SGTT.VN - Giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt heo, đường, đậu… liên tục tăng từ hơn một tháng qua khiến người tiêu dùng trong nước phải chật vật. Chưa dừng ở đó, trong khoảng hơn tuần nay, một số mặt hàng trên lại có dấu hiệu khan hiếm. Theo khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị, nhu cầu mua từ Trung Quốc vẫn đang hút khá mạnh nguồn cung từ các địa phương.
Đường ăn ở Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc 4.000 – 6.000 đ/kg. Ảnh: Hồng Thái |
Anh Vũ, một lái heo chuyên nghiệp ở Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai kể: trong khoảng thời gian hai tháng rưỡi nay, anh và nhiều thương lái khác ở khu vực Gia Kiệm kiếm bộn tiền từ việc thu gom heo cung cấp cho đầu mối xuất đi Trung Quốc. Công việc hàng ngày của Vũ là tìm xem trại nào bán heo, rồi đến kiểm tra, nếu đạt chuẩn xuất khẩu thì đánh xe đến bắt, sau đó bán lại cho các đầu mối chở ra cửa khẩu Móng Cái xuất sang Trung Quốc. "Cứ mỗi ký heo hơi, cánh lái tụi anh ăn chênh lệch vài ba phân (200 – 300 đồng). Trung bình ngày đánh một chuyến (khoảng 100 con) kiếm vài ba triệu khoẻ re", Vũ nói.
Heo tiếp tục bị mua gom mạnh
Theo dân lái heo, thị trường Trung Quốc chuộng heo mỡ chứ không phải loại heo có tỷ lệ nạc cao (60 – 70%) như nội địa. Trần Quang Trung, một lái heo cũng ở Gia Kiệm cho biết, có ngày cao điểm anh gom vài ba xe tải (vài ba trăm con) bán cho đầu nậu. "Có khi tôi chỉ cần biết số điện thoại, địa chỉ trại nào bán rồi chỉ cho cánh đầu nậu phía Bắc tới bắt rồi lấy tiền hoa hồng", Trung nói. Với cách làm quá dễ kiếm tiền như vậy nên Trung bỏ hẳn luôn nghề bán thịt heo ở chợ mối nông sản Tân Xuân, Hóc Môn để lùng heo bán sang Trung Quốc.
Với tốc độ thu gom như vậy, trung bình mỗi ngày có đến vài ba trăm xe tải heo chở ra cửa khẩu, đàn heo ở phía Nam đã có dấu hiệu cạn kiệt. Theo thống kê của trung tâm Thú y vùng VI, tổng đàn heo ở 11 tỉnh khu vực miền Đông hiện vào khoảng 3,5 – 4 triệu con, giảm khoảng 10% so quý 2.
Ngày 25.11, qua giới thiệu, chúng tôi tiếp xúc được với Nam, một đầu nậu ở phía Bắc vào Bà Rịa – Vũng Tàu "gầy" thu gom heo xuất sang Trung Quốc. Nam nói suốt hai ngày nay săn lùng mua heo ở các tỉnh miền Đông, rồi chạy xuống cả đồng bằng sông Cửu Long mà chưa được nổi một xe tải. Nguồn heo quá lứa hiện đã cạn kiệt, bây giờ phải chọn mua cả những con 80 – 100kg nhưng giá phải cao. "Việc mua bán diễn ra ngay bên cửa khẩu của mình. Thương nhân Trung Quốc trả giá, rồi bắt heo và đưa lên xe tải chở về. Mọi thủ tục giấy tờ, thuế họ đều làm cả chứ bọn anh không biết", Nam nói.
Tăng giá và khan hiếm
Theo khảo sát, việc thương lái gom heo xuất ngược qua Trung Quốc không chỉ giúp giá tăng mạnh mà đang gây ra tình trạng khan hiếm cục bộ ở các địa phương. Ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc, tình trạng khan hiếm thịt heo và giá heo hơi có nơi tăng lên 42.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Liên, một lái heo ở Quảng Xương, Thanh Hoá, cho biết heo nuôi trong dân còn rất ít, giá tăng lên 40.000 đồng/kg mà không có để mua. Hiện nay, giá thịt heo đùi bán lẻ tại các chợ nông thôn ở huyện Quảng Xương đã lên đến 80.000 đồng/kg.
Khảo sát ở các chợ bán lẻ tại khu vực quận 1 và quận 3, TP.HCM, giá thịt heo sáng 25.11 đã tăng thêm 3.000 đồng/kg so với một tuần trước đó, và tăng khoảng 8.000 đồng/kg so tháng 10, mức tăng khoảng 10 – 15% tuỳ loại. Nguyên nhân chủ yếu do heo hơi tại các tỉnh phía Nam đạt mức 38.000 – 39.000 đồng/kg, tăng trên dưới 10.000 đồng/kg so với tháng 10.
Mới đây, cục Chăn nuôi – bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng dự báo, nguồn thịt heo phục vụ tết Nguyên đán năm 2010 sẽ hụt khoảng 40.000 tấn.
Không phải ngẫu nhiên mà giá đường trên thị trường leo lên đến 25.000 đồng/kg từ hơn một tháng qua. Ngoài áp lực giá thế giới, nguồn cung nội địa, theo ông Trần Thành Long, chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường cao giá còn do có hiện tượng một số doanh nghiệp đặt mua đường tại nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long, sau đó chở ngược ra phía Bắc xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
"Tôi có một số đầu mối thông tin ở cửa khẩu báo mỗi ngày có 100 – 200 tấn đường được thương nhân Trung Quốc mua của Việt Nam", ông Long nói thêm. So với giá nội địa, mỗi ký đường bán lẻ tại Trung Quốc vẫn cao giá hơn 4.000 – 6.000 đồng góp phần khuyến khích thương nhân chở ra cửa khẩu bán.
Câu chuyện gạo giá cao cuối năm nay, có phần xuất phát từ việc trước đó đã có trên nửa triệu tấn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Một số doanh nghiệp cho biết họ ký hợp đồng số lượng xuất khẩu như mọi năm, trong khi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định sản lượng lúa năm nay tăng khoảng 1 triệu tấn mà nay giá lại tăng cao. Và thực tế, cùng thời điểm này những năm trước thì Việt Nam còn khá nhiều gạo để xuất khẩu, nhưng năm nay thì không. Giá gạo hiện nay tăng tới trên 80% so với cách nay khoảng năm tháng. Giá tăng không chỉ tiêu dùng ăn đắt, mà doanh nghiệp cũng chịu lỗ nặng do không lường trước thị trường, ký hợp đồng từ trước giá thấp.
Tranh mua tại Campuchia
Bánh mứt tết truyền thống, nhóm hàng vào cao điểm tiêu thụ hai tháng cuối năm nay cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu. Theo các chủ cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo, nguồn cung cấp gừng, sen và đậu xanh từ miền Tây gần như không có vì bị thương lái gom xuất sang Trung Quốc. Đáng chú ý là nguồn cung đậu xanh, hạt sen từ Campuchia mọi năm đổ về khá nhiều, năm nay chỉ còn bằng 20% so với năm ngoái do thương nhân Trung Quốc sang bên đó săn lùng mua.
Không dừng ở đó, phía Trung Quốc còn đang tăng cường thu mua nguyên liệu mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài ở các tháng trước với mức giá chưa tăng như hạt nhựa, vải cotton, sợi...
HOÀNG BẢY – BÍCH THUỶ
No comments:
Post a Comment