Thursday, February 3, 2011

Tết nào cho cả dân tộc?


Việt Nam những ngày giáp Tết, dạo đường phố những ngày này người ta dễ dàng bắt gặp cảnh giăng đèn kết hoa, cờ đỏ lộng trời, câu khẩu hiệu "Mừng đảng – mừng xuân – mừng đất nước quang vinh, đổi mới" được treo ở hàng loạt dãy phố.

Người ta hay nói, hay hát "Xuân đã về, xuân đã về…" như một quán tính phải có ở những ngày cuối năm âm lịch, nhưng thật sự, có mấy người ở nước ta, kể cả tác giả bài này, đã biết đến một mùa xuân thực sự?

Đại lễ ngàn năm Thăng Long qua đi với con số chi phí lên đến hàng chục tỷ, các công trình táp nham để chào mừng lễ hội đã bị hư hỏng ngay khi đại lễ chưa hoàn tất; những phô trương văn hoá lai căng, đậm nét thần phục bắc triều. Tất cả để lại trong lòng người dân nhiều phiền muộn lẫn uất ức. Dân chúng cũng tự hỏi bao nhiêu phần trăm chi phí cho các công trình rình rang đó đã chạy vào túi các quan chức nhà nưóc? Thật xót xa khi đem con số khổng lồ được chi ra từ tiền thuế của người dân đó so với những gì người dân miền Trung được cứu trợ trong những ngày oằn mình trong mưa lũ vừa qua. Mùa xuân ở đâu cho những gia đình nạn nhân bão lụt miền Trung, khi người người mất nhà cửa, mất của cải, và đối diện với cái đói, cái rét lạnh cắt da thịt trong những ngày cuối năm?

Đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) những ngày này, có còn ai định nghĩa được mùa xuân, khi chứng kiến những ánh mắt trẻ thơ ngong ngóng đợi cha về; chứng kiến cảnh những người phụ nữ lầm lũi đan lưới tuy biết không còn có thể ra khơi đánh cá nữa vì "lính Trung Quốc cấm". Mùa xuân của họ ở đâu, trên đường phố, lấp loáng trong những ánh đèn màu, hay đỏ tươi nhức nhối trên từng câu khẩu hiệu?

Mùa xuân là mùa của niềm vui, mùa hân hoan đổi mới của đất trời, mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc, mùa hồi sinh. Nhưng những cảnh ấy chỉ có trong đầu trong tim của những nhà dân chủ đang đối mặt với bốn bức tường trại giam như Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Phan Thanh Hải (tức blogger anh Ba Sg), Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, v.v. Có lẽ họ cũng đang tự hỏi: thế nào là đổi mới, khi những người đặt viên đá lót đường cho sự mới mẻ và hồi sinh đó đã và đang bị cách ly với xã hội trong sự đối xử nghiệt ngã? Gia đình và người thân của những con người can đảm này, liệu đến bao giờ mới có được một cái Tết khô nước mắt vào đêm giao thừa?

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc, một năm mới tươi sáng đang đón chờ những người vừa giành được những chiếc ghế quyền lực. Và dĩ nhiên, với những người vừa "phải ra đi" khỏi các vị trí quyền lực, một năm mới nhiều hụt hẫng đang đợi chờ họ. Nhưng không chỉ có thế, còn số phận của rất nhiều con người, nhiều gia đình vô tình cũng là những con vụ từ cái vòng xoáy của đại hội đảng. Chẳng hạn như mùa xuân nào cho gia đình hai bị cáo kiêm nạn nhân Thuý – Hằng trong vụ án "Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh"? Trong khi ông Chủ tịch Nguyễn Trường Tô được xem như an toàn hạ cánh và chắc chắn sẽ ăn tết lớn vì toàn bộ quan chức tỉnh Hà Giang liên quan đến vụ việc đều tiếp tục nắm giữ chức quyền. Mùa xuân nào cho hàng chục ngàn công nhân cán bộ làm việc tại tập đoàn Vinashin trước biến cố phá sản liên quan trực tiếp đến đời sống của họ? Sự vô trách nhiệm trong cung cách quản lý, sự tham ô nhũng lạm và bao che trong guồng máy làm tiêu tan hơn 4 tỷ đô la,…coi như đi vào dĩ vãng với việc ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nắm ghế thủ tướng. Thế là xong. Còn lại chăng là những mùa xuân huy hoàng cho những quan chức đã bỏ túi được các khoản tiền chia chác khổng lồ từ những năm trước — khi Vinashin trong cơn hấp hối. Ngược lại, cái núi nợ công, tích lũy từ Vinashin và hàng trăm món nợ tương tự, kể cả dự án tàu cao tốc sắp tới, sẽ tiếp tục đổ bóng xuống phủ kín mùa xuân của nhiều thế hệ Việt Nam tương lai.

Tết nào cho toàn dân tộc, khi niềm vui mùa xuân chỉ dành cho một nhóm cá thể đang nắm quyền trong xã hội? Đại khối dân nghèo vẫn không có cơ chế hay chính sách nào đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho họ. Trong năm mới, chưa hết Tết, họ đã nơm nớp lo sợ nạn lạm phát phi mã đã phóng vó từ năm cũ và đang nhanh chóng soi mòn giá trị những đồng tiền cố định mà người dân lao động phải đổ biết bao mồ hôi nước mắt mới kiếm được?

Một mùa xuân mới, với sự thay đổi, cải cách toàn diện về mọi mặt của xã hội, và đem lại niềm hy vọng cho mọi người, mọi nhà vẫn chưa tới. Đất trời Việt vẫn đang mong chờ một mùa xuân đúng nghĩa.


No comments:

Post a Comment