Saturday, May 14, 2011

# Chuyê.n Hai Mùa Mu+a - GS Pha.m Minh Hoàng

Đọc nhiều bài viết của GS Phạm Minh Hoàng, ai cũng có thể hiểu được tấm lòng yêu nước của ông trải dài qua những hàng chữ.  Vừa có kiến thức, vừa có tấm lòng yêu nước, thay vì ông được trọng dụng với tài năng, chế độ Nguyễn Tấn Dũng lại bỏ tù ông.  Không phải chỉ riêng cá nhân ông, hàng trăm, hàng ngàn những tài năng, như bác sỹ, luật sư, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, thương gia... tất cả những thành phần gọi là ưu tú nhất của đất nước cũng đã bị bỏ tù. Vậy thử hỏi, chế độ Dũng sai lầm hay tất cả trí thức này sai lầm ???  Ai mới thật sự là yêu nước ???
 
 

Chuyện hai mùa mưa

 

Mưa xứ người

Trung tuần tháng 8 vừa qua, thế giới đều rúng động trước hàng loạt các thiên tai làm hàng ngàn người thiệt mạng, trên hai triệu người phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và làm thiệt hại gần 3 tỉ đô la.

Tại Cộng Hòa Tiệp, các trận mưa lũ đã làm sông Vlatava dâng cao chưa từng thấy từ hơn một thế kỷ nay. Lưu lượng đã có lúc đạt đến 4500m3/giây nghĩa là lớn gấp 30 lần lưu lượng bình thường và sông dâng cao 10cm mỗi 15 phút, nhận chìm thủ đô Praha, làm thiệt hại trầm trọng nền kinh tế nước này.

Tại Áo, các trận mưa và lụt đã ngập tràn thủ đô Vienne. Cầu đường bị sạt lở, các nhà máy biến điện bị nổ tung, nhà thương, trường học biến thành biển nước... Chính phủ Thomas Klestil tuyên bố đây là trận lụt kinh hoàng nhất từ một thế kỷ nay.

Tại Ðức, hầu như cả miền Nam đều bị ngập lụt, nặng nhất là các bang Baviere và Saxe. Sông Elbe và Danube dâng cao gấp 5 lần, gây thiệt hại nặng nề cho các di tích lịch sử và cho nền kinh tế Ðức. Thủ tướng Schroder ước tính con số này có thể vượt quá 2 tỉ đô la.

Tuy nhiên tại Nam Á và đặc biệt là tại Trung Quốc, tình hình mới được coi là nghiêm trọng nhất. Dương Tử giang đã dâng cao tại hồ Ðộng Ðình và trong địa phận tỉnh Hồ Nam đe dọa đến đời sống của hơn 20 triệu người. 600 ngàn người bị di tản.

Riêng tại Việt Nam, lũ quét dữ dội ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến trung tuần tháng 9/2002, đã có khoảng 20 người chết, hàng chục ngàn căn nhà bị cuốn trôi.

Qua các biến cố này, con người đang đặt cho mình những câu hỏi về nguyên nhân của các trận thiên tai này và tìm cách dự đoán hoặc giảm thiểu tầm tác hại của chúng. Nói đúng ra, sự quan tâm này đã có từ lâu nhưng sự bùng nổ dân số đi đôi với tình trạng công nghiệp hóa đã khiến mọi người thực sự lo lắng và bắt đầu nói về tương lai của trái đất. Hai vấn đề chính hay nói đúng ra là hai tác hại chính là tầng ozone, sự nóng dần lên của trái đất và hiệu ứng lồng kính.

Ozone (công thức hóa học là O3), là một loại khí thiên nhiên hiện hữu ở hạ tầng khí quyển và ở cao độ 35-45km. Khí này có tác dụng ngăn cản các tia cực tím của mặt trời gây ung thư da. Vào năm 1994, các nhà khoa học khám phá ra rằng tầng ozone này đang bị "lủng lỗ" ở một vài nơi, nhất là ở Nam cực, và tác nhân chính là các khí chlorofluorocarbures (CFC) dùng trong các ống xịt. May mắn làm sao, con người đã tìm ra một chất thay thế khí CFC và cứu thoát tầng ozone.

Riêng về tình trạng nóng dần lên của trái đất đến từ sự phát triển tăng tốc của kỹ nghệ. Khí thải từ các nhà máy và các sinh hoạt của con người bay lên không và tạo thành một tấm màn phản chiếu các tia hồng ngoại đến từ mặt đất và nó có tác dụng "ủ" kín trái đất vì thế người ta thường nói tình trạng nóng dần này đi đôi với hiệu ứng lồng kính. Vào thế kỷ trước, nhiệt độ đã tăng lên 0,5 độ, và người ta dự tính với đà tăng trưởng dân số và công nghiệp như hiện nay, nhiệt độ sẽ tăng lên 3 độ trong thế kỷ sắp đến.

Mưa xứ ta

Xét riêng trường hợp Việt Nam, lũ lụt cũng như hạn hán trong những năm gần đây đã thường xuyên gây nhiều thiệt hại về nhân mạng lẫn tài sản cho người dân, và "thủ phạm" đã được nêu đích danh: tình trạng phá rừng.

Rừng từ ngàn xưa vẫn được coi như lá phổi của loài người, nó có tác dụng hút khí carbonic CO2 và thải ra dưỡng khí. Tuy nhiên, rừng còn giữ một vai trò rất quan trọng trong chu trình điều hòa lượng nước trên trái đất. Khi mưa xuống, một phần lớn nước lập tức bay hơi (70%), phần còn lại thấm xuống đất hoặc chảy trên mặt đất thành sông, suối. Phần thấm xuống đất rất quan trọng vì nó tiếp tế cho các mạch nước ngầm và nhất là nuôi dưỡng cây cối. Nếu không có rừng, lượng nước thấm xuống đất ít đi và ngược lại lượng nước sông suối dâng cao. Người ta thường nói rừng giữ nước là vì thế. Ở Việt Nam là nước nhiệt đới, vai trò giữ nước còn quan trọng hơn các nước ôn đới vì khả năng giữ nước của rừng nhiệt đới lớn hơn rất nhiều. Thiên nhiên đã tạo ra rừng nhiệt đới như để giữ nước sau những trận mưa lớn mà chúng ta thường xuyên thấy ở Việt Nam. Lượng mưa trung bình ở nước ta khoảng 250mm/tháng trong mùa mưa (từ tháng năm đến tháng 11), nghĩa là gấp 6, 7 lần các nước trong vùng ôn đới. Và dĩ nhiên tai hại sẽ nhiều lần hơn khi chúng ta không còn rừng.

Ngày 30/8/2002, khi lũ lụt đang hoành hành tại Âu châu, Trung Quốc, tại Tây Bắc và Tây nguyên Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đã ước tính là hiện nay độ phủ rừng ở Việt Nam vào khoảng 28% (8 triệu hecta) so với 44% vào năm 1944. Từ hơn chục năm nay, cả nước đã báo động về tình trạng phá rừng không thương tiếc, nhưng cho đến ngày hôm nay, sau nhiều chiến dịch, sau nhiều nghị định, rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá từ Bắc chí Nam. Diện tích rừng trồng luôn luôn nhỏ hơn rừng bị mất. Tình trạng lũ lụt sẽ vẫn còn tiếp diễn chưa kể đến tai họa về môi sinh khác (diệt chủng các loài động vật, lở đất,...) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

* * *

Tuy nhiên, khi nhìn thấy thành phố Salzbourg ở Áo bị dòng Danube cắt thành hai mảnh hoặc khi nghe tiếng còi báo động ở thủ đô Tiệp khởi đầu việc di dân, người ta không thể tự hỏi: tại sao các nước Tây Âu, nơi mà môi sinh được bảo vệ, cũng không thoát khỏi thiên tai? và việc bảo vệ rừng ở Việt Nam có cần thiết nữa không?

Ðúng là con người hoàn toàn bất lực trước các "cơn thịnh nộ của thiên nhiên" như lụt lội, động đất, núi lửa, bão tuyết... Gần đây nhất chúng ta đã chứng kiến một nước giàu mạnh như Hoa Kỳ cũng bó tay trước những trận cháy rừng ở tiểu bang California hoặc một nước rất quan tâm đến thiên tai như Pháp cũng "xấc bấc xang bang" trước những giòng bùn (Nimes, 1989), trong đó "xe hơi bị lật như bát úp", đó là chưa kể đến những thiên tai như trận lụt lịch sử năm 1954 tại Trung Quốc khi dòng Dương Tử Giang nhận chìm 350.000 nhân mạng hoặc trận động đất kinh thiên động địa tại Kobe, Nhật Bản đã làm "giãn" nhịp chính của cầu Ashahi Kaikyo ra thêm 1 thước và làm hàng trăm ngàn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Trước thiên nhiên, quả thực con người quá nhỏ bé và hầu như các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa đều vô nghĩa lý. Tuy nhiên xét cho cùng, ngoài những thiên tai ngoài sức tưởng tượng như sao chổi Schumacher-Levy "bang" vào trái đất hay núi lửa Pinnatubo phun khói suốt mấy tháng trời chứ ngày hôm nay các tiến bộ khoa học cũng đã tiên đoán hoặc ít ra cũng giới hạn phần lớn các vụ thiên tai này. Trong các trận lụt vừa qua, nếu không có các phương tiện cứu hộ chắc chắn số thiệt hại về người và của sẽ còn tăng lên gấp bội. Tại Praha, thủ đô Tiệp trận lụt vừa qua chỉ có khoảng 10 người chết trong khi cường độ xem ra còn lớn hơn trận lụt lịch sử năm 1890. Tại Salzbourg (Áo) và Dresden (Ðức) cũng thế. Riêng tại Trung Quốc, khó có thể so sánh trận lụt năm nay với hồi năm 1954. Nhưng nếu không có các phương tiện cứu hộ thì chắc chắn không chỉ có 20 nạn nhân khi Dương Tử giang đã cuốn trôi 30.000 căn nhà và đe dọa tính mạng của 20 triệu người quanh hồ Ðộng Ðình và tỉnh Hồ Nam.

Tiến bộ khoa học và các biện pháp phòng chống dài cũng như ngắn hạn chắc chắn đã giúp con người tiên đoán và giảm thiểu phần nào các tai họa. Riêng ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thực hiện đúng đắn.

Trước tiên là vấn đề phá rừng. Phải nói 10 năm trở lại đây không ngày nào báo chí lại không ta thán về vấn nạn này, nhà nước cũng ra nhiều chính sách, nghị định khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng rừng cũng như có những biện pháp cứng rắn đối với lâm tặc, nhưng vẫn không có hiệu quả. Các phóng sự đều cho thấy các khu rừng nguyên sinh, nơi có nhiều cây to và quý tiếp tục bị tàn sát và dấu vết còn lại không khác gì sau một trận bom. Những bài báo mang tựa rất thê lương như: Ðà Lạt: Lời cầu khẩn của rừng, Hà Tĩnh: coi chừng không còn rừng, Phú Yên: 10 năm mất nửa diện tích rừng,  Gia Lai: Kiểm lâm thua lâm tặc... đã nói lên sự bất lực của chính quyền đối với tình trạng phá rừng tràn lan trên khắp đất nước. Dĩ nhiên không phải tái lập lại tỷ lệ 40% diện tích rừng là chúng ta thoát cảnh hạn hán hoặc ngập lụt, nhưng đối phó với thiên nhiên, chúng ta chỉ mong giới hạn được phần nào thiệt hại có thể xảy ra.

Vào tháng 4/2002, có xảy ra một trận cháy rừng lớn tại U Minh Thượng và U Minh Hạ. 4000 hecta rừng bị đốt cháy. Nếu so sánh với trận cháy rừng ở Nam Dương năm 2000 thì thiệt hại của ta rất nhỏ nhưng chính vì cái "nhỏ" đó mới thấy sự yếu kém của chính quyền. Trong khi đi thị sát, ông Phan Văn Khải có phán:"Trong chiến tranh rừng có cháy, hàng năm đến mùa khô rừng vẫn cháy nhưng vẫn chữa được, tại sao năm nay lại cháy lan rộng?". Câu trả lời lại là sự cẩu thả của con người. Chặt cây, bắt cá, ăn ong, phá lấp các kênh đào. Ðến lúc không còn kiểm soát được đám cháy mới động viên dân chúng nhưng lại hoàn toàn thiếu các dụng cụ chữa cháy. Bà con chỉ dùng sô và cành cây để chống trả với thần hỏa. Một lãnh đạo ngành canh nông nhìn rồi than:"điệu này chỉ còn cách trông vào... Trời". Sợ quá hóa sảng, người cộng sản thuần thành phải cầu các bác Mác, bác Lê chứ sao lại trông vào đấng thiêng liêng. Nhưng kể cũng linh, sau đó Trời có đổ mưa thật. Hú vía.

Trận cháy rừng U Minh vừa qua lại tỏ ra một thiếu sót của chính quyền trong việc kiểm soát sự khai thác các khu rừng tràm ven biển - và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ lụt trong đồng bằng sông Cửu Long gần đây. Theo một bài đăng trên báo Sàigòn Giải Phóng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc phá rừng tràm, rừng đước và phá rừng để nuôi tôm ven biển đã hủy hoại một lượng lớn diện tích rừng ngập mặn làm ảnh hưởng đến sinh thái trong vùng. Mặt khác, sự canh tác thiếu kiểm soát làm tắc nghẽn của các con kênh, đảo lộn quy hoạch tự nhiên của dòng chảy khiến cho đỉnh lũ cứ mỗi năm một cao, thời gian ngập lụt kéo dài và diện tích ngập lụt càng lớn, gây thiệt hại nhân mạng và tài sản cho nông dân.

Một khía cạnh kỹ thuật khác cũng ảnh hưởng đến tình trạng lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long là việc khai thác các đập thủy điện trên con sông này cũng như các công trình thoát lũ được nhà nước Việt Nam xây dựng từ giữa thập niên 80. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia về sông Mekong đã từng phục vụ trong Ủy Ban Quốc Gia Thủy Lợi, thì các con kinh thủy lợi đào xuyên qua Ðồng Tháp Mười và dự án thoát lũ ra biển Tây (vịnh Thái Lan) có hiệu quả rất thấp nếu không muốn nói là hiệu quả ngược đã làm tình trạng ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long thêm trầm trọng hơn.

Cũng theo một nghiên cứu khác, thì việc khai thác các đập thủy điện trên con sông này cũng tác hại không kém. Sông Cửu Long dài 4200km, chảy qua 7 nước trước khi đổ ra biển Ðông và bồi đắp cho đồng bằng 300 triệu tấn phù sa mỗi năm. Gần đây Thái Lan, Lào và nhất là Trung Quốc đã cho xây nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn để phục vụ nhu cầu năng lượng và cũng để điều hòa lưu lượng. Tuy nhiên việc này đã ngăn cản phù sa bồi đắp khu cửa biển khiến nước mặn có điều kiện xâm thực, làm biến mất các khu rừng ngập mặn ven biển, đồng thời việc mất phù sa cũng làm quá trình sụt lún trong các vùng trũng của đồng bằng gia tăng, và hậu quả tức khắc là ngập lụt cho dù mực nước chưa cao.

Theo các Công Ước Quốc Tế về sông, thì 7 nước mà sông Mekong chảy qua đều là những "sở hữu chủ" của dòng sông này. Chính vì thế mà hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ phải có độ cao đủ để các tàu lớn đi qua để ra biển, nhưng ngược lại các nước trên thượng nguồn cũng phải tôn trọng không để thiệt hại cho nước ta. Ðiều này chính quyền Việt Nam đã thiếu cương quyết trong ứng xử đối với các nước thượng nguồn, gây thiệt hại không ít cho vựa lúa của cả nước. Các nước trên thượng nguồn thì chỉ có Trung Quốc là đáng nói với một chuỗi 7 đập thủy điện trong đó có hai đập lớn là Manwan và Dashaoshan nằm trong tỉnh Vân Nam. Sau khi hoàn tất, chuỗi đập này có khả năng giữ lại 20% lượng nước và 30% lượng phù sa, ngược lại có thể đổ hàng trăm ngàn chất thải kỹ nghệ xuống hạ nguồn. Giữ lại 20% lượng nước là một điều tốt khi úng lụt. Nhưng chẳng may nếu vỡ đập hoặc có hiềm khích, Trung Quốc chỉ

việc mở cái rô-bi-nê này giữa mùa mưa thì cả cái đồng bằng Cửu Long sẽ thành tôm cá hết.

Nhà nước Việt Nam hẳn biết chuyện này nhưng vì thế chính trị chắc hẳn không cho phép nói chuyện tay đôi với anh hàng xóm khổng lồ. Ðiều này có lẽ chẳng làm ai ngạc nhiên khi ngay cả lãnh thổ và lãnh hải bị hớt ngang mà cả đầu đảng chẳng ai dám hó hé, huống hồ gì dám yêu sách trên những chuyện xảy ra trong lãnh thổ người ta.

***

Tuyên ngôn sông Mekong năm 1999 đã lên tiếng cảnh giác các nước Mekong về nguy cơ sẽ đến cho lưu vực và là tiếng chuông báo động cho các cơn hạn hán và lũ lụt ngày càng dữ dội. Phát triển là điều cần thiết nhưng phát triển phải là một tiến trình sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn phải bảo vệ quyền lợi cho tất cả dân cư đang cùng chia sẻ kho tài nguyên ấy không kể biên giới quốc gia.

 

Phan Kiến Quốc

10/2002

No comments:

Post a Comment