Thanh Trúc, phóng viên RFA2011-02-05Tình hình tài chính của Việt Nam năm 2010 có gì hơn kém so với năm 2009, hướng đi của năm 2011 này sẽ có gì thay đổi, là thắc mắc được nêu ra trong ngày đầu tiên của năm Tân Mão. 2010Những mặt tích cực Trả lời câu hỏi của Thanh Trúc, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Ngân Hàng Nhà Nước, hiện là phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, phân tích những mặt tích cực, nhấn mạnh về những điểm yếu đã khiến hệ thống tài chính 2010 gặp khá nhiều biến động: "Cái tốt thứ nhất là hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng thương mại và các tập đoàn bảo hiểm, thì khá ổn định. Lợi nhuận của khu vực tài chính là đạt cao nhất trong tất cả các khu vực kinh tế khác.
Bình quân return equity (lợi nhuận) của nó vào khoảng 15%, cao hơn so với 14% hồi năm ngoái. Điểm thứ hai, nợ xấu (bad debt) thì năm nay cũng tăng cao hơn năm ngoái. Năm ngoái, khoảng 2,3%, năm nay 2,5%. Còn thanh khoản nơi các ngân hàng thương mại thì đầu năm 2010 có một số những trục trặc. Một số ngân hàng thương mại có những khó khăn nhất định về thanh khoản, nhưng sau được khắc phục và thanh khoản, tức khả năng thanh toán, của các ngân hàng thương mại cho đến cuối năm vẫn bình thường, không có những cái sốc, thì đấy là những mặt tốt." Tỷ giá hối đoái không ổn định Về những mặt mà ông gọi là chưa tốt, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa phân tích tiếp, là những biến động của tỷ giá hối đoái. Ông nói tỷ giá hối đoái không ổn định, đồng Việt Nam mất giá so với đồng Đô La vào khoảng 7%:
"Lý do tức là sức ép của lạm phát khá là lớn so với tỷ giá hối đoái. Nhưng mà năm nay có một số những mặt tích cực khiến tỷ giá hối đoái không đến nỗi căng thẳng như năm ngoái, và đó là do thâm hụt thương mại giảm hơn." Theo ông mức thâm hụt thương mại so với năm ngoái được ghi nhận là giảm và thâm hụt cán cân thanh toán cũng giảm mạnh: "Năm ngoái thâm hụt cán cân thanh toán (balance of payment) là âm 8,8 tỷ đô thì năm nay chỉ âm 2,5 tỷ." Khoản nợ Vinashin "Vấn đề nổi cộm Vinashin, các khoản nợ của Vinashin là một vấn đề mà Standard and Poor và Moody đánh giá là xấu. Trên thực tế tập đoàn Vinashin sau khi được tái cơ cấu thì đã bắt đầu hoạt động trở lại và bước đầu đã có hiệu quả. Nhưng hiệu quả chủ yếu là do thị trường vận chuyển vận tải biển quốc tế nó phục hồi, giá cước phí vận tải biển tăng lên. Nhưng mà cũng chưa đủ thời gian để mà khắc phục những khó khăn về tài chính của Vinashin." Rủi ro lạm phát Phân tích sâu hơn và cặn kẻ hơn về rủi ro lạm phát năm 2010, phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh:
"Cần chú ý tới một điểm là năm ngoái mức lạm phát cao một phần lớn là do giá lương thực thực phẩm tăng mạnh. Mà giá lương thực thực phẩm tăng bởi hai lý do. Một là do mùa vụ, mỗi một năm thường gặp một lần vào khoảng cuối năm. Ngoài ra còn có một lý do khác nữa tức lý do gọi là chu kỳ của giá nông sản. Khoảng bốn năm một lần thì giá nông sản có những đột biến do nhiều thiên tai không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới. Hai lý do này chập vào làm một làm giá nông sản tăng đột biến, đẩy CPI tỷ số giá tiêu dùng tăng lên khá mạnh trong các tháng cuối 2010 và đầu 2011. Nếu tính lạm phát cơ bản, tức là loại trừ giá lương thực thực phẩm và giá nhiên liệu tăng lên thì lạm phát cơ bản của Việt Nam chỉ vào khoảng 7,35%, như vậy cũng không phải là quá cao. Điều đó cho thấy tính chất mùa vụ rồi tính chất chu kỳ của giá nông sản tác động khá là mạnh vào CPI, để giải thích rằng những sai sót của chính phủ chỉ gây ra vào khoảng 7,35% lạm phát thôi." 2011 Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát "Vì vậy cho nên chính phủ vẫn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời tiến hành các biện pháp để mà quản lý giá cả, đặc biệt giá lương thực thực phẩm. Về hệ thống ngân hàng thì chính phủ đặt vấn đề phải giảm mạnh lạm phát để có cơ hội giảm lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế. Năm 2011 chính phủ chủ trương áp dụng chủ yếu là các công cụ thị trường và bỏ các công cụ hành chính. Các công cụ có tính cách mệnh lệnh hành chính thì chính phủ sẽ bỏ, như vậy làm cho thị trường trở nên dễ dự đoán hơn và kỷ luật hơn." Năm 2010, theo ông, chính vì áp dụng nhiều công cụ hành chính nên các ngân hàng thương mại phía dưới chẳng những không tuân thủ mà còn lách tránh khiến tạo nên sự lệch lạc: "Người ta tìm cách lách gây cho thị trường rất nhiều distortion trong hệ thống ngân hàng, ví dụ nó làm cho cấu trúc rủi ro của lãi suất rồi cấu trúc kỳ hạn của lãi suất bị biến dạng, bị méo mó. Năm tới đây phương châm chủ yếu của chính phủ là áp dụng đầy đủ các công cụ của kinh tế thị trường, kể cả việc chính phủ sẽ điều chỉnh giá trên một số mặt hàng như điện, xăng dầu, vì lâu nay là chính phủ bù lỗ để hỗ trợ người nghèo thì năm tới đây là áp dụng theo giá thị trường thế giới." Minh bạch lành mạnh hơn Còn trách nhiệm và công việc sắp tới của Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia năm 2011 này? Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, khẳng định:
"Chúng tôi sẽ tập trung vào một số việc, tức là minh bạch hóa khu vực tài chính trên nền tảng áp dụng công cụ của thị trường, tiến hành giám sát khu vực tài chính mạnh mẽ hơn theo các qui định của Ủy Ban Basel Two của Thụy Sĩ. Đây là ủy ban của các nước OECD thành lập, còn gọi là Hội Đồng Các Ngân Hàng Trung Ương Các Nước OECD để đưa ra các chuẩn mực về giám sát." Ông dự báo thị trường tài chính năm tới của Việt Nam có nhiều sự cải thiện, mức thâm hụt trong cán cân thanh toán sẽ giảm, lạm phát những tháng sau Tết sẽ giảm, sức ép về tỷ giá hối đoái cũng như mức thâm hụt ngân sách cũng sẽ giảm đi. Vấn đề thứ hai, theo ông, cũng là một trong những thay đổi tích cực và cần thiết, là hệ thống ngân hàng được tái cấu trúc theo hướng minh bạch hơn và lành mạnh hơn. Theo dòng thời sự:
|
Sunday, February 6, 2011
Đầu năm nhìn lại tình hình tài chính năm 2010 và hướng đi cho năm 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment