vào giá thành và đối tượng lãnh đủ vẫn là người tiêu dùng" - ông Tiệp nói.

Phương Than


No comments:

Post a Comment