(LĐ) - Chỉ trong một thời gian ngắn sau đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Báo Lao Động nhận được phản ánh của người dân về tình trạng các đơn vị thực hiện đào xới cải tạo nhiều tuyến vỉa hè, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của cả khu phố.
Cá biệt có tuyến đường được khởi công từ trước đại lễ đến nay vẫn ngổn ngang.
Cũ chưa hỏng, mới đã thay
Tuyến phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) như một đại công trình đang dở dang. Từ ngã ba Lý Văn Phúc - Lê Trực – Nguyễn Thái Học, dự án cải tạo vỉa hè đã được khởi công từ trước dịp đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Người dân khu vực này còn nhớ rất rõ, từ tháng 8.2010, đơn vị thi công bắt đầu cạy toàn bộ gạch cũ lên, rải cát và lát loại gạch mới. Nếu như trước đây, đoạn đường này được lát gạch hình chữ nhật với kích thước 10 x 20cm, có đường viền uốn lượn, thì nay toàn bộ được lát gạch bát giác đỏ kết hợp với gạch vuông 10 x 10cm màu vàng. Mặc dù được khởi công từ rất lâu, nhưng kể cả trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, người dân khu vực này vẫn phải trải bìa carton, xếp gạch tạm để đi vào nhà.
Tuy nhiên đến ngày 30.11, công trình này vẫn rất ngổn ngang. Bà Dương Kim Dung - Tổ trưởng tổ dân phố 62, cụm 6 phường Điện Biên - cho biết: "Đơn vị thi công làm thiếu trách nhiệm. Họ cạy hết gạch cũ lên, đã gần 4 tháng mà lát vẫn không xong gạch mới. Việc thiếu trách nhiệm của đơn vị xây dựng làm khổ người dân trong việc đi lại, sinh hoạt. Không biết đến bao giờ công trình này mới hoàn thành?".
Bức xúc về tình trạng thi công thiếu khảo sát của đơn vị xây dựng, bà Đào Thị Hợi – 95 Nguyễn Thái Học - phản ánh: "Tôi thấy tốn quá nhiều tiền của của Nhà nước, đơn vị thi công làm đường không khảo sát thực tế hay sao mà để tình trạng vỉa hè còn cao hơn cả ngõ, nhà của dân. Nếu trời mưa thì nước đổ hết vào nhà dân. Quá bức xúc, tôi đã lên tận trụ sở của đơn vị xây dựng để phản ánh, họ hứa sẽ giải quyết, nhưng công nhân đến ngày hôm nay vẫn thi công bình thường".
Theo một số người dân kiểm tra thực tế công nhân thi công đều cho rằng, loại gạch mới theo phương pháp lát mới là chỉ trải cát vàng, không có ximăng như cách lát cổ truyền, nên tuổi thọ của công trình chắc chắn sẽ kết thúc sau mỗi trận mưa. Thay vì phải nén cát chặt, phun nước để cát ngấm nước, tránh tình trạng lún, thì công nhân lát gạch trực tiếp xuống nền cát, vì vậy tình trạng xô gạch bắt đầu diễn ra mặc dù công trình chưa được hoàn thành. Bà Đào Thị Hợi – 95 Nguyễn Thái Học - nói hóm hỉnh: "Gạch mới giống như cô gái trang điểm đẹp, khi gặp trời mưa thì chắc chỉ còn trơ gạch ra, không thấy cát đâu. Trong khi đó, gạch cũ còn rất tốt tại sao không tiếp tục sử dụng, chỗ nào hỏng thì ta sửa chữa. Như vậy sẽ đỡ tốn kém tiền của Nhà nước".
Vỉa hè trên tuyến phố Nguyễn Thái Học đang bị xới tung. Ảnh: X.L |
Vừa xây xong lại đào lên làm lại
Một trong những tuyến đường đang được thi công hiện nay là phố Trần Hưng Đạo. Đã từ một tháng nay, toàn bộ hè đường tuyến từ đầu Bệnh viện Quân y 108 đến ngã tư Trần Hưng Đạo – Phan Chu Trinh được cải tạo. Những tưởng cải tạo vỉa hè người dân ở đây sẽ vui mừng, nhưng thực chất thì ngược lại. Rất nhiều phiền hà phát sinh kèm theo công trình dang dở này. Chị Nguyễn Thị Hà - trú tại 15 Trần Hưng Đạo - cho biết: "Tình trạng đào bới vỉa hè diễn ra thường xuyên, vừa làm xong lại đào lên làm lại vì hạ ngầm 3 hệ thống đường dây.
Người dân đi lại đã khổ, nhưng đơn vị thi công làm việc vứt bừa bãi, ngổn ngang vật liệu xây dựng mỗi nơi một ít". Ông Trần Văn Tuấn - Tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Trần Hưng Đạo - cho biết: "Việc cải tạo vỉa hè là cần thiết, nhưng làm đến đâu phải gọn đến đó. Công trình kéo dài cả tuyến phố, đơn vị xây dựng nên làm từng đoạn đường, đừng lật tung đường cũ rồi để đó mãi vẫn không thi công xong".
Ngoài việc đi lại khó khăn, nhiều nhà dân còn phản ánh tình trạng thi công thiếu trách nhiệm của đơn vị thực hiện dự án. Đó là tình trạng thi công vỉa hè làm hỏng hệ thống cấp, thoát nước của đơn vị khác, dẫn tới tình trạng nơi làm, nơi sửa.
Xuân Long – Hà Anh
No comments:
Post a Comment