Saturday, November 13, 2010

Xã Châu Phong – Quỳ Châu – Nghệ An: Mơ chợ, khát điện, cần cầu

Chủ nhật, 14/11/2010 08:19 
 
(BNS) Châu Phong là xã miền núi nghèo bậc nhất của huyện vùng cao Quỳ Châu. Điện lưới 100% không có, đường giao thông liên xã chỉ có trong mùa khô; thiên tai, hạn hán, lũ lụt... kéo theo đói kém, mất mùa, cơ cực. Cả xã có 6.300 nhân khẩu sinh sống tại 17 bản làng, đa phần là dân tộc Thái, đang sống trong cái khó của vùng cao này...


Các em ngồi học dưới ánh đèn dầu leo lét

KHÓ VÀ KHỔ BỦA VÂY
Xã Châu Phong hiện ra trong mắt chúng tôi đang trong những ngày giá buốt mùa đông với giăng giăng sương phủ. Khi vượt một chặng đường dài qua dốc Bù Sén, khe Xốp Cam, khe Nặm Ván, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn sự nghèo khó ở miền đất rẻo cao này với những gương mặt tím tái, đôi bàn chân thô nứt nẻ đến độ bạc màu của các em bé, các mệ bồng con trong những bộ đồ mỏng tang khép nép bên lề đường.

Những đoạn dốc trên đường tới UBND xã Châu Phong lúc ẩn lúc hiện khi thì bị che bởi những khúc cua tay áo, khi bị bao phủ bằng những màn sương mây bảng lảng. Người đưa đường cho chúng tôi là anh Lang Đình Tiệp tâm sự: "Ở đây thì nhiều khó, nhiều khổ lắm. Đấy, ngay cả đường đi cũng khó khăn, mà chưa nói tới những huổi (tiếng thái là khe) mà các em học sinh phải đi qua, mùa này còn đỡ, chứ mùa mưa rất nguy hiểm".


Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Chủ tịch UBND xã Châu Phong

Hiện tại ở xã còn hai điểm khe nữa chưa có cầu cho học sinh qua để đi học. Đó là hai khe bắc qua sông Nậm Cam, đường từ bản Quàng đến bản Tằm của các em học sinh trường THCS Châu Phong II. "Tháng 7-2009 một học sinh lớp 9 trên đường đi học đã bị lũ cuốn may mà có người ở cách đó vài trăm mét nên vớt được. Nhưng thiên tai thì không đi với sự may mắn nhiều nên chúng tôi rất cần có những chiếc cầu bắc qua khe cho các em tới trường được an toàn hơn" - ông Vi Văn Lâm, Trưởng bản Quàng tâm sự.


Trên đường đi học

Công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm, nhưng đây là lần đầu tiên cô giáo Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Châu Phong 2, thấm thía nhiều nhất nỗi khó khăn trong sự nghiệp giáo dục ở miền cao. Cô tâm sự, xã nghèo, huyện nghèo, ngân sách địa phương chi hàng năm cho giáo dục ít ỏi. Dù không phải đóng góp nhiều nhưng, học sinh cũng rất khó để được đến trường. Lý do thì có muôn vàn: nhận thức về chăm lo học tập cho con cái của dân bản còn thấp; nỗi hiểm nguy khi học sinh trèo đèo, lội suối và vượt một quãng đường xa để đến trường; nhiều gia đình không có người làm, nên con cái phải nghỉ học để đi kiếm cái ăn... Do đó mà dù đã nỗ lực, nhưng tỉ lệ phổ cập giáo dục ở đây vẫn còn thấp, số học sinh bỏ học năm sau... cao hơn năm trước. 

Mới chỉ hơn 5 giờ chiều mà các bản đã phải sống trong sự âm u của đêm tối, leo lét dưới những ánh đèn dầu vì ở đây không hề có điện. Những hộ nào sang lắm thì có máy nổ nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì không điện nên mọi việc trên vùng cao này càng thêm khó khăn. Học sinh không có điện thắp sáng để học, những thanh niên mới lớn thì lang thang chơi bời rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Còn những bậc phụ huynh thì chỉ biết... lên giường sớm. Từ đó kéo theo đông con, đói nghèo nối tiếp.

Và trong bữa cơm đạm bạc với gia đình ông Lang Đình Hồng (ở bản Dom II), chúng tôi lại không thể cầm lòng khi biết để có bữa ăn như thế ông đã phải đi chợ xa đến gần 70km. Ông tâm sự: "Nơi đây không có chợ chú ạ, chợ là điều mà chúng tôi mơ ước. Tuy xã đã có xây dựng một khu chợ cho dân buôn bán nhưng chỉ tiếc giờ nó bị bỏ hoang, cho người khác sử dụng rồi. Lý do không phải vì chính quyền không quan tâm mà do ý thức của đồng bào dân tộc mình còn kém, chưa nhận ra tầm quan trọng của chợ...".

MONG SAO NƠI ẤY BỚT NGHÈO
Là một người trẻ mới được tăng cường lên xã Châu Phong làm cán bộ xã, anh Nguyễn Hữu Chỉnh tâm sự: "Vừa trẻ, lại mới được tăng cường lên đây nên tình hình chung tôi cũng chưa thể nắm hết. Nhưng những cái trước mắt như điện, chợ và cầu là điều mà chúng tôi sẽ cố gắng xin hỗ trợ càng sớm càng tốt. Phải có biện pháp để giáo dục cho bà con vùng cao ý thức được rõ hơn về việc học và việc tập trung buôn bán hàng hóa để phát triển kinh tế. Khi đã hiểu rõ hơn chắc chắn họ sẽ làm được".

Điều may mắn là hiện nay một số bà con đã có nhận thức phát triển kinh tế hộ gia đình với việc trồng rừng và chăn nuôi gia súc gia cầm. Như gia đình ông Vi Văn Quyên (Bản Toong I) và gia đình ông Vi Đình Duyên (Bản Dom II). Hy vọng người dân của cả 17 bản sẽ học tập theo để không ai còn nghèo đói.

Dưới bếp lửa nhà sàn, nhiều hộ gia đình chỉ trông chờ vào một nồi rau măng rừng vừa hái được, cái đói cũng làm cho họ không có nhiều sức để đi làm. Trong cái giá rét của mùa đông vùng cao, chúng tôi không thể cầm lòng khi đâu đó bên đường còn có nhiều em bé chỉ có mảnh áo phong phanh, thậm chí áo của các em không còn cúc để cài cho đỡ lạnh. Đôi bàn chân khô cứng, tong teo nứt nẻ đến chảy cả máu vì không có nổi đôi dép để chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt.

Chia tay Châu Phong, tạm biệt những em bé vùng cao, tạm biệt những người "cõng chữ lên núi", chúng tôi chỉ mong mỏi nơi ấy bớt nghèo...
 
 TRẦN ĐỨC HẠNH

No comments:

Post a Comment