Thursday, June 16, 2011

Hàng trăm công ty VN ngừng sản xuất hải sản

Thuyền cá Việt Nam

Tin cho hay nhiều công ty Việt Nam phải ngừng sản xuất chế biến hải sản vì thiếu nguyên liệu do thương nhân Trung Quốc 'vét hàng'.

Cùng lúc có tin Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 ra các vùng biển tranh chấp ở Đông Nam Á.

Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết "nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang phải tạm ngưng sản xuất mặt hàng này hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu sản xuất".
"Nguyên nhân do các thương nhân Trung Quốc sang tận nơi mua hải sản mà ngư dân đánh bắt về."
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, được báo này dẫn lời nói từ đầu năm đến nay đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến và xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác.
VASEP nói đang có tình trạng thương nhân Trung Quốc "tranh giành, đón mua" tại các cảng cá hoặc thậm chí ngay tận ngoài biển.
Một lý do khác khiến lượng hải sản đánh bắt được ít đi, là do Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cho tới tận 01/08 tại các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, trong có nhiều vùng biển mà Việt Nam cũng nói là của mình.
Hàng năm Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt, năm sau dài hơn năm trước, với mục đích được nói là để "bảo vệ nguồn hải sản".
Ngư dân Việt Nam thì than phiền rằng họ không dám ra khơi vì lo ngại rằng theo lệnh cấm này, nếu bị bắt họ sẽ bị kiểm ngư Trung Quốc tịch thu tài sản hoặc phạt vạ.

Nguồn hải sản cạn kiện

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng nói trên báo Tuổi Trẻ rằng "nhiều vùng đánh bắt đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn hải sản".
Giới chức Việt Nam đang kêu gọi tạo điều kiện cho ngư dân ra đánh cá xa bờ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, cũng trên Tuổi Trẻ, cho hay đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm.
ảnh của Nguyễn Giang

Thuyền cá của ngư dân Việt Nam phần nhiều còn rất thô sơ

Bà Minh kêu gọi chính phủ có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển hạ tầng cầu cảng, trang bị kỹ thuật hiện đại hơn cho ngư dân và kêu gọi đầu tư của nước ngoài.
Bảo đảm an toàn cho ngư dân là vấn đề đau đầu cho chính phủ, vì ngày càng nhiều thuyền cá của Việt Nam "gặp nạn" khi đánh bắt ở các vùng biển xa.
Hàng nghìn ngư dân bị nước ngoài bắt mỗi năm, khi hoạt động trong các vùng biển chồng lấn.
Hồi đầu tháng, thực trạng này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhắc tới tại một diễn đàn an ninh tại Singapore.
Ông Thanh thừa nhận đã có một số vụ ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài, "nhưng cũng có những vụ ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam".
"Để xử lý, chúng ta cần ứng xử bằng luật pháp quốc tế, một cách láng giềng, hữu nghị và nhân đạo, không xâm phạm thân thể và vật chất của ngư dân."
Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bố áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.
"Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế."
Tin hôm 16/6 cho hay Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 đi qua Biển Đông để đến Singapore trong bối cảnh căng thẳng vẫn còn cao trong vùng.
Phía Trung Quốc nói chiếc tàu hải giám thuộc loại lớn nhất của nước này, có cả bãi đỗ cho trực thăng, sẽ "tuần tra, giám sát các tuyến hàng hải trong biển Nam Hải".
Dự kiến tàu sẽ tới Singapore vào ngày 23/6, chỉ vài hôm trước khi Hoa Kỳ và Philippines dự kiến có cuộc tập trận CARAT, trước khi quay trở về Trung Quốc.
Báo chí nước ngoài theo dõi câu chuyện cho hay tàu Hải Tuần 31 sẽ đi ngang vùng Trường Sa đang bị nhiều bên tranh chấp.

Hèn Với Tiền, Ác Với Dân: Bé 11 tuổi bị Công an đánh phải nhập viện

Thursday, 16 June 2011


(NLĐO) - Lỡ trộm tiền của cô ruột đi mua điện thoại, một cháu bé bị công an phường đánh, phải nhập viện điều trị.

Ngày 16-6, đại diện Bệnh viện GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đang tiến hành theo dõi và điều trị các vết thương cho bệnh nhân Ngô Đình Phát (SN 2000, học lớp 5 Trường Tiểu học Phường Đúc), trú tại tổ 20, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP Huế.

Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 15-6, cháu Phát được gia đình đưa tới cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương bầm tím tại đùi và mông.

Bác sĩ Trần Nhân Thao, Khoa Ngoại - Bệnh viện GTVT, cho biết cháu Phát bị tổn thương từ đầu đến chân, trong đó ở vành tai trái, mông và mặt sau hai đùi chân bị bầm tím. Tuy nhiên, do ngày 16-6, bệnh viện bị cắt điện nên chưa thể làm các xét nghiệm và chụp X-quang, vì vậy chưa có kết luận về mức độ chấn thương. "Các xét nghiệm và chẩn đoán chính xác về tổn thương của cháu Phát sẽ có trong ngày 17-6" - bác sĩ Thao cho biết.

Theo chị Nguyễn Thị Son, mẹ cháu Phát, nguyên nhân cháu bị chấn thương là do Công an phường Thủy Xuân đánh vào chiều 15-6.

Chị Son kể lại: Vào 12 giờ ngày 15-6 cháu Phát qua nhà cô ruột là Ngô Thị Ánh thì phát hiện số tiền 3,1 triệu đồng của cô giấu ở dưới gối để trên giường. Phát đã lấy số tiền này mua một ĐTDĐ 800.000 đồng, một thẻ nhớ, một sim điện thoại và một cục sạc điện thoại.

Biết Phát trộm tiền mình nên chị Ánh nhờ người thân, hàng xóm đi tìm cháu về để hỏi lấy lại số tiền. Sau khi đi mua điện thoại về tới gần nhà thì Phát bị một người hàng xóm tên là An bắt được, đưa về nhà.
ại

Phát khai đã mua những thứ trên hết 900.000 đồng, trả lại chị Ánh 1,7 triệu, còn 500.000 đồng Phát nói đã rơi ở đâu đó không nhớ. Sau đó, Phát được mẹ và chị Ánh, cùng một người hàng xóm dẫn tới quầy điện thoại nơi Phát mua để trả lại điện thoại và lấy lại tiền nhưng chủ quầy điện thoại này chối bỏ rằng Phát không mua điện thoại ở đây.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, chị Ánh cùng một người hàng xóm tên Tý chở Phát xuống Công an phường Thủy Xuân để nhờ công an ra can thiệp, yêu cầu trả lại điện thoại để lấy lại tiền. Sau đó, chủ quầy điện thoại đã trả lại tiền cho chị Ánh.

Sau đó, chị Ánh và Phát được đưa về trụ sở công an phường làm việc. Chị Ánh được đưa sang một phòng riêng viết lời khai, còn Phát ở lại một phòng riêng để "điều tra".

Đến 16 giờ 40 phút, anh Ngô Đình Chung, cha của cháu Phát, được ông Nguyễn Ánh - Phó Trưởng Công an phường Thủy Xuân, gọi lên làm giấy bảo lãnh để đưa con về.

Anh Chung kể: "Sau khi viết xong giấy bảo lãnh thì tôi đưa Phát ra xe cùng cô ruột định chở về nhà thì cháu van đau bụng, đau chân, đi lại không vững. Thấy cháu gần ngã xuống đất nên cô Ánh phải đỡ cháu lên xe".

Chở về nhà, cháu Phát kêu đau, sốt nặng. Khi vén hai ống quần của con lên thì thấy ở hai đùi và mông cháu Phát bị bầm tím.

"Chồng tôi điện thoại hỏi lại ông Ánh sao đánh con tôi nặng vậy thì ông này bảo có đánh ở đùi, lấy muối xát vào cho cháu là không sao đâu" - chị Son kể.

Tại bệnh viện, cháu Phát kể rằng sau khi bị đưa vào phòng cách ly với cô Ánh, cháu đã bị hai công an viên thay nhau lấy dùi cui đánh vào đùi và mông, trong khi tay thì xách tai trái của Phát. Hai người này còn dùng chân đá vào hai bên đùi của Phát.

Chị Son cho biết sáng 16-6, có một số người xưng là công an phường Thủy Xuân tới gặp chị ở một quán nước trong Bệnh viện GTVT và nói rằng muốn dạy dỗ cháu Phát nhưng do lỡ tay nên làm cháu bị thương nặng. "Họ năn nỉ tôi bỏ qua, gia đình tôi đừng làm ầm lên mà to chuyện" - chị Son kể.

Cũng trong sáng 16-6, anh Chung đã tới gửi đơn khiếu nại với UBND phưởng Thủy Xuân và Công an phường Thủy Xuân về việc con mình bị đánh. Tuy nhiên, sau khi Công an phường Thủy Xuân đứng ra xin lỗi gia đình và đưa cho anh Chung 1,5 triệu đồng bảo về lo thuốc thang cho cháu Phát nên anh Chung đã làm đơn bãi nại, đồng thời rút đơn khiếu nại.

Theo trả lời của ông Nguyễn Ánh với cha cháu Phát, người trực tiếp đánh cháu Phát là một cảnh sát khu vực có tên là Quang. "Thấy Quang đánh cháu Phát nên tôi nói đừng đánh nữa nhưng Quang nói thằng cu này hay nghịch để em dạy nó" - ông Ánh cho biết.

Một phó trưởng Công an TP Huế cho biết sẽ tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Nếu cán bộ, chiến sĩ nào sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh.