Tuesday, November 30, 2010

Chính phủ có đáp ứng kỳ vọng của dân?


2010-11-30

Tại kỳ họp quốc hội vừa qua, nhiều phát biểu của một số đại biểu về những vấn đề 'nóng' hiện nay được nhiều người kỳ vọng 'thấu tai' chính phủ để chỉnh sửa.

Photo courtesy of dantri

Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo chí sáng 24/11/2010

 

Có thể nói, nhiều cử tri quan tâm đến chính sự tại Việt Nam tỏ ra vui mừng khi được nghe những đề nghị thẳng thắn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp hôm đầu tháng 11 vừa qua, bàn về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Dân nói thẳng nói thật

Nhiều người tỏ ra phấn chấn khi vị đại biểu này đưa ra đề nghị thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, và đến cuối kỳ họp quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những thành viên chính phủ, kể cả thủ tướng, trong vụ việc đó. Kiến nghị đó đã được một số đại biểu quốc hội khác ủng hộ.

Phản ứng của nhiều người dân là mừng vui vì họ cho rằng đó là một tín hiệu của dân chủ. Bà Lê Hiền Đức, một khuôn mặt tham gia chống tham nhũng có tiếng lâu nay tại Việt Nam, từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, bày tỏ sự lạc quan tin tưởng của bà vào những vị đại biểu quốc hội nói thẳng, dù rằng vẫn chưa được nhiều:

"Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông (Thanh Hoá), rồi Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc rất được dân quí trọng, tin tưởng. Nhưng đó là thiểu số, còn đại đa số: một là 'nghị gật', hai sợ động đến thân họ, 'ghế' của họ nên không dám nói lên ý kiến của họ. Riêng bản thân tôi, thực tế, thán phục nhất ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Nhưng đó là thiểu số thôi."

Một số cử tri cũng tỏ lòng tin tưởng vào những đại biểu dám lên tiếng như thế. Một trong những người đó có bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vào ngày 21 tháng 11 vừa qua có thư gửi trực tiếp cho những vị đại biểu mà bà hy vọng sẽ nói thay những quan tâm, trăn trở của một cử tri như bà trước quốc hội, chính phủ.

Riêng bản thân tôi, thực tế, thán phục nhất ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Nhưng đó là thiểu số thôi.

Bà Lê Hiền Đức

Những vấn đề nóng được các đại biểu nêu ra như chuyện nợ nần của Vinashin, dự án khai thác bô- xít ở Tây Nguyên, rồi dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam … đã được tổng kết thành những câu hỏi gửi cho thủ tướng và các bộ trưởng chính phủ. 

Một trong những quan tâm của cử tri là hậu quả khôn lường của việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên khi chất thải bùn đỏ được giữ trong những hồ chứa nằm trên Tây Nguyên. Sau khi nghe trấn an của Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường, Phạm Khôi Nguyên, bà Nguyễn Nguyên Bình có ý kiến:

"Tôi xem trao đổi trực tuyến trên VietnamNet, rồi những phát biểu tại quốc hội của ông Phạm Khôi Nguyên, tôi không tin được. Tại sao người ta tự đưa mình vào một 'thế' như vậy? Tại sao để hồ bùn đỏ ở một nơi cao như thế rồi đem hết khả năng để khắc phục? Sao lại làm thế cho tốn kém? Tại sao không đặt ở nơi khác? Tại sao không thải khô? Tại sao không làm như các nhà khoa học gợi ý? 

Bao nhiêu ý kiến của ông Khôi Nguyên tôi đều không hiểu nổi, mà theo tôi đó là những ý kiến 'đưa trâu qua rào'; tức ai đưa ra ý kiến gì cũng nói tôi đã nghiên cứu, khắc phục rồi. Theo tôi nghĩ, lẽ ra ông Phạm Khôi Nguyên phải là người phản biện thì lại đứng ra như người của Tập đoàn Than- Khoáng sản." 

Bà cũng không bằng lòng với đánh giá cho rằng thảm họa tại Hungary là do công nghệ áp dụng từ năm 1942, còn hiện nay Việt Nam theo công nghệ tiên tiến:

Tôi vẫn nghe người ta nói công nghệ thải khô tiên tiến hơn công nghệ thải ướt. Hiện nay người ta làm thải khô sao Việt Nam vẫn còn chọn thải ướt mà gọi là tiên tiến nhất? 

"Còn phái đoàn sang Hungary xem xét gồm những ai? Thông báo cũng không có, danh tánh cũng không, có người trong phản biện không. Nếu ví dụ toàn những người đồng thanh như ông Phạm Khôi Nguyên, không có gì đáng tin tưởng."

Chính phủ có thay đổi?

000_DV272185-250.jpg
Bà Lê Hiền Đức từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007. AFP photo
Tại phiên trả lời chất vấn hôm tuần rồi, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhận trách nhiệm của bản thân cũng nhưng của các bộ trưởng chính phủ liên quan để xảy ra vụ nợ nần Vinsahin… Về việc nhận trách nhiệm này, bà Nguyễn Nguyên Bình có ý kiến:

"Phải có giải trình để dân tin có thể khắc phục được; chứ để thất thoát lớn như thế, và có những vấn đề buộc nhận trách nhiệm xong rồi để đó, tôi chả tin. Tôi không nói chuyện nước khác, tại Việt Nam hồi cải cách ruộng đất để xảy ra sai lầm, ông tổng bí thư Trường Chinh phải mất chức. Bây giờ tốt nhất nếu không làm được hãy để người khác làm. Điều quan trọng là ông (thủ tướng) có từ chức không, có mất chức không? Nếu nhận trách nhiệm xong rồi để đó, rồi kêu có nhiều khó khăn đề nghị Quốc hội, mọi người thông cảm giúp đỡ chúng tôi làm việc. 

Theo tôi nếu vị bộ trưởng nào thấy khó khăn thì nên từ chức để cho người khác làm, như thế mới sòng phẳng, chứ cứ nhận lỗi, nhận lỗi thì quá nhẹ. 

Trong một gia đình khi đứa trẻ con làm lỗi phải hứa với cha mẹ lần sau không phạm nữa; nếu thủ tướng xin lỗi mà không nói không phạm nữa thì không bằng đứa trẻ con. Tôi không bằng lòng với những phát biểu như thế."

Trong thực tế, lâu nay có nhiều vấn đề, nhất là tình hình tham nhũng, khiếu kiện của dân chúng mà cơ quan chức năng nhà nước không giải quyết dứt điểm, một cách thấu tình đạt lý, nên nhiều người dân trở nên mất tin tưởng như kết luận của bà Lê Hiền Đức:

Theo tôi nếu vị bộ trưởng nào thấy khó khăn thì nên từ chức để cho người khác làm, như thế mới sòng phẳng, chứ cứ nhận lỗi, nhận lỗi thì quá nhẹ. 

Bà Nguyễn Nguyên Bình

"Có những việc rất lớn, rất quan trọng của đất nước ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như bô-xít, đường sắt cao tốc, được những đại biểu như ông Nguyễn Minh Thuyết đưa ra tranh luận, cho ý kiến. Nhưng rồi cứ bàn đi, bàn lại không biết đến nay giải quyết thế nào. Mà những vị như ông Nguyễn Minh Thuyết ít quá 'đếm trên đầu ngón tay' làm sao chống lại một 'hệ thống', nhân dân đang lo, đang trông chờ sự công minh, nghiêm túc, dân chủ mà không nhìn thấy gì. Tôi là người chống tham nhũng nhưng buồn lắm, không thấy tương lai gì. Tôi chống tham nhũng không vì cá nhân mà bị khủng bố…"

Tại những nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp… các tổ chức thăm dò hay báo chí thường xuyên có những thống kê đánh giá mức tín nhiệm của dân chúng đối với những vị lãnh đạo đất nước. Mức độ tin tưởng của dân chúng được thể hiện lên xuống rất rõ thông qua khả năng điều hành công việc đất nước của những vị lãnh đạo đó.

Dù ở Việt Nam chưa có những đánh giá, thăm dò công khai như thế nhưng lòng dân đối với các nhà lãnh đạo cũng vậy thôi. Theo lẽ thường, nhà lãnh đạo nào có tâm và lo được cho dân nước thì nhận được sự tin yêu, kính nể của dân, bằng không thì bị muôn người oán thán.

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment