Tuesday, April 5, 2011

Những biện pháp kiềm chế lạm phát tại VN


2011-04-05

Trước tình hình lạm phát ngày một nặng nề hơn, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kềm chế trong đó có việc tăng thu ngân sách và giảm bội chi của chính phủ. Liệu những biện pháp này có khả thi hay không?

Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên tư vấn cho Bộ kế họach và Đầu tư, và là thành viên của viện IDS để biết thêm ý kiến của một chuyên gia kinh tế trứơc câu hỏi này.

Chống lạm phát

000_Hkg4414023-200.jpg
Người lao động nghèo ngang một cửa hàng trưng bày xe hơi ở Hà Nội tháng 2/2009. AFP photo
Mặc Lâm :
 Thưa Tiến Sĩ, Theo ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thì chỉ số CPI giá tiêu dùng của tháng 1 là 1,74% nhưng ông này cũng nói là tháng hai sẽ cao hơn nữa, đây có phải là điều đáng lo ngại cho nền kinh tế hay không?

TS Lê Đăng Doanh : Vâng. Tháng 2 thường là tháng tết thì thường có lúc chỉ số gia tiêu dùng tăng cao hơn, nhưng nhìn chung thì sau khi mà nhà nước đã có điều chỉnh tỷ giá lên cái mức cao 9,3% thì tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đó trên giá cả các sản phẩm bán trên thị trường là thấy rõ rệt. 

Bây giờ dự kiến là đến mùng 1 tháng 3 sẽ tăng giá điện 15,28% và giá xăng thì dự kiến là cũng sẽ phải tăng bởi vì giá xăng dầu trên thế giới cũng tăng cao rồi, vả lại trợ cấp vào giá xăng tức là trợ cấp cả dầu ô-tô và giá xăng thì hạ thấp so với giá thực trên thị trường thế giới thì khó mà ngăn chận buôn lậu sang các nước láng giềng vì điều kiện biên giới của chúng ta là biên giới tự nhiên cho nên việc người ta đi qua lại rất là thường xuyên.

Ưu tiên số 1 hiện nay là phải chống lạm phát, vì có giảm lạm phát mới hạ được lãi suất tiền tiết kiệm, giữ được tiền tiết kiệm của dân. 

TS Lê Đăng Doanh

Do đó có thể thấy là ưu tiên số 1 hiện nay là phải chống lạm phát, vì có giảm lạm phát mới hạ được lãi suất tiền tiết kiệm, giữ được tiền tiết kiệm của dân, chứ không thể nào huy động tiền tiết kiệm với một lãi suất lại thấp hơn chỉ số lạm phát vì như vậy tức là lãi suất sẽ ở mức âm thì người ta sẽ không gửi tiền tiết kiệm. Trên cơ sở giảm lãi suất huy động tiền tiết kiệm thì cũng sẽ giảm được lãi suất cho vay của ngân hàng, và trên cơ sở đó thì sẽ dần dần tiến tới bình ổn nền kinh tế.

Mặc Lâm : Riêng vấn đề đồng đô la đang tăng lên hàng ngày, theo ông thì kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng gì rõ ràng nhất trước hiện tượng này ạ?

TS Lê Đăng Doanh : Việc mà tỷ giá đồng đô la trên thị trường tự do tăng lên hàng ngày nhưng mà đến sáng nay có dấu hiệu đã có giảm, tức là hôm chủ nhật thì đã có tăng lên 22.250 đồng/1 đô la nhưng đến sáng nay thì tôi được biết là đã giảm xuống 22.020 đồng nhờ có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng cái việc giá đô la trên thị trường tự do tăng lên như vậy chứng tỏ là cái mục tiêu của việc điều chỉnh tỷ giá là muốn xóa cái sự hình thành 2 tỷ giá thì chưa đạt được, và điều này nó phản ánh một yếu tố tâm lý là người dân Việt Nam chưa tin tưởng vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam, cho nên có xu hướng là chuyển sang đồng đô la để giữ tài sản của mình để tránh mất mát do lạm phát.

Mặc Lâm : Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép kiểm soát tín dụng trong năm 2011 tăng dưới 20%, thậm chí ở mức 18% - 19% để tác động giảm tổng cầu, theo Tiến Sĩ thì liệu biện pháp này có làm giảm bớt sức nóng của lạm phát hay không? 

000_Hkg4748169-250.jpg
Một cây xăng ở Hà Nội hôm 30/3/2011. AFP photo
TS Lê Đăng Doanh :
 Đương nhiên lạm phát trước hết là sản phẩm của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, bởi vì so với các nước trong khu vực thì lạm phát của Việt Nam cao nhất và cái cung tín dụng, cung tiền của Việt Nam cũng là cao nhất, và bội chi ngân sách của Việt Nam cũng là cao nhất, vì vậy cho nên muốn giảm lạm phát thì trước hết phải giảm cung tiền và cung tín dụng. 

Tôi hy vọng là kỳ này Ngân Hàng Nhà nước sẽ thực hiện được cam kết của mình vì 2010 thì chỉ tiêu để cung tín dụng là 25% nhưng trong thực tế khi báo cáo trước Quốc Hội tuần trước thì đã xác nhận là đã có tăng lên trên 30% và cung tiền cũng tăng khoảng 30%, như vậy là mức cung phương tiện thanh toán còn rất là lớn, và để giải quyết vấn đề này thì tôi nghĩ rằng chính phủ phải đi đầu bằng cách cam kết cắt giảm bội chi ngân sách, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả và nêu gương trong vấn đề tiết kiệm, và sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn vốn và nguồn lực của nhà nước, và đấy chính là sự đóng góp của nhân dân.

Tăng thu ngân sách, giảm bội chi

Mặc Lâm : Đối với những suy nghĩ của Tiến Sĩ vừa rồi thì đối với chính sách tài khóa năm 2011 Thủ tướng đưa ra 4 giải pháp, mà giải pháp thứ nhất là tăng thu ngân sách, theo Tiến Sĩ thì vấn đề tăng thu ngân sách một mặt có mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực cũng không phải là nhỏ thì Tiến Sĩ thấy mặt tiêu cực có thể ảnh hưởng trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng trực tiếp đối với vấn đề lạm phát hay không?

000_Hkg4619858-250.jpg
Vàng miếng SJC. AFP photo
TS Lê Đăng Doanh : 
Theo tôi thì hiện nay tăng thu ngân sách của Việt Nam thì còn có không ít những khoản chưa thu đầy đủ và chưa thu một cách chính xác, nhưng tôi xin lưu ý rằng là cái tỷ lệ huy động vào ngân sách, tức thu vào ngân sách của Việt Nam là cao nhất trong khu vực: 27-28% so với Trung Quốc chỉ 18% GDP thôi. So với nhiều nước khác thì quanh khu vực đây họ cũng chỉ khoảng 17 đến 19%, nhưng của ta thì đến 27-28% GDP vào thu ngân sách, và ta lại còn bội chi ngân sách khoảng 5-6%, thì ta thấy là cái chi tiêu của chính phủ Việt Nam chiếm một tỷ lệ tương đối cao so với GDP, so với khu vực. Và nếu xem xét đến cái mặt bằng thu nhập bình quân đầu người thì cái tỷ lệ đó cũng là cao. Vì vậy cho nên tôi nghĩ rằng chính phủ nên tăng thu các nguồn hiện nay thất thu, còn nên có chính sách khoan sức dân và hỗ trợ cho những người nghèo. Đấy là những biện pháp rất cần cho sự ổn định kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian tới đây.

Mặc Lâm : Riêng về giải pháp thứ hai trong 4 giải pháp mà chính phủ đưa ra là đạt mục tiêu bội chi ngân sách không quá 5%, Tiến Sĩ nghĩ có thể thực hiện được hay không, vì theo kinh nghiệm thực tế thì Việt Nam chưa bao giờ đạt được con số này, thưa Tiến Sĩ? Như vậy làm sao để đạt được con số 5% này?

TS Lê Đăng Doanh : Tôi nghĩ là nếu Thủ tướng có một quyết tâm chính trị lớn và có những biện pháp cắt giảm những công trình đầu tư không có hiệu quả hay là kém hiệu quả, rồi thì giảm huy động vốn bằng các trái phiếu chính phủ, nghiêm chỉnh trong việc chống lãng phí, thì tôi nghĩ rằng cái khả năng giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% là hoàn toàn có thể. Hiện nay tình trạng chi tiêu kém hiệu quả và đầu tư kém hiệu quả ở Việt Nam là tương đối nghiêm trọng và công luận cũng đã chỉ ra rất là nhiều công trình sau khi vừa mới cắt băng khánh thành xong thì đã hư hỏng và không bảo đảm các tiêu chuẩn như là đã có cam kết

Nếu Thủ tướng có một quyết tâm chính trị lớn và có những biện pháp cắt giảm những công trình đầu tư không có hiệu quả thì khả năng giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% là hoàn toàn có thể.

TS Lê Đăng Doanh 

Mặc Lâm : Một câu hỏi cuối cùng là theo Tiến Sĩ thì mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam có vấn đề gì hay không khi mà lạm phát tăng gấp đôi tăng trưởng?

TS Lê Đăng Doanh : Vấn đề tăng trưởng của Việt Nam thì tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 6-7% nếu như mà chính phủ có các điều chỉnh chính sách và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đẩy mạnh việc khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân thì tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể đạt được.

Mặc Lâm : Cảm ơn Tiến Sĩ rất là nhiều.

Theo dòng thời sự:


No comments:

Post a Comment