SGTT.VN - Bạn tôi làm ở công an tỉnh Quảng Ngãi, đang công tác ở đảo Lý Sơn, một buổi chiều cuối tháng 12.2010, gọi điện thông báo: "Mai Phụng Lưu thất nghiệp rồi. Ổng phải giao tàu cá cho đầu nậu vì mắc nợ nhiều quá".
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (áo sọc, giữa) trong ngày trở về đất liền (26.10.2010) sau 44 ngày đêm bị Trung Quốc bắt giữ và bị kẹt trên đảo vì gió bão. Ảnh: Minh Đức |
Biết là khi tàu cá bị nước ngoài bắt lần thứ tư ngày 11.9, trước sau gì ông Lưu cũng trắng tay, thế nhưng, trước thông tin này, tôi cũng bất ngờ và xót xa, nên tôi đã đón tàu ra đảo...
Có lẽ một trong những người đi biển được nêu tên nhiều nhất trên các báo trong tháng 10.2010 là thuyền trưởng Mai Phụng Lưu bị phía Trung Quốc bắt giữ cùng chín ngư dân. Ngư dân Nguyễn Đảng, gần 70 tuổi, là một trong chín thuyền viên đi trên tàu của Mai Phụng Lưu, trách: "Thằng cha Lưu đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà. Anh em đi với nó rất khoái. Nhưng cũng không có thằng cha nào can đảm như cha này, bị Trung Quốc bắt nhiều lần mà vẫn không ngán, vẫn ra khơi".
Mai Phụng Lưu giờ ở tuổi 44, có thâm niên 30 năm sóng gió biển khơi, nhưng giờ như chim gãy cánh, khi ba tháng nay, không dám ra khỏi nhà. Trước đó, khi con tàu QNg 66 478 TS được thả về, Mai Phụng Lưu phải giao chiếc tàu cho đầu nậu vì ông mắc nợ đến 600 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản nợ sau ba lần bị Trung Quốc phạt tiền trước đó, mỗi lần 7 vạn nhân dân tệ, đã đẩy Mai Phụng Lưu vào con đường cùng kiệt. Đời người đi biển, con thuyền còn quan trọng hơn nhà vì còn thuyền thì có thể làm ra nhà. Mai Phụng Lưu không có thuyền đi biển, giống như người mất chân.
Vì nợ nần chồng chất, giờ đây thuyền trưởng Mai Phụng Lưu không còn thuyền đi biển, như người mất chân. Ảnh: TL SGTT |
Hôm đến nhà thăm ông Lưu, tôi thấy ông cầm gàu múc nước tưới rau mà mắt không buồn nhìn cây rau. Hỏi bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông Lưu, thì được biết, nhà có một con trai và con rể đi bạn cho người ta, một đứa khác thì phải lên Tây Nguyên hái càphê kiếm tiền. "Còn con bé út tên là Mai Thị Tu, đang học lớp 10, thấy nhà cực quá, đã vào Sài Gòn làm thuê, giờ thì về thành phố Quảng Ngãi bán cơm kiếm ăn hàng ngày", bà Lan nói trong nước mắt.
Hôm ngồi nói chuyện với tôi, ông Lưu đã phải trở thế mấy lần, bởi trận đòn sau ngày bị bắt 11.9 đã làm cho "lưng của ông có vấn đề". Nhưng ông nói, đau da thịt vẫn có thể chịu đựng được. Mai Phụng Lưu nói: "Vận mình xui xẻo, người ta kỵ lắm. Mình leo lên thuyền họ, lỡ có chuyện gì, mang tiếng chết".
PHẠM ANH
No comments:
Post a Comment