Sunday, March 27, 2011

Phạm Thanh Nghiên uất ức cùng biển quê tôi


Án tù vì làm đơn xin biểu tình

Trong hương thơm hoa nhài thoảng đưa từ Bắc Phi và Trung Đông, nghe âm vang lời kêu gọi dù lẻ loi nhưng rất dũng cảm của bác sỹ Nguyễn Đan Quế, bỗng nhớ đến cô gái Hải Phòng từng gửi đơn lên nhà nước Việt Nam xin biểu tình. Và, chính cô đã từng đi từ Hải Phòng lên Hà Nội, xuống đường biểu tình.

Thầy giáo Nguyễn Thượng Long nhớ lại: " Tôi còn nhớ vào hồi 19h 42 phút ngày 07/12/2007 trong lúc tôi đang thả bộ trên đường Lê Văn Lương thì điện thoại của tôi nhận được một tin nhắn của một số máy lạ có nội dung: "Sẽ có cuộc biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc vào 9h ngày 9/12/2007".[1]

Ngày ấy, hình ảnh cô gái " mảnh mai, gầy yếu đeo cặp kính trắng rất giản dị. Tôi thấy mỗi lần cháu hô to: "Hoàng Sa – Trường Sa !", lập tức các bạn cháu đồng thanh hô đáp lại: "Việt Nam!" " đã làm ông thấy " Từ giây phút đó cảm hứng về Tổ quốc, về Đất nước, về Dân tộc…như bừng sáng, như rực cháy … " . Ngày ấy:

"Tôi nhớ tôi đã lọt thỏm vào một đám đông thanh niên, sinh viên và học sinh đang vô cùng phấn khích trước cổng đại sứ quán Trung Quốc. ….Đứng gần tôi là một cháu gái mảnh mai, gầy yếu đeo cặp kính trắng rất giản dị. Tôi thấy mỗi lần cháu hô to: "Hoàng Sa – Trường Sa !", lập tức các bạn cháu đồng thanh hô đáp lại: "Việt Nam!". Tiếng gọi tên Tổ Quốc vang lên từ những lồng ngực trẻ nhanh chóng cộng hưởng thành một trường âm thanh hào hùng lay động, lan ra xa tắp. Bất ngờ cháu gái đó nhận ra tôi, cháu hét lớn: "Các bạn ơi! đưa mic cho thầy Long đi !". Tôi bỗng quên cả tuổi tác, nhanh chóng hoá thân tuyệt đối vào sinh hoạt của các em. Từ giây phút đó cảm hứng về Tổ Quốc, về Đất Nước, về Dân Tộc… như bừng sáng, như rực cháy trong tôi nhanh chóng đưa tôi chìm sâu vào trạng thái như bị thôi miên đến nghẹt thở ".[2]

Theo Phạm Thanh Nghiên: " Sự kiện ngày 9/12/2007 biểu thị cho quyết tâm của người Việt Nam kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, hải đảo của tổ quốc chúng ta. Nó cũng gửi lời cảnh cáo đến những kẻ bạc nhược trong chính quyền, hy vọng họ có thái độ mạnh mẽ hơn nữa với chính phủ Trung Quốc, khiến họ phải dè chừng trong mục tiêu lấy quyền lợi chung của dân tộc hay quyền lợi riêng của đảng thống trị đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nó cũng cảnh báo rằng, bất chấp ngăn cấm, người dân Việt Nam đã bắt đầu có ý thức tham gia các sinh hoạt chính trị thay vì bỏ mặc, buông xuôi cho chính phủ ".[3]

Cô lên án: " Đảng cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc cấm đoán người dân tham gia vào các sinh hoạt chính trị, trong biểu tình. Chính sách này đã làm cho người dân thấp kém cả về dân trí lẫn dân khí, đẩy cộng đồng vào tâm thế ỉ lại, phó mặc ".[4]

Cô tiếp tục công khai xin biểu tình vì hiểu rằng: " Biểu tình, là hành vi hợp pháp, chính đáng của quần chúng để tỏ thái độ phản đối một chủ trương, chính sách đối nội hoặc đối ngoại của nhà cầm quyền can dự tiêu cực đến quyền lợi chung của cộng đồng. Biểu tình đã được thừa nhận trong Hiến pháp Việt Nam và trong Công Ước Quốc tế về quyền con người mà Việt nam đã tham gia ký kết. ……điều 69 trong Hiến pháp Việt Nam- 1992 ghi: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin, có quyền được hôi họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".[4]

Ngày 17 tháng 6 năm 2008, cô chính thức đệ đơn lên chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xin biểu tình. Lời lẽ trong đơn thật rành rọt:

"Chiếu theo quy định dưới luật trong Nghị định 38/CP, chúng tôi làm đơn này xin tổ chức một buổi biểu tình. Mục đích, ý nghĩa, thời gian và địa điểm như sau:

1- Mục đích, ý nghĩa: Yêu cầu Chính phủ có biện pháp kiềm chế lạm phát (Các băng rôn có những câu mang nội dung trên)
2- Thời gian: trong khoảng 13 h 30' đến 15h vào ngày 16/7 năm 2008
3- Địa điểm: Tập trung để xuất hành trước cửa Bưu điện Bờ hồ, sau đó đi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm
4- Thành phần tham gia: Tất cà người làm công ăn lương, trong đó có cán bộ công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang v.v… (và bất cứ cá nhân, tập thể nào có nhu cầu).
5- Số lượng người tham gia: Lúc cuộc biểu tình hình thành và xuất phát sẽ có khoảng 200 người. Sau này số người tham gia không tính được trước; vì lạm phát ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân.
6- Cuộc biểu tình này diễn ra trên tinh thần ôn hoà, chúng tôi không cho phép người tham gia biểu tình do chúng tôi tổ chức đập phá các cửa hàng, nhà băng… như tại các nước Âu, Phi, Mỹ Latinh, hoặc Thái Lan khi Chính phủ quốc gia họ bất lực trong việc kiềm chế lạm phát và khủng hoảng kinh tế, cũng không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội và giao thông công cộng.
7- Chúng tôi đề nghị cơ quan công quyền cắt cử lực lượng cảnh sát giám sát và bảo vệ cuộc biểu tình khi đó " theo đúng quy định của pháp luật ". Cương quyết trừng phạt những cá nhân có hành vi ngăn cản hoặc phá hoại cuộc biểu tình [5].

Cô tố cáo sự tráo trở: "Đảng cộng sản Việt Nam khi chưa cầm quyền đã cổ vũ cho quyền biểu tình của quần chúng nhân dân. Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam đều ghi lại những cuộc biểu tình do người cộng sản xúi giục đòi "dân cày có ruộng", đòi "dân sinh dân chủ", đòi "tăng lương, giảm giờ làm"…

Nhưng khi đảng cộng sản nắm được quyền hành trong tay, dù khi thảo Hiến pháp họ công nhận người dân có quyền "đòi" nhưng thực tiễn thì họ cấm người dân đòi bất cứ điều gì. Ngay cả đòi Trung Quốc ngừng thôn tính lãnh thổ, hải đảo của tổ tiên để lại cho dân tộc ta, trong đó có cả họ nữa" [4].

Thái độ đàng hoàng như vậy, lý lẽ đanh thép như vậy lẽ ra phải được nghiêm túc tiếp thu hoặc tỏ thái độ trân trọng, nhưng không, người ta đã sai công an sách nhiễu, trấn áp, đe dọa rất nhẫn tâm: " …Ngoài hai lần tôi được mời lên cơ quan công an thì thỉnh thoảng người của phòng PA38 lại đến nhà. Họ gặp riêng anh trai của tôi, gần như chỉ thị anh trai tôi phải giám sát tôi. Theo như họ nói thì họ phát hiện được âm mưu các ông Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận, Nguyễn Xuân Nghĩa cử tôi đưa tài liệu "phản động" vào miền Nam cho ai đó…. Họ cảnh báo chung cho cả gia đình tôi biết rằng những đối tượng "phản động" kia nếu bị bắt thì dù chỉ có mối quan hệ dân sự, tôi cũng bị liên đới. Anh trai tôi cũng sợ, mẹ tôi lại càng sợ hơn. Từ đó tôi như bị cầm tù tại nhà" [3].

Không được biểu tình tuần hành, cô biểu tình ngồi. Cô tuyên bố: "Trong sự ý thức về trách nhiệm của một công dân Việt Nam, trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, tôi quyết định sẽ toạ kháng ngay trước nhà của tôi khởi từ ngày 14 tháng 9 năm 2008 trở đi để phản đối hành động bán nước, dâng hiến Hoàng Sa và Trường Sa" [6]

Cô tự ý thức: "Giải giang sơn gấm vóc mà chúng ta có được ngày hôm nay đã nhuộm thắm mồ hôi, xương máu của biết bao công dân Việt Nam đầy lòng ái quốc. Trong trách nhiệm của một con dân Việt Nam, trong sự biết ơn và trân quý những hy sinh xương máu của tổ tiên, tôi tự cho mình có bổn phận phải tiếp nối truyền thống bảo vệ và gìn giữ đất nước. Sự gìn giữ và bảo vệ không chỉ đơn thuần ở từng mét vuông lãnh thổ mà còn là danh dự và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự gìn giữ và bảo vệ này nằm trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, đứng trên mọi bất đồng về ý thức hệ, chính kiến, tổ chức và đảng phái ". [6]

Cô ký thác sứ mệnh thiêng liêng ấy vào tất cả chúng ta và tin tưởng: " Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai. Chúng ta, không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất, mà còn phải ngăn chận những gì sẽ mất trong tương lai. Một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm … Một ngày, một tháng, một năm là quá ngắn để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam, bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu nước và giữ nước của tiền nhân" [6].

Cô chỉ ngồi tọa kháng trong nhà cô, thế mà người ta đã huy động một lực lương công an hùng hậu đông tới trên dưới 20 người vây bắt cô. Tại phiên tòa, luật sư Trần Vũ Hải đã trình bày lý lẽ rất thuyết phục: " …. chị Nghiên có trữ một số tài liệu của một số nhà hoạt động nổi tiếng như ông Nguyễn Thanh Giang, ông cựu chiến binh Vũ Cao Quận, cố trung tướng Trần Độ – bài 'Rồng Rắn'. Họ cho rằng đó là những tài liệu chống nhà nước. Phía Viện Kiểm sát cho rằng những tài liệu đó Bộ Văn Hóa- Thông tin cấm. Chúng tôi đã kiểm tra lại và thấy chỉ cấm lưu hành mà thôi, không thấy nói gì về vấn đề nội dung; không kết luận là những bài viết đó có nội dung chống nhà nước hay không. Có thể có phê phán; nếu những bài viết đó có nội dung chống nhà nước thì phải chăng các tác giả cũng phải chịu trách nhiệm; nhưng ở đây có ai yêu cầu chịu trách nhiệm về các tác phẩm ấy đâu!

Viện Kiểm sát trong cáo trạng cũng chưa nêu rõ các tác phẩm ấy chống nhà nước ở điểm gì? Tôi lập luận là có những tác phẩm của những nhà hoạt động nổi tiếng cũng không được lưu hành như hồi ký của ông Đoàn Duy Thành nhưng không ai có thể nói chống nhà nước XHCN được, có thể có phê phán nhưng không phải chống" [7].

Về phần Phạm Thanh Nghiên, cô đã từng bộc bạch tâm can: " Tôi mong các anh hiểu rằng chúng tôi đấu tranh để có nền Dân chủ thật sự, để có một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng thay thế thể chế chính trị độc đảng chứ không phải để lật đổ đảng cộng sản. Và khi có sự cạnh tranh lành mạnh trên chính trường thì đảng cộng sản Việt Nam vẫn có thể lãnh đạo đất nước nếu thật sự xứng đáng và được nhân dân tin tưởng. Cá nhân tôi biết rằng trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam có nhiều những người tài giỏi và đức độ. Và ngay cả những người công an các anh cũng có những người rất nhân hậu. Tôi không đồng tình với ai đó cho rằng tất cả những đảng viên đảng cộng sản đều xấu. Hay phải xoá bỏ đảng cộng sản, tôi không đồng tình như vậy. Các anh có biết khi tôi gặp gỡ các nhà Dân chủ, họ nói với tôi những gì không? Họ luôn muốn tôi ghi nhớ rằng, khi làm việc với công an phải tỏ ra khiêm tốn, lễ phép. Và nhất là phải ghi nhớ công an cũng là đồng bào ruột thịt của mình, phải thương yêu họ. Họ đã dặn tôi phải như thế đấy, trong khi chính những con người này đã bị chính công an đàn áp chỉ vì họ dám lên tiếng đấu tranh, nhiều ngườì trong số đó đã bị tù đày, vậy mà họ vẫn nhắc nhở nhau điều đó. Khi tôi tiếp xúc với những người đấu tranh Dân chủ, tôi cảm nhận được đó là những con người rất nhân hậu, dũng cảm và có nhân cách cao thượng. Chúng tôi gặp nhau để cùng thăm hỏi, động viên nhau, để nhắc nhau những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống chứ không phải để bàn chuyện lật đổ đảng cộng sản như các anh vẫn gán ghép. Tôi mong các anh hiểu được điều này.Và đó cũng là cách hành xử rất khác nhau giữa những người đấu tranh Dân chủ và những người công an các anh.Tôi ước mong một ngày các anh hiểu ra điều ấy và đối xử với chúng tôi như chúng tôi đã đối xử với các anh" [8]

Thế mà họ vẫn đang tâm kết án cô 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, để rồi cho đến hôm nay, giữa những ngày lạnh giá này cô vẫn co ro trên sàn lạnh trại giam Ba Sao ở Thanh Hóa mà hậu quả của nó không chỉ hủy hoại sức khỏe của cô, khống chế nghiệt ngã đời sống vật chất của cô mà có thể sẽ kéo dài đến vô tận số phận đơn lẻ của một người phụ nữ nay đã ba mươi tư tuổi!

Không biết cái ông Nông Đức Mạnh, bây giờ nghỉ việc, nhàn rỗi hơn, có lúc nào lương tâm chợt tỉnh thức để nghĩ đến một nạn nhân vô cùng oan khuất dưới triều đại ông không? Không biết ông có rùng mình rợn người trước khoảng thẳm sâu hun hút giữa cái " thiên đường gian dối " mà con trai ông đang chễm chệ và cái " địa ngục oan khiên " mà Pham Thanh Nghiên đang lê lết không?

Nước mắt tôi giàn giụa. Phạm Thanh Nghiên bé nhỏ, gầy yếu quá !

Cách đây hơn 3 năm, trong nhập nhoạng tối, Nghiên bước vào nhà tôi run lập cập. Cháu nội của tôi vội đưa quần áo của mình, dẫn cô vào phòng tắm. Mặc dù Nga My mới có 11 tuổi nhưng Nghiên mặc quần áo của cháu không chỉ vừa mà còn đẹp nữa.

Hôm ấy, Nghiên kể cho chúng tôi nghe một chuyến vi hành gian nan, quả cảm như một trích đoạn Đường Tăng thỉnh Kinh trong Tây Du ký. Chuyện của Nghiên hấp dẫn đến nỗi tâm tư tôi như dập dềnh trở lại vùng biển Lạch Trường nghèo khổ ngày nào cùng những ngư dân từng phải muối mặt khổ tâm nhận ruột tượng gạo của tôi để nấu ăn cho tôi, một cán bộ Đoàn được điều động về địa phương mình làm "Phát động giảm tô", trước cải cách ruộng đất. Thuở ấy nghèo khổ đến mức khi tôi hỏi một em nhỏ: " Cháu ăn cơm chưa? " thì cháu trả lời: "Sao thầy hỏi dại thế!". Tìm hiểu mãi tôi mới biết hàng ngày dân ở đây chỉ ăn khoai trừ bữa. Ăn cơm tức là nhà có đám ma, đám giỗ.

Mấy hôm sau, tôi được đọc trên mạng bài viết của Nghiên, kể lại:

"Khởi hành lúc 8 giờ từ Hà Nội, đúng 12 giờ trưa, hai chúng tôi mới đến được Thanh Hoá. Cho đến hôm nay, tôi cũng khó lý giải tại sao một người vốn mắc bệnh "say xe" như tôi lại có thể ngồi lì trên ô-tô hơn 4 giờ đồng hồ như vậy

…… Việc tìm kiếm không mấy dễ dàng. Chúng tôi chỉ được biết họ thuộc hai xã Hoằng Trường và Hoà Lộc. Sau khi ăn trưa tại một quán ven đường, con trai người chủ quán chở chúng tôi bằng xe tắc-xi đến xã Hoằng Trường với chặng đường ngót ba mươi cây số. Số tiền phải trả cho chuyến tắc-xi gấp gần ba lần số tiền đi từ Hà Nội về Thanh Hoá. Đến Hoằng Trường, hai người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng đôi chân trên con đường đất ghồ ghề gần 10km, tìm tới nhà của các ngư phủ bị nạn.

Càng đi sâu vào làng, cái nghèo của làng chài càng hiện rõ. Khác hẳn những hình dung trước kia của tôi về một phiên chợ tấp nập của miền quê biển. Ở đây, chợ chiều vắng ngắt, vài quán lá lụp xụp, hàng hoá nghèo nàn…" [9].

Ký ức xưa mang mang buồn trong tôi bỗng trào sôi căm uất với những đoạn kể tội ác của bọn giặc Trung Quốc:

"Thuyền ra biển được hai ngày thì gặp tầu chiến Trung Quốc. Họ rượt đuổi chúng tôi. Chúng tôi không hiểu tại sao họ rượt đuổi. Đây là ngư trường chúng tôi vẫn hành nghề từ bao năm nay. Trước đó, họ không bắn pháo hiệu hay có bất cứ tín hiệu gì cảnh cáo trước, càng không có bất cứ biểu hiện gì để chúng tôi tin là họ sẽ tấn công chúng tôi cả.". Anh Nguyễn Văn Dũng, một trong tám người sống sót kể lại.

…… "Hôm đó là sáng ngày 8 tháng 1 năm 2005…". Trương Đình Thái, kể với một tâm trạng vẫn còn kinh hãi: " Chúng bắn vào các đồng nghiệp của em, sau đó xả hơi cay vào các nạn nhân. Tám người chết, còn em và chủ tầu bị thương ". Khi tôi gặng hỏi để biết chi tiết hơn, Tháí không thể nói gì thêm: " Hồi em được chúng thả về, thi thoảng em la hét, ai hỏi em cũng nói không biết gì. Những tràng súng bắn quá gần và xác đồng nghiệp đổ vật xuống boong thuyền khiến em bị chết lâm sàng. Vết thương của em nặng, gia đình phải vay mượn tiền để mang em ra Hà Nội mổ lại. Bây giờ vẫn đau ". Thật không dễ quên đi quá khứ kinh hoàng, không phải ai cũng đủ can đảm để kể lại. Còn đang bối rối thì đột nhiên Thái bất ngờ nói với tôi: " Chị ơi, họ làm sống em chị ạ". Phút chốc tôi rùng mình. Nhìn gương mặt của Thái, tôi linh cảm cụm từ "làm sống" là thế nào.

"Sau khi thực hiện tội ác, chúng trói những người còn sống lại và cho tám xác chết vào tám túi ni-lông ". Anh Dũng kể thay cho Thái: " Lúc tàu Trung Quốc đuổi thì tôi cũng biết, nhưng đang ở dưới khoang thuyền. Khi tôi lên, cảnh tượng thật hãi hùng, người chết, người bị thương, người bị còng tay. Tôi là người cuối cùng bị còng ". Anh Dũng còn cho biết thêm: Lên thuyền của các anh có bảy tên lính hải quân Trung Quốc cao lớn, tên nào tay cũng lăm lăm một khẩu súng. Buổi chiều, chúng đưa các anh về đảo Hải Nam, cho mỗi người một tô mì, sau đó nhốt mỗi người vào một buồng riêng biệt. Hai ngừơi bị thương thì chúng "làm sống", tức là xử lý vết thương không dùng thuốc gây tê. Sau một vài phút để trấn tĩnh trở lại, Thái nói: "Chúng dùng dao khoét vào đùi em, lấy viên đạn ra; em bị bắn 2 phát, một phát vào đùi phải đau đớn vô cùng. Khi chúng khoét xong, cho em tô mì. Sáng hôm sau chúng lôi em đi lấy cung".

….. "Tháng 1 năm 2005, mười sáu con người cùng đi đánh cá trên một chiếc thuyền, tám người vĩnh viễn ra đi, tám người còn lại trở về với nỗi kinh hoàng tột độ" [9].

Đọc bài viết, tôi bàng hoàng. Hờn căm sôi sục và xúc động lặng người. Trong những cô hồn tha phưong kia, trong những người bị "làm sống" kia có ai đã từng đổi khoai lấy cơm của tôi rồi giúp tôi dán khẩu hiệu trong đợt công tác "Phát động giảm tô" ngày ấy?

Bài viết thật xuất sắc. "Uất ức- biển ta ơi" của Phạm Thanh Nghiên là một phóng sự điều tra xứng đáng xếp vào tuyển tập thể loại này của Việt Nam. Nhưng, oái oăm thay, chính vì vậy mà người ta quá sợ hãi và đã quyết định phải tống con người tài năng này vào tù!

Với tinh thần khoa học nghiêm túc, tôi chân thành đề nghị mọi người hãy tìm đọc lại và lưu giữ để khi có điều kiện thì kiến nghị Nhà nước trao tặng giải thưởng lớn cho bài viết và suy tôn tác giả.

Một trí thức yêu nước nổi tiếng đã viết: "Tôi không biết chị Nghiên và cũng chưa một lần đối diện hay đìện đàm cùng chị Nghiên, nhưng tôi theo dõi rất kỹ những việc chị Nghiên làm cho người Việt Nam trong nước, đặc biệt là ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở biển Đông. Năm 2005 lũ giặc cướp biển Đông tự do bắn giết ngư dân VN ta trong phần lãnh hải thuộc về chủ quyền VN nhưng nhà nước … không dám mỡ miệng lên tiếng phản đối lũ giặc cướp man rợ phương Bắc. Chị Nghiên lặn lội đường xa đi từ Hải Phòng về Thanh Hoá thăm hỏi, an ủi những gia đình ngư dân VN bị bọn hải tặc biển Đông giết hại, chị Nghiên chụp hình, viết phóng sự "nóng hổi" phổ biến trên Internet toàn cầu tố cáo bộ mặt dã man của bọn bành trướng Bắc Kinh và đòi công lý, lẽ phải cho những ngư dân VN thấp cổ bé mồm. Nhẽ ra nhà nước CHXHCN VN phải trao tặng chị Nghiên huy chương vàng về tinh thần yêu nước, yêu nhân dân mới đúng lẽ nhưng lại ngược đãi trù dập chị Nghiên … Chị Nghiên đúng là một nữ anh thư thế kỷ XXI xứng đáng con cháu Bà Trưng – Bà Triệu.Và tinh thần yêu nước của nữ anh thư Phạm Thanh Nghiên bất diệt !!!" [10]

Hà Nội 15 tháng 3 năm 2011
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6- Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn-Từ Liêm- Hà Nội
Điện thoại: ( 04 ) 35 534 370

[1] Nguyễn Thượng Long – "Phạm Thanh Nghiên và những kỉ niệm…"
[2] Nguyễn Thượng Long, "Tôi đã khóc giữa trời thu Hà Nội"
[3] Phạm Thanh Nghiên – "Thư ngỏ gửi công an phòng PA38 Hải Phòng, bạn hữu và quý vị độc giả"
[4] Phạm Thanh Nghiên – "Một cuộc thẩm vấn"
[5] Phạm Thanh Nghiên, Vũ Cao Quận, Nguyễn Xuân Nghĩa – "Đơn xin phép biểu tình"
[6] Phạm Thanh Nghiên – "Tâm thư: Toạ kháng".
[7] Trần Vũ Hải – "Phạm Thanh Nghiên không phạm tội chống nhà nước"
[8] Phạm Thanh Nghiên – "Cho tôi gửi một lời khuyên"
[9] Phạm Thanh Nghiên – "Uất ức – biển ta ơi!"
[10] Văn Nguyễn – "Nữ anh thư Phạm Thanh Nghiên là ai???"

Chúng ta là Cù Huy Hà Vũ!

Chúng ta là Cù Huy Hà Vũ,
Vì công bằng, dân chủ dấn thân;
Đảng là đầy tớ nhân dân,
Thượng tôn pháp luật, nhân văn, nhân quyền.
Lột mặt nạ những tên cơ hội,
Chuyên dối lừa, đổ lỗi, tranh công.
Cù Huy Hà Vũ anh hùng,
Trái tim rực cháy lửa hồng Đan – cô.
Ai sẽ thắng? – Côn đồ đảng trị,
Hay cán cân công lý nhân quyền?
Cả nhân loại đang vùng lên
Chôn vùi di sản Lê – nin lỗi thời!
Ai sẽ thắng? – Loài người tiến bộ,
Hay tập đoàn cơ hội mạo danh
Bịt miệng trí thức, công thần,
Say quyền, yêu ghế nồng nàn thiết tha?
Ai sẽ thắng? – Độc tài, dân chủ?
Hà Vũ là phép thử hôm nay!
Trát lịch sử đã trao tay,
Thảm kịch toàn trị đến ngày cáo chung!

20/3/2011
TS Trần Nhơn


No comments:

Post a Comment