Sunday, November 28, 2010

Luật sư nói về vụ Vincom kiện Vincon


28/11/2010 14:19:24

 - Về cảm quan, chữ Vincom và Vincon có 5/6 ký tự giống nhau, riêng ký tự cuối là chữ M - N cũng chỉ khác nhau một nét. Các luật sư cho rằng, pháp luật Việt Nam quy định chưa thực sự rõ, tuy nhiên, không phải vì thế mà không có cách xác định…

TIN LIÊN QUAN

Có thể áp dụng tương tự

LS Trần Vũ Hải cho biết: Về hình thức cấu trúc và cách phát âm, người bình thường cũng dễ có sự nhầm lẫn, nói 10 từ "Vincom" và "Vincon" thì thế nào cũng phải lẫn sang nhau 2 - 3 từ. Ở đây là việc một công ty cảm thấy phiền hà khi phải đi giải thích những việc không phải của mình, nhất là khi những việc đó lại thiếu tích cực, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, hình ảnh của họ. 
 

 


Luật Sở hữu Trí tuệ quy định, đã có yếu tố gây "nhầm lẫn" và "tương tự" là vi phạm, tuy nhiên không chỉ rõ mức độ cụ thể như thế nào. Tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 103/2006/NĐ-CP có quy định: "đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu yêu cầu đăng ký với nhãn hiệu khác...".

Theo LS Hải, quy định này nói về nhầm lẫn trong nhãn hiệu nhưng chúng tôi cho rằng có thể áp dụng tương tự với tên thương mại. Tên thương mại xuất hiện khi đăng ký kinh doanh, có một cấu trúc không giống với tên thương mại nào trước đó và có thể phân biệt được.

LS Hải khẳng định: Theo thông lệ giống đến 80% có thể coi là tương tự. Việc công ty Vincon sử dụng các chỉ dẫn thương mại như biển hiệu, hoá đơn chứng từ, tài liệu quảng cáo, cacvisit, các giấy tờ giao dịch... có nhãn hiệu, tên thương mại gây nhầm lẫn với công ty Vincom là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phải bị xử lý.

Liên đới trách nhiệm

Vincon phản hồi về cuộc họp báo của Vincom

Ngày 25/11, Công ty Vincon có bản thông cáo báo chí cho rằng: "Vincon luôn minh bạch khi sử dụng tên thương mại đã được đăng ký và cấp hợp pháp bởi Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội. Mặt khác, trong quá trình xây dựng và phát triển, công ty luôn nhằm đến mục đích tích cực, mang tính xã hội sâu sắc là phục vụ an sinh xã hội, tạo dựng hệ thống nhà ở cho đa số người dân có thu nhập thấp và nhà ở cho sinh viên thuê. Lĩnh vực hoạt động này hoàn toàn khác biệt với công ty Vincom".

Hiện Vincom chưa có bình luận chính thức nào sau khi thông cáo của Vincon được gửi đi.

LS Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, hiện nay luật chưa có quy định cụ thể tên thương mại như thế nào được coi là có thể gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, Luật lại quy định về khả năng phân biệt của tên thương mại để tránh những nhầm lẫn về tên thương mại: "Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện như chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng; Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng".

Như vậy, ta có thể hiểu mức gây nhầm lẫn ở đây là việc sử dụng tên thương mại đó dẫn đến việc người khác dễ nhầm sang một tên thương mại khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Trên thực tế, khi một công ty đã đăng ký kinh doanh bằng một cái tên nào đó thì công ty khác khi đăng ký cũng lấy tên đó hoặc tên có thể gây nhầm lẫn sẽ không được đơn vị đăng ký kinh doanh chấp nhận, chưa nói đến việc công ty trước đó đã đăng ký bảo hộ.

Hơn nữa, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là cấp phép và xử lý những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân và tổ chức. Có lẽ vì lý do đó mà trong Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu có việc làm này thì cơ quan chức năng đó phải chịu trách nhiệm, và mức độ trách nhiệm như thế nào sẽ được xem xét về mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi đó để lại.
 

"Nếu có sai phạm thì sẽ xử lý theo Nghị định 97"

Ông Trần Minh Dũng, chánh thanh tra Bộ KH&CN: Bộ KH&CN đã nhận được đơn khởi kiện của Vincom và đang tiến hành nghiên cứu xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, phía bị kiện có 30 ngày để cung cấp chứng cứ và giải trình về sự việc, sau đó mới tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hai bên có quyền được giải trình, đối chất với nhau để đưa đến kết luận cuối cùng.

Đối với những sự việc liên quan đến lĩnh vực này, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý theo Nghị định 97 về xử phạt hành chính. Thanh tra Bộ sẽ thông báo kết quả đến các bên liên quan ngay sau khi sự việc được làm rõ trong thời gian sớm nhất.

Phán quyết phụ thuộc vào sự công tâm của toà án

TS Trần Anh Tuấn (khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội):  Về tư cách pháp lý, khi Vincom cho rằng quyền lợi của họ bị xâm hại thì họ có quyền khởi kiện lên toà án. Trong vụ việc này, mấu chốt chính là ở chỗ tên thương hiệu Vincon - Vincom có thể gây nhầm lẫn hay không. Nếu gây nhầm lẫn thì ảnh hưởng quyền lợi của nguyên đơn như thế nào, thị trường bị thu hẹp ra sao, rất khó để xác định.

Các điều luật được viện dẫn làm căn cứ pháp lý cho việc khởi kiện đều không quy định cụ thể, rõ ràng những dấu hiệu nào cho thấy dẫn đến nhầm lẫn…

Theo tôi, phán quyết cuối cùng còn phụ thuộc vào sự công tâm của toà án.

 

Hồng Anh


No comments:

Post a Comment