Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm nay tuyên bố sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự khắp Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác quốc phòng với các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam.
> Mỹ không dễ 'buông' Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2011 ở Singapore. Ảnh: AFP. |
Tuyên bố của ông Gates được đưa ra trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La, đang diễn ra tại Singapore. Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, bất chấp nguy cơ bị cắt giảm ngân sách về quốc phòng và chưa giải quyết xong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Mỹ sẽ vẫn mở rộng sự có mặt của quân đội trên khắp vùng Thái Bình Dương.
Theo đó sẽ có thêm những chiến hạm mới và công nghệ an ninh của Mỹ được triển khai nhằm bảo vệ các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển trong khu vực. Ông Gates khẳng định vấn đề ngân sách sẽ không ảnh hưởng tới chính sách này và tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước châu Á ngày càng lo ngại về sự mở rộng của quân đội Trung Quốc.
"Mỹ và châu Á sẽ càng trở thành mối quan hệ không thể tách rời trong thế kỷ này. Thực tế trên sẽ giúp giữ vững những cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh, trong khi vẫn duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và tư thế răn đe trên khắp vùng vành đai Thái Bình Dương", BBC dẫn bài phát biểu của ông Gates.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm: "Trong những năm tới, quân đội Mỹ cũng sẽ tăng cường thăm các cảng biển, đẩy mạnh hoạt động của hải quân và nỗ lực huấn luyện đa phương với nhiều nước trên toàn khu vực. Những hoạt động này không chỉ mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước bạn bè và đồng minh, mà còn giúp xây dựng năng lực chung để đối phó với các thách thức trong khu vực".
Bộ trưởng Robert Gates trong bài phát biểu được chờ đợi cũng nhắc lại thất bại lịch sử của cuộc can thiệp quân sự Mỹ vào Việt Nam trong những năm đầu sự nghiệp của ông trước đây, vốn được khởi sự từ công việc trong Cục tình báo trung ương CIA năm 1966. Theo ông những gì xảy ra sau đó đã cho nước Mỹ một bài học.
"Trái ngược với các dự đoán, sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam không có nghĩa là chấm dứt sự hiện diện của chúng tôi tại châu Á. Trên thực tế, như tôi đã đề cập từ trước, chúng tôi đã theo đuổi một mối quan hệ mới với Trung Quốc và đang mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng trong khu vực, bao gồm Việt Nam", ông Gates nhấn mạnh.
Chiến hạm USS John S. McCain của Mỹ thăm cảng Đà Nẵng năm 2010. Ảnh: US Navy. |
Ông chủ Lầu Năm Góc nêu rõ mối quan hệ quân sự của Mỹ với các đồng minh truyền thống là Nhật và Hàn Quốc sẽ được hiện đại hoá, trong khi quan hệ đối tác với Singapore và Australia được tăng cường. Cụ thể Mỹ và Australia sẽ phối hợp hải quân trong khu vực để ứng phó nhanh với các thảm hoạ nhân đạo, đồng thời mở rộng huấn luyện chung với Singapore nhằm đối phó với các thách thức mà quân đội hai nước cùng đối mặt tại Thái Bình Dương.
Đặc biệt, Mỹ sẽ triển khai tới Singapore một loại chiến hạm mới được phát triển chuyên hoạt động ở khu vực gần bờ. Loại tàu cơ động này có trọng tải nhỏ hơn so với chiến hạm thông thường chuyên chiến đấu ngoài biển khơi. Chúng sẽ không đóng thường trực tại Singapore mà hoạt động tại quốc đảo Đông Nam Á này theo từng dịp khác nhau.
Ông Robert Gates dự kiến sẽ nghỉ hưu và chuyển giao ghế bộ trưởng quốc phòng cho ông Leon Panetta, đương kim giám đốc CIA, vào cuối tháng này. Phiên họp về việc phê chuẩn chức vụ mới cho Panetta của Thượng viện Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 9/6 tới. Đây là lần thứ 7 ông Gates có mặt tại khu vực châu Á trong vòng 18 tháng qua và lần cuối cùng ông dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La.
Giai đoạn lãnh đạo Lầu Năm Góc trong hơn 4 năm rưỡi qua của ông Gates sẽ được nhớ đến với những thay đổi liên tục trong quan hệ quân sự Mỹ và Trung Quốc, vốn được ông luôn coi là vấn đề ưu tiên. Bắc Kinh và Washington đang cải thiện các đối thoại về quân sự nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết.
Đình Nguyễn
No comments:
Post a Comment