Xin một lần lắng nghe ! | for everyone |
Vào sáng ngày 30/6/2009, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International, AI) đã đưa ra một báo cáo cực kỳ bi quan về tình hình tại cửa sông Niger thuộc Nigeria, theo đó sự khai thác dầu lửa tại đây đã đẩy 30 triệu người vào cảnh cơ hàn mà AI gọi là "một thảm họa về quyền làm người". Theo báo cáo này thì người dân sinh sống trong vùng phải uống nước ô nhiễm, ăn cá (khi mà họ có cơ may bắt được) nhiễm đủ thứ mầm bệnh xuất phát từ dầu lửa và các hóa chất độc hại., và trái ngược với những hứa hẹn ban đầu của chính phủ về một tương lai sung túc từ mỏ vàng đen, người dân lại trở nên cùng khổ hơn cả lúc trước.
Đọc bản tin này mà chúng tôi bỗng giật mình, vì những gì nằm trong báo cáo của AI không thấm tháp gì với những gì đang xảy ra trên đất nước VN, và báo hiệu một thảm kịch còn trầm trọng hơn cả những gì đang xảy ra ở cửa sông Niger. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường sau những năm tháng cật lực chạy theo những chỉ tiêu phát triển.
Nói đến vấn đề này chắc mọi người sẽ nghĩ ngay đến 76km của sông thị Vải chảy qua 3 tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa hàng đầu của cả nước là Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM. Theo báo Người Lao Động tháng 3/06 thì dòng sông hiện như một túi thuốc độc khổng lồ, đe dọa đến cuộc sống và tính mạng của cư dân trong khu vực. Ngoài công ty Vedan đã bị xem như là thủ phạm số 1, còn ít ra là 6 khu công nghiệp cũng như hàng chục nhà máy lớn nhỏ hàng ngày đổ vào đây gần 20.000 m3 nước thải công nghiệp.Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (MCE) thì hàm lượng khí độc NH3 và H2S trong thủy vực sông rất cao so với ngưỡng thích hợp cho điều kiện phát triển bình thường của các loài thủy sản. Cụ thể, giới hạn cho phép NH3 trong môi trường nước phải nhỏ hơn 0,6 mg/lít và H2S nhỏ hơn 0,005 mg/lít, nhưng thực tế trên sông Thị Vải thành phần khí độc hiện đang ở mức 1,73 và 0,8. Bên cạnh đó, hàm lượng ô xy trong nước cũng rất thấp (1,2 mg/lít), dưới ngưỡng cho phép để duy trì sự sống. Sự ô nhiễm không chỉ đe dọa đến các thủy sản, đến mạng sống con người mà thậm chí các tàu của Nhật Bản không chịu cập cảng Gò Dầu A và B cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đóng tại KCN Gò Dầu (huyện Long Thành, Đồng Nai) vì cho rằng, sông Thị Vải ô nhiễm nặng bào mòn nhanh vỏ tàu và gây bệnh cho thuỷ thủ, đã cho thấy một sự trả giá trầm trọng hơn: Sản xuất của các nhà máy có thể bị đình đốn vì thiếu nguyên liệu và công nhân phải nghỉ việc vì các loại bệnh do tình trạng ô nhiễm gây ra.
Không riêng gì sông Thị Vải mà hầu hết các con sông lớn của miền
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Sài Gòn không phải là vấn đề mới. Lãnh đạo NMNTH nói mặc dù là đơn vị sử dụng trực tiếp nguồn nước sông Sài Gòn nhưng không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề ô nhiễm mà chỉ "kêu gào" với các cơ quan quản lý địa phương, Sở Tài nguyên - môi trường, thậm chí đến UBND TP.HCM. Tuy nhiên, liên tục nhiều năm nay tiếng kêu chưa thấu "trời xanh" nên việc ô nhiễm vẫn ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Chuyện ô nhiễm sông Thị Vải và sông Sàigòn chỉ là một khía cạnh của vấn đề ô nhiễm, vì ta còn phải kể đến ô nhiễm không khí. Một kết quả phân tích gần đây của Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM cho thấy lượng benzen trong không khí tại các trục giao thông chính của thành phố đã lên đến mức báo động đỏ với nồng độ benzen trung bình là 33,6 micro gam/m3, cao gấp 6,72 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Sự ô nhiễm ấy xuất phát từ chất thải của 116 khu đô thị có quy mô khác nhau; 47 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung; trên 50.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 73 bãi rác; hàng nghìn cơ sở chăn nuôi có quy mô công nghiệp; hàng chục bến cảng... kế tiếp còn phải kể đến ô nhiễm do tình trạng phá rừng, tình trạng lạm dục thuốc bảo vệ thực vật, khai thác nước ngầm...
Chuyện ô nhiễm sông Thị Vải và sông Sàigòn cũng không phải là vấn đề cá biệt, nhiều báo cáo cũng nói rằng toàn bộ lượng nước thải của Hà Nội đều thoát qua hệ thống cống thoát nước và 4 sông tiêu chính của là Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu. Tóm lại, ô nhiễm đã là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng từ
Cái giá của tăng trưởng ?
Khi các địa phương tiến hành xây dựng các Khu Công Nghiệp (KCN) và Khu Chế Xuất để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học đã từng cảnh báo: Phải làm cẩn thận, đừng hy sinh môi trường để đổi lấy đô la! Ở thời điểm này, với sông Đồng Nai và sông Thị Vải, lời cảnh báo này đã không còn giá trị, vì 2 con sông này đang "chết". Ngược lại, cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thời ấy (2006) là ông Mai Ái Trực: "Liệu lợi nhuận thu được từ công nghiệp có đủ bù đắp chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường?" lại là vấn đề thời sự. Theo tính toán của cơ quan môi trường 12 tỉnh, thành nằm trên lưu vực sông Đồng Nai, thời điểm này phải cần ít nhất 1.500 tỉ đồng mới có thể cải tạo và bảo vệ được nguồn nước của con sông này. Còn theo tính toán của các nhà khoa học, trong trường hợp nước trên sông Đồng Nai ô nhiễm hữu cơ với nồng độ BOD5 đạt 10 mg/lít, công nghệ xử lý nước đang áp dụng tại Nhà máy Nước Thủ Đức sẽ không bảo đảm chất lượng nước cấp. Do đó, từ nay đến năm 2010, những người sử dụng nguồn nước từ Nhà máy Nước Thủ Đức phải góp thêm 2.100 tỉ đồng mỗi năm gọi là khoản phí tăng thêm để cải tạo hệ thống xử lý nước hiện tại. Rõ ràng, để thu được lợi nhuận từ sản xuất công nghiệp thời gian qua, chúng ta đã hy sinh cả môi trường sống. (Báo NLĐ, 3/06)
Rõ ràng là với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt trên 8%, VN đang đối mặt với một hiểm hoạ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Bản tổng kết môi trường toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố vào tháng 3/08 cho thấy VN có hai thành phố là Hà Nội và TPHCM nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng , về nồng độ bụi, Hà Nội và TPHCM chỉ đứng sau Bắc Kinh, Thượng Hải, New Delhi và Dhaka. Rồi theo một nghiên cứu về các chỉ số môi trường ổn định do Trường Đại học Yale (Mỹ) thực hiện trong năm 2006, VN đứng thứ hạng thấp nhất trong số 8 nước Đông Nam Á. Theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam gây thiệt hại khoảng 5% GDP mỗi năm. Nhiều chuyên gia còn tính rằng nếu tính đến cả các tổn thất môi trường thì tốc độ tăng GDP thực tế của VN sẽ chỉ là 3 - 4%
Nhìn về tương lai.
Theo các nhà khoa học, riêng chỉ để cải tạo nguồn nước sống Đồng Nai sẽ vào khoảng 1500 tỉ, nhưng để giải quyết vấn đề tận gốc phải xây dựng các hệ thống cống ngầm tập trung nước thải để xử lý; xây dựng các tuyến cống bao kết hợp các giếng tách để thu gom nước thải và nước mưa bị ô nhiễm nặng đưa về khu xử lý nước thải; xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng, nước thải riêng; giảm nguồn gây ô nhiễm từ bên trong kênh mương bằng cách nạo vét bùn cặn lắng và tăng cường khả năng thoát nước, thu gom rác thải trên kênh mương. Tóm lại toàn những chuyện ...bất khả thi và viễn ảnh sống với ô nghiễm có lẽ cũng còn lâu lắm.
Họa vô đơn chí, giải quyết ô nhiễm đang trong ngõ cụt, thì VN lại chuẩn bị đón thêm một thảm họa khác : chuyện khai thác bauxite ở Tây nguyên.
Bài viết này không có tham vọng trình bày những nguy hại của việc khai thác bauxite vì nó đã được nói rất nhiều trên các diễn đàn. Ở đây tôi chỉ muốn làm một cái gạch nối giữa hai cái hiểm họa, một cái thì như nước dâng tới cổ, cái kia thì đang lơ lửng trên đầu.
1. Nhà nước đã quy định, khi một dự án đầu tư được cấp phép hoặc một KCN trước khi đi vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải là tiêu chí bao giờ cũng được đặt trong tốp đầu để cơ quan chức năng xem xét cấp giấy phép hoạt động. Nhưng không hiểu vì sao, các địa phương có nền công nghiệp mạnh của cả nước như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương lại quá lơi lỏng trong việc thực hiện quy định này. Một quan chức Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thừa nhận: "Lo ảnh hưởng tiến độ hoạt động của các KCN, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, nên các cơ quan chức năng đã "nhẹ tay" khi xem xét về tiêu chuẩn môi trường. Không ngờ bây giờ hậu quả để lại quá lớn!". Đối với các doanh nghiệp tầm vóc Vedan hoặc mì Miwon mà chúng ta còn nhẹ tay thì trong trường hợp bauxite, đối tác của chúng ta là cả một nhà nước khổng lồ thì sự nhân nhượng còn tới đâu ?
2. Chuyện "đổi môi trường lấy đô la" và những hệ lụy của nó không phải chỉ xảy ra ở VN mà có ở khắp các nước phát triển, đặc biệt là ở châu Á, một nơi người dân có thói quen coi thần phục chính quyền. Điều này còn đặc biệt đúng ở Trung Quốc. Sau hơn 3 thập niên cải cách, với mức tăng trưởng hai con số đến ngày nay họ bắt đầu phải trả giá : Mưa a-xít đang đổ xuống 1/3 lãnh thổ. Một nửa lượng nước tại 7 con sông lớn hoàn toàn không thể sử dụng. 1/4 dân số không được tiếp cận với nước sạch. 1/3 dân cư đô thị phải hít thở không khí ô nhiễm. Chỉ có chưa tới 20% rác thải tại các đô thị được xử lý bằng các biện pháp thân thiện môi trường. Năm trong số 10 thành phố ô nhiễm nặng nhất thế giới thuộc về Trung Quốc. 76 thảm họa môi sinh đã xảy ra trong đó 8 vụ được coi là trầm trọng chẳng hạn như vụ nổ nhà máy hóa chất trên sông Tùng Hoa tháng 11/2006. Hơn phân nửa trong số 21.000 công ty hoá chất đặt gần sông Dương Tử và sông Hoàng Hà - nguồn nước uống cho hàng triệu dân và những tai nạn có thể dẫn đến "những hậu quả thảm khốc". Kể từ năm 2001, lượng nước thải và chất thải công nghiệp tuôn vào các sông hồ ở TQ tăng lên hàng năm. Trong năm 2004, hơn 200 triệu tấn nước thải và 200 triệu tấn chất thải công nghiệp đổ vào các sông hồ ở nước này....Điều đó cắt nghĩa một phần tại sao họ lại đóng cửa các mỏ bauxite và nằng nặc đòi khai thác cho bằng được mỏ Tây nguyên VN. Và với những gì đã xảy ra trên đất nước về thảm họa môi trường mà TQ còn không chế ngự được, thực là khó để nói rằng họ sẽ tôn trọng những quy định về môi sinh Bộ Tài Nguyên & Môi Trường chúng ta.
3. Như đã nói ở trên, ngay từ khi các KCN đầu tiên ra đời, các nhà khoa học đã có lời cảnh báo, và với nhưng gì chúng ta thấy chung quanh thì quả là họ có lý. Còn vụ khai thác bauxite hôm nay, khoảng 20 bài viết của các nhà khoa học trong, ngoài nước, trong đó có nhiều người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành khai thác khoáng sản đã nêu rõ cái "lợi bất cập hại", cộng thêm với sự ưu tư của các nhà quân sự, các nhà ngoại giao nắm rõ sự quan trọng của địa bàn, của ý đồ phía Trung Quốc; ngược lại về phía chính phủ thì quanh quẩn chỉ là những lời giải trình ngắn gọn trước Quốc Hội, mà chúng ta cũng biết cái quyền uy của "cơ quan quyền lực cao nhất nước" này giới hạn đến đâu, rồi thế là cứ xăm xăm thực hiện. Mười, hai mươi năm nữa, khi những tiên liệu của các nhà khoa học thành sự thực, ai sẽ trả lời cho các thế hệ con cháu chúng ta ?
Để kết thúc bài này, chúng tôi xin dẫn lời Ông Yutaka Matsuzawa là chuyên gia của JICA tại Dự án Nghiên cứu quản lý môi trường nước các lưu vực sông tại VN :"Thành thật mà nói, thật khó có thể tìm ra ví dụ về một nước nào đó, có cùng trình độ phát triển kinh tế mà lại ô nhiễm đến như VN. Tôi cho rằng, VN là trường hợp đầu tiên trên thế giới có mức độ ô nhiễm nặng nề và nhanh đến vậy, nếu so với quy mô kinh tế. Có thể, Trung Quốc hiện khá tương đồng về ô nhiễm so với VN. Nhưng, Trung Quốc lại hoàn toàn khác biệt về quy mô dân số, về tỉ trọng kinh tế. VN đạt được tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh trong thời gian qua, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường trong thời gian rất ngắn, rất sớm. Nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức độ cao như hiện nay, điều kiện môi trường sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Nếu không có những hành động quyết liệt, VN sẽ đối mặt với thảm hoạ môi trường rất sớm. Các nước khác, theo tôi, còn có linh động về thời gian, nhưng vấn đề môi trường ở VN đã là rất cấp thiết".
Ôi Đảng, ôi Nhà Nước ! hãy một lần làm ơn biết lắng nghe !
Sàigòn, 3/7/2009
Phan Kiến Quốc
No comments:
Post a Comment