Đỗ Hiếu, phóng viên RFA2011-04-02Người ta thường kể lại là tại những khu du lịch của Việt Nam, du khách thấy khó chịu khi đặt chân tới các nơi ấy để xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, trung tâm giải trí, nghỉ mát, vì thường có nhiều trẻ em bao quanh, mời ép mua hàng hóa, vật kỷ niệm. Tình trạng làm tiền này được gọi là "đeo bám", "gạ gẩm", "vòi vĩnh" làm ảnh hưởng đến ngành du lịch và gây ấn tượng không tốt đối với những con buôn tí hon này. Sống bám vào du kháchMới đây, báo chí Việt Nam dành nhiều phóng sự nói về "Tương lai trẻ em các vùng du lịch". Theo báo chí thì "Đội quân không tương lai" này luôn có mặt tại những khu du lịch khắp nơi, vùng nào càng nổi tiếng, càng có nhiều trẻ em "hành nghề" mua bán nhỏ, ít vốn liếng, mà hàng hóa là những tấm thiệp, lon nước, chút bánh kẹo, quà lưu niệm. Các em có mặt thường xuyên bất kể ngày đêm, giờ giấc, thời tiết, nóng bỏng hay giá buốt, mỗi khi có du khách xuất hiện. Khách du lịch muốn được yên thân đành phải xuất tiền mua chút ít hàng không mấy giá trị, cũng không thấy cần thiết, vì biết không thể làm ngơ trước những lời nài nỉ, mời mọc quen thuộc. Báo Tuần Việt Nam cho biết tại thành phố Hồ Chí Minh, được xem là phồn thịnh, sung túc so với các thành thị khác, hiện vẫn còn đội quân trẻ em sống bám vào du khách nước ngoài. Ngoài chuyện bán hàng lưu niệm các em còn làm nhiều việc khác như đánh giày, bán vé số, bán báo, phục vụ trong các quán ăn, tiệm giải khát và cũng có những em vô tình phạm những tệ đoan khác như bị lạm dụng tình dục. Các cơ quan đặc trách về du lịch cho biết, nhìn chung, đa số các em kiếm sống qua ngày ở các khu du lịch đều là con nhà nghèo, không được cha mẹ lo cho ăn học, hoặc học hành dở dang vì gia đình lâm cảnh khó khăn. Báo chí mô tả cuộc sống của các em rất bấp bênh, nơi nào thời tiết khắc nghiệp nhất các em cũng tìm đến đó kiếm ăn, nhưng chưa chắc có đủ ngày hai bữa, quần áo đủ ấm thân. Nhiều em không biết chữ, không kiến thức văn hóa, không có mái ấm gia đình, tương lai các em sẽ ra sao? Bài toán nan giải Qua câu chuyện với giáo sư Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục Việt Nam, thì đây là một bài toán nan giải khó tìm ra đáp số:"Tôi cũng xót xa lắm, đây là một vấn đề xã hội, chính quyền họ không làm thì mình làm thế nào được, đây không phải là vấn đề về giáo dục thôi, nó khó lắm đấy." Theo ông thì tương lai các trẻ vùng du lịch là chuyện còn xa vời: "Hiện nay thì tôi đang còn lúng túng lắm, chưa biết giải quyết cách nào, đảng và nhà nước mà không quan tâm thì không ai làm xuể đâu, đây là nỗi đau của đất nước và là nỗi đau của cá nhân tôi." Kết luận của giáo sư Hồ Ngọc Đại là: "Tôi chưa thấy một giải pháp nào cả, phức tạp lắm." Nhà giáo, nhà báo Phạm Toàn cũng nói lên suy nghĩ của ông về số phận và tương lai của những trẻ kiếm ăn nhờ vào du khách: "Cái này đâu thuộc về ngành giáo dục, giáo dục chỉ giải quyết được phần văn hóa, còn trẻ em vì muốn kiếm sống phải học theo cái cách của người lớn, học cái cách tranh chấp đó, nên nhà trường làm sao giải quyết được. Cần phải giải quyết trong vài chục năm, cái nền văn hóa được nâng dần lên, hiện tại thì đành chịu, vô phương."
