Friday, November 19, 2010

Văn hóa đi đường: Hậu quả nặng nề từ ý thức kém !

Thứ sáu, 19/11/2010 09:08
(ĐSCT) Bên cạnh đại đa số người dân có ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông thì một bộ phận người đi đường vẫn cố tình vi phạm. Tình trạng lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, bất chấp đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm… luôn xảy ra. Nhiều khi chỉ từ va chạm nhỏ đã dẫn đến người chết, kẻ tù tội.

Xe buýt đậu rước khách giữa đường

ÁN MẠNG TỪ VA QUẸT
Có lẽ chưa bao giờ tình trạng giao thông lại hỗn loạn như những năm gần đây, xe cộ giành nhau từng kẽ hở trên đường, va quẹt và tai nạn là khó tránh. Một lần nữa văn hóa giao thông lại bộc lộ qua những hành vi, thái độ ứng xử giữa người với người khi xảy ra va chạm. Lòng nhân ái, vị tha, đức tính nhường nhịn được thể hiện, hay giở thói hung hăng, côn đồ của những người trong cuộc sẽ quyết định ranh giới giữa thiện và ác. Tiếc thay, vốn ý thức kém khi đi đường thì bạo lực thường là bạn đồng hành. Lúc 20 giờ 45 ngày 18-10-2009, anh Võ Đức Thanh chạy xe máy chở vợ là chị Phạm Thị Như M. cùng ba con nhỏ lưu thông đến ngã tư Phạm Văn Hai - Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), va quẹt với một thanh niên đi xe SH khiến đôi bên lời qua tiếng lại; sau vài câu chửi nhau, người thanh niên lầm lũi bỏ đi. Chưa kịp nguôi giận thì anh Thanh lại bị xe Nouvo BS: 54P8-4879 do Hà Nguyên Kinh Luân điểu khiển đụng phải. Không có chuyện to tát nếu như các bên biết nói lời xin lỗi, bỏ qua, nhưng bản tính hung hăng, sau hồi khẩu chiến Luân lao vào hành hung làm xe anh Thanh đổ xuống đường, mẹ con chị M. hoảng sợ bỏ chạy lên vỉa hè. Bực tức, Thanh lấy dao bấm từ giỏ xách ra đâm nhiều nhát khiến anh Luân thiệt mạng. Dòng người hiếu kỳ cứ đông dần làm tắc đường, tiếng còi xe inh ỏi cả khu vực.
Phương tiện đông đúc, việc quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, người tham gia giao thông liên tục phải đối mặt với “lô cốt”, khói bụi dễ dẫn đến ức chế. Kẹt xe là chuyện thường ngày, nếu như kiên nhẫn chờ đợi, biết kiềm chế khi có va chạm thì đâu có chuyện gì. Nhưng không, lúc 19 giờ 30 ngày 30-1-2010 anh Phan Hoàng Vinh điều khiển xe Wave BS: 51Y5-5188 chở anh Nguyễn Văn Trí đến trước số 122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thì kẹt xe nên quay lại, bị xe Attila BS: 51X7-0330 do anh Nguyễn Đình Hiếu cầm lái chở bạn gái là chị Nguyễn Thị Hồng D. chắn ngang. Vinh giục Hiếu mau tránh khiến hai bên xảy ra xô xát. Khi thoát ra khỏi đám đông, đôi bên lại khẩu chiến rồi xông vào quyết ăn thua đủ với nhau. Được mọi người can ngăn, anh Trí kéo Vinh lên xe bỏ đi. Không nén được cơn giận dữ, Hiếu kêu bạn gái giữ xe rồi chạy lại tấn công Trí. Gã lượm được con dao gần đó làm hung khí xông vào đâm nhiều nhát vào người làm anh Vinh thiệt mạng.

Không thể không nhắc tới vụ va quẹt “nảy lửa” trên đường Cống Quỳnh (quận 1) vào tối 6-8-2010 làm hai người chết, một bị thương nặng. Hôm đó Nguyễn Quốc Tân chở Nguyễn Văn Út lưu thông trên đường Cống Quỳnh suýt va chạm với xe SH mang BS: 52F3-1662 do Nguyễn Chí Dũng điều khiển. Sẵn có hơi men, Dũng cùng với Phạm Hoàng Đình Hùng, Nguyễn Minh Đức chạy tới chặn trước đầu xe của Tân, dùng dây nịt và nón bảo hiểm tấn công tới tấp. Bị đánh hội đồng, Tân lấy dao từ túi quần ra đâm liên tiếp vào ba thanh niên, vụ va quẹt biến thành vụ án mạng kinh hoàng. Gần đây nhất, lúc 20 giờ 30 ngày 6-11-2010, anh Dương Quốc Thắng (SN 1991, ngụ quận 1) điều khiển xe máy đến trước số 32 Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh xảy ra va chạm với một thanh niên. Sau đó hai bên đều “a lô” gọi người thân đến hỗ trợ. Hậu quả hai người nhà anh Thắng là Dương Quốc Dũng tử vong, Dương Quốc Trung bị trọng thương...

Bế con vượt dải phân cách, băng đường

THỰC TRẠNG BUỒN
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, chín tháng đầu năm 2010 xảy ra 1.020 vụ TNGT, làm chết 557 người. Nguyên nhân của hầu hết những vụ tai nạn và cả ùn tắc, kẹt xe là do văn hóa giao thông quá kém.

Ai cũng biết hệ thống đèn tín hiệu giao thông là để người đi đường nhìn vào đó mà chấp hành nhằm tránh xảy ra tai nạn, ùn tắc. Vậy nhưng thực tế khi gặp đèn đỏ nhiều người cứ nhớn nhác ngó nghiêng, không thấy công an là kéo ga... vượt! Chúng tôi từng chứng kiến tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng, bé gái chừng 5 tuổi thấy đèn đỏ nhắc ba dừng xe, người đàn ông càng phóng nhanh hơn cùng lời giải thích “không có công an, sợ gì!”.

Cùng lối nghĩ, hành vi đi đúng làn đường, đảm bảo tốc độ, dừng đỗ xe đúng quy định lâu nay bị người ta lãng quên, thay vào đó là tâm lý đối phó, chỉ khi thấy bóng CSGT trật tự mới được thiết lập. Chiếc mũ bảo hiểm để bảo vệ cái đầu, thế nhưng có người chỉ treo làm duyên và chụp vội lên đầu để không bị phạt!

Phụ huynh dừng, đỗ tràn lan trước cổng trường

Thành phố Hồ Chí Minh vào giờ tan tầm, tại các ngã tư Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám, ngã năm Chú Ía (quận Gò Vấp)... thường xảy ra ùn tắc do chính người tham gia giao thông muốn về nhà cho nhanh gây nên. Khổ nỗi càng tắc đường người ta càng chen ngang chen dọc, hở là lách và leo lên cả vỉa hè. Xa lộ Hà Nội đoạn trước khu vực Suối Tiên được mệnh danh là điểm “đen” về TNGT với mật độ xe cộ dày đặc, xe container, ôtô tải chạy ào ào, xe khách đậu đỗ tùy tiện nhưng nhiều người đi bộ vẫn coi thường tính mạng, ngang nhiên trèo qua dải phân cách, xe máy thì lạng lách, chạy ngược chiều cùng với cánh xe ôm tranh giành khách tạo nên khung cảnh bát nháo.

Những thói quen tưởng chừng rất nhỏ đã góp phần làm cho bức tranh văn hóa giao thông rối rắm. Sáng 24-10-2010, chiếc ôtô BMW láng coóng lao vun vút trên đường Nguyễn Văn Trỗi về phía trung tâm, nhiều người tin những vị ngồi trong xe cũng văn minh như chiếc xế hộp tân thời, nào ngờ đến ngã tư tài xế vô tư vượt đèn đỏ, lát sau cửa kính mở ra và một bịch rác bay vèo ra ngoài! Những hình ảnh phản cảm kiểu này không hiếm, đó là các đấng mày râu vừa điều khiển xe máy vừa khạc nhổ hay hút thuốc phì phèo khiến nước bọt, tàn thuốc bay vào mặt người đi đường. Đó là những phụ huynh đưa, đón con đi học dừng, đỗ xe, đứng ngồi tràn lan trước cổng trường. Đó là những “cục sắt gỉ” (phương tiện cũ nát, không biển số, chẳng đèn còi) chở hàng cồng kềnh phóng bạt mạng chạy ngược chiều, rẽ quẹo bất ngờ. Đáng lưu ý, cầm lái những chiếc xe cà tàng này hầu hết là người làm thuê, chẳng cần biết đến luật lệ là gì bởi đã có chủ lo “hậu sự”! Đó là những nam thanh nữ tú đi xe tay ga trông rất điệu đà nhưng sẵn sàng lấn đường, phóng vèo qua vũng nước làm bùn đất bay tung tóe sang xung quanh. Đó là những gã thanh niên bặm trợn chạy xe máy luồn lách trên vỉa hè vốn đã hạn hẹp buộc khách bộ hành phải nhường đường để tránh tai nạn...

Ngoài những nỗi khổ trên, ra đường bây giờ người ta còn bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của còi xe, tiếng nẹt pô... Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nhiều chiếc còi xe được chủ nhân của nó biến tấu thành còi hơi, âm thanh nhái tiếng động vật, nhại xe cấp cứu, tiếng hú rùng rợn để thỏa mãn thú vui quái gở của một bộ phận thanh thiếu niên. Hệ lụy của hành vi vô văn hóa này làm nhiều người loạng choạng, lạc tay lái dẫn đến TNGT, tiếng còi xe hay gầm rú của xe máy trở thành kẻ sát nhân giấu mặt. Ngày 14-6, trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) xảy ra vụ tai nạn đau lòng gây phẫn nộ dư luận: chị Lê Thị Loan chạy xe Attila chở con gái Đinh Phương Vy (2 tuổi) ngồi phía trước, bất ngờ tài xế Nguyễn Văn Tuân điều khiển xe tải BS: 57L-0967 chạy phía sau hụ còi inh ỏi để vượt. Tiếng còi xe quá lớn và đột ngột khiến cháu Vy giật mình chao đảo, chị Loan vừa phải giữ con vừa thắng gấp nên cháu Vy té văng xuống đường bị chiếc xe tải cán qua thiệt mạng.

Người đi bộ băng qua đường tùy tiện, trèo qua dải phân cách, đi nghênh ngang dưới lòng đường đang là hiện tượng phổ biến, gây trở ngại cho các phương tiện lưu thông. Nhìn du khách nước ngoài đi bộ đúng luật mà cám cảnh cho ý thức của người dân mình...

Xe máy vô tư lưu thông ở phần đường dành cho ôtô (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từ Võ Thị Sáu đến Điện Biên Phủ)

CẦN XỬ PHẠT NẶNG
Để có sự chuyển biến trong ý thức và hành động của người tham gia giao thông không chỉ trách nhiệm của lực lượng chức năng mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Chúng ta đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, nhưng ý thức của người dân còn kém. Thực tế cho thấy học sinh tiểu học đều nhận thức rõ các quy định về an toàn giao thông, biết bảo vệ môi trường, phản ứng ngay khi cha mẹ, anh chị vi phạm, nhưng từ cấp II trở nên bắt đầu “phá bĩnh”. Tại sao? Có thể nói ngay, chính người lớn đã làm hư các em, từ những hành vi xả rác bừa bãi, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, cư xử thô lỗ với đồng loại. Vậy nên người lớn phải là tấm gương, không chỉ ở nhà mà khi ra đường cần có văn hóa, để đảm bảo trật tự xã hội, nếu không hậu quả nhãn tiền con em mình sẽ lãnh đủ.

Cũng từ thực tế mỗi khi Nhà nước ban hành chủ trương tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, người đi đường có ý thức tự giác hơn. Như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy, hay Nghị định 34/CP mới đây, bức tranh về giao thông sáng sủa hẳn lên. Trật tự an toàn giao thông cũng là kỷ cương phép nước, nhất thiết phải thực thi nghiêm, những kiểu vô văn hóa khi đi đường phải được loại trừ trong xã hội văn minh. Trước thực trạng hiện nay, chỉ có phạt nặng, chế tài nghiêm mới hy vọng chấm dứt những thói quen xấu của người tham gia giao thông.

Hành vi nguy hiểm thường thấy ngoài đường

THANH HUYỀN

No comments:

Post a Comment