Việt Hà, phóng viên RFA2010-11-30Với rất nhiều người bị nhiễm HIV, kết quả xét nghiệm dương tính đồng nghĩa với đau đớn, chán chường, lo lắng, thậm chí có người còn coi đó là bản án tử hình. Thế nhưng, cũng chính dấu cộng đó đã trở thành biểu tượng của một cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho những người phụ nữ nhiễm HIV tại Việt Nam, mang tên Dấu Cộng Duyên Dáng. Cuộc thi được coi là một thành công trong hoạt động về tuyên truyền phòng chống AIDS và giảm kỳ thị đối với người có HIV/AIDS tại Việt Nam. Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS 1 tháng 12, tạp chí Phụ nữ kỳ này xin gửi tới quý thính giả tâm sự của những người phụ nữ đóng góp vào thành công của cuộc thi này. Cuộc thi đặc biệtLâu nay ở Việt Nam người ta thấy rất nhiều các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức hàng năm ở khắp nơi với nhiều tên gọi khác nhau. Nào là hoa hậu thể thao, hoa hậu áo dài, hoa hậu ảnh, vân vân… Thế nhưng cuộc thi Dấu Cộng Duyên Dáng mới diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại Hà Nội lại là cuộc thi đặc biệt nhất. Nó đặc biệt bởi vì đây là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam dành cho những phụ nữ nhiễm HIV, nhất là khi những kỳ thị trong xã hội dành cho những người sống chung với HIV/AIDS vẫn còn khá phổ biến. Bác sĩ Khuất Hải Oanh, thành viên ban tổ chức cho biết cuộc thi là mơ ước từ rất lâu của những phụ nữ có HIV tại Việt Nam. Chị cho biết: "Cuộc thi này là mơ ước của những phụ nữ có HIV, bọn mình trong nhiều năm làm việc với rất nhiều người có HIV và các bạn vẫn ấp ủ một mơ ước là có một ngày nào đấy chị em được bước lên sân khấu và được thể hiện mình. Sau đó mạng lưới vì ngày mai tươi sáng muốn thực hiện ước mơ này của chị em và bọn mình muốn ủng hộ. Được sự cam kết của nhà tài trợ thì cuộc thi được tổ chức. Ban tổ chức bắt đầu thông báo về thể lệ cuộc thi và nhận hồ sơ thi từ khoảng đầu tháng 8. Thời hạn nộp hồ sơ khá ngắn ngủi, chỉ trong vòng 3 tuần. Điều kiện đối với thí sinh đăng ký là phụ nữ nhiễm HIV có độ tuổi từ 18 đến 40, không có phẫu thuật thẩm mỹ, và phải tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống AIDS trong cộng đồng." Sau 3 tuần kể từ ngày thông báo, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 110 hồ sơ dự thi, một con số mà bác sĩ Oanh gọi là 'ngoài sự mong đợi của ban tổ chức', bởi vì theo chị, rất nhiều chị em còn ngần ngại khi tham gia cuộc thi. Chị nói:
"Có nhiều chị em còn rất ngại ngần trong việc bộc lộ tình trạng HIV của mình, nhiều chị em ngại ngần bước ra công chúng như vậy. Trong nhiều trường hợp thì lại là do gia đình của chị em. Những người chồng, người yêu hay gia đình của chị em chưa cảm thấy đủ tự tin đối diện với dư luận, ví dụ vợ mình có HIV hay gia đình mình có người có HIV. Có nhiều bạn gái rất muốn tham gia, nhiều bạn gái rất là xinh đẹp nhưng mọi người chưa sẵn sàng, cho nên nhận được 110 hồ sơ thì cũng mừng rồi, vì lúc đầu lo lắm không biết có bao nhiêu." Từ 110 hồ sơ gửi về, ban tổ chức đã chọn ra 15 người vào vòng chung kết. Những thí sinh chủ yếu đến từ các miền quê xa thành thị. Rất nhiều người trong số họ mặc dù chỉ sống cách Hà Nội 70 hay 80 cây số nhưng chưa bao giờ từng được ra thăm Hà Nội. Nhiều người chưa từng đi giầy cao gót hay thậm chí không biết trang điểm. Thế nhưng chỉ sau vài ngày tập trung ở Hà Nội để tập luyện cho đêm chung kết, tất cả 15 thí sinh đã sẵn sàng. Chung kết cuộc thi diễn ra vào đêm 14 tháng 11 tại nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. Đêm chung kết cuộc thi Dấu Cộng Duyên Dáng đã thu hút được đông đảo khán giả đến mức hội trường nhà hát không còn chỗ trống. Báo đài và truyền hình khắp nơi đưa tin về cuộc thi. Những thí sinh cũng phải đi qua các vòng thi áo dài, áo dạ hội, và ứng xử giống như các cuộc thi sắc đẹp khác. Chỉ có vòng thi áo tắm là không được bao gồm trong cuộc thi này. Một điểm khác biệt nữa là tất cả các trang phục, phần trang điểm của các thí sinh đều được tài trợ hoàn toàn, bởi vì các thí sinh phần lớn còn gặp khó khăn về kinh tế nên không thể tự mình trang trải toàn bộ các chi phí tham gia thi. Chiến thắng bản thân Người đoạt giải nhất cuộc thi là Trần Thị Huệ, 28 tuổi, quê Hà Nam. Cô hiện là tuyên truyền viên của trung tâm sức khỏe phụ nữ Hà Nội. Huệ phát hiện nhiễm HIV từ năm 2006 và đã có nhiều năm tham gia tích cực vào các phong trào tuyên truyền phòng chống AIDS và giảm kỳ thị trong cộng đồng. "Đối với bản thân em, người gàn em thì không có, nhưng sự đắn đo có nên thi hay không thì em cũng phải suy nghĩ mất gần một tháng thì mới đăng ký. Em là người Hà Nam, lên Hà Nội sống và làm việc thì em phải thuê nhà, con cái em còn phải đi học nữa. Em sợ nếu em tham gia cuộc thi sẽ ảnh hưởng đến chỗ ở của em hiện tại, những người xung quanh xa lánh mình, thì mình cảm thấy là hơi hoang mang. Một điều nữa, chẳng may trường biết em là mẹ của cháu Đức Anh mà lại là người nhiễm HIV thì cháu có được học hành tiếp tục hay không. Em suy nghĩ rất nhiều." Huệ có hai con trai, cháu đầu bị câm điếc và đang theo học tại trường Xã Đàn, còn cháu thứ hai rất không may bị mang trong mình virut HIV. "Thực sự khi em tham gia cuộc thi thì em không nghĩ là mình sẽ đoạt giải hay không mà tự thưởng cho mình một cái giải, giải đó là giải chiến thắng bản thân, đó là giải quý giá nhất. Bất cứ ai cũng thế thôi, thắng trong cuộc chơi là điều rất hạnh phúc, tất cả 15 chị em đều nói là chiến thắng được bản thân đã là một vương miện rất vinh quang rồi." Thế nhưng, khi nghe tên mình nhận giải nhất, cô cũng không thể cầm lòng mà bật khóc. Cô nói: "Cảm giác lúc đó rất phấn khởi, vui vì mình là người chiến thắng trong một cuộc thi. Một điều nữa mình cảm thấy rất tủi thân nữa, mặc dù mình may mắn là chiến thắng nhưng mình lại cảm thấy tủi thân. Không biết tại sao mình lại tủi thân và mình khóc rất nhiều, có điều mình chỉ nghĩ là niềm vui đến cũng có, và cảm xúc thật lúc đó là những gì mà những người có HIV đang gửi gắm nơi mình, mình cảm thấy vui, và có chút tủi thân."
Huệ cũng không thể ngờ được rằng, những lo lắng ban đầu của cô đã không thành sự thực. Những người hàng xóm khi biết cô nhiễm HIV vẫn đến chúc mừng cô, ngợi khen nghị lực nơi cô. Đọat vương miện hoa hậu cuộc thi, bên cạnh những vui mừng và tự hào, Huệ cũng cảm thấy những gánh nặng trách nhiệm mà cô phải mang trước mắt. Cô chia sẻ: "Còn qua cuộc thi này, khi đoạt vương miện giải nhất thì trong cái chiến thắng mình cũng có lo lắng một chút. Bản thân mình đã là người đại diện cho những người đang sống chung với HIV, mình phải làm thế nào và cố gắng như thế nào để lắng nghe được nguyện vọng của những người có HIV không có cơ hội như mình đứng lên để nói tiếng nói của những người có HIV. Mình phải lắng nghe tất cả các ý kiến của họ để mình có thể truyền đạt đến các cấp lãnh đạo, chính quyền, hoặc là tất cả người dân Việt Nam để họ có thể hiểu là những người có HIV vẫn sống khỏe mạnh, họ vẫn có nghị lực sống để giúp đỡ chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ với mình." Xóa bỏ kỳ thịCòn đối với bác sĩ Oanh, bên cạnh thành công không ngờ của cuộc thi trong việc thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và truyền thông, một thành công nữa quan trọng hơn cả đó là sự trưởng thành của những người nhiễm HIV trong nhận thức, sự phát triển về năng lực họat động của mạng lưới những người có HIV/AIDS tại Việt Nam. Chị giải thích: Mình nghĩ cuộc thi này là một mốc rất quan trọng trong phong trào của người có HIV tại Việt Nam. Nó là sự trưởng thành của mọi người, và chứng tỏ là mọi người đủ tự tin đối mặt với sự kỳ thị trong xã hội. Một thành công rất lớn nữa là cuộc thi này đã chứng tỏ được năng lực của mạng lưới của người có HIV, đơn vị đứng ra thực hiện tất cả các công việc chính của cuộc thi này chính là mạng lưới vì ngày mai tươi sáng." Nhưng chị cũng bày tỏ ý tiếc nuối là cuộc thi chỉ có một thời gian chuẩn bị quá ngắn và mới chỉ dành cho các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, trong khi người nhiễm HIV thì khắp các tỉnh thành Việt Nam nơi nào cũng có. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y Tế Việt Nam, hiện có hơn 180, 000 người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo trong nước, trong số đó nữ chiếm hơn 29%. Có đến gần 98% số quận, huyện trong toàn quốc đã có báo cáo có người nhiễm.
Những ngày sôi nổi của cuộc thi Dấu Cộng Duyên Dáng đã kết thúc. Những thí sinh tham gia thi đã trở về với cuộc sống đời thường với bao nhiêu lo toan thường ngày. Huệ cho biết những ngày này cô thậm chí còn bận hơn cả trước khi thi, vì ngoài việc tham gia họat động của Trung tâm sức khỏe Phụ nữ Hà Nội, lo làm thêm kiếm tiền nuôi hai con nhỏ, cô còn phải trả lời phỏng vấn các báo đài liên tục. Cô nói bận mà vẫn vui. Nhân dịp này, cô cũng muốn gửi đến một thông điệp cho tất cả các chị em phụ nữ nhiễm HIV. Đó là hãy nỗ lực tự chiến thắng những ngần ngại của bản thân mình, bởi vì khi các chị cố gắng sống tốt và có ích cho xã hội thì mình có thể hy vọng là xã hội sẽ bớt đi cái nhìn kỳ thị đối với những người có HIV/AIDS. Theo dòng thời sự: |
Tuesday, November 30, 2010
Cuộc thi sắc đẹp "Dấu Cộng Duyên Dáng"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment