Giấu đầu hở đuôi
Điều mỉa mai là trong khi hô hào thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, chính Đảng Cộng sản đã không tôn trọng Di chúc đó. Đây không phải là lời buộc tội suông, mà căn cứ vào tài liệu chính thức do Đảng Cộng sản Việt Nam công bố.
Cách đây hơn hai năm, thấy trên mạng Đảng Cộng sản có hai Di chúc của Hồ Chí Minh, khác nhau về nội dung và thời gian viết. Trong bài trên talawas vào ngày 19 tháng 5, 2007, tôi đã trình bày rằng: Di chúc Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản công bố năm 1969, không nói tới hỏa táng thi thể, đề ngày viết 10 tháng 5 năm 1965 là di chúc giả (tạm gọi Di chúc 1), và di chúc đề ngày viết là 15 tháng 5 năm 1965, nói ý muốn hỏa táng, được cho lên báo điện tử Đảng Cộng sản ngày 9 tháng 7 năm 2005, là di chúc thật (tạm gọi Di chúc 2). Lập luận của tôi dựa trên 2 yếu tố: Suy đoán và bằng chứng. Trước hết, hai di chúc khác nhau quan trọng, đề ngày viết cách nhau có 5 ngày, trong cùng tháng, cùng năm. Thay đổi di chúc là chuyện thường. Nhưng ở tuổi 75, chỉ trong 5 ngày viết hai di chúc khác nhau, là chuyện không thường. Dầu sao, đây chỉ là suy luận, có thể bỏ qua. Bên cạnh đó, là bằng chứng:
Trong Di chúc 1, Hồ Chí Minh viết: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi”. Theo tài liệu chính thức, tác giả di chúc sinh năm 1890. Như vậy, nếu đúng viết vào ngày 10-5-1965, tác giả chỉ mới 75 tuổi, thay vì 79. Di chúc 2, viết rõ là “Nhân dịp mừng 75 tuổi”, và “Nǎm nay, tôi đã 75 tuổi”, đề ngày viết là 15 tháng 5 năm 1965 – viết sau Di chúc 1 có 5 ngày, và trẻ hơn 4 năm! Tuổi của người viết và ngày viết trùng hợp, nên có thể tin được.
Viết bài kể trên xong, tôi gửi cho talawas vào khoảng giữa tháng 5, 2007. Sau khi kiểm chứng lại trên mạng điện tử Đảng Cộng sản, talawas trả lời lập luận của tôi thiếu cơ sở, vì Di chúc 1 đề ngày viết là “10 tháng 5 năm 1969”, không phải “10 tháng 5 năm 1965”. Tôi kiểm chứng lại, thấy đúng như thế. Vậy, một là tôi đã nhìn gà hóa cuốc, thấy 1969 tưởng là 1965, rồi kết luận bừa và viết bậy. Hai là tình cờ hay vì nguyên do nào đó, Đảng Cộng sản đã cho đổi con số 5 thành số 9, biến “1965” thành “1969” cho hợp với “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi” trong Di chúc 1, trước khi bài của tôi được lên mạng talawas. Tuy nhiên, trước khi chịu thua và yêu cầu bỏ bài viết, tôi vẫn cố tìm trên mạng xem có đúng mình lầm không, có chỗ nào còn sót lại Di chúc 1 đề năm 1965 không. Không mất nhiều công lắm, tôi đã tìm thấy nó trên Website Thành Đoàn Thanh niên Hồ Chí Minh, ngày thứ Năm 17-5-2007 (hồi 10:26PM ngày Thứ Tư 16-5-2007, giờ miền Đông Hoa Kỳ). Vài ngày sau khi bài của tôi xuất hiện trên talawas, thấy Di chúc 1 vẫn còn giữ nguyên năm viết là 1965. Nhưng khoảng đầu tháng 6, 2007, tôi coi lại, thấy năm 1965 của Di chúc 1 trên mạng Thành Đoàn đã đổi thành 1969, giống như trên mạng Đảng Cộng sản. Sự thay đổi này đã được làm ém nhẹm, không giải thích, cũng không xin lỗi. Đây là một bằng chứng về sự lem nhem của Đảng đối với Di chúc HCM.
