Monday, March 14, 2011

Vợ GS Phạm Minh Hoàng nói về đề cử giải thưởng “cư dân mạng”


2011-03-14

Nhân ngày Thế giới Chống Kiểm Duyệt Internet - 12 tháng 3 vừa qua, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã tổ chức buổi lễ trao giải thưởng "Cư dân mạng" tại thủ đô Paris.

Photo courtesy of RSF

Biểu tượng giải thưởng "Cư dân mạng" 2011.

Trong số 6 người được đề cử cho giải này có Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một blogger ở Việt Nam có nhiều bài viết phổ biến trên mạng dưới tên Phan Kiến Quốc. Ông Hoàng hiện đang bị giam giữ vì bị chính quyền khép vào tội "tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". 

Quỳnh Như trình bày thông tin liên quan qua cuộc nói chuyện với bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ Giáo sư Phạm Minh Hoàng về tin ông được đề cử cho giải thưởng này và tường trình. 

Khuyến khích "cư dân mạng"

Những việc của chồng tôi làm, tuy đối với tôi là rất có giá trị, nhưng tôi nghĩ cũng không thấm vào đâu so với những việc làm của những người khác.

Bà Lê Thị Kiều Oanh

Giải thưởng "Cư dân mạng" do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới sáng lập từ 2003 với mục đích yểm trợ, khuyến khích, và bảo vệ những blogger hay còn được gọi chung là "cư dân mạng". Những người sáng lập ra tổ chức này tuyên bố bảo vệ các giá trị căn bản về tự do thông tin, tự do Internet để mọi người trên thế giới được truy cập những thông tin hữu ích. Trong số những người được đề cử trao giải "Cư dân mạng" năm nay có nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hoàng.

Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ Giáo sư Hoàng cho biết cảm tưởng khi biết tin chồng bà được đề cử cho một giải thưởng về "Chống Kiểm duyệt Internet". Bà Kiều Oanh nói:         

"Trước hết, đương nhiên tôi rất hãnh diện và vinh dự khi chồng tôi được đề cử trong giải đó. Và tôi nghĩ rằng qua việc này thì mọi người sẽ nhận ra được một điều là, mình hãy mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, quan điểm của mình về bất cứ mọi vấn đề ở trong nước hay ngoài nước. Sự quan tâm của mình sẽ có lúc được đền đáp."      

Trong danh sách 6 cá nhân, tập thể được đề cử, giải "Cư dân mạng" của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới năm nay được Ban Giám khảo độc lập quyết định trao cho Nhóm blogger ở Tunisia. Nhóm này đã thực hiện trang Web Nawaat, phổ biến những thông tin kêu gọi người dân Tunisia đoàn kết đấu tranh chống lại chế độ độc tài của cựu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali. 

Tuy biết rằng lần này ông Phạm Minh Hoàng không đoạt giải "Cư dân mạng", bà Kiều Oanh cũng có cảm nghĩ:

4956695338_2ec0bf9d250.jpg
Giáo sư Phạm Minh Hoàng (ngồi) trong lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp của sinh viên ngày 28/01/2010. Photo courtesy of TudoPhamMinhHoang Blog.
"Tôi nghĩ rằng một tổ chức này chọn ra những người tiêu biểu như vậy, và khi chọn được một người đoạt giải, thì người này phải là xứng đáng. Những việc của chồng tôi làm, tuy đối với tôi là rất có giá trị, nhưng tôi nghĩ cũng không thấm vào đâu so với những việc làm của những người khác. Cho nên việc người khác được giải thì tôi lấy làm mừng vì tôi biết chắc chắn rằng khi họ đoạt được giải như vậy thì họ đã làm được rất nhiều điều xứng đáng."         

Mặc dù Giáo sư Phạm Minh Hoàng hiện còn đang bị giam giữ và chưa biết chính quyền sẽ áp dụng biện pháp nào đối với ông, vợ ông vẫn tôn trọng mục đích và lý tưởng mà ông theo đuổi và tiếp tục động viên chồng. Bà Kiều Oanh giải thích:

"Tôi là người hiểu chồng tôi hơn ai hết, cho nên tôi không bao giờ hối tiếc về những việc mà chồng tôi đã làm. Việc tôi buồn nhất là cái việc làm của anh ấy đã đưa anh ấy vào vòng lao lý, thì đó là một chuyện đáng tiếc, và tôi rất buồn. Nhưng để tiếng nói của anh được nhiều người biết đến như ngày hôm nay thì tôi nghĩ là không có gì phải hối tiếc." 

Tình hình sức khỏe GS Phạm Minh Hoàng

Nhân dịp nói chuyện với bà Lê Thị Kiều Oanh, chúng tôi cũng được bà cho biết tình hình sức khoẻ hiện nay của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, đang ở trong trại giam:

Nhưng để tiếng nói của anh được nhiều người biết đến như ngày hôm nay thì tôi nghĩ là không có gì phải hối tiếc.

Bà Lê Thị Kiều Oanh

"Từ sau 4 tháng bị tạm giam thì tôi được vào thăm mỗi tháng một lần, hàng tháng vào ngày 10. Tôi thấy sức khoẻ và tinh thần của chồng tôi hiện nay rất ổn định. Đó là một việc đáng mừng. Còn ngoài ra thì tôi không nhận được một phản hồi nào từ phía nhà nước. Tôi rất mong việc của chồng tôi sớm được giải quyết để tôi còn yên tâm làm những việc khác."   

Tuy được vào thăm chồng hàng tháng, nhưng mỗi lần như vậy hai vợ chồng chỉ được gặp mặt, nói chuyện với nhau trong nửa giờ, dưới sự kiểm soát của công an trại giam. Bà Kiều Oanh nói:

"Chồng tôi quan tâm đến cuộc sống của những người thân, rất lo lắng; không biết việc của mình có ảnh hưởng gì đến những người thân hay không. Thật sự thì chúng tôi nói chuyện cũng không được tự do, nên không nói chuyện được nhiều ngoài việc thăm hỏi sức khoẻ lẫn nhau."  

Tổng cộng cho đến nay Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã bị giam giữ trong 7 tháng, kể từ ngày 13/08/2010 với cáo buộc "tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" thông qua các bài viết phổ biến trên mạng của ông.  Sau khi hết đợt tạm giam thứ nhất trong 4 tháng, chính quyền Việt Nam lại tiếp tục gia hạn thêm một đợt tạm giam giữ nữa, và hiện nay đợt tạm giam thứ hai cũng chỉ còn một tháng nữa là hết hạn. Nhưng cho đến hôm nay gia đình cũng không nhận được thông báo gì từ phía các cơ quan chức năng về trường hợp bị tạm giam của ông Hoàng. 

Về vấn đề tự do Internet, trên toàn cầu hiện nay có khoảng 10 nước thực hiện các biện pháp gắt gao nhằm kiểm duyệt, và hạn chế việc truy cập Internet đối với công dân nước họ. Theo thống kê của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hiện có chừng 120 blogger ở các nước đang bị giam giữ chỉ vì họ bày tỏ những tư tưởng, quan điểm phản đối một cách ôn hòa trên Internet. Trong số này, chỉ tính riêng ở Trung Quốc và Việt Nam đã chiếm hơn phân nửa tổng số.    

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment