Ông Trần Văn Cừu. Ảnh: Đoàn Loan. |
Nhấn mạnh đến sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo địa phương trong vụ chìm tàu Dìn Ký nhưng ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Đường thủy nội địa cũng thừa nhận, cần nâng tiêu chuẩn an toàn khi đăng kiểm du thuyền, nhà hàng nổi.
>Hàng loạt sai phạm trong vụ chìm tàu Dìn Ký/ Buổi sinh nhật định mệnh trên nhà hàng nổi Dìn Ký
- Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân vụ chìm tàu Dìn Ký bước đầu được cơ quan chức năng đã đưa ra?
- Nguyên nhân chủ yếu gây chìm tàu là mưa dông, gió, trong khi tàu cao quá, trọng tâm cao nên khi gặp lốc xoáy thì dễ lật. Về mặt nghiệp vụ các chuyên gia nghi ngờ người điều khiển khi quay tàu trở lại đã bẻ lái gấp, nên dễ bị lật, song đây chỉ là phỏng đoán còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của Công an Bình Dương.
Ngoài ra, việc mở bến tàu không phép, người lái không có văn bằng, tàu hết hạn đăng kiểm 3 tháng đều là tác nhân gây tai nạn.
- Bến tàu du lịch Dìn Ký hoạt động không phép sau nhiều năm, nhiều ý kiến cho rằng do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, ông nghĩ sao?
- Không chỉ một bến này mà còn nhiều bến khác trên cả nước hoạt động trong tình trạng không phép. Tỉnh Bình Dương đã khẳng định vị trí đó không thể làm bến tàu vì có điểm nước xoáy và Cục Đường thủy nội địa cũng không cấp phép hoạt động cho bến này. Tháng 3, Công an Bình Dương đã đến xử lý, xử phạt 1,5 triệu đồng đối với chủ doanh nghiệp Dìn Ký và đình chỉ hoạt động. Do vậy, lỗi vi phạm chính thuộc về chủ bến và chủ phương tiện.
Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng cơ quan chức năng địa phương xử lý không kiên quyết dẫn đến chủ bến tái phạm. Nghị định 09 đã quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương để xảy ra tai nạn nghiêm trọng có thể bị truy tố.
Con tàu Dìn Ký sau khi được trục vớt. Ảnh: Nguyệt Triều. |
- Mức xử phạt hiện nay được đánh giá là thấp, không đủ sức răn đe người vi phạm. Là cơ quan tham mưu, Cục đã có đề xuất thế nào?
- Chế tài xử phạt theo nghị định 09 về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường thủy có nhiều mức xử phạt thấp, song nếu sửa đổi tăng mức phạt thì nhiều nhà quản lý vĩ mô lại lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Cục Đường thủy nội địa đã trình bản sửa đổi Nghị định lên Chính phủ song các ý kiến về mức xử phạt lại là vướng mắc lớn nhất nên chưa được thông qua.
- Người dân đang rất lo ngại về tình trạng mhiều tàu thuyền gỗ cơi nới, sửa chữa lại để kinh doanh du lịch, nhà hàng. Ông nói gì về tính an toàn của các tàu gỗ này?
Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các tỉnh thành tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, trọng tâm là vận chuyển khách du lịch bằng tàu gỗ, tàu du lịch nhiều tầng, nhà hàng nổi; cương quyết đình chỉ phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, người điều khiển không có bằng chứng chỉ chuyên môn, đình chỉ các bến khách không an toàn, hoạt động trái phép. |
- Tàu được cơi nới sửa chữa đều phải được đăng ký đăng kiểm. Nếu đảm bảo quy định của luật pháp, đủ điều kiện an toàn sẽ được lưu thông. Đương nhiên tàu gỗ thì trọng lượng nhỏ và có chiều cao thì mức ổn định sẽ kém hơn các tàu có trọng lượng lớn, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn hơn các tàu sắt. Theo tôi, cần hạn chế hoạt động của tàu gỗ.
Con tàu Dìn Ký vừa là du thuyền, vừa là nhà hàng ăn uống, khác với nhà nổi còn là nơi lưu trú. Thực tế, qua hai vụ tai nạn du thuyền ở Quảng Ninh và Bình Dương, tôi nhận thấy nguyên nhân tai nạn không phải do tiêu chuẩn kỹ thuật mà là do con người. Phương tiện đã hết đăng kiểm song vẫn cho hoạt động, người lái không có bằng vẫn lái tàu.
Năm 2010, qua kiểm tra, cả nước có 156.678 người lái có chứng chỉ chuyên môn trong số hơn 553.000 người lái tàu thuyền, chiếm 28%. Con số này cho thấy tỷ lệ người có văn bằng đạt thấp, phần lớn là lái tàu thuyền dưới 12 chỗ ngồi.
- Sau vụ tai nạn đường thủy tại Bình Dương, Cục đường thủy nội địa rút ra những kinh nghiệm gì?
- Qua 2 vụ tai nạn ở Hạ Long và Bình Dương, chúng ta cần tính đến tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Trước đây, hệ số an toàn từ 1,2 đến 1,5 song nay có thể sẽ nâng lên đến 2. Tuy nhiên, hệ số an toàn sẽ dẫn đến đầu tư đóng tàu sẽ cao hơn, đây là một vấn đề kinh tế xã hội lớn cần nghiên cứu kỹ.
Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn công tác gồm các cục vụ như đăng kiểm, đường thủy, an toàn giao thông… vào Bình Dương để kiểm tra. Sau đó, chúng tôi sẽ nhắc nhở các địa phương rút kinh nghiệm từ hai vụ việc trong quản lý nhà nước, an toàn phương tiện, bến thủy. Về lâu dài, Bộ sẽ kết hợp với Tổng cục Du lịch có văn bản quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn an toàn của các loại du thuyền, nhà nổi.
Ngày 17/2, tàu du lịch Trường Hải bị chìm tại vịnh Hạ Long làm 12 người chết, nguyên nhân là máy trưởng không đóng van ở ống thông sông lấy nước hai bên mạn tàu, khiến nước chảy vào khoang buồng máy. Ngày 20/5, tàu Dìn Ký gặp mưa dông, gió lớn trên sông Sài Gòn đã bị chìm, làm chết 16 người. Theo Cục Đường thủy nội địa, đến năm 2010, cả nước có 145.675 phương tiện đường thủy được đăng ký, đăng kiểm trong số 153.116 chiếc phải đăng ký đăng kiểm, chiếm 95%. Riêng năm 2009, cả nước đóng mới 20.931 tàu thuyền. Năm 2010, cả nước đóng mới 4.047 tàu thuyền. |
Đoàn Loan thực hiện
No comments:
Post a Comment