Kể cũng lạ. Di chúc 1 được Bộ Chính trị công bố từ năm 1969. Cho đến năm 2007 là 38 năm. Suốt thời gian dài như vậy, mà sự không phù hợp giữa tuổi người viết, và năm viết Di chúc, vẫn chẳng ai để ý, kể cả có người chọn đề tài về Di chúc Hồ Chủ tịch để viết luận án tiến sĩ.
Ngày 30 tháng Tám 2009, thấy trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, có mục “40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tôi mở xem Đảng còn làm gì thêm với Di chúc Hồ Chí Minh.
Trong mục này, Đảng công bố 5 văn kiện, tạm gọi là các bản A, B, C, D, và E theo thứ tự do báo Đảng xếp đặt từ trên xuống:
A- Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969
09:35 | 03/07/2009
http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=347008
B- Bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa năm 1969
16:28 | 16/06/2009
http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=345439
C- Bản “Tuyệt đối bí mật” – Di chúc Bác sửa chữa năm 1968
15:31 | 11/06/2009
http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=344970
D- Bản Di chúc của Bác viết năm 1965
12:53 | 09/06/2009
http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=344472
E- Quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
16:04 | 01/06/2009
http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340579&cn_id=343233
Đúng như có người đã nói: Ai cũng có thể nói dối, nhưng giữ cho điều dối trá không bị lộ tẩy, thì chỉ những người cực kỳ thông minh mới làm được. Qua chuyện lem nhem dối trá về Di chúc Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ trình độ thông minh của Đảng Cộng sản Việt Nam tới mức nào.
Văn kiện A, là Di chúc 1, đã thay đổi ngày viết từ 10 tháng 5, 1965 thành 10 tháng 5, 1969 như đã trình bày, và tôi đã cho là giả. Có lẽ Đảng nghĩ rằng, vẫn giữ nguyên ngày 10 tháng 5, và chỉ cần âm thầm thay năm viết “1965” thành “1969” cho phù hợp với câu “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi”, là đủ để lừa mọi người. Nhưng chính tài liệu của Đảng đã chứng minh sự lem nhem dối trá của mình.
Văn kiện B. Vì không còn che đậy nổi việc sửa chữa Di chúc, Đảng dùng văn kiện này để chứng minh chính Hồ Chí Minh sửa chữa vào năm 1969. Cùng với phần sửa chữa, văn kiện này còn kèm theo cả lịch trình sửa chữa. Đọc phần này, thấy Hồ Chí Minh bắt đầu sửa chữa Di chúc từ ngày 10 tháng 5, 1969, cho đến 19 tháng 5, ngày nào cũng viết thêm hoặc sửa chữa. Ngày 19 tháng 5, sửa toàn thể, coi như công việc chấm dứt. Xin đọc nguyên văn (do tôi nhấn mạnh) được ghi như sau:
Ngày 19-5, từ 9h đến 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi.
Nếu ghi chép trên đây không phải chuyện bịa, thì Hồ Chí Minh đã có một di chúc được viết, sửa chữa, xem lại toàn thể lần cuối, rồi xếp vào phong bì cất đi ngày 19 tháng 5, năm 1969; Sinh nhật cuối cùng trước khi qua đời hơn ba tháng sau. Nhưng bản Di chúc Đảng bảo là chính thức hiện nay, đề ngày 10 tháng 5, (trước là 10 tháng 5, 1965, rồi từ 2007 đổi thành 10 tháng 5, 1969). Như vậy, bản di chúc đã được HCM sửa chữa, xem lại cẩn thận và cất đi ngày 19 tháng 5, 1969 hiện nay ở đâu? Tại sao công bố Di chúc đề ngày 10 tháng 5, là thời gian trước khi sửa chữa, mà gọi là Di chúc chính thức đã được Chủ tịch sửa chữa?
Văn kiện C, tuy mang tên “Bản ‘Tuyệt đối bí mật’ – Di chúc Bác sửa chữa năm 1968”, nhưng lại mở đầu bằng “Năm 1969”, như sau:
(ĐCSVN) – Năm 1969, từ các ngày 1-15/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lại và viết lại Tuyệt đối bí mật (Di chúc).
Tuy nhiên, đọc hết văn kiện C, thấy đây là Di chúc được sửa chữa dở dang vào năm 1968, không phải 1969, hợp với tuổi người viết: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi”. Cũng như Di chúc 1965 sẽ nói sau, Di chúc này yêu cầu thi hài được hỏa táng, rồi:
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Văn kiện này cũng ghi lại lịch trình sửa Di chúc, với ngày 19 tháng 5 được ghi nguyên văn như sau:
Ngày 19-5, tại nhà nghỉ Hồ Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật một số cán bộ đến chúc thọ Người. Từ 9h sáng đến đến 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung và sửa chữa bản Di chúc.
Sau ngày 19 tháng 5, không có chi tiết nào nói Di chúc đã sửa xong, hay sửa thêm trong năm 1968.
Văn kiện D là Di chúc 2 đã nhắc tới trước đây, đề ngày viết là 15 tháng 5, 1965, với hình chụp nói là bản do chính HCM đánh máy, có chứng kiến ký tên là “Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương”. Ở phần “Về việc riêng”, Di chúc này viết:
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”…
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn…
Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.
Di chúc này được Đảng cho là hoàn chỉnh nhất, viết vào Sinh nhật thứ 75, và hợp với tuổi chính thức của Hồ Chí Minh lúc ấy là 75 tuổi, cũng như là di chúc duy nhất có người chứng ký tên, có vẻ khả tín hơn cả. Trong bài viết trước, tôi đã cho rằng đây là Di chúc thật. Tuy nhiên, nay xem văn kiện D này, cũng có vài thắc mắc:
Theo lịch trình làm việc, Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc này vào 10 tháng 5, xong ngày 14 tháng 5, 1965, đề ngày 15 tháng 5, 1965. Vẫn theo lịch trình, Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Trung Quốc ngày 15 tháng 5, 1965. Thắc mắc là Di chúc viết xong ngày 14 tháng 5, tại sao không đề đúng ngày, mà đề ngày hôm sau, là ngày lên đường ra ngoại quốc? Bên trên chữ ký Hồ Chí Minh, có đề “Hà Nội, ngày 15 tháng 5 nǎm 1965”. Gần chữ ký Lê Duẩn, không có đề ngày, không hiểu Lê Duẩn chứng kiến vào lúc nào?
Lá mặt lá trái
Văn kiện E: Đúng như tên gọi của nó, văn kiện này là tổng kết quá trình viết Di chúc của Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 10 tháng 5, 1965, và hoàn tất vào ngày 19 tháng 5, 1969. Sau khi hoàn tất bản Di chúc đề ngày 15 tháng 5, 1965, Hồ Chí Minh không viết lại hay sửa chữa trong hai năm 1966 và 1967. Di chúc được viết thêm, sửa chữa từ 10 đến 19 tháng 5, 1968, nhưng chưa hoàn tất. Năm cuối cùng trong đời Hồ Chí Minh là năm 1969, Di chúc đã được sửa, đọc lại toàn thể, xong và cất đi ngày 19 tháng 5, 1969. Văn kiện này xác nhận một lần nữa, nguyên văn:
Ngày 19-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi.
Vậy, xin hỏi một lần nữa: Cái Di chúc Hồ Chí Minh sửa chữa, xem lại lần cuối và bỏ vào phong bì cất đi ngày 19 tháng 5, 1969, hiện nay ở đâu?
Chính trong văn kiện tổng kết này, Đảng Cộng sản đã lớn tiếng ca tụng giá trị của Di chúc:
Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì tổ quốc và nhân loại.
Trong khi đề cao giá trị của Di chúc, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng tay sửa nội dung, đổi ngày viết, và phũ phàng hành động ngược hẳn với nguyện vọng người quá cố. Thay vì hỏa táng, đã phung phí xây Lăng bảo tồn thi hài, là thí dụ rõ ràng nhất.
Đảng Cộng sản Việt Nam trả lời thế nào về hành động đó của mình?Ðinh Từ Thức
Trong phần (1), tôi đã nêu ra một số bằng chứng về việc: Một mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam mở cuộc vận động thi đua thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh; mặt khác, chính họ đã sửa chữa, thay đổi, và làm ngược một số điểm trong nội dung Di chúc.
Phần này ghi lại trả lời của Bộ Chính trị liên hệ tới Di chúc và ngày qua đời của Hồ Chí Minh, kèm theo nhận xét của người viết.
Thông báo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Gần đây, do một vụ “lời qua tiếng lại” giữa tác giả Lữ Phương qua Viet-Studies và tờ Công an Nhân dân về Di chúc Hồ Chí Minh, tôi được biết tới “Thông báo của Bộ Chính trị về một số vấn đề liên quan đến di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, còn được gọi là “thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị”, do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký. Tôi đã đọc thông báo này trên Website của “Đảng ủy” Đại học Vinh ngày 11 tháng 4, 2009, phần Tin tức – Sự kiện.
Thông báo của Bộ Chính trị gồm 4 phần, được công bố cách đây 20 năm. Phần đầu kể lại quá trình viết Di chúc của Hồ Chí Minh từ năm 1965 đến năm 1969 như đã trình bày trong phần (1) của bài này, nên không cần thiết nhắc lại ở đây.
Phần 2: “Về bản Di chúc đã được công bố chính thức tháng 9-1969 sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời”. Trong phần này, Bộ Chính trị thừa nhận những điểm quan trọng sau đây (người viết tô đậm để nhấn mạnh một số chữ):
- Đoạn mở đầu lấy nguyên văn toàn bộ đoạn mở đầu Bác viết năm 1969, thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965.
- Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới và nguyên văn bản Bác viết năm 1965.
- Đoạn “về việc riêng”, (…) Bản Di chúc đã công bố lấy nguyên văn đoạn Bác viết về bản thân năm 1968, trừ đoạn nói về hỏa táng.
- Đoạn cuối, từ chữ “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu…” cho đến hết là nguyên văn đoạn Bác viết năm 1965.
- Trong bản Di chúc đã công bố, các đoạn đều lấy nguyên văn bản gốc, chỉ có một câu có sửa lại.
Đến đây, có thể hiểu tại sao Di chúc chính thức công bố năm 1969, lúc đầu đề năm viết là 1965, mà phần đầu Di chúc viết “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi”. Đó là vì Bộ Chính trị đã lấy phần đầu viết năm 1969, ghép với phần giữa và cuối của bản di chúc hoàn chỉnh có người chứng, viết năm 1965, sau khi đã bỏ đi phần nói về hỏa táng và sửa một câu. Rồi 38 năm sau, đến khi thấy sự vô lý giữa tuổi và năm viết, đã tự ý đổi 1965 thành 1969, không cần giải thích hoặc xin lỗi.
Phần 3: Bộ Chính trị đã đưa ra những lập luận để bênh vực việc làm của mình. Người viết đánh số mỗi lập luận cho dễ phân biệt (chữ đứng), và kèm theo nhận xét (chữ nghiêng).
Trước hết, Thông báo viết: “3. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Một di chúc đã bị ghép phần này với phần kia, bịa ngày viết, đổi năm viết, thêm bớt làm thay đổi nội dung, rồi kẻ làm những việc phi pháp này long trọng “bảo đảm” nó “trung thành với bản gốc”, chẳng khác gì kẻ thề gian trước tòa.
3.1 – “Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.”
Nếu Bộ Chính trị chọn Di chúc viết năm 1965, đề ngày 15 tháng 5, 1965, với toàn thể nội dung, không thêm bớt, để công bố là Di chúc chính thức, thì đúng là việc làm đúng đắn, và đáng lẽ phải làm như vậy. Nhưng Di chúc công bố chính thức đã bị thay đổi nhiều, nên là việc làm không đúng đắn. Làm một việc gian trá, mà tự nhận đúng đắn, là mưu toan lường gạt.
3.2 – “Lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965 là hoàn toàn hợp lý vì Bác qua đời năm 1969, và nội dung bản viết năm 1969 cũng phong phú hơn.”
Tự ý chắp nối, làm sai lạc nội dung Di chúc một người đã qua đời, chẳng những không hợp lý, còn không hợp pháp. Không cần biết bản nào phong phú hơn.
3.3 – “Đoạn ‘về việc riêng’, bổ sung thêm phần Bác viết năm 1968 vào bản Bác viết năm 1965 là rất cần thiết, để phản ánh được cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân vì nước của Bác.
Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn.”
Việc chắp nối Di chúc “là rất cần thiết” cho ai? Người đã chết không còn cần thiết. Vậy, việc chắp nối “là rất cần thiết” cho người sống, là Bộ Chính trị. Thay đổi di chúc của người chết để làm lợi cho mình, là phản bội người chết, và phạm tội trước pháp luật. Di chúc phản ảnh ước vọng cuối cùng của một người, không phải tài liệu tuyên truyền “để phản ánh được cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng”. Biến di chúc thành tài liệu tuyên truyền là một lần nữa, phản bội người chết.
Ai yêu mến người nào, đều muốn nguyện vọng người đó sớm thành sự thực. Nếu người dân yêu mến Hồ Chí Minh, thì đương nhiên họ muốn nguyện vọng hỏa táng của Hồ Chí Minh được thể hiện. Bộ Chính trị căn cứ vào đâu để nói không hỏa táng là “thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân”? Nói về người khác điều mình không biết rõ, là bịa đặt đáng xấu hổ.
Lý do đưa ra là cần giữ thi hài lâu dài để đồng bào cả nước có cơ hội thăm viếng. Điều này có thể nghe được trước năm 1975. Đất nước đã thống nhất, người dân cả nước đã có thể viếng thi hài Hồ Chí Minh trong hơn ba chục năm qua. Tại sao điều trái ngược với Di chúc và không còn lý do vẫn tiếp tục tồn tại?
Chúng ta “đã xin phép Bác” được làm khác lời Bác dặn! Lời phát biểu này giống hệt tác phong của bọn thảo khấu ngoài vòng pháp luật. Chúng thường vào chùa, “xin phép thần thánh”, rồi ngang nhiên bê cỗ cúng xuống ăn. Chẳng cần biết có được phép hay không!
3.4 – “Việc chưa công bố một số đoạn viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn, đó là vì năm 1969 khi Bác qua đời, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang gay go, ác liệt, chúng ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nên việc công bố những đoạn văn nói trên lúc ấy là chưa thích hợp.
Mặt khác, có một số câu Bác viết rồi lại xóa, hình như Bác đang cân nhắc, chưa coi là đã xong hẳn, chưa thật rõ ý Bác là thế nào. Vì vậy sau khi Bác qua đời chưa thể đưa vào bản Di chúc công bố chính thức bấy giờ.”
Di chúc của một người, chỉ họp lý khi giữ bí mật lúc còn sống. Khi chết, là phải được công bố, trừ phi đó là ý nguyện của người chết muốn giữ trong phạm vi gia đình. Nói đến chuyện “thích hợp” hay không, là người sống muốn sử dụng di chúc có lợi cho mình. Và như thế là không trung thành với người chết.
Khi người chết để lại một di chúc hoàn chỉnh và hợp pháp, thì người sống phải tôn trọng và luật pháp phải bảo vệ toàn thể di chúc đó. Chỗ nào không hiểu, hay có tranh cãi về việc giải thích, thì phải nhờ tư pháp phân xử. Không có chuyện tự ý cân nhắc để thêm vào chỗ nọ, bớt đi chỗ kia.
3.5 – “Khi Bác mất, cuộc kháng chiến còn đang diễn ra rất khó khăn và ác liệt, vì vậy Bộ Chính trị đã quyết định sửa lại mấy chữ trong câu sau đây của Bác: ‘Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa’ thành ‘Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài’.”
Cuộc chiến kéo dài lâu mau là chuyện của người sống. Sửa di chúc của người chết cho phù hợp với tầm nhìn hay cách nói của người sống, là làm bậy. Không tôn trọng người chết.
3.6 – “Về việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Nay mặc dù tình hình kinh tế – xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) thấy cần có kế hoạch thực hiện điều mong muốn ấy của Bác. Bộ Chính trị giao cho Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội thực hiện việc này.
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) dự định đến một thời điểm thích hợp sẽ công bố những điều chưa được công bố trong các bản viết Di chúc của Bác. Nay, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Trong bản thảo Di chúc năm 1968, Hồ Chí Minh viết nguyên văn: “Trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Khi chắp nối Di chúc, Bộ Chính trị chỉ lựa chọn những gì có lợi cho mình. Còn những gì có lợi cho dân nghèo như đoạn này thì bỏ qua. Đó là việc làm đáng trách, và đáng khinh.
Theo lịch trình viết Di chúc của HCM đã được Đảng công bố chi tiết, ngày chót Hồ Chí Minh duyệt lại toàn thể Di chúc, hoàn thành công việc viết và sửa chữa, là ngày 19 tháng 5, 1969. Cho đến nay, Di chúc chính thức do Đảng công bố năm 1969, lúc đầu đề ngày 10 tháng 5, 1965, từ giữa năm 2007 đổi thành 10 tháng 5, 1969, và các di chúc liên hệ, vẫn chưa có bản nào đề ngày 19 tháng 5, 1969. Điều này cho phép phỏng đoán rằng Bộ Chính trị vẫn chưa công bố toàn bộ Di chúc Hồ Chí Minh.
Phần 4: Về ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị viết nguyên văn:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày Quốc khánh của nước ta. Để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 3-9-1969. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) cho rằng nay cần công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.”
Thay đổi, sửa nát bấy Di chúc, tráo cả ngày chết từ mùng 2 sang mùng 3, đánh lừa nhân dân về ngày giỗ Bác hàng chục năm, trong khi hô hào toàn đảng toàn dân thi đua làm theo Di chúc Bác. Hình như không có chữ nào chính xác hơn hai chữ “bịp bợm” để chỉ việc làm này.
Các Tổng thống John Adams và Thomas Jefferson được coi là có vinh dự cùng qua đời vào ngày Quốc khánh thứ 50 của Hoa Kỳ, 4 tháng 7, 1826. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đúng ngày Quốc khánh thứ 24 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng bị Bộ Chính trị không cho hưởng vinh dự chết vào ngày sinh của chế độ. Bắt phải “chính thức” chết vào hôm sau! Rồi cả chục năm sau, lại cho chết chính thức vào ngày chính thức chết!
Điều quái gở là Bộ Chính trị đã làm những việc ngược ngạo như trên, trong khi đề cao khẩu hiệu “văn minh”. Chẳng những không hề tạ lỗi người chết, xin đồng bào tha thứ, còn vỗ ngực cho là mình làm… đúng!
Giải pháp cho mọi phía
Bản tin VOA ngày 31 tháng 8 có mấy đoạn nguyên văn như sau:
Giới trẻ Việt Nam không có thời giờ nhớ tới ông Hồ Chí Minh, mặc dù chính quyền cộng sản đang ra sức tuyên truyền về nhà lãnh đạo này trước ngày giỗ thứ 40 của ông.
Tường thuật hôm thứ Hai của hãng thông tấn Pháp cho biết: trong lúc các loa phóng thanh trên đường phố Hà Nội nói tới ’sự hy sinh to lớn của một nhà cách mạng với tấm gương đạo đức sáng chói là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc’, thì chính người đọc thông điệp đó cũng thừa nhận là ‘rất ít người nghe’.
Bài tường thuật trích lời nhiều người trong giới trẻ, chiếm hơn phân nửa dân số Việt Nam hiện nay, nói rằng họ không có thời giờ để nghe những gì mà chính phủ nói về ông Hồ.
Một người bán hàng ở Hà Nội cho biết rằng chiến dịch noi gương đạo đức Hồ chí Minh mà chính quyền phát động chỉ là một trò lố bịch và không mang lại lợi ích gì cho người dân.
Nói gọn: Đã đến lúc “lá bùa Hồ Chí Minh” có vẻ hết hiệu nghiệm. Xin nêu một giải pháp ổn thỏa cho mọi người:
Hô hào thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, mà có điều quan trọng nhất, Đảng cầm quyền làm ngược lại, là thay vì hỏa táng theo Di chúc, thi hài đã được bảo quản và trưng bày. Điều này đã kéo dài 40 năm. Không nên, và không thể tiếp tục. Giải quyết bằng cách nào?
Vì là một nước “nhân dân làm chủ”, dân phải hành động trước. Đảng có chiến dịch “40 năm thực hiện Di chúc”. Tương kế tựu kế, nhân dân kiến nghị yêu cầu Đảng làm gương thực hiện Di chúc trước. Khoản thực hiện đầu tiên, là hỏa táng thi hài Bác đúng theo Di chúc. Bản thảo Di chúc năm 1968 ghi rõ sau khi thiêu xác: “Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”.
Theo đúng Di chúc, Bác đã “chia gia tài”. Mỗi miền kiến nghị đòi phần chia của mình. Trước kia, Đảng có thể phân chia tro giả. Nhưng thời buổi thành viên WTO, muốn tro giả cũng khó, bắt buộc phải hỏa táng Bác. Nhất là bây giờ đã đủ điện, đem thi hài ra “điện táng”, càng đúng ý Bác. Với tro Bác, mỗi miền chiếm một quả đồi, đúng theo Di chúc. Lập công viên, với mả Bác, không bia đá tượng đồng đúng ý Bác, với nhà nghỉ mát mẻ đúng ý Bác. Thế là mỗi miền có một trung tâm du lịch mang tính lịch sử, khối khách tới thăm, tiền nong rủng rỉnh. Tại sao để Hà Nội độc quyền khai thác Bác? Về phía nhân dân, coi như xong!
Về phía Đảng, theo nhận xét của phái viên AFP, bùa Bác đã đến ngày hết linh. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên đem Bác đi chôn? Cũng dễ thôi! Đảng ta từ nhân dân, lúc nào cũng biết rõ nguyện vọng của dân. Sau 40 năm, nhân dân cả nước đã có cơ hội thăm viếng Bác đủ rồi. Theo đúng nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, đã đến lúc nhân dân mỗi miền có quyền được chia phần tro Bác, theo đúng lời Bác dạy. Bước kế tiếp là cho cán bộ về mỗi miền vận động nhân dân kiến nghị đòi chia tro, theo đúng Di chúc. Nơi nào chậm kiến nghị, cho công an đi vận động. Thế là, Đảng chỉ cần hành động theo nguyện vọng của nhân dân, vào dịp kỷ niệm 40 năm giỗ Bác. Chính nghĩa sáng ngời!
Ngoài ra, còn có thể đạt thắng lợi to lớn về mặt quốc tế. Hiện nay, Nga Tầu đều trong thế kẹt với hai cái xác khô, mà chưa biết giải quyết ra sao. Nếu Việt Nam, theo nguyện vọng của nhân dân, đi bước trước thực thi Di chúc Bác, thế nào Nga Tầu cũng bắt chước. Bác viết trong bản thảo Di chúc năm 1988: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ”. Sau khi đi trước Nga Tầu trong vụ giải quyết xác khô, có thể thêm vào lời Bác: “Và làm gương cho hai đàn anh lớn – là Nga và Tầu”.
Với cộng đồng người Việt hải ngoại, người viết có một lời thưa: Thay vì chĩa mũi tấn công vũ bão vào một cái xác khô, không còn làm gì được nữa và đã hết thở từ 40 năm, tại sao không tập trung hỏi tội những kẻ đang cầm quyền, đã và đang làm gì với cái xác đó?
© 2009 Đinh Từ Thức
No comments:
Post a Comment