Tin cho hay nhiều công ty Việt Nam phải ngừng sản xuất chế biến hải sản vì thiếu nguyên liệu do thương nhân Trung Quốc 'vét hàng'.
Cùng lúc có tin Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 ra các vùng biển tranh chấp ở Đông Nam Á.Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết "nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang phải tạm ngưng sản xuất mặt hàng này hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu sản xuất".
"Nguyên nhân do các thương nhân Trung Quốc sang tận nơi mua hải sản mà ngư dân đánh bắt về."
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, được báo này dẫn lời nói từ đầu năm đến nay đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến và xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác.
VASEP nói đang có tình trạng thương nhân Trung Quốc "tranh giành, đón mua" tại các cảng cá hoặc thậm chí ngay tận ngoài biển.
Một lý do khác khiến lượng hải sản đánh bắt được ít đi, là do Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cho tới tận 01/08 tại các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, trong có nhiều vùng biển mà Việt Nam cũng nói là của mình.
Hàng năm Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt, năm sau dài hơn năm trước, với mục đích được nói là để "bảo vệ nguồn hải sản".
Ngư dân Việt Nam thì than phiền rằng họ không dám ra khơi vì lo ngại rằng theo lệnh cấm này, nếu bị bắt họ sẽ bị kiểm ngư Trung Quốc tịch thu tài sản hoặc phạt vạ.
Nguồn hải sản cạn kiện
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng nói trên báo Tuổi Trẻ rằng "nhiều vùng đánh bắt đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn hải sản".Giới chức Việt Nam đang kêu gọi tạo điều kiện cho ngư dân ra đánh cá xa bờ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, cũng trên Tuổi Trẻ, cho hay đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm.
Bảo đảm an toàn cho ngư dân là vấn đề đau đầu cho chính phủ, vì ngày càng nhiều thuyền cá của Việt Nam "gặp nạn" khi đánh bắt ở các vùng biển xa.
Hàng nghìn ngư dân bị nước ngoài bắt mỗi năm, khi hoạt động trong các vùng biển chồng lấn.
Hồi đầu tháng, thực trạng này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhắc tới tại một diễn đàn an ninh tại Singapore.
Ông Thanh thừa nhận đã có một số vụ ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài, "nhưng cũng có những vụ ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam".
"Để xử lý, chúng ta cần ứng xử bằng luật pháp quốc tế, một cách láng giềng, hữu nghị và nhân đạo, không xâm phạm thân thể và vật chất của ngư dân."
Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bố áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.
"Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế."
Tin hôm 16/6 cho hay Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 đi qua Biển Đông để đến Singapore trong bối cảnh căng thẳng vẫn còn cao trong vùng.
Phía Trung Quốc nói chiếc tàu hải giám thuộc loại lớn nhất của nước này, có cả bãi đỗ cho trực thăng, sẽ "tuần tra, giám sát các tuyến hàng hải trong biển Nam Hải".
Dự kiến tàu sẽ tới Singapore vào ngày 23/6, chỉ vài hôm trước khi Hoa Kỳ và Philippines dự kiến có cuộc tập trận CARAT, trước khi quay trở về Trung Quốc.
Báo chí nước ngoài theo dõi câu chuyện cho hay tàu Hải Tuần 31 sẽ đi ngang vùng Trường Sa đang bị nhiều bên tranh chấp.
No comments:
Post a Comment