* Hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt
TT - Trong hai ngày qua, mưa lũ lại tiếp tục hoành hành ở tỉnh Quảng Ngãi khiến tỉnh này đang phải đối mặt với cảnh ngập nước, tắc đường, nứt núi và nhiều khu vực đứng trước nguy cơ bị cô lập. Tính đến chiều 14-11, mực nước trên ba con sông lớn của Quảng Ngãi là Trà Bồng, Trà Khúc và sông Vệ đều vượt mức báo động 3.
Nước lũ tràn qua quốc lộ 1A đoạn ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: Hải Luận |
Nước dâng cao, nhà sập
Hiện giao thông trên quốc lộ 1A qua địa bàn TP Quảng Ngãi bị tê liệt do nước lũ đã tràn về. Quốc lộ đoạn cầu Cháy (xã Bình Hiệp) và đoạn quốc lộ 1A qua xã Bình Nguyên, Bình Sơn) nước lũ dâng cao hơn nửa mét làm giao thông bị tê liệt, khiến hàng trăm phương tiện lưu thông bị ách tắc kéo dài hàng chục kilômet dọc quốc lộ 1A.
Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Bình Sơn đã được huy động tại các điểm ngập trên quốc lộ 1A để không cho các phương tiện qua lại. Nước sông dâng cao đã khiến tất cả các xã trên địa bàn huyện Bình Sơn bị ngập nặng. Các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã cũng bị tê liệt do ngập sâu, nặng nhất là các xã khu đông huyện Bình Sơn. Tại chợ Châu Ổ, nước dâng cao gần 1m. Huyện Bình Sơn đã khẩn cấp di dời 300 hộ bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Hiện có bốn nhà dân ở thôn Phước Thiện bị sập hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà bị sập một phần, các tuyến đường đi Sơn Hà, Sơn Hà đi Sơn Tây cũng bị cô lập do nước tràn qua cầu Sông Rin.
Nước lũ khiến 8/11 hồ chứa nước trong tỉnh đã qua tràn, trong đó hồ chứa nước Đá Bàn, huyện Mộ Đức đang trước nguy cơ bị vỡ. Huyện Mộ Đức cũng đang triển khai phương án di dời 50 hộ dân ở khu vực gần đập để đảm bảo an toàn. Còn tại hồ chứa nước Thạch Nham, hồ chứa nước lớn nhất tỉnh, mực nước đã ở mức 24,3m, vượt ngưỡng 3,4m.
Ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương di dời tất cả những hộ dân sống ven sông đến nơi an toàn trước 21g ngày 14-11, bởi theo nhận định, mực nước các sông đang dâng cao, đặc biệt sông Trà Bồng sẽ vượt mức trận lũ năm 1999. Lực lượng cảnh sát giao thông phải túc trực ngay điểm ngập trên quốc lộ 1A, cấm tuyệt đối các phương tiện qua vùng bị ngập, đồng thời bảo đảm an toàn tài sản cho hành khách trên xe trong thời gian dừng đợi nước lũ rút.
Lúc 10g ngày 14-11 tại xóm 3, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, nước đổ từ núi xuống quá lớn đã làm sập chín ngôi nhà. Bà Nguyễn Thị Hồng kể lại trong nước mắt: "Cả nhà đang ăn cơm, nghe nước chảy xuống ào ào, nhà chuyển rắc rắc, hai vợ chồng ôm con bỏ chạy ra khỏi nhà thì ngôi nhà đổ ụp xuống. Chỉ trong vòng mấy phút nền nhà tôi đã thành con suối, nước chảy rất mạnh. 13g cùng ngày, chúng tôi có mặt ở hiện trường chứng kiến cảnh hoang tàn: có sáu ngôi nhà sập hoàn toàn, ba ngôi nhà khác thì sập một nửa còn treo lơ lửng trên bờ vực".
Ông Phạm Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (có mặt ở hiện trường), nhận định: những nhà dân ở khu vực này có nguy cơ bị sập nữa. Huyện đã chỉ đạo UBND xã Bình Hải phải sơ tán dân ở những chỗ có nguy cơ sập và thu xếp cho những hộ gia đình có nhà bị sập đến các nhà dân trong vùng ở tạm thời.
Nhà của bà Nguyễn Thị Hồng (xóm 3, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị nước đào thành con suối - Ảnh: Hải Luận |
Nhiều nơi bị cô lập, chia cắt
Lũ sẽ rút chậm Miền Trung tiếp tục có mưa trong ba ngày đầu tuần, vùng núi có nơi mưa rất to nên lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum tiếp tục lên nhanh ở mức báo động 2 và trên báo động 3, có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng, hạ lưu. Sau đó mưa sẽ giảm dần nhưng lũ rút chậm. LÊ THỊ XUÂN LAN |
Theo báo cáo của các đoàn kiểm tra cho biết đến 16g chiều 14-11, trên tuyến quốc lộ 1A có hai điểm ngập gây ách tắc giao thông hoàn toàn tại xã Bình Nguyên và xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn); các tuyến đường liên huyện từ Sơn Hà đi Tây Trà bị chia cắt, không qua sông Rin được; hàng chục tuyến đường liên huyện, liên xã thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ bị ngập sâu từ 0,5m đến hơn 1m.
Theo thống kê sơ bộ, bước đầu tại xã Bình Hải có bảy nhà bị sập hoàn toàn, 12 nhà bị sập một phần, làm bị thương một người; hàng trăm ngôi nhà tại các địa phương bị ngập. Riêng huyện Nghĩa Hành đã di dời 36 hộ nơi vùng trũng thấp ven sông tại các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Phước, Hành Thịnh đến nơi ở cao an toàn. Mưa lũ lớn làm nhiều tuyến kênh mương bị hư hại, 8/11 hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh nước đã qua tràn 0,2-1,1m...
Đến 21g tối 14-11, trên 1.000 ôtô các loại đã kẹt cứng đậu thành hàng dài trên quốc lộ 1A đoạn qua hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. Nguyên nhân là do cầu Cháy tạm thời bị nước lũ gây xói lở nghiêm trọng. Rút kinh nghiệm trong trận lũ trước tại Hà Tĩnh nên ngành giao thông đã cấm không cho bất cứ ôtô, xe máy nào qua lại trên cầu Cháy để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó mưa lớn khiến nhiều huyện miền núi của Quảng Nam bị cô lập. Đến chiều tối 14-11, nước lũ ở các sông suối bắt đầu dâng cao khiến nhiều vùng bị chia cắt, cô lập. Tuyến đường độc đạo ĐT 616 từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên bảy xã vùng cao và huyện Nam Trà My bị chia cắt và cô lập hoàn toàn do nước lũ tại ngầm sông Trường dâng cao hơn 3m. Mưa lớn đã khiến gần chục xe tải vận chuyển vật liệu phục vụ thi công công trình thủy điện Sông Tranh 2 bị mắc kẹt tại đây.
Tin từ Phòng nông nghiệp huyện Bắc Trà My cho hay đã có 26 con trâu bò bị chết lạnh do mưa. Sông Nước Bui và suối Nước Nẻ, nước lũ liên tục dâng cao, chính quyền huy động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân, xã đội túc trực 24/24 giờ ứng phó với mưa lũ, chốt chặn tại những tuyến đường, cống ngầm bị ngập. Tuyệt đối không để người dân qua lại, tránh không để xảy ra thiệt hại về người.
Tương tự, tuyến đường ĐT 611 đi từ quốc lộ 1A lên huyện Nông Sơn cũng bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Hàng ngàn hộ dân thuộc các xã vùng tây huyện Nông Sơn đang bị chia cắt.
Nhóm PV tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment