Tuesday, November 30, 2010

Quốc lộ 27B vừa làm xong đã xuống cấp

TT - Ngày 17-11, một bạn đọc ở Ninh Thuận phản ảnh "dự án nâng cấp quốc lộ 27B" (Ninh Thuận - Khánh Hòa) vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp thê thảm.

Quốc lộ 27B mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp thê thảm - Ảnh: H.K.

Sáng 18-11, chúng tôi đi khảo sát trên toàn tuyến quốc lộ 27B. Từ km 12, quốc lộ 27B đúng là "con đường đau khổ".

Lún, nứt và đầy ổ voi

Từ km 12+500, bắt đầu xuất hiện các vết vá do đường bị lún, nứt. Càng về hướng thị trấn Bác Ái (Ninh Thuận), những lỗ vá xuất hiện dày hơn, lớn hơn. Nhiều đoạn hư nặng, nhà thầu đào cả chục mét để đắp, vá. Từ km 14, trên đường xuất hiện nhiều vết vá rộng bằng chiều ngang mặt đường và ngay trên miếng vá cũ đã xuất hiện chi chít vết lún mới.

Từ km 16 - km 19, quốc lộ 27B càng xuống cấp thê thảm. Mặt đường vốn đã bị vá nham nhở nay tiếp tục lún tạo thành nhiều hố sâu đọng đầy nước. Nhiều nơi, lớp nhựa đường chỉ từ 1-2cm (thiết kế 10 cm) nên mặt đường nứt nẻ, bong tróc. Tại chân cầu km 18+190, xuất hiện một vết lún dài gần 20m, tạo nên những hố to. Các phương tiện lưu thông từ Khánh Hòa lên Ninh Thuận qua đoạn đường này phải lấn sang trái. Người dân ở đây cho biết nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra tại đoạn đường này.

Qua thị trấn Bác Ái, từ km 22 - km 32+546 (gói thầu R3) xuất hiện chi chít vết lún, ổ trâu, ổ gà trên đường. Nền đường rất yếu, bên dưới lớp cấp phối rất mỏng, còn lớp nhựa bên trên rệu rã, không đủ độ kết dính. Mặc dù nhà thầu đã cố gắng đắp vá, sửa chữa nhưng vá chỗ này thì chỗ khác lại hư. Tại đoạn dốc từ km 23 - km 24 (xã Phước Thành, Bác Ái, Ninh Thuận), mặt đường bị hư hỏng nặng, có đoạn chỉ dùng cây viết cũng cạy được từng mảng nhựa đường lên và bóp nát dễ dàng.

Từ km 32 đến km 42 (gói thầu R4) mặt đường hư hỏng nặng hơn. Đặc biệt, từ km 35-km 40 xuất hiện nhiều ổ trâu và những đoạn nứt, lún nhưng không được sửa chữa. Đến km 44 (thuộc gói thầu R5), chúng tôi thấy một chiếc xe đang cào từng đoạn đường bị nứt, lún. Tiếp đó, hai công nhân dùng đầm tay đầm qua loa...

Liên tục nâng giá, gia hạn thi công và... hư hỏng

Tháng 7-1999, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt dự án nâng cấp quốc lộ 27B với tổng mức đầu tư trên 146 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án chia hai giai đoạn (giai đoạn 1 từ 1999-2003, giai đoạn 2 từ 2003-2006) và giao Sở GTVT Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Đến tháng 4-2003, theo đề nghị của Sở GTVT Ninh Thuận, Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục, nâng mức đầu tư dự án lên 215 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 được gia hạn thêm một năm.

Sau bảy năm thi công, đến năm 2006 công trình vẫn chưa hoàn thành nổi gói thầu số 1 (R1). Lúc này mặt đường đã hư hỏng và nhà thầu không có khả năng sửa chữa. Nghi vấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thi công, các cơ quan pháp luật ở Ninh Thuận vào cuộc và nhiều cá nhân liên quan đã bị xử lý hình sự.

Tháng 9-2006, Bộ GTVT kiểm tra tuyến quốc lộ 27B mà các nhà thầu đã thi công trước đó và thấy chất lượng thi công, chất lượng vật liệu các hạng mục đều không đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Đến tháng 3-2007, Bộ GTVT quyết định bổ sung 102 tỉ đồng cho dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 27B.

Đầu 2008, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 27B khởi động. Đến tháng 7-2009, dự án một lần nữa được điều chỉnh (giai đoạn nâng cấp) kinh phí từ 102 tỉ đồng lên 140 tỉ đồng vì khối lượng tăng (nếu cộng 215 tỉ đồng của giai đoạn trước thì tổng vốn đầu tư là 355 tỉ đồng). Trong các gói thầu thì gói R2, R3 và R4 (30km) do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 703 (Hà Nội) thi công vì không thực hiện đúng các yêu cầu thiết kế nên mặt đường hư hỏng ngay sau khi thi công.

Ông Phạm Văn Đình, giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông Ninh Thuận (đại diện chủ đầu tư), cho biết sau nhiều lần gia hạn Bộ GTVT "gút" đến tháng 10-2009 ba gói thầu này phải hoàn thành. Nhưng đến đầu năm 2010, khi các gói thầu này chuẩn bị nghiệm thu thì mặt đường xuất hiện nứt, lún cục bộ. Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu khắc phục, sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng mặt đường ngày càng hư hỏng nặng, không đảm bảo tuổi thọ công trình.

Trước tình trạng trên, đầu tháng 7-2010, Sở GTVT Ninh Thuận đề nghị Bộ GTVT cho thảm thêm 5cm bêtông nhựa cho toàn bộ dự án. Nhiều ý kiến cho rằng thay vì buộc các nhà thầu xử lý triệt để phần nền vốn đã quá yếu thì chủ đầu tư lại đi ngược quy trình kỹ thuật, đề nghị thảm thêm bêtông nhựa là tiếp tục gây thất thoát, lãng phí. Trước dư luận trên, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa phần nền rồi sau đó mới quyết.

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 27B sau 11 năm thực hiện giờ đây vẫn trong giai đoạn sửa chữa vì chất lượng quá kém. Theo các kỹ sư chuyên ngành cầu đường, với thiết kế đường có bề dày 45cm đá cấp phối, 10cm bêtông nhựa sẽ cho ra kết cấu rất cao, xe siêu trường siêu trọng lưu thông bình thường. Nhưng thực tế cho thấy ngay sau khi thi công, chất lượng đường 27B xuống cấp thê thảm.

HOÀNG KHƯƠNG


No comments:

Post a Comment