Thứ năm, 05/05/2011 08:32 | ||
Đến nay, biện pháp cứu mũi Cà Mau vẫn chờ Bộ Khoa học và Công nghệ (CATP) Nhắc đến mũi Cà Mau, người dân cả nước ví như "mũi tàu của Tổ quốc". Hàng năm, mũi vươn ra biển hàng trăm mét. Thế nhưng gần đây, mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện các cơ quan ban ngành khẩn trương tìm cách cứu mũi Cà Mau. MỖI NĂM MẤT 930 HÉCTA ĐẤT Thông tin mũi Cà Mau có nguy cơ "biến mất" làm nhiều người bàng hoàng. Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cà Mau liên tục nhận được điện thoại của chuyên gia khắp cả nước chia sẻ những ý kiến nhằm bảo vệ mũi Cà Mau. Những đoàn khách đến tham quan xót xa nhìn những đợt sóng như đang nuốt dần mũi Cà Mau. Từ lâu, mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở cuối cùng phía nam của Tổ quốc (thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), cách TP. Cà Mau hơn 100km. Nơi đây, thu hút khá nhiều khách du lịch tham quan thăm cột mốc tọa độ quốc gia. Những ngày đến tham quan mũi Cà Mau, họ như được hòa mình với rừng xanh và biển bao la của Tổ quốc. Tỉnh Cà Mau lập Khu du lịch Đất Mũi thu hút khách tham quan. Vùng bãi bồi phía tây Vườn quốc gia mũi Cà Mau có tổng diện tích hơn 6.500 hécta vẫn tiếp tục lấn biển. Nơi đây phát triển nhiều loài thủy sinh quý. Theo đánh giá của Unesco, mũi Cà Mau thể hiện sự liên kết các hệ sinh thái ở những vùng phù sa mới. Giá trị bảo tồn của mũi Cà Mau còn thể hiện ở vai trò là nơi tiếp giáp giữa rừng đước, rừng tràm. Unesco cho rằng, Cà Mau cần có kế hoạch phát triển bền vững khu vực này với trọng tâm là du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa... Bà Đoàn Thanh, Việt kiều Đức tâm sự: "Những lần về nước, gia đình tôi tìm đến mũi Cà Mau du lịch. Khung cảnh hoang sơ, hữu tình ghi đậm dấu ấn của gia đình tôi. Thiên nhiên, con người mũi Cà Mau tạo cho tôi về hình ảnh làng quê Việt Nam quá thân thương, gần gũi. Mũi Cà Mau bị mất là một thiệt thòi lớn đối với du khách". Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia mũi Cà Mau bức xúc: "Nhiều đoàn khách đến Khu du lịch mũi Cà Mau cảm thấy bức xúc trước những tác động thiếu khoa học, trái với qui luật phát triển. Diện tích rừng mũi Cà Mau giảm dần, nhiều công trình xây dựng dở dang, diện tích rừng bị thu hẹp, trữ lượng rừng giảm". Theo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở mũi Cà Mau nhanh có nguyên nhân. Con kinh đào thông ra chân Vọng Hải đài làm cho sóng vỗ mặt mũi Cà Mau. Một mảng rừng rạch mũi bị sóng đánh làm hở sườn mũi Cà Mau. Mũi Cà Mau chịu tác động hỗn hợp chế độ triều biển Đông, chế độ triều Vịnh Thái Lan. Địa chất mũi Cà Mau nền yếu, thiếu ổn định, mới bồi lắng nên dễ bị tác động, sạt lở nhanh. Đặc biệt, biến đổi khí hậu rất rõ, rất nhanh tác động đến mũi Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau xây dựng bờ kè chống sạt lở mũi Cà Mau nhưng hiệu quả không cao CỨU MŨI CÀ MAU BẰNG CÁCH NÀO? Thực trạng sạt lở ở mũi Cà Mau diễn ra nhiều năm trước. Tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa sạt lở nhưng hiệu quả không cao. Nhiều công trình, dự án chống sạt lở xây dựng chưa xong đã bị sóng biển cuốn trôi mất. Điển hình năm 2007, sóng biển đe dọa một số công trình Khu du lịch mũi Cà Mau. Tỉnh tiến hành xây dựng bờ kè mũi Cà Mau nhưng đến nay chỉ khoảng 20% khối lượng công trình hoàn thành. Một số đoạn của bờ kè đã bị sóng biển cuốn trôi mất. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau đề nghị: "Công trình xây dựng bảo vệ mũi Cà Mau cần tiến hành khẩn cấp. Trước mắt, thi công rọ đá những điểm sạt lở ăn sâu vào đất liền, đe dọa các công trình xây dựng Khu du lịch mũi Cà Mau. Đồng thời, thi công kè chắn sóng, tạo bãi khu vực mũi Cà Mau. Việc khảo sát địa chất, thủy triều, dòng chảy mũi Cà Mau để thiết kế chiều dài cọc, quy mô, vị trí...". Trước thực trạng trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chuyến khảo sát, làm việc với UBND tỉnh Cà Mau. Tỉnh Cà Mau đề xuất phương án "cứu" mũi Cà Mau bằng cách, thay đổi thiết kế, xây dựng kè hai hàng cọc bêtông, bỏ đá hộc ở giữa, bơm cát vào trong để tạo bãi bồi, trồng rừng. Ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, bờ kè thân thiện với môi trường, tạo bãi bồi cách xa khu du lịch có nhiệm vụ chắn sóng. Phía sau, bơm cát tạo bãi trồng cây mắm gây dãy rừng phòng hộ, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa quyết định giải pháp trên mà giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, các chuyên gia của Viện Khoa học và Thủy lợi nghiên cứu cơ chế hình thành phát triển vùng bồi tụ ven bờ để tìm giải pháp chống sạt lở ở mũi Cà Mau. Chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm mũi Cà Mau chịu những đợt sóng biển tấn công. Thế nhưng, giải pháp cứu mũi Cà Mau vẫn chờ... ý kiến của các nhà khoa học. | ||
Bài, ảnh: THIỆN THẢO |
Wednesday, May 4, 2011
Khẩn cấp cứu Mũi Cà Mau !
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment