Wednesday, November 17, 2010

Quyền Nói, Quyền Đọc

Để nóí ngắn gọn, quyền được nói và quyền được đọc có thể ghi tóm tắt là tự do báo chí, hay tự do phát biểu. Các quyền căn bản này đều có ghi sẵn trong hiến pháp Việt Nam hiện nay (và hình như cũng có ghi trong Hiến Pháp Bắc Hàn). Nhưng tại sao bây giờ ngay cả các công thần chế độ cũng phải tìm các blog ngoaì luồng, hay các blog lề trái, để phổ biến tiếng nói của mình?
Thí dụ, tại sao tiếng nói của ông Lê Hiếu Đằng, hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBTƯMTTQVN, lại không được đăng trên báo Nhân Dân, hay báo Quân Đội Nhân Dân?
Có phải vì ông Lê Hiếu Đằng không có quyền nói, không có quyền viết? Và có phải vì đồng bào không có quyền đọc các tư tưởng ngoài lề?
Trong khi đó, các đơn vị đặc công tin tặc của nhà nưoơc vẫn không ngừng tấn công các tiếng nói lề trái. Sau các trang blog bị tin tặc treo Sinh Tử Lệnh, thí dụ như trang Anh Ba Sàm và nhiều trang khác, mới tuần này một số nhà viết blog cũng phải bỏ trang blog cũ để mở trang blog mới nhằm giữ tiếng nói.
Trang Dân Làm Báo cho biết tình hình 3 trang web lề trái đã phải dọn nhà mới, trích:
“Nhà mới của blogger Trương Duy Nhất: http://motgocnhinkhac.blogspot.com/
Blog của blogger LeAn (anle20.wordpress.com) đã bị tường lửa. Bạn LeAn nhờ thông báo các bạn đọc truy cập blog LeAn tại: abc.anle20.wordpress.com
Trang nhà Đối Thoại (www.doithoaionlin.net) đã bị phá hoại từ ngày 8 tháng 11. Đối Thoại có thông báo địa chỉ mới là www.doithoaionline2.blogspot.com.”
Vâng, đúng rằng chế độ hiện nay có công của ông Lê Hiếu Đằng dày công đấu tranh, nhưng ông vẫn bị cấm nói, cấm viết… những gì chế độ không thích.
Trên trang Bauxite Việt Nam, ông Lê Hiếu Đằng gửi đăng bài nhan đề “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước,” trong đó viết, trích:
“…Một vần đề đáng lo hàng đầu đang nổi rõ: sự phân hóa xã hội sâu sắc, những người ăn bám vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, vào đầu tư công, vào buôn lậu, tham nhũng đang giàu lên rất nhanh trong khi đại đa số nhân dân cực khổ. Thử nhìn thực trạng TPHCM mà coi: Khu đô thị hiện đại sang trọng Phú Mỹ Hưng được coi là đô thị kiểu mẫu cùng với nhiểu khu đô thị sang trọng khác, nhưng những ai đang sống ở đó? Trong khi người nông dân gốc gác lâu đời ở những khu vực này bị giải tỏa, hiện đi đâu, sinh sống thế nào, chúng ta có biết không? Và trong khi một bộ phận không nhỏ dân cư thành phố sống thường trực trong cảnh nước ngập, sụp hố trên đường, bất an về đủ thứ tai nạn. Cách làm ăn của chúng ta liệu có khác gì thời kỳ tư bản man rợ: xua đuổi nông dân để chiếm đất, bần củng hóa một bộ phận dân cư để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bàn tay lông lá của các tập đoàn lợi ích ngày càng thọc sâu vào các chính sách quốc gia. Thật hết sức đáng lo. Lòng dân đang rất bất an, dân không thể tiếp tục tin yêu chế độ nếu tình hình cứ tiếp tục thế này.
Những vấn đề trên không thể nào giải quyết nếu không nhanh chóng thực hiện dân chủ thực sự.
Dân chủ hóa như thế nào cho hiệu quả, cho khả thi là chuyện hệ trọng phải công khai thảo luận. Nhưng có những việc đã rất rõ ràng, thí dụ như tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội. Tại sao hệ thống chính trị rất nhiều ban bệ, tổ chức cồng kềnh lại có thể để xảy ra những vụ động trời như Vinashin, cho thuê rừng đầu nguồn…? Quốc hội có quyền hạn đếu đâu mà để chính phủ muốn làm gì thì làm? Chỉ một điều này cũng chứng tỏ hệ thống chính trị của ta rất hình thức, không hiệu quả, không thực hiện được quyền làm chủ của dân…(…)
Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta phải đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên cao nhất, hơn mọi lợi ích riêng tư, phe nhóm. Là một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thấy Đảng cũng phải hành xử như vậy. Tức là phải kiên quyết thực hiện dân chủ thực sự. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ, tôi muốn nhắc lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn nhắn gửi các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và tất cả những ai còn trăn trở với những vấn đề của đất nước, của dân tộc. Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận.”(hết trích)
Tại sao phải sợ đồng chí, đồng đội? Câu trả lời rất đơn giản, hãy hỏi vì sao không tờ báo nào trong nước dám đăng các bài viết kiểu này của ông Lê Hiếu Đằng?
Cần nhắc rằng, bốn ngày trước đó, trang Bauxite VN đăng bài khác của ông Lê Hiếu Đằng, có nhan đề “Bản kiến nghị phải được công bố cho toàn dân và quốc hội,” trích:
“…Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội…
…Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên? Nếu có, thì đó là tước quyền được thông tin của nhân dân – quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, như thế người ngăn cản đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN.
Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng…
….Tôi mong mỏi các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ hai vấn đề nghiêm trọng nhất: bauxite và cho thuê rừng đầu nguồn, đừng để bị lạc hướng vì những chuyện khác.
Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên…
…Bản thân tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: khi bị Toà án Vùng 3 Chiến thuật Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?” (hết trích)
Tại sao quyền nói, quyền đọc của ông lê Hiếu Đằng và của toàn dân đã bị ngăn cấm? Vậy chứ 35 năm qua, ông Lê Hiếu Đằng có thực là đã có quyền nói, đã có quyền đọc hay chưa?
Tại sao khi cụ già tập kết Nam Bộ Nguyễn Văn Trấn lên tiếng đòi dân chủ, ông Lê Hiếu Đằng không bênh vực? Vậy rồi khi bà Dương Quỳnh Hoa tỉnh thức, lên án Đảng CSVN… thì ông Lê Hiếu Đằng ở đâu? Và tại sao khi cụ Nguyễn Hộ — một cựu chiến binh trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, lãnh đạo Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũ, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1937, và năm 1940 chỉ huy biểu tình đình công ở xưởng đóng tàu Ba Son, và bị tuyên án tù năm năm ở Côn Đảo — từ bỏ Đảng CSVN năm 1991 sau hơn 53 năm trong đảng, bị bắt và quản thúc tại gia vì tội “chống Đảng”, thì ông Lê Hiếu Đằng ở đâu mà không góp tiếng đòi dân chủ với, mà không đặt vấn đề tại sao phải sợ đồng chí, đồng đội?
Có phải ông Lê Hiếu Đằng bây giờ mới đòi hỏi dân chủ là quá trễ hay không?Hay phảỉ chăng, đây là thời điềm tiền Đạị Hội Đảng, và là lúc cần nói những chuyện nhạy cảm?
Hay phảỉ chăng, sự tỉnh thức của ông lê Hiếu Đằng chỉ mới bắt đầu từ năm ngoáí, vào lúc Tu Viện Bát Nhã bị truy quét?
Tháng 6 và tháng 7 năm 2009, côn đồ dưới giám sát của công an đã tấn công khu tu viện với búa, đập vỡ cửa sổ, làm hư hại tòa nhà và hăm dọa những người trong đó… Và rồi, Ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố “vụ Bát Nhã cho thấy sự “vô trách nhiệm” của chính quyền địa phương, tạo ra một “tiền lệ hết sức nguy hiểm” là bất cứ công dân nào cũng có thể bị côn đồ đe dọa, và cấp trung ương phải nhanh chóng giải quyết chuyện này.”
Than ôi, chính phủ Hà Nội đâu có nghe lời ông Lê Hiếu Đằng làm chi. Thế là các sư ni bỏ chạy.
Năm nay, sự xuất hiện của ông Lê Hiếu Đằng với ngôn ngữ quyết liệt hơn… Chỉ hy vọng đây là tỉnh thức vì thấy các thế cờ hung hiểm của Trung Quốc ở Tây Nguyên quá lộ liễu…
Nhưng ngôn ngữ quyết liệt kiểu như “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước” thực sự có mấy ai trong nước đọc được?
Bởi vì quyền nói và quyền đọc của người dân mình đã bị đảng của ông lấy mất từ lâu rồi.
TRẦN KHẢI

No comments:

Post a Comment