Về phương cách có thể ứng dụng hầu chấm dứt việc kiếm ăn của trẻ em đeo bám theo du khách, nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh: "Tôi làm sao có thể đề nghị điều gì tuyệt vọng được, ông giáo dục không làm về giáo dục, mà lại làm sai, không làm về giáo dục thì làm sao làm được về mặt xã hội. Tôi rất bi quan và tự nhận là mình bó tay, vì cái xã hội dân sự chưa phát triển, để mình có thể đòi được các quyền lợi. Ta phải giả định rằng cái xã hội phải dân chủ, phải có hoạt động dân sự để những cái xấu xa, sai lầm, khi xảy ra là được giải quyết. Muốn như thế thì những hội đoàn, phải yêu cầu quyền tự do, luật lệ phải chặt chẽ, thực tế thì có những quy định rất buồn cười, nhưng chả ai có quyền chửa cả, có nhóm nào đó người ta cứ định như thế, thì làm thế nào được." Trẻ em có bám theo du khách, nài nỉ mua món hàng gì đó, khi họ đến thăm đảo Phú Quốc là một trung tâm du lịch nổi tiếng ở phía Nam không? Ông Việt, một nhân viên phục vụ ngành du lịch tại đây, cho biết: "Ở Phú Quốc không xảy ra hiện tượng trẻ bám theo du khách, đọc báo thì thấy ở Saigon, người ta cũng dẹp bớt rồi, ngoài Đà Nẵng cũng vậy, nên không biết ở chỗ khác như thế nào." Phương pháp giải quyếtDịp này, ông góp ý về phương cách làm sao chấm dứt việc các em hành nghề bán hàng hóa lặt vặt cho du khách:"Theo tôi nghĩ giải pháp căn cơ cho vấn đề đó là cần tạo cuộc sống có tương lai hơn cho các em xa gia đình, phần lớn những em buôn bán như vậy thuộc thành phần xa gia đình, mới làm vậy. Những biện pháp cấm đoán, gom các em không đem lại kết quả, mà cần sự hỗ trợ của gia đình, của xã hội, để các em có mái ấm, tìm được hạnh phúc trong tuổi thơ." Cô Trang, một hướng dẫn viên du lịch ở các tỉnh Miền Trung nói, chuyện trẻ em vòi vĩnh du khách mua hàng, không xảy ra trong khu vực cô hành nghề: "Không biết việc đó diễn ra ở Miền Nam hay Miền Bắc, nhưng ở Miền Trung không có tình trạng đó đâu". Cô trình bày về những cố gắng của ngành du lịch để chận đứng chuyện trẻ em sống bám vào du khách:
"Các đơn vị chức năng của ngành du lịch vẫn ra quân để dẹp tình trạng chèo kéo, buôn bán như vậy, nhưng kết quả chưa được triệt để lắm." Được biết, mới đây Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch vừa phổ biến quyết định về "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Theo báo chí thì đây là một dự án chiến lược lâu dài, nhằm phát triển ngành du lịch tạo sự tiến bộ và hợp lý, đến 20 năm sau, tuy nhiên quy hoạch này không thấy có sự gắn kết giữa du lịch với địa phương, cũng như sự liên hệ với những con người sinh sống tại các trung tâm du lịch đó. Tình trạng trẻ em kiếm sống ở những khu du lịch ấy cũng không được quan tâm tới, không nhà chiến lược nào nghĩ tới tương lai của "đội quân" trẻ này, sẽ ra sao. Dư luận cho đó là một nghịch lý vì nơi nào du lịch càng mở mang, phát triển thì vùng đất ấy sẽ càng có nhiều trẻ em sẵn sàng bỏ học, để lao mình vào làm nghề bám sát du khách, để chào mời họ mua quà, mong có được bữa ăn, nuôi thân, sống qua ngày. Theo dòng thời sự: |
Saturday, April 2, 2011
Tình trạng trẻ em làm phiền khách du lịch
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment