08/04/2011 00:07:26 - "Việt Nam không thiếu ngoại tệ, nhưng vẫn khan hiếm vì tổ chức thị trường ngoại hối quá tệ hại", TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia bình luận. Theo số liệu thống kê từ năm 2009 – 2011, cán cân thanh khoản của thị trường hối đoái luôn dương. Cụ thể, tổng thu ngoại tệ của VN năm 2009 là 97,8 tỷ đô la, tổng chi ngoại tệ là 97,03 tỷ đô la, thặng dư 0,77 tỷ đô la. Năm 2010, mức thặng dư 1,27 tỷ đô la và năm 2011 là 2 tỷ đô la. "Như vậy, chúng ta thừa ngoại tệ chứ không phải thiếu ngoại tệ. Tức là tổng số ngoại tệ đi vào VN luôn lớn hơn tổng số ngoại tệ đi ra khỏi VN", ông Nghĩa đánh giá. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lại khan hiếm? Tại sao các doanh nghiệp và nhà đầu tư phải kêu trời vì không vay được ngoại tệ. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi "chợ đô la" phải đóng cửa, rất nhiều doanh nghiệp đã phải "gồng mình" mới lo kiếm đủ số ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu với mức giá không hề rẻ, thường cao hơn 100 – 200 đồng so với mức giá niêm yết tại các ngân hàng.
Lý giải về điều này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, do tổ chức thị trường hối đoái quá tệ hại, bị chi phối bởi nhiều yếu tố ngay trong hệ thống lãi suất, như cơ chế của tỷ giá hối đoái quá cứng nhắc, 3 năm điều chỉnh 1 lần. Chính điều này làm cho dân chúng luôn luôn kỳ vọng tỷ giá hối đoái sẽ tăng và ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục điều chỉnh. Và vì thế, mọi người dân đều có tâm lý tích trữ ngoại tệ ở trong nhà hoặc gửi vào ngân hàng dưới dạng tích trữ. Các doanh nghiệp cũng vậy, lợi dụng quy định được giữ đô la ít nhất 1 tháng sau khi xuất khẩu, họ cũng đem gửi ngân hàng nước ngoài để kiếm lời. Bên cạnh đó, lãi suất bằng ngoại tệ luôn được ưu ái hơn so với đồng nội tệ. Do đó, tín dụng ngoại tệ tăng rất mạnh. Còn tín dụng VNĐ tăng yếu hơn rất nhiều. Chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và nội tệ không đủ lớn để làm cho VNĐ được ưu tiên hơn, trái lại nó làm cho đồng đô la có thế mạnh hơn đồng tiền VN. Các ngân hàng thương mại cũng có tâm lý tích trữ đô la, tức là găm ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng. Tâm lý được "hỗ trợ" hơn khi ngân hàng trung ương vẫn giữ quy định 30% vốn điều lệ, tức là 1 ngân hàng thương mại có 100 triệu đô la vốn điều lệ thì có thể tích trữ 130 triệu đô la khi kỳ vọng tỷ giá hối đoái lên, và giữ tối thiểu 70 triệu đô la khi tỷ giá đi xuống. Ngoài ra, việc tổ chức thị trường chính thức rất yếu cũng là một "ách tắc". Cấm thị trường tự do nhưng lại không xây dựng được thị trường chính thức. Do đó, khi cần ngoại tệ, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là chạy ra "chợ đen". Mặt khác, thái độ đối với thị trường tự do cũng không rõ ràng. Chúng ta không thừa nhận nó nhưng cũng không dẹp bỏ được nó. "Không thể dùng biện pháp hành chính để giải quyết vấn đề tài chính và tiền tệ, mà phải thực hiện mạnh mẽ các biện pháp về kinh tế", ông Nghĩa nhấn mạnh. Còn theo chuyên gia Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thì cho rằng, có một bất cập về quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân. Quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng rất hạn chế, trong khi quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế rất lớn, điều này đã tạo nên mất cân đối lớn giữa khả năng mua được ngoại tệ của tổ chức tín dụng và nghĩa vụ bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo yêu cầu của tổ chức kinh tế và người dân. Do đó, cho dù các năm cán cân thanh toán tổng thể có bội thu, nhưng quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng không có thì cũng không cân đối được nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế, vẫn gây sức ép lên tỷ giá. N.Yến |
Friday, April 8, 2011
Việt Nam đang thừa ngoại tệ?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment