Vũ Hoàng, phóng viên RFA2011-04-16Với những quy định gần đây về thắt chặt hoạt động trao đổi mua bán ngoại tệ ngoài thị trường tự do, người dân có nhu cầu ngoại tệ mà không được đáp ứng, đang có xu hướng quay sang sử dụng thẻ thanh toán quốc tế để giản tiện hóa việc mua bán của mình khi đi nước ngoài. Tuy nhiên, giải pháp này có thực sự hiệu quả hay không? Sau khi Nghị định 11 của Chính phủ về kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại hối, bắt giữ các hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép diễn ra trong những ngày vừa qua, để có được một kênh sử dụng ngoại hối khác vẫn là tiền mặt mà hợp pháp, người dân Việt Nam đang quay sang sử dụng thẻ thanh toán quốc tế như một biện pháp thay thế. Việc sử dụng thẻ được xem là sẽ tránh được giới hạn số tiền ngoại tệ mặt khi mang ra nước ngoài là 7,000 đô. Về những tiện ích mà thẻ debit (thẻ ghi nợ) hoặc thẻ credit (thẻ tín dụng) mang lại thì có thể kể ra rất nhiều như thuận tiện, dễ dàng khi thanh toán, giảm thiểu rủi ro khi cầm tiền mặt theo người, tránh được mất trộm hoặc hỏa hoạn và khách hàng có thể sử dụng được trên phạm vi toàn cầu. Mức phí cao Không ai phản đối những tiện ích mà thẻ thanh toán quốc tế mang lại, tuy nhiên, để sở hữu được một thẻ thanh toán như vậy lại là một câu chuyện mà bất kỳ ai có ý định mở cũng cần phải cân nhắc kỹ. Cụ thể ở đây là mức phí chuyển đổi ngoại tệ cao, khiến người sử dụng vẫn phải e dè, cộng với một vài phụ phí khác mà người mới sử dụng thẻ thấy bối rối và không phải là tất cả mọi ngân hàng ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán đó.Trước hết, giải thích về phí chuyển đổi ngoại tệ, một chuyên viên của ngân hàng nước ngoài có trụ sở ở Hà Nội cho đài chúng tôi biết như sau: "Bây giờ mọi người thanh toán bằng tiền đô, thì ngân hàng phát hành thẻ họ phải sử dụng tiền đô để thanh toán cho các hoạt động mua bán đó. Và khi họ thu tiền của khách hàng, thu bằng tiền Việt, họ sẽ phải chuyển đổi tiền Việt đó sang tiền đô. Khi mà chuyển đổi thế, ở Việt Nam thì NHNNVN đặt ra một tỷ giá trần giữa đô và đồng. Khi họ charge (tính phí) khách hàng, họ chỉ được tính tỷ giá trần đó thôi. Để mua được tiền đô, mà tiền Việt đổi sang tiền đô, thì họ không mua được giá trần. Vì thị trường liên ngân hàng Việt Nam, phần lớn bây giờ mọi người mua bán đô đồng là một tỷ giá nằm ngoài giá trần. Có những thời điểm lên đến 7%, 10%. Cái phí charge (tính) thêm phần tỷ giá ấy, cũng chỉ là để ngân hàng cover (bù đắp) nguồn mua đô cho các khoản thanh toán thôi."
Theo cách lý giải của vị chuyên viên này thì khoản phí quy đổi ngoại tệ là chi phí mà ngân hàng sử dụng để mua tiền đô với tỷ giá trần chênh lệch với quy định của Chính phủ. Tuy vậy, có một điểm đáng lưu ý là, nếu người tiêu dùng ở Việt Nam dù gửi vào tài khoản của mình bằng tiền Việt hay tiền đô la, rồi hy vọng ra nước ngoài sẽ rút ra bằng tiền đô, thì cũng sẽ đều phải trả khoản phí quy đổi ngoại tệ này. Vị chuyên viên này cho biết thêm: "Các ngân hàng không biết được chuyện mình gửi bằng tiền đô hay tiền đồng, cho nên đôi khi họ sẽ cùng áp dụng một phí giống nhau, mình nghĩ đó đúng là một cái dở." Như vậy, để có thể sử dụng được ngoại tệ ở nước ngoài, người Việt Nam sẽ phải trả thêm khoản phí chuyển đổi ngoại tệ, và khoản phí này, theo như lời ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc DongABank thì sẽ dao động từ 2.5% cho đến 4%. Tuy nhiên, theo lời vị chuyên viên ở ngân hàng mà chúng tôi nói chuyện, thì mức phí có khi lên đến 7 hoặc 10%. Và như vậy, giá đô la cao hơn tỷ giá chính thức rất nhiều, vượt cả giá ngoại tệ mặt ngoài thị trường tự do. Đủ các loại phí Để hiểu đầy đủ về các loại phí mà một người sẽ phải trả khi muốn có được tiền mặt sử dụng ở nước ngoài, chúng tôi liên lạc với phòng phụ trách thẻ của ngân hàng VPBank, chị Dịu nhân viên ở đây cho chúng tôi biết chi tiết như sau:"Ở ngân hàng có 2 hình thức là thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, hình thức thẻ quốc tế, thanh toán tại nước ngoài. Với thẻ ghi nợ, tính phí giao dịch quốc tế là 4.5% trên tổng số tiền. Số tiền anh gửi vào, anh sẽ được chi tiêu trên số dư tài khoản của mình. Nếu thanh toán ở nước ngoài, thì ngân hàng sẽ tính theo phí xử lý quốc tế là 4.5% trên 1 giao dịch quốc tế. Thẻ tín dụng là chi tiêu trên hạn mức ngân hàng cấp phép cho anh. Thẻ này cũng tính phí giao dịch quốc tế là 4.5%. Trong trường hợp rút tiền ATM ở nước ngoài, thì tính phí rút tiền là 7.7% trên tổng thu, thứ 2 là lãi suất rút tiền, thứ 3 là phí xử lý giao dịch quốc tế và thêm một loại phí là phí do ngân hàng chủ quản của ATM đó thu nữa. Miễn ngoại tối đa là 45 ngày." Như vậy, để có được ngoại tệ mặt ở nước ngoài bằng cách sử dụng thẻ tín dụng thanh toán quốc tế, người tiêu dùng phải trả thêm đến 4 loại phí: phí quy đổi ngoại tệ, phí rút tiền mặt, lãi suất rút tiền và phí do ATM ở nước ngoài quy định. Về cơ bản, thì những điều khoản này cũng được áp dụng theo nguyên tắc quốc tế. Với thẻ tín dụng muốn rút tiền mặt, người chủ thẻ phải chịu những chi phí như thế, tuy vậy với thẻ ghi nợ (thẻ debit) chi tiêu bằng tiền thật của mình trong tài khoản, chủ thẻ cũng vẫn phải chịu khoản phí quy đổi ngoại tệ, dao động từ 4% cho đến khoảng hơn 10% tùy theo ngân hàng tính toán, phí ATM của ngân hàng nước sở tại và khoản phí bảo trì tài khoản hàng năm.
Những chi phí này chắc hẳn sẽ làm nản lòng những ai đang có ý định đi "đường vòng" khi chính sách quản lý ngoại hối ngoài thị trường tự do của Nhà nước đang thắt chặt. Có lẽ để sử dụng thẻ thanh toán như một cách "luồn lách" nghị định quản lý ngoại hối xem chừng chưa đủ sức thuyết phục. Ngoài chuyện là vì các khoản phí đi kèm thì cũng còn vì chính bản thân chuyện sử dụng thẻ để thanh toán các hoạt động mua bán thường nhật trong nước cũng chưa phổ biến. Người ta lĩnh lương thông qua thẻ ATM, ra ngân hàng rút tiền, bỏ vào túi và lại tiến hành mọi giao dịch bằng tiền mặt. Đó là lời chia sẻ của anh Việt Tú, nhà đường Lý Thường Kiệt: "Từ việc trả lương vào tài khoản cho đến việc sử dụng thẻ để thanh toán thì cần một thời gian nữa để đi đến bước sử dụng nhiều thẻ thanh toán hơn. Phần lớn khi mọi người nhận thẻ account, sẽ ra các ATM rút tiền, cho tiền mặt vào túi, mang đi chợ, mang đi siêu thị chứ mọi người không mang thẻ đến trung tâm thanh toán." Việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế thay thế cho việc sử dụng ngoại tệ mặt, như một phương cách đối phó với giới hạn 7000 đô la là không hiệu quả. Sẽ chỉ có thể là chấp nhận được, nếu người dân chi tiêu trực tiếp mua bán bằng thẻ mà không rút tiền. Hy vọng, với tìm hiểu trên, sẽ mang lại cho quý vị một cách nhìn đầy đủ hơn về cách tính phí của ngân hàng, để người dân cảm thấy thoải mái khi sử dụng dịch vụ ngân hàng hơn là cảm giác mình bị tính phí quá cao hay đang bị đối xử bất bình đẳng. Theo dòng thời sự: |
Saturday, April 16, 2011
Thẻ thanh toán quốc tế có thực sự hiệu quả?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment