Saturday, November 20, 2010

Những 'cảnh sát giao thông bất đắc dĩ' ở Sài Gòn


Thứ bảy, 20/11/2010, 11:43 GMT+7


Dưới nắng gắt, người đàn ông đen nhẻm liên tục tuýt còi, ra hiệu cho người tham gia giao thông đi đúng phần đường. Cạnh đó nam thanh niên ăn mặc chỉnh tề, tay cầm gậy cũng liên hồi chỉ dẫn người dân nhằm giải tỏa kẹt xe.

Hình ảnh những "cảnh sát giao thông nghiệp dư" dần trở nên quen thuộc trên đường phố Sài Gòn.

Ngày 16/11, tại giao lộ quốc lộ 1A - hương lộ 2 (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) hàng nghìn xe tải, xe container, xe buýt, xe gắn máy… chen nhau trên đoạn đường kéo dài hàng km đang bị ùn ứ nghiêm trọng. Do đèn tín hiệu không hoạt động, các phương tiện chen lấn, giành giật từng khoảng nhỏ thông thoáng đã khiến giao thông tại đây trở nên hỗn loạn.

*Clip người dân điều tiết giao thông giữa giao lộ

Dưới cái nắng như thiêu đốt, một người đàn ông trẻ tuổi, quần áo chỉnh tề, tay cầm chiếc gậy miệng liên tục gào thét nhắc nhở các phương tiện đi đúng phần đường. Bất chấp hiểm nguy, thi thoảng anh chọn cách chặn trước đầu để buộc các xe lưu thông "kìm chế".

Cách đó không xa, giữa dòng xe cộ chật như nêm, anh Nguyễn Văn Sơn trong chiếc quần short và đôi dép xốp bạc màu cũng huýt còi, cầm gậy chỉ dẫn người dân đi đúng tuyến.

"Mỗi khi kẹt xe mà không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông là các anh xe ôm lại nhảy ra làm cái việc vác tù và hàng tổng đó. Thấy vậy, cũng có người đi đường phụ giúp. Nhờ các anh mà xe cộ chạy trật tự hơn và có thể lưu thông dễ dàng. Chứ chờ cảnh sát đến thì khối người mệt mỏi", một người dân sống gần giao lộ này cho biết.

Người thanh niên ăn mặc lịch sự nhưng vẫn tham gia điều tiết giao thông. Ảnh: Vĩnh Phú.

Quan sát của VnExpress.net, chỉ sau 15 phút các "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" xuất hiện giữa giao lộ kẹt cứng này, tình hình giao thông đã dần trật tự trở lại. Các phương tiện cũng tự ý thức và làm theo hiệu lệnh của các anh.

Vừa giải tỏa xong vụ kẹt xe, gương mặt đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi, anh Sơn cười hiền lành: "Thời gian đầu do chưa quen với việc đứng ngoài đường bụi bặm nên chúng tôi rất ngộp th, lại bị gia đình và nhiều người mắng là đồ dỗi hơi nên cũng nản lòng. Nhưng khi ngồi chờ khách, chứng kiến cảnh kẹt xe nghiêm trọng như vậy mà làm ngơ thì cứ thấy sao sao ấy. Bởi vậy, hễ kẹt xe mà không thấy cảnh sát giao thông là chúng tôi lại nhảy ra làm".

Làm việc không công, khói bụi đầy mặt, thỉnh thoảng còn bị người đi đường cự nự..., nhưng trên gương mặt các anh luôn nở nụ cười tươi rói khi nói về "công việc" của mình. "Học sinh, công nhân... 'dính' kẹt xe đến nỗi trễ giờ, chúng tôi thấy tội quá. Mình làm được điều gì giúp cho người ta thì làm, còn không thì xem như tích đức cho con cháu vậy", anh Bảy, một tài xế xe ôm khác nói.

Anh Nguyễn Văn Sơn một tình nguyện viên đang điều tiết giao thông giữa giao lộ quốc lộ 1A - Hương lộ 2, quận Bình Tân. Ảnh: Vĩnh Phú.

Tuy nhiên, trong quá trình "tác nghiệp", những "cảnh sát bất đắc dĩ" này cũng gặp không ít sự cố. Điều dễ thấy nhất là họ thường xuyên bị mất khách khi quá say mê việc "vác tù và", hay những người đi đường thiếu ý thức cố tình tông vào vì ghét "thằng dỗi hơi".

"Người lớn, phụ nữ ý thức được công việc tình nguyện mình làm nên họ còn thông cảm mà làm theo hiệu lệnh. Chứ một số thanh niên trẻ coi chúng tôi chẳng ra gì. Họ ngang nhiên chạy lấn tuyến rồi văng tục chửi thề, thậm chí còn dọa đánh tụi tôi vì cản trở họ lạng lách", anh Bảy cho biết.

Chiều cùng ngày tại ngã tư Bốn Xã, nơi giáp ranh của bốn phường Phú Thạnh, Hiệp Tân (quận Tân Phú), Bình Hưng Hòa A, Bình Trị Đông A (quận Bình Tân), cảnh kẹt xe cũng diễn ra nghiêm trọng không kém. Trong cảnh xô bồ hỗn loạn đó, hai người đàn ông cao ráo, nước da đen bóng đang ra sức giải tỏa, hướng dẫn người tham gia giao thông nhường nhịn nhau, đi đúng phần đường.

Tuy được gọi là ngã tư nhưng đây lại là điểm giao nhau của 6 con đường Hòa Bình - Bình Long - Thoại Ngọc Hầu - Lê Văn Qưới - Phan Anh - Hương lộ 2. "Vào lúc thấp điểm giao thông còn bát nháo huống chi đến giờ các nhà máy xí nghiệp tan ca, học sinh ra về. Có cảnh sát giao thông còn đỡ, chứ nếu không sẽ kẹt xe ngay. Bất kể giờ giấc, hễ thấy bà con đi lại khó khăn là chúng tôi lại thay phiên nhau ra đứng đường để bà con bớt khổ", anh Âu Dương Oanh, cũng là tài xế xe ôm ở đây cho biết.

Mặc cho nắng gắt, bụi bặm nhưng các tình nguyện viên vẫn tích cực tham gia điều tiết giao thông. Ảnh: Vĩnh Phú.

Tương tự tại các giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh (quận Tân Phú), Cách Mạng Tháng 8 - Rạch Miễu (quận 3), Tân Hòa Đông - Phan Anh, Tân Hòa Đông - Đặng Nguyên Cẩn (quận 6), Võ Văn Tần - Nguyễn Thượng Hiền... cũng xuất hiện những "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ". Họ được nhiều người dân ưu ái gọi là "những chiến sĩ trong mặt trận giải tỏa ùn tắc giao thông cho đường phố".

Trao đổi với VnExpress.net, thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ đường sắt TP HCM cho biết, việc một số người dân ra đường điều tiết giao thông tại các giao lộ là hành động tự phát, không được phân công. Tuy nhiên, đây là hành động đáng khuyến khích, vì việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông là công việc chung của mọi công dân.

Ông Nhuận cho biết thêm, đơn vị này đã tổ chức các lớp tập huấn cho một số lực lượng như bảo vệ dân phố, dân quân, dân phòng... nhằm phối hợp với cảnh sát tham gia điều tiết giao thông tại nhiều giao lộ, tuyến đường phức tạp. "Trong tương lai chúng tôi sẽ phối hợp cùng công an các quận, huyện tập huấn cho người dân tình nguyện làm công việc này", ông Nhuận nói.

Vĩnh Ph
ú


No comments:

Post a Comment