Saturday, April 16, 2011

Giá vàng tăng 140.000 đồng/lượng



(TNO) Sáng nay (16.4), giá vàng thế giới lại tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới, qua đó tiếp tục kéo giá vàng trong nước đi lên.

Lúc 9 giờ sáng nay, giá vàng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 37,12 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,19 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giao dịch vàng SJC tại thị trường Hà Nội có cùng mức giá mua vào nhưng bán ra cao hơn 20.000 đồng/lượng so với thị trường TP.HCM, ở mức 37,21 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng tăng thêm 140.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua.

 
Ảnh: Ngọc Thắng

Vàng miếng Phượng Hoàng PNJ-DongA Bank của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết với mức giá mua vào 37,18 triệu đồng/lượng và bán ra 37,26 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng hiệu SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank mua vào và bán ra cùng thời điểm lần lượt là 37,16 triệu đồng/lượng và 37,26 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) mở cửa sáng nay cũng với xu hướng tăng mạnh, giao dịch ở mức khá cao 37,15 và 37,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, phiên hôm qua tại thị trường New York (Mỹ), giá vàng thế giới lên thêm được gần 12 USD/ounce, chạm mức 1.488,2 USD/ounce. Đây cũng là mức kỷ lục mới của giá vàng. Tuy nhiên, đến rạng sáng nay, mức giá này giảm nhẹ và chốt phiên ở mức 1.486,4 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với phiên trước.

Theo hãng tin Bloomberg, nguyên nhân giá vàng tăng mạnh là do giới đầu tư lo ngại lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng khi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày càng tồi tệ, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng tăng như tài sản đảm bảo an toàn.

 Lê Trần

Nợ nước ngoài cao ảnh hưởng xóa đói giảm nghèo !!!


2011-04-16

Sau nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định ở mức trung bình 7%, và lạm phát duy trì ở mức 1 con số, Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây đang phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế do lạm phát leo thang và nhất là gánh nặng nợ quốc tế đang tăng.

AFP

Giá cả tăng làm đôi vai người nghèo càng thêm nặng gánh. AFP

Điều này có ảnh hưởng thế nào đối với cam kết xóa đói giảm nghèo và đảm bảo quyền con người của Việt Nam?

Nguy cơ tái nghèo

Lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá liên tục trong suốt hơn một năm qua đang làm cho chị Lâm Thị Suôl phải đau đầu tính toán từng đồng chi tiêu mỗi ngày. Là chủ một hiệu làm đầu nhỏ dành cho người có thu nhập thấp ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, khi kinh tế cả nước lao đao, chị Suôl nằm trong số rất nhiều người dân Việt Nam đầu tiên cảm nhận được những khó khăn.

"2 năm nay rồi, nó không ổn định. Ngày xưa mình mướn nhà thì tiền nhà rẻ một chút, giờ giá lên thì tiền nhà lên, cái gì cũng lên hết. Mà làm không được như ngày xưa nữa, như mấy năm trước. Đồ mình thiếu, làm qua làm lại, rồi mình mắc nợ, vì tiền nhà không đủ. Cái gì cũng lên, điện nước, vì giờ đồng tiền rẻ quá."

Vật giá tăng, đồng tiền mất giá là phần nổi của tảng băng mà những người dân như chị Suôl có thể cảm nhận. Nhưng đứng về phương diện của cả nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nước ngoài lớn và thâm hụt thương mại tăng cao.

sua-xe-dap-250.jpg
Một người đàn ông sửa chữa xe đạp ở trung tâm thành phố Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2010. AFP Photo/Hoang Dinh Nam.
Những con số thống kê gần đây cho thấy hiện Việt Nam nợ nước ngoài khoảng 29 tỷ đô la, chiếm 40% GDP, trong khi đó thâm hụt thương mại năm 2010 vào khoảng 12 tỷ đô la và có xu hướng tăng vào năm nay.

Điều này đã khiến cho các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc phải lo ngại. Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc là ông Cephas Lumina nói rằng "trong bối cảnh nợ nước ngoài tăng, và Việt Nam phải trả một khoản nợ hơn 1 tỷ đô la bao gồm cả lãi vào năm nay, việc đánh giá những ảnh hưởng của gánh nợ này lên việc đảm bảo thực hiện các quyền con người và mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam là hết sức quan trọng."

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển cho rằng, gánh nặng nợ tăng có thể khiến nhiều người bị tái nghèo:

"Gánh nặng nợ tăng lên một cách đáng lo ngại và tất cả những điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuyện Việt Nam thực hiện cam kết thiên niên kỷ. Có thể một loạt những người đã vượt qua ngưỡng này, thì với tình hình biến động có thể sẽ bị thụt xuống, đang từ hết ngưỡng nghèo thì bị đói nghèo trở lại.

Có thể một loạt những người đã vượt qua ngưỡng này, thì với tình hình biến động có thể sẽ bị thụt xuống, đang từ hết ngưỡng nghèo thì bị đói nghèo trở lại.

TS Nguyễn Quang A

Đó là những lo ngại chính đáng của những người ở Liên Hiệp Quốc, và đó là những vấn đề nhức nhối của xã hội và chính phủ Việt Nam phải hết sức quan tâm."

Việt Nam là nước được Ngân hàng thế giới đánh giá cao về các thành tựu xóa đói giảm nghèo trong các năm qua. Năm 1993 Việt Nam có khoảng 58% dân số còn nghèo đói, nhưng đến năm 2010 chỉ có khoảng 10% dân số còn nghèo đói.

Tuy nhiên trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và nghèo đói, bà Magdalena Sepulveda đã bày tỏ quan ngại:

"Mặc dù có những tiến bộ, Việt Nam vẫn còn nhiều người sống dưới mức nghèo đói và không được hưởng lợi gì từ những phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được.
Đối với người thiểu số, tôi thấy họ chiếm khoảng 13% dân số Việt Nam nhưng lại chiếm 40% số người sống ở mức nghèo khổ. Đây là điểm đáng báo động. Rõ ràng là các biện pháp giảm nghèo mà chính phủ đang áp dụng đã không đến được với người thiểu số."

Mục tiêu thiên niên kỷ

un-millenium-2010-250.jpg
Toàn cảnh Hội Nghị Cấp Cao Về Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, ngày 20 tháng 9 năm 2010. AFP Photo/Emmanuel Dunand.
Gánh nặng nợ nước ngoài đã khiến nhiều quốc gia châu Phi và châu Á trước đây phải sử dụng một phần lớn thu nhập để trả nợ và phải cắt giảm các khoản chi cho các chương trình quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ điển hình là vào năm 2005, số tiền mà Kenya phải trả nợ đã ngang bằng khoản tiền đầu tư vào đường xá, nước sạch, y tế và nông nghiệp. Còn Indonesia thì phải dùng đến gần 25% ngân sách để trả nợ, tương đương khoảng 4 lần chi tiêu cho y tế và giáo dục.

Để đánh giá về những ảnh hưởng của gánh nặng nợ quốc gia và thâm hụt thương mại ảnh hưởng lên cam kết đảm bảo việc thực hiện quyền con người và mục tiêu thiên niên kỷ, ông Cephas Lumina đã có chuyến thăm 9 ngày đến Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua. Kết thúc chuyến thăm, ông Lumina đã ca ngợi Việt Nam trong lĩnh vực phát triển con người, đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lumina cho rằng với khoản nợ nước ngoài của Việt Nam đang tăng khoảng 4% mỗi năm, thì dù mức nợ vẫn ở giới hạn cho phép, việc tăng nợ cũng đang tạo thêm gánh nặng lên chính phủ trong việc trả các khoản nợ và có thể dẫn đến việc cắt giảm các khoản chi cho các chương trình xã hội.

Đó là tiếp cận với vệ sinh, nước sạch, đó là một trong những mục tiêu mà rất tiếc Việt Nam sẽ không đạt được theo thời hạn.

Ô. Cephas Lumina

Ngoài ra ông Lumina cũng chỉ ra những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Một trong số đó là việc quá lệ thuộc vào nguồn vốn vay phát triển ODA của nước ngoài. Ông nói rằng trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc nâng thu nhập đầu người từ 390 đô la vào năm 2000 lên 1,200 đô la vào năm 2010, tạo ra hơn 7 triệu việc làm. Điều đáng chú ý là phần lớn các thành tựu này đạt được lại nhờ vào nguồn vốn ODA. Chỉ riêng năm ngoái nguồn vốn ODA đã chiếm gần 11% tổng đầu tư xã hội và 17% ngân sách quốc gia.

Với việc Việt Nam gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình, các khoản vay ưu đãi như ODA sẽ bị giảm sút đáng kể và điều này có thể ảnh hưởng đến các chương trình xã hội mang tính quốc gia của Việt Nam.

Theo chuyên gia độc lập Magdalena Sepulveda thì Việt Nam có thể đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015, nhưng có một số mục tiêu khác sẽ không thể được:

"Tất cả các đánh giá đều cho thấy là Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí trong MDG, điều này cho thấy Việt Nam đã làm khá tốt trong việc đạt được MDG.

Tôi cũng phải nói là có vài tiêu chí trong MDG mà họ vẫn chưa đạt được và còn có nhiều vấn đề. Đó là tiếp cận với vệ sinh, nước sạch, đó là một trong những mục tiêu mà rất tiếc Việt Nam sẽ không đạt được theo thời hạn. Một mục tiêu thứ hai họ cũng không đạt được đó là tỷ lệ tử vong khi sinh vẫn còn cao."

ban-hang-ganh-250.jpg
Người gánh hàng rong đi ngang qua một cửa tiệm sang trọng ở Hà Nội. AFP Photo.
Rõ ràng là để duy trì được những thành tựu đã đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, chính phủ Việt Nam phải đặt trọng tâm vào việc ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian trước mắt.

Vào đầu năm nay chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu kéo mức lạm phát xuống 1 con số và đạt mức tăng trưởng 7 đến 7,5% trong năm nay. Đây là điều mà nhiều người hy vọng nhưng cũng còn khá nhiều người khác hoài nghi. Hy vọng và hoài nghi cũng là suy nghĩ của chị Suôl. Chị nói không biết rồi mai mốt thế nào, thôi thì cứ cố được ngày nào tốt ngày đấy.

Theo dòng thời sự:

Thẻ thanh toán quốc tế có thực sự hiệu quả?


2011-04-16

Với những quy định gần đây về thắt chặt hoạt động trao đổi mua bán ngoại tệ ngoài thị trường tự do, người dân có nhu cầu ngoại tệ mà không được đáp ứng, đang có xu hướng quay sang sử dụng thẻ thanh toán quốc tế để giản tiện hóa việc mua bán của mình khi đi nước ngoài.

Photo courtesy of Vietcombank

Thẻ tín dụng Vietcombank Mastercard

Tuy nhiên, giải pháp này có thực sự hiệu quả hay không?

Sau khi Nghị định 11 của Chính phủ về kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại hối, bắt giữ các hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép diễn ra trong những ngày vừa qua, để có được một kênh sử dụng ngoại hối khác vẫn là tiền mặt mà hợp pháp, người dân Việt Nam đang quay sang sử dụng thẻ thanh toán quốc tế như một biện pháp thay thế. Việc sử dụng thẻ được xem là sẽ tránh được giới hạn số tiền ngoại tệ mặt khi mang ra nước ngoài là 7,000 đô.

Về những tiện ích mà thẻ debit (thẻ ghi nợ) hoặc thẻ credit (thẻ tín dụng) mang lại thì có thể kể ra rất nhiều như thuận tiện, dễ dàng khi thanh toán, giảm thiểu rủi ro khi cầm tiền mặt theo người, tránh được mất trộm hoặc hỏa hoạn và khách hàng có thể sử dụng được trên phạm vi toàn cầu.

Mức phí cao

vietcombank-250.jpg
Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. AFP Photo/ Hoang Dinh Nam.
Không ai phản đối những tiện ích mà thẻ thanh toán quốc tế mang lại, tuy nhiên, để sở hữu được một thẻ thanh toán như vậy lại là một câu chuyện mà bất kỳ ai có ý định mở cũng cần phải cân nhắc kỹ. Cụ thể ở đây là mức phí chuyển đổi ngoại tệ cao, khiến người sử dụng vẫn phải e dè, cộng với một vài phụ phí khác mà người mới sử dụng thẻ thấy bối rối và không phải là tất cả mọi ngân hàng ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán đó.

Trước hết, giải thích về phí chuyển đổi ngoại tệ, một chuyên viên của ngân hàng nước ngoài có trụ sở ở Hà Nội cho đài chúng tôi biết như sau:

"Bây giờ mọi người thanh toán bằng tiền đô, thì ngân hàng phát hành thẻ họ phải sử dụng tiền đô để thanh toán cho các hoạt động mua bán đó. Và khi họ thu tiền của khách hàng, thu bằng tiền Việt, họ sẽ phải chuyển đổi tiền Việt đó sang tiền đô.

Khi mà chuyển đổi thế, ở Việt Nam thì NHNNVN đặt ra một tỷ giá trần giữa đô và đồng. Khi họ charge (tính phí) khách hàng, họ chỉ được tính tỷ giá trần đó thôi. Để mua được tiền đô, mà tiền Việt đổi sang tiền đô, thì họ không mua được giá trần. Vì thị trường liên ngân hàng Việt Nam, phần lớn bây giờ mọi người mua bán đô đồng là một tỷ giá nằm ngoài giá trần. Có những thời điểm lên đến 7%, 10%. Cái phí charge (tính) thêm phần tỷ giá ấy, cũng chỉ là để ngân hàng cover (bù đắp) nguồn mua đô cho các khoản thanh toán thôi."

Vì thị trường liên ngân hàng Việt Nam, phần lớn bây giờ mọi người mua bán đô đồng là một tỷ giá nằm ngoài giá trần. Có những thời điểm lên đến 7%, 10%. 

Một chuyên viên NH nước ngoài

Theo cách lý giải của vị chuyên viên này thì khoản phí quy đổi ngoại tệ là chi phí mà ngân hàng sử dụng để mua tiền đô với tỷ giá trần chênh lệch với quy định của Chính phủ.

Tuy vậy, có một điểm đáng lưu ý là, nếu người tiêu dùng ở Việt Nam dù gửi vào tài khoản của mình bằng tiền Việt hay tiền đô la, rồi hy vọng ra nước ngoài sẽ rút ra bằng tiền đô, thì cũng sẽ đều phải trả khoản phí quy đổi ngoại tệ này. Vị chuyên viên này cho biết thêm:

"Các ngân hàng không biết được chuyện mình gửi bằng tiền đô hay tiền đồng, cho nên đôi khi họ sẽ cùng áp dụng một phí giống nhau, mình nghĩ đó đúng là một cái dở."

Như vậy, để có thể sử dụng được ngoại tệ ở nước ngoài, người Việt Nam sẽ phải trả thêm khoản phí chuyển đổi ngoại tệ, và khoản phí này, theo như lời ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc DongABank thì sẽ dao động từ 2.5% cho đến 4%.

Tuy nhiên, theo lời vị chuyên viên ở ngân hàng mà chúng tôi nói chuyện, thì mức phí có khi lên đến 7 hoặc 10%. Và như vậy, giá đô la cao hơn tỷ giá chính thức rất nhiều, vượt cả giá ngoại tệ mặt ngoài thị trường tự do.

Đủ các loại phí

atm-250.jpg
Các máy rút tiền ATM san sát nhau ở Saigon. RFA photo
Để hiểu đầy đủ về các loại phí mà một người sẽ phải trả khi muốn có được tiền mặt sử dụng ở nước ngoài, chúng tôi liên lạc với phòng phụ trách thẻ của ngân hàng VPBank, chị Dịu nhân viên ở đây cho chúng tôi biết chi tiết như sau:

"Ở ngân hàng có 2 hình thức là thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, hình thức thẻ quốc tế, thanh toán tại nước ngoài. Với thẻ ghi nợ, tính phí giao dịch quốc tế là 4.5% trên tổng số tiền. Số tiền anh gửi vào, anh sẽ được chi tiêu trên số dư tài khoản của mình. Nếu thanh toán ở nước ngoài, thì ngân hàng sẽ tính theo phí xử lý quốc tế là 4.5% trên 1 giao dịch quốc tế.

Thẻ tín dụng là chi tiêu trên hạn mức ngân hàng cấp phép cho anh. Thẻ này cũng tính phí giao dịch quốc tế là 4.5%. Trong trường hợp rút tiền ATM ở nước ngoài, thì tính phí rút tiền là 7.7% trên tổng thu, thứ 2 là lãi suất rút tiền, thứ 3 là phí xử lý giao dịch quốc tế và thêm một loại phí là phí do ngân hàng chủ quản của ATM đó thu nữa. Miễn ngoại tối đa là 45 ngày."

Như vậy, để có được ngoại tệ mặt ở nước ngoài bằng cách sử dụng thẻ tín dụng thanh toán quốc tế, người tiêu dùng phải trả thêm đến 4 loại phí: phí quy đổi ngoại tệ, phí rút tiền mặt, lãi suất rút tiền và phí do ATM ở nước ngoài quy định. Về cơ bản, thì những điều khoản này cũng được áp dụng theo nguyên tắc quốc tế.

Với thẻ tín dụng muốn rút tiền mặt, người chủ thẻ phải chịu những chi phí như thế, tuy vậy với thẻ ghi nợ (thẻ debit) chi tiêu bằng tiền thật của mình trong tài khoản, chủ thẻ cũng vẫn phải chịu khoản phí quy đổi ngoại tệ, dao động từ 4% cho đến khoảng hơn 10% tùy theo ngân hàng tính toán, phí ATM của ngân hàng nước sở tại và khoản phí bảo trì tài khoản hàng năm.

Trong trường hợp rút tiền ATM ở nước ngoài, thì tính phí rút tiền là 7.7% trên tổng thu, thứ 2 là lãi suất rút tiền, thứ 3 là phí xử lý giao dịch quốc tế và thêm một loại phí là phí do ngân hàng chủ quản của ATM đó thu nữa.

Chị Dịu

Những chi phí này chắc hẳn sẽ làm nản lòng những ai đang có ý định đi "đường vòng" khi chính sách quản lý ngoại hối ngoài thị trường tự do của Nhà nước đang thắt chặt.

Có lẽ để sử dụng thẻ thanh toán như một cách "luồn lách" nghị định quản lý ngoại hối xem chừng chưa đủ sức thuyết phục. Ngoài chuyện là vì các khoản phí đi kèm thì cũng còn vì chính bản thân chuyện sử dụng thẻ để thanh toán các hoạt động mua bán thường nhật trong nước cũng chưa phổ biến. Người ta lĩnh lương thông qua thẻ ATM, ra ngân hàng rút tiền, bỏ vào túi và lại tiến hành mọi giao dịch bằng tiền mặt. Đó là lời chia sẻ của anh Việt Tú, nhà đường Lý Thường Kiệt:

"Từ việc trả lương vào tài khoản cho đến việc sử dụng thẻ để thanh toán thì cần một thời gian nữa để đi đến bước sử dụng nhiều thẻ thanh toán hơn. Phần lớn khi mọi người nhận thẻ account, sẽ ra các ATM rút tiền, cho tiền mặt vào túi, mang đi chợ, mang đi siêu thị chứ mọi người không mang thẻ đến trung tâm thanh toán."

Việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế thay thế cho việc sử dụng ngoại tệ mặt, như một phương cách đối phó với giới hạn 7000 đô la là không hiệu quả. Sẽ chỉ có thể là chấp nhận được, nếu người dân chi tiêu trực tiếp mua bán bằng thẻ mà không rút tiền.

Hy vọng, với tìm hiểu trên, sẽ mang lại cho quý vị một cách nhìn đầy đủ hơn về cách tính phí của ngân hàng, để người dân cảm thấy thoải mái khi sử dụng dịch vụ ngân hàng hơn là cảm giác mình bị tính phí quá cao hay đang bị đối xử bất bình đẳng.

Theo dòng thời sự:

Phỏng vấn Bà Hoàng Thị Tươi, vợ nhà dân chủ Vi Đức Hồi


2011-04-16

Phóng viên Thanh Trúc của đài RFA vừa có cuộc phỏng vấn với Bà Hoàng Thị Tươi, vợ nhà dân chủ Vi Đức Hồi.

Bà Hoàng Thị Tươi: Tin này là thông qua luật sư họ thông báo chứ còn hiện nay thì tôi cũng chưa nhận được một tin tức gì về phía chính quyền ạ.

Thanh Trúc: Thưa, cho đến giờ gia đình có gặp khó khăn nào không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Nói chung là cũng có rất nhiều khó khăn, nhưng mà nó đã xảy ra như vậy rồi thì bản thân tôi cũng phải cố gắng vượt qua chứ cũng chả còn cách nào khác.

Tội chống Đảng, nói xấu Bác Hồ

vi-duc-hoi-180.jpg
Ông Vi Đức Hồi. Photo courtesy of viduchoi.blogspot.com.
Thanh Trúc: Thưa bà Hoàng Thị Tươi, gia đình có được đi thăm nuôi ông Vi Đức Hồi không? Và bà có được gặp mặt ông không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Dạ, có. Trong thời gian bị giam giữ thì thường xuyên là mỗi tháng tôi đi tiếp tế cho nhà tôi một lần. Mỗi một lần được gặp khoảng một tiếng đồng hồ. Đã xử sơ thẩm vào ngày 26 tháng 1 năm 2011 rồi. Phiên xử đấy thì họ kết tội chồng tôi vi phạm tội danh vì viết một số bài viết chống lại Đảng, nhưng mà bản thân tôi thì tôi được công an đưa cho một số bài viết nói rằng đó là những bài viết mà chồng tôi nói nào là lên án Đảng, chống Đảng , vân vân… thì khi tôi đọc tôi cũng hiểu là thật ra cũng chẳng có gì để gọi là "chống", mà chỉ mong muốn được như vậy chứ còn thực ra cũng chả có gì là "chống", thế nhưng họ quy kết như vậy thì cũng phải chịu thôi chứ cũng chả làm thế nào được.

Phiên xử hôm đấy thì họ cũng nói rằng bài nói về Bác Hồ thì họ nói rằng chồng tôi nói xấu Bác Hồ; trước tòa chồng tôi cũng nói rằng chồng tôi không hề nói xấu Bác Hồ, không hề nhục mạ Bác Hồ, mà chỉ phê phán những người núp sau bóng của Bác Hồ thôi, nhưng họ hiểu khác đi, họ cứ cho là như vậy thì đấy là quyền của họ.

Khi bắt thì khám nhà chỉ có duy nhất một chiếc máy tính, thế mà họ kéo từ trên mạng xuống các bài viết và họ in ra, chứ còn khi khám xét gia đình thì không có một giấy tờ hay tài liệu gì hết trong nhà.

Thanh Trúc: Với phiên xử phúc thẩm này, Bà có hy vọng gì không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Thực ra thì thấy một số phiên xử những người khác, tôi nghĩ rằng tội danh của chồng tôi thì không đến mức như vậy. Họ xử như thế nào thì có thể là phải chờ. Tôi cũng nghĩ rằng là có hy vọng bởi vì với lý do để mà đưa ra thì tôi thấy nó không được thuyết phục.

Phiên xử hôm đấy thì họ cũng nói rằng bài nói về Bác Hồ thì họ nói rằng chồng tôi nói xấu Bác Hồ

Bà Hoàng Thị Tươi

Chỉ có các bài viết mà những bài viết đã viết từ những năm 2007 – 2008 rồi, ngoài ra không có một lý do gì khác, bởi vì họ tuyên trước tòa như vậy mà họ đưa cái mức đến 8 năm tù thì tôi nghĩ rằng là phiên xử tới thì có thể là họ sẽ giảm chăng? Thế nhưng mà một số anh em bạn bè thì cũng nói rằng đấy là mình nghĩ như vậy mà tội danh của anh thì không đến mức như thế, nhưng mà cũng không thể lường được, bởi vì chồng tôi là một người dân tộc ở miền núi, có thể phải chăng là họ nghĩ rằng người dân tộc miền núi không hiểu biết gì, họ muốn chèn ép như thế nào cũng phải chịu đựng, hay là họ muốn làm cách nào thì cũng phải chấp nhận vì quyền lực ở trong tay họ, thì cũng chẳng còn cách nào khác. Nếu phải như vậy thì chắc là cũng phải chấp nhận chứ không còn cách nào khác.

Thanh Trúc: Thưa, đợt thăm nuôi vừa rồi gần nhất mới đây mà bà được gặp ông Vi Đức Hồi là vào ngày nào?

Bà Hoàng Thị Tươi: Gần đây nhất là tôi đi thăm vào đầu tuần, Thứ Hai đầu tuần vừa rồi.

Thanh Trúc: Bà thấy tình trạng sức khỏe của ông như thế nào? Nhất là về mặt tinh thần ông Vi Đức Hồi như thế nào?

vi-duc-hoi-250.jpg
Ông Vi Đức Hồi (phải) và Nguyễn Bá Đăng, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of ddcnd.org.
Bà Hoàng Thị Tươi:Dạ, về mặt tinh thần thì chồng tôi cũng rất là thoải mái, không có vấn đề gì. Và anh gửi lời hỏi thăm tất cả bạn bè, nói rằng tinh thần của anh vững vàng, không có gì thay đổi, bởi vì các việc làm của anh thì anh cảm thấy không có gì để xấu hổ, cũng như không có gì là vi phạm đạo đức. Chỉ có những người giải quyết việc này không thấu đáo thì người ta sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn. Còn nếu mà họ cố tình xử bao nhiêu năm tù thì anh cũng có thể ở tù được chứ không có vấn đề gì.

Về sức khỏe thì hai tuần vừa rồi sức khỏe chồng tôi không được tốt. Anh đã bị ốm (bệnh) và bị thoái hóa đốt sống cổ do đó ảnh hưởng đến dây thần kinh và choáng. Hiện tại là đang điều trị thuốc tây. Anh phải nộp tiền để họ đi mua thuốc cho, nên tháng vừa rồi tôi cũng phải tiếp tế thêm tiền để chồng tôi được điều trị.

Thanh Trúc: Bà dự kiến phiên tòa phúc thẩm sắp tới đây là một phiên tòa mở ra cho báo chí hay là một phiên tòa xử đóng cửa?

Bà Hoàng Thị Tươi: Lần này tôi vẫn mời ông Luật sư Trần Lâm giúp đỡ. Còn phiên phúc thẩm tôi nghĩ rằng họ sẽ lại xử kín chứ họ không công khai như là họ quảng cáo đâu. Họ nói là "xét xử công khai" nhưng mà không hề công khai tí nào.

Thanh Trúc: Bà còn có điều gì để bày tỏ nữa không?

Về mặt tinh thần thì chồng tôi cũng rất là thoải mái, không có vấn đề gì.

Bà Hoàng Thị Tươi

Bà Hoàng Thị Tươi: Để mà bày tỏ thì rất là nhiều. Có một điều tôi muốn nói tức là trong phiên xử sơ thẩm đấy tòa họ cũng đưa ra một lời phán quyết cuối cùng là chồng tôi có tội chống phá nhà nước vì các bài viết như vậy. Thêm vào là họ truy thu số tiền mà chồng tôi được Giải Thưởng Nhân Quyền hai năm trước. Thêm vào có một chút ít, cũng không nhiều, của anh em bạn bè trong nước và ngoài nước gửi quà thăm cháu, tức là gửi quà cho con tôi trong dịp Tết lễ, thế và họ truy thu một số tiền mà anh em bạn bè gửi thông qua chồng tôi để nhờ chuyển tới cho thân nhân những gia đình có chồng bị đi tù, trong đó thì họ có trích một chút để làm phí cho chồng tôi đi lại hoặc là gửi bưu điện, thì họ cũng truy thu tổng cộng là 56 triệu đồng.

Khi xử thì lại không hề nói là truy thu gì đến số tiền đó nhưng mà riêng chồng tôi phải chăng là người miền núi dân tộc cho nên là họ nghĩ rằng không biết gì hay là ở vùng xa xôi, không gần trung tâm thủ đô, thì chèn ép như thế nào đó, cho nên họ làm như vậy thì tôi nghĩ rằng về điều đó tôi mong rằng anh em bạn bè xa gần hãy có tiếng nói giúp đỡ trong việc đó để xem là họ làm như vậy là có đúng không?

Thanh Trúc: Thưa bà Hoàng Thị Tươi, xin cảm ơn thời giờ của bà đã dành để trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Cầu chúc cho ông nhà được mọi điều tốt lành.

Theo dòng thời sự:

Có phải họ là những công nhân có khế ước?


2011-04-16

Luật sư Tony Buzbee đại diện cho nhóm công nhân Việt Nam sang lao động tạo Houston, Texas trả lời phỏng vấn RFA về vụ kiện 2 công ty Việt Nam.

Screen Capture

Trang web của văn phòng Luật sư Tony Buzbee

Một bài viết với tựa đề Were they "indentured servants"? đăng trên nhật báo Houston Chronicle ngày thứ Năm, 14 tháng 4 vừa qua có đoạn mở đầu như sau:

"Chỉ sau vài tuần được một thẩm phán quận hạt Harris, thuộc bang Texas, xử được bồi thường 60 triệu mỹ kim cho thiệt hại dân sự vì bị lợi dụng bởi những công ty cung cấp lao động, nhóm công nhân ViệtNam đã tiếp tục kiện lên tòa án liên bang là họ còn là nạn nhân của một âm mưu buôn người quốc tế rộng lớn." 

Bài báo cũng cho biết tổ hợp luật sư Tony Buzbee đại diện nhóm công nhân Việt này trong vụ kiện 2 công ty Việt Nam tại tòa án liên bang, với sự cộng tác của văn phòng luật Tammy Trần.

Để tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện cũng như các tình tiết pháp lý của vụ kiện này, Hiền Vy, thông tín viên Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do tại Houston, Texas, có phỏng vấn với luật sư Tony Buzbee.

Hiền Vy: Xin kính chào luật sư Buzbee. Xin ông cho thính giả của đài RFA được biết trong vụ kiện này ai là nạn nhân, ai là bị cáo?

LS Tony Buzbee: Nạn nhân là những công nhân người Việt Nam, họ đến từ nhiều nơi trên nước Việt, còn bị cáo là 2 công ty rất lớn, có cổ phần của nhà nước Việt Nam là Interserco và Vinamotors. 

Nạn nhân là những công nhân người Việt Nam, họ đến từ nhiều nơi trên nước Việt, còn bị cáo là 2 công ty rất lớn, có cổ phần của nhà nước Việt Nam.
LS Tony Buzbee

Hiền Vy: Xin ông tóm lược tại sao có vụ kiện này?

LS Tony Buzbee: Xuất cảng lao động là một nghiệp vụ rất lớn của Việt Nam, có năm Việt Nam xuất cảng lên tới 85 ngàn công nhân đi lao động nước ngoài. 

Trường hợp này, 2 công ty Việt Nam là Interserco và Vinamotors quảng cáo là muốn đi làm lao động tại Hoa Kỳ, mà đặc biệt là vùng Houston, bang Texas, mỗi công nhân phải đóng số tiền từ 5 ngàn đến 15 ngàn Mỹ kim tùy theo công việc.

Có khoảng 50 người được chọn và mỗi công nhân này phải vay mượn tiền bạc của gia đình hay bằng hữu. Có người còn phải cầm cả nhà cửa để có tiền đóng cho khế ước đầy hứa hẹn là có việc làm 30 tháng tại Mỹ.  Họ hy vọng là với lời hứa được làm việc 30 tháng, họ sẽ thâu được khoảng 100 ngàn dollars sau gần 3 năm làm việc.

Sau khi nhận tiền của các công nhân, 2 công ty này lo việc Visa cho công nhân đến Mỹ để làm việc. Trong khế ước thì những công nhân này được cung cấp nhà ở và phương tiện di chuyển.

Hiền Vy:  Thưa ông, như vậy là một khế ước tốt quá đó chứ ạ?

courthousenewsservice-305.jpg
Bản tin trên báo chí Mỹ về vụ 2 công ty Việt Nam bị kiện ra tòa án liên bang Hoa Kỳ.

LS Tony Buzbee:Nhưng khi đến Mỹ họ gặp những người môi giới, thì họ được đưa tới một khu chung cư tồi tệ, mỗi 4 người ở một phòng.  Họ bị trừ 2 ngàn dollars từ lương tháng của mỗi người và còn phải trả thêm tiền di chuyển nhưng họ phải sống trong môi trường nghèo khổ, bẩn thỉu.

Sau khoảng 8 tháng làm việc họ bị đuổi việc và được thông báo là phải trở về Việt Nam.  Khi ở tại Mỹ những người môi giới cấm họ không được nói chuyện với người lạ, không được nói với ai họ là những lao động từ nước ngoài. 

Mặc dù họ đến đây hợp pháp nhưng lại bị những người môi giới hăm dọa là họ có thể bị bắt hay bị đánh đập nếu người khác biết sự hiện diện của họ.

Hiền Vy: Thưa luật sư, ông kiện 2 công ty này với tội trạng gì ở tòa án liên bang của Hoa Kỳ ạ ?

LS Tony Buzbee:  Chúng tôi nộp đơn kiện tại tòa án liên bang thuộc khu vực Galveston để tố cáo những công ty này phạm luật cấm buôn người và vi phạm khế ước với các công nhân.

Kết quả vụ kiện?

Hiền Vy: Thưa ông kết quả cho đến hôm nay như thế nào ?

LS Tony Buzbee: Cho đến hôm nay, chúng tôi đã nộp hồ sơ vụ kiện tại tòa. Chúng tôi đang xúc tiến thủ tục pháp lý để thông báo cho 2 công ty bị cáo biết là họ đang bị kiện và họ sẽ phải trả lời trước tòa. 

Tôi hy vọng chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ giúp làm sáng tỏ vụ việc cũng như để ngăn chận tệ nạn buôn người và giúp đỡ những nạn nhân đang gặp khó khăn này.

LS Tony Buzbee

Sau đó, chúng tôi sẽ thẩm vấn các nhân chứng và thu thập tài liệu để đối chứng trước tòa. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ chứng minh được các công ty này hoạt động trong đường dây buôn người.

Hiền Vy:  Vì nhà nước Việt Nam có cổ phần trong 2 công ty này thì thưa ông, tòa đại sứ Việt Nam ở Washington DC cũng như tòa lãnh sự Việt Nam tại Houston có vị thế nào trong vụ kiện này?

LS Tony Buzbee: Tôi hy vọng là chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ giúp chúng tôi làm sáng tỏ vụ việc này cũng như để ngăn chận tệ nạn buôn người và giúp đỡ những nạn nhân đang gặp khó khăn này.

Hiền Vy:  Thưa ông sự cộng tác của văn phòng luật Tammy Trần và công ty luật của ông trong vụ kiện này như thế nào?

LS Tony Buzbee:  Tôi là luật sư biện hộ chính tại tòa và luật sư Tammy Trần và văn phòng của bà ấy phụ tôi trong công việc liên hệ trực tiếp với các công nhân vì vấn đề ngôn ngữ.

Hiền Vy: Thưa ông như vậy thì tình trạng di trú tại Hoa Kỳ của những công nhân này như thế nào?

LS Tony Buzbee: Về vấn đề di trú của những công nhân này thì những chuyên viên chuyên về luật di trú của đại học luật khoa South Texas đang phụ trách việc này để giúp đỡ các công nhân.

Hiền Vy:  Xin cảm ơn luật sư Tony Buzbee đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